SSI Retail Research vừa công bố cập nhật về xu hướng thị hiếu khách hàng tại Việt Nam. Hãy cùng MarketingAI khám phá sự thay đổi thị hiếu người tiêu dùng và tác động của chúng đến xu hướng tiêu dùng trong những năm gần đây.
Thị hiếu khách hàng là gì?
Thị hiếu khách hàng được hiểu là cảm giác mong muốn tiếp cận cũng như sở hữu một loại hàng hóa, dịch vụ của một người hoặc một nhóm người, xuất phát điểm đến từ việc thỏa mãn yêu cầu từ các giác quan, theo xu hướng ngày càng đề cao việc tính thẩm mỹ, độ hoàn thiện cũng như tiện dụng của nó.
Việc nắm được thị hiếu khách hàng giúp doanh nghiệp có thể dễ dàng đưa ra tư vấn, góp ý đúng trọng tâm, từ đó giúp khách hàng có thể thỏa mãn tối đa nhu cầu của họ. Từ đó tăng khả năng bán hàng và tin dùng sản phẩm của doanh nghiệp.
Vì sao cần phân tích thị hiếu khách hàng
Đến đây chắc hẳn bạn đã hiểu được thị hiếu khách hàng là gì rồi đúng không. Vậy vì sao chúng ta cần phân tích thị hiếu khách hàng? Nếu chúng ta không hiểu được những mong muốn của khách hàng tiềm năng, chúng ta sẽ không thể phát triển được sản phẩm, dịch vụ cũng như thực hiện được các chiến dịch marekting hiệu quả.
Việc phân tích thị hiếu khách hàng là việc rất quan trọng mà mỗi doanh nghiệp cần phải làm. Doanh nghiệp không bán sản phẩm cua họ, mà họ bán sản phẩm người khác cần. Mỗi doanh nghiệp cần ý thức được tầm quan trọng của phân tích thị hiếu khách hàng nhằm liên tục thay đổi và hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thay đổi liên tục của khách hàng. Nếu không sẽ bị đối thủ vượt mặt và bỏ lại phía sau.
Xu hướng thị hiếu khách hàng tại Việt Nam
Hàng tiêu dùng nhanh không còn được ưa chuộng như trước
Market Pulse cho biết, sự sụt giảm doanh thu FMCG trên toàn quốc đã được thể hiện trong cả sáu nhóm ngành hàng lớn, đó là đồ uống, thực phẩm, các sản phẩm từ sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân và thuốc lá. Trong sáu ngành hàng lớn này, chỉ có các nhóm ngành hàng đồ uống và thuốc lá đạt tốc độ tăng trưởng dương, cụ thể là 0,6%. Bốn nhóm hàng còn lại tất cả đều cho thấy sự giảm sút.
Sau khi tăng trưởng ở mức hai con số trong giai đoạn 2011-2014, tiêu thụ hàng FMCG chỉ tăng từ 6-11% ở khu vực nông thôn, và chỉ 0-6% ở khu vực thành thị từ năm 2015. Trong khi tiêu thụ hàng FMCG ở nông thôn thường có xu hướng biến động do chịu ảnh hưởng của thời tiết, thì tiêu thụ hàng FMCG ở thành thị chỉ cao hơn một chút so với lạm phát. Điều đó cho thấy tăng trưởng hàng FMCG đã đạt đến mức bão hòa.
Thị hiếu khách hàng hướng đến những sản phẩm thỏa mãn nhu cầu cá nhân
Khi nhu cầu thiết yếu hàng ngày được đáp ứng đầy đủ, thị hiếu khách hàng Việt đang có xu hướng đến các mặt hàng không thiết yếu: đó là quần áo, mỹ phẩm, nội thất gia đình, smartphone, du lịch,... nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây cũng được coi là một cách làm tự hài lòng và khẳng định bản thân của người tiêu dùng hiện nay.
Nhu cầu cá nhân ngày càng được người tiêu dùng đề cao (Ảnh: AZTech).
Với thị hiếu của người tiêu dùng đang thay đổi: Hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) bị “tụt dốc”, người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu cho những nhu cầu cá nhân. Vậy các xu hướng tiêu dùng sẽ “lên ngôi” trong nửa cuối năm 2018?
Thương mại truyền thống (GT) vẫn giữ ưu thế - thương mại hiện đại (MT) đang tăng trưởng nhanh.
Bộ Công thương cho biết, ở Việt Nam, kênh thương mại truyền thống chiếm 80%, thương mại hiện đại chiếm 18% và 2% đến từ thương mại điện tử trong năm 2017. Tuy nhiên, tăng trưởng doanh thu bán lẻ trong kênh GT lại thấp hơn so với kênh MT trong những năm gần đây. Lý do rõ ràng nhất đó là người tiêu dùng ngày càng có lối sống bận rộn hơn, thị hiếu khách hàng chuyển sang kênh thương mại hiện đại và thương mại điện tử bởi sự tiện lợi, nhanh chóng và dễ dàng.
Đáng chú ý hơn, các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam: Số lượng cửa hàng tiện lợi và siêu thị tăng gấp 17 lần, từ con số 147 năm 2012 lên hơn 2500 cửa hàng vào cuối năm 2017. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này bắt nguồn từ việc cạnh tranh khốc liệt để giành được thị phần, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước (Vinmart, Co.op Food,...) và nước ngoài (Circle K, 7-Eleven, Family Mart…)
Bên cạnh đó, ông Trần Ngọc Thái Sơn - CEO Tiki khẳng định, sự tiếp tục chuyển dịch từ mua sắm offline sang online là điều không thể tránh khỏi trong năm 2018. Hiện nay, thị trường thương mại điện tử Việt Nam chỉ chiếm 3% trong tổng doanh số 80 - 90 tỷ USD của thị trường bán lẻ. Chắc chắn trong tương lại, tỷ lệ này sẽ tăng lên mức 5-10%. Tuy nhiên, thương mại điện tử sẽ chưa thể “hất cẳng” bán lẻ truyền thống.
Thương mại điện tử sẽ “lên ngôi” cuối năm nay?
Mới đây trong một báo cáo nghiên cứu của CBRE Việt Nam, được thực hiện thông qua ghi nhận ý kiến khoảng 1.000 người tại TP HCM và Hà Nội, cho biết, khoảng 25% người tiêu dùng được khảo sát có dự định sẽ giảm tần suất mua sắm tại cửa hàng thực tế. Trong khi đó, 45-50% cho rằng sẽ mua sắm trực tuyến thông qua PC, laptop hay smartphone thường xuyên hơn trong tương lai.
Khi Internet trở nên đa dạng với tốc độ phát triển “chóng mặt”, nước ta hiện có 64 triệu người sử dụng Internet vào cuối năm 2017. Bên cạnh đó, 73% dân số sử dụng điện thoại di động, trong đó smartphone vượt mức 70% theo thống kê của Internet World. Cùng với sự bùng nổ các trang web thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Sendo, Tiki,...) và các nền tảng xã hội như Zalo, Facebook, Viber,.. thì người tiêu dùng ngày càng có xu hướng ưa thích sự tiện lợi, đa dạng và dễ dàng giao dịch mà thương mại điện tử mang lại.
Bởi lẽ, vào năm 2018, nhóm khách hàng có lịch trình bận rộn sẽ có mong muốn tìm đến những dịch vụ thuê ngoài/ trung gian sử dụng thuật toán hoặc sử dụng những thiết bị thông minh cho trải nghiệm mua sắm của mình. Hay nói một cách khác là phương thức tự động hóa trong việc săn lùng, thương lượng, mua hàng, giao hàng, v.v…
Tuy nhiên, năm 2018 sẽ là thời điểm người tiêu dùng hầu như đã rất quen thuộc với mua sắm trực tuyến. Bên cạnh giá cả, chất lượng sản phẩm/dịch vụ cũng là một yếu tố ngày càng được chú trọng. Điều đó là tất nhiên khi càng nhiều người tiêu dùng biết về thương mại điện tử thì thương hiệu, cách phục vụ, nền tảng công nghệ, các dịch vụ gia tăng như vận chuyển, thanh toán, hậu mãi sẽ phải càng hoàn thiện hơn.
Thế hệ trẻ là lực lượng khách hàng chính
Kết quả khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao công bố gần đây cho biết: xu hướng mua bán online ngày càng rõ rệt, đặc biệt với giới tiêu dùng trẻ.
Một khảo sát 2017 về nơi chọn mua sản phẩm cho thấy, mua sắm online mới chỉ chiếm 0,9%. Và chỉ một năm sau, kết quả khảo sát 2018 cho thấy số người tiêu dùng chọn mua online đã tăng gấp 3 lần (2,7%).
Trong đó, các dòng sản phẩm thuộc các ngành hàng như thiết bị - đồ điện tử kỹ thuật cao; đồ chơi - dụng cụ thể thao; mỹ phẩm; chăn gối; dụng cụ làm đẹp; văn phòng phẩm và các mặt hàng thời trang được chọn mua trực tuyến cao nhất (chiếm tỷ lệ từ 10 - 30% người tiêu dùng chọn mua online).
BSA đưa ra bình luận cho hay: “Thị trường mua sắm trực tuyến trở nên sôi động hơn khi người tiêu dùng trẻ tham gia vào việc mua bán trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Đây là một thị trường mang tính tương tác cao, kết nối rộng, thuận tiện trong giao thương,... Thật vậy, mua bán online là miếng đất màu mỡ và giàu tiềm năng để các nhà bán lẻ khai thác, cũng như hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng”.
Kết luận
Thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam luôn luôn có sự thay đổi qua các năm. Để nắm bắt nhanh chóng xu hướng thị hiếu khách hàng , doanh nghiệp luôn cần theo dõi kỳ vọng của họ và đánh giá khả năng đáp ứng những kỳ vọng đó bằng sản phẩm của mình.
Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn