Hàng loạt các TVC “đình đám” gần đây nổi lên với giai điệu bắt tai, ca từ dễ nhớ và truyền tải thông điệp hiệu quả như “Funday is Monday”của Lipton, “Ấn nỗi nhớ, thả giấc mơ” của OMO, hay “Đi để trở về” của Biti’s Vậy điều gì khiến cho âm nhạc hiệu quả hơn các hình thức Marketing khác?
1. Âm nhạc là hình thức truyền tải thông điệp tốt nhất
Bạn đã từng xem chiến dịch truyền thông “Dumb ways to die – Những cách ngốc nghếch để chết”? Đây chiến dịch marketing đã phá kỉ lục tại Cannes Lions và Asian Marketing Effectiveness 2013. Thay vì sử dụng những cách gây shock truyền thống để truyền tải sự nguy hiểm khi không đảm bảo an toàn đường sắt, Melbourne Metro đã chọn cách tiếp cận với giới trẻ bằng âm nhạc vui nhộn, bắt tai và xây dựng câu chuyện có tính giải trí để thuyết phục giới trẻ tự nguyện chú ý về sự an toàn khi ở trạm tàu điện ngầm. Kết quả trong vòng 24h tung ra, bài hát đã chen vào Top 10 của Itunes và trong 1 tuần, video đã đạt hơn 15 triệu view và trở thành Video được lan truyền nhanh nhất của Úc, hơn cả sức ảnh hưởng của Rihanna hay Gangnam Style trên tổng dân số về sự phổ biến.
2. Âm nhạc kể câu chuyện thương hiệu tốt hơn
Với đối tượng là những bạn trẻ đam mê xê dịch, thích khám phá trải nghiệm, Bitis đã thành công khi truyền tải tinh thần Move và kể câu chuyện thương hiệu của mình qua các bài hát “Đi để trở về”, “cuộc đời là những bước chân”... Không thể phủ nhận rằng, bao nhiêu quảng cáo cũng không khiến thương hiệu ghim sâu vào tâm trí người xem bằng một bài hát, nhất là bài hát vừa đánh trúng insight, lại vừa có giai điệu dễ nhớ dễ thuộc và gợi rất nhiều cảm xúc.
Nhiều người miền Trung quá quen thuộc với lời bài hát “Miền Trung non nước hùng vĩ. Con người trời đất giao hoà. Tình yêu từ mưa từ nắng. Khơi dòng cảm xúc tự hào là người miền Trung” trong quảng cáo bia Huda năm 2014. Bài hát đã nhanh chóng trở thành giai điệu quen thuộc cho đến thời điểm hiện tại. Có đến 78% người tiêu dùng cảm thấy tự hào là người miền Trung khi nghe xong bài hát và 55% cho rằng Huda làm mọi người kết nối và gần nhau hơn. (nguồn MillwardBrown). Huda hiện tại đang là thương hiệu dẫn đầu thị trường miền Trung chiếm gần 70% thị phần.
3. Âm nhạc giúp chuyển đổi người xem thành khách hàng nhanh hơn
Khi khách hàng được tiếp xúc với một thương hiệu thông qua âm nhạc, họ phản hồi với cảm xúc tích cực, tạo nên hiệu ứng tốt trong giai đoạn lựa chọn sản phẩm để mua và nâng cao mức đánh giá giá trị sản phẩm. Ngày nay, khi việc gây ấn tượng bằng hình ảnh đã quá quen thuộc, “ear-point” là một touchpoint hiệu quả mà các thương hiệu nên cân nhắc.
Hẳn các bạn vẫn còn nhớ những quảng cáo của Vinamilk với những ca khúc vui tươi rất phù hợp và lôi cuốn các bé. “Trăm phần trăm, Trăm phần trăm. Sữa tươi nguyên chất 100%. Mỗi ngày, mỗi ngày. Chúng tôi là những con bò vui nhộn…”Bài hát có giai điệu rất trẻ thơ, vui nhộn, nó không chỉ làm các bé thích mà còn nhắc nhớ mẹ mua sữa Vinamilk “mỗi ngày”. Cách tiếp cận quá tuyệt vời bằng âm nhạc của Vinamilk.
- Storytelling là gì? Quảng cáo video dẫn dắt kể chuyện
- 6 bài học Marketing quý báu về xây dựng thương hiệu
4. Âm nhạc có thể trở thành tài sản thương hiệu
Chắc chắn giai điệu “Bạn muốn mua tivi - tới điện máy xanh” với chất rock khàn khàn, khó mà dứt ra khỏi tâm trí bạn. Thương hiệu Điện máy xanh là một ví dụ điển hình sử dụng thành công âm nhạc để làm nhận biết thương hiệu.
Khi âm nhạc trở thành đặc điểm nhận biết thương hiệu, nó trở thành một tài sản giúp thương hiệu khác biệt so với đối thủ. Để kiểm chứng thử sự khác biệt này, bạn hãy thử nhớ xem giai điệu nào xuất hiện trong đầu bạn đầu tiên khi nhắc tới Coca-Cola, hay Nokia?
Ngày nay, khi khách hàng bị quá tải với biển thông tin và liên tục bị tấn công bởi quảng cáo theo nhiều cách, một trong những cách Marketing hiệu quả đó là giúp khách hàng giải trí, thư giãn, và khéo léo truyền tải thông điệp trong đó, bằng âm nhạc, tại sao không nhỉ?
Hà Bùi/ Admicro Al
Bình luận của bạn