Những chuỗi đồ uống “máu mặt” trên thị trường Việt Nam như Phúc Long, Highland Coffee, Starbucks đã lần lượt gia nhập mạng lưới sản phẩm trên Now, Grabfood, Gojek,... Riêng The Coffee House vẫn từ chối loạt ứng dụng rầm rộ này, nhưng vì đâu “nhà cà phê” lại gửi gắm sản phẩm của mình trên Momo và Loship?
Chấp nhận đi chậm trong cuộc đua “Delivery”
Trong cuộc chiến doanh thu giữa các thương hiệu đồ uống, việc phát triển kênh Delivery được các nhà quản trị đặc biệt chú trọng và đánh giá cao. Ngoài phát triển dịch vụ tự giao hàng, các thương hiệu cũng hợp tác với bên thứ ba để gia tăng doanh số.
Những “siêu ứng dụng” giao đồ ăn như Now, GrabFood, Gojek, BAEMIN,... luôn là sự lựa chọn hàng đầu cho những thương vụ hợp tác này. Hầu hết các nhà hàng, quán xá lớn nhỏ đều góp mặt trong các ứng dụng trên.
Trong khi nhiều doanh nghiệp F&B lựa chọn hợp tác với các nền tảng đặt món ăn trực tuyến, The Coffee House quyết định tự xây dựng ứng dụng riêng. Đồng thời, giải bài toán mà ông Trung Huỳnh - cựu Giám đốc Công nghệ The Coffee House vẫn luôn trăn trở: “Điều quan trọng nhất khi xuất hiện trên nền tảng thứ ba, The Coffee House phải là đơn vị được trực tiếp phục vụ khách hàng”.
Bắt tay với Momo và Loship
Với kênh Delivery, các thương hiệu gần như chỉ quan tâm làm sao có thể giao được hàng cho khách và tăng doanh số. Hợp tác bán hàng trên các ứng dụng giao đồ ăn đã có chỗ đứng trên thị trường luôn là giải pháp được các thương hiệu ưu tiên.
Nhưng tại The Coffee House, họ phát triển kênh Delivery với mục tiêu cuối cùng là phục vụ khách hàng tốt nhất ngay cả khi khách không đến cửa hàng. Họ “lắc đầu” với các “ông lớn” và bắt tay với Momo, Loship.
>> Xem thêm: 5 chiến lược marketing thông minh giúp vực dậy nhà hàng trong bối cảnh Covid-19
“Lấy người dùng làm trọng tâm” - Chiến lược marketing điển hình của những kẻ đến sau
Xuất hiện khi thị trường đồ uống đã trở nên bão hòa, The Coffee House cần chiến lược marketing riêng biệt để tồn tại và ghi điểm trong lòng người tiêu dùng. Thấu hiểu điều đó, thương hiệu đồ uống này không chỉ bán cà phê hay đồ uống đơn thuần. “Nhà cà phê” chọn đánh vào thị trường ngách, tập trung vào dịch vụ, lấy người dùng làm trọng tâm - chiến lược marketing điển hình của những kẻ đến sau.
Với kênh bán trực tiếp, The Coffee House chọn chiến lược phục vụ khách hàng “tới bến”. Không gian sang trọng, thư thái nhưng lại có cảm giác thoải mái và tự nhiên như trong chính ngôi nhà của mình, nhân viên luôn thân thiện, thái độ phục vụ chuyên nghiệp,... tất thảy những yếu tố ấy khiến khách hàng bị ấn tượng ngay từ lần đầu đặt chân đến.
Còn với kênh Delivery, The Coffee House ôm “tham vọng” được trực tiếp phục vụ khách hàng, đây là lý do chính khiến thương hiệu này không bắt tay với các siêu ứng dụng giao đồ ăn như Now, GrabFood hay bất kỳ cái tên nào khác. Thương hiệu này chủ yếu hợp tác với các ứng dụng theo hướng sử dụng tài xế của nền tảng thứ ba như Ahamove, GrabExpress để giao hàng.
Ngoài ra, The Coffee House cũng nghiên cứu và xem xét hành vi của tập khách hàng, khi thấy khách hàng sử dụng Momo nhiều hơn, thương hiệu này ngay lập tức có mặt trên Momo. Trên các app Payment (thanh toán số) được giới trẻ sử dụng nhiều, The Coffee House cũng không ngần ngại tham gia vào.
Chuỗi đồ uống này trực tiếp phục vụ khách hàng, trực tiếp giao hàng hoặc nắm được lịch trình, địa điểm giao để biết khách hàng của mình đang ở đâu. Với những dữ liệu thu thập được, The Coffee House sẵn sàng mở các cửa hàng mới ở những khu vực tiện lợi cho khách hàng, tối ưu chi phí vận hành.
Nhiều thương hiệu đồ uống khác mới “manh mún” ra đời cũng đánh vào thị trường ngách này, nhưng chưa đạt được thành công như The Coffee House. Thương hiệu “Nhà cà phê” kịp xây dựng cho mình chiến lược marketing lấy dịch vụ là nền tảng, giai đoạn đầu chưa đặt nặng áp lực doanh số. Họ sẵn sàng lắng nghe, tìm hiểu và xuất hiện trên mọi điểm chạm của khách hàng, rút ngắn khoảng cách với khách hàng nhất có thể.
Lời kết
Với các ngành dịch vụ như cafe, nhà hàng, dịch vụ chính là yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công cho các chiến lược marketing. Chất lượng dịch vụ hoàn hảo có thể tạo thiện cảm và niềm tin nơi khách hàng, nâng cao hình ảnh thương hiệu trong lòng khách hàng.
Mặc dù là thương hiệu sinh sau đẻ muộn, The Coffee House tưởng chừng như sẽ bị nuốt chửng bởi những thương hiệu, những chuỗi cà phê lớn trong thị trường F&B Việt Nam. Nhưng nhờ có chiến lược lấy dịch vụ làm trung tâm, am hiểu thị trường địa phương, và chú trọng phục vụ khách hàng, The Coffee House đang là một trong những thương hiệu cafe chuỗi có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thị trường hiện nay.
Huyền Nguyễn - Marketing AI
>> Có thể bạn quan tâm: Một số ý tưởng truyền thông cho doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng
Bình luận của bạn