- Sứ mệnh thương hiệu là gì?
- Ví dụ về sứ mệnh thương hiệu ( Sứ mệnh thương hiệu Viettel)
- Vai trò của sứ mệnh trong chiến lược thương hiệu
- 1. Sứ mệnh thương hiệu giúp định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp
- 2. Sứ mệnh thương hiệu giúp truyền cảm hứng và tạo động lực cho nhân viên
- 4. Sứ mệnh thương hiệu giúp kết nối doanh nghiệp với khách hàng về mặt cảm xúc
- 5. Sứ mệnh hỗ trợ đo lường hiệu quả chiến lược thương hiệu hiệu quả hơn
- Nguyên tắc cần tuân thủ khi xây dựng sứ mệnh thương hiệu
- 1. Tham khảo và đối chiếu đối với sứ mệnh của các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực
- 2. Tối ưu hóa hết sức có thể, tránh rườm rà
- 3. Nên thử nghiệm nội bộ trước khi áp dụng
- Cách xây dựng sứ mệnh thương hiệu chuẩn chỉnh
Sứ mệnh thương hiệu là gì?
Sứ mệnh thương hiệu là những dòng mô tả ngắn gọn về sản phẩm - dịch vụ mà doanh nghiệp đang cung cấp, mục đích tồn tại của doanh nghiệp và sự khác biệt của doanh nghiệp so với đối thủ. Bên cạnh đó, sứ mệnh còn đi sâu vào miêu tả những hành động mà doanh nghiệp cần thực hiện để chinh phục mục tiêu của mình.
Nói như vậy có nghĩa rằng, doanh nghiệp có thể thay đổi và xác định lại sứ mệnh của mình theo từng thời điểm, dựa trên sự thay đổi về mục tiêu phát triển mà doanh nghiệp đã đề ra.
>>> Xem thêm: Giá trị thương hiệu là gì? Doanh nghiệp cần làm gì để nâng cao giá trị thương hiệu?
Ví dụ về sứ mệnh thương hiệu ( Sứ mệnh thương hiệu Viettel)
Sứ mệnh thương hiệu Viettel là một trong những ví dụ tiêu biểu cho thấy sự biến chuyển về mặt tầm nhìn của một thương hiệu qua các thời kỳ. Nếu như trong lần xuất hiện đầu tiên vào năm 2004, Viettel khẳng định sứ mệnh của mình là “phổ cập dịch vụ viễn thông” ở Việt Nam thì đến 2018, sứ mệnh này đã hoàn toàn “lột xác”. Trong tuyên bố mới nhất của mình, Viettel đã tái định vị thương hiệu với một sứ mệnh mới đó là “tiên phong kiến tạo xã hội số”. Đồng thời, doanh nghiệp này đã thực hiện chuyển đổi vai trò từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông sang một nhà cung cấp dịch vụ số. Cùng với đó là thay đổi bộ nhận diện của mình với diện mạo hoàn toàn mới, năng động, mạnh mẽ và bản lĩnh hơn.
Vai trò của sứ mệnh trong chiến lược thương hiệu
Sứ mệnh thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong chiến lược thương hiệu của mỗi doanh nghiệp:
1. Sứ mệnh thương hiệu giúp định hướng cho hoạt động của doanh nghiệp
Sứ mệnh có nhiệm vụ dẫn dắt các hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo sao cho nhất quán và liền mạch nhất. Cụ thể, truyền thông sứ mệnh giúp định hướng hành động, hướng triển khai của doanh nghiệp sao cho bám sát với mục đích phát triển của doanh nghiệp. Mục tiêu càng vững chắc, doanh nghiệp càng được đảm bảo về sự ổn định, tạo niềm tin, củng cố cho mọi hành động trong tương lai.
2. Sứ mệnh thương hiệu giúp truyền cảm hứng và tạo động lực cho nhân viên
Sứ mệnh thương hiệu khi được lan tỏa mạnh mẽ, sẽ giúp doanh nghiệp thu hút được nhiều “nhân tài” hơn. Bên cạnh đó, sứ mệnh cũng giúp nhân viên trong nội bộ doanh nghiệp gắn kết với nhau, hiểu rõ hơn về các thế mạnh và điểm yếu của bản thân cũng như ý thức ơn về vai trò của mình trong doanh nghiệp. Qua đó, tạo động lực và cảm hứng để mỗi nhân sự phấn đấu, phát huy tài năng của mình, phục vụ cho lợi ích chung của doanh nghiệp.
4. Sứ mệnh thương hiệu giúp kết nối doanh nghiệp với khách hàng về mặt cảm xúc
Không chỉ dừng ở lại ở yếu tố chất lượng hay mức giá, điểu khiến khách hàng gắn kết hơn với doanh nghiệp lại đến từ cảm xúc của họ với thương hiệu. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp xóa nhòa khoảng cách đối với khách hàng của mình thông qua cách thức truyền thông sứ mệnh thương hiệu. Trong đó, những hoạt động mang tính kết nối và nhất quán sẽ giúp doanh nghiệp định hình nét văn hóa riêng, củng cố niềm tin và tạo nên dấu ấn sâu đậm trong tâm trí khách hàng.
5. Sứ mệnh hỗ trợ đo lường hiệu quả chiến lược thương hiệu hiệu quả hơn
Sứ mệnh thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong mỗi chiến lược thương hiệu. Sứ mệnh định hình phong cách, khẳng định giá trị, vị thế riêng cho nhóm đối tượng khách hàng doanh nghiệp đang hướng tới. Nói như vậy, khi bám sát vào sứ mệnh của mình, các chiến dịch truyền thông doanh nghiệp thực hiện sẽ đi theo hướng chung nhất, khả năng ít bị sai lệch hơn.
Nguyên tắc cần tuân thủ khi xây dựng sứ mệnh thương hiệu
Có 3 nguyên tắc chính mà bạn cần tuân thủ khi xây dựng sứ mệnh thương hiệu:
1. Tham khảo và đối chiếu đối với sứ mệnh của các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực
Để có thể xây dựng tầm nhìn và sứ mệnh của thương hiệu chuẩn chỉ, đúng quy chuẩn và cá tính, doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu chỉn chu ngay từ ban đầu. Trước tiên cần nghiên cứu về những đặc điểm nội tại của doanh nghiệp tiếp đó là có sự so sánh đối chiếu với các đối thủ khác cùng ngành. Cụ thể, cần làm rõ các vấn đề sau:
- Những điểm nào là điểm khác biệt của đối thủ? Vì sao lại khác biệt?
- Họ đang truyền tải thông điệp gì đến với khách hàng?
- Thông điệp truyền đi có mang lại hiệu quả hay không?
- Doanh nghiệp của bạn đang mong muốn điều gì?
- Những từ ngữ nào đối thủ đã sử dụng và bạn cần tránh?
Cuối cùng, hãy liệt kê ra những mục tiêu trong chiến lược thương hiệu của doanh nghiệp đảm bảo phù hợp với tình hình hiện tại.
2. Tối ưu hóa hết sức có thể, tránh rườm rà
Sau khi đã lên được dàn ý cơ bản cho sứ mệnh thương hiệu của mình, tiếp theo bạn cần làm đó là dành thời gian để tinh chỉnh lại dàn ý cho thật hiệu quả và hoàn hảo. Cần lưu ý thêm, trong quá trình xây dựng sứ mệnh thương hiệu cần phải trung thực trong những lời cam kết để xây dựng lòng tin với khách hàng.
3. Nên thử nghiệm nội bộ trước khi áp dụng
Sứ mệnh thương hiệu không chỉ là “thông điệp” truyền đi cho khách hàng mà còn là kim chỉ nam định hướng hành động cho doanh nghiệp và sợi dây kết nối, tạo động lực cho các nhân sự trong công ty. Do đó, để biết được sứ mệnh có thành công hay không, hãy để chính nhân sự trong công ty đưa ra lời nhận định.
Nói cách khác, để biết sứ mệnh thương hiệu đã đủ mạnh và uy tín hay chưa, bạn cần truyền thông thử nghiệm trong nội bộ trước khi áp dụng ra bên ngoài. Chỉ khi các nhân viên trong công ty đều hài lòng và sẵn sàng tiếp sức cho sứ mệnh, khả năng sứ mệnh thương hiệu khi truyền đi mới có thể phát huy tối đa sức mạnh của mình.
Cách xây dựng sứ mệnh thương hiệu chuẩn chỉnh
Xây dựng sứ mệnh thương hiệu là một công việc quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của các nhân sự, các bộ phận liên quan. Trong đó, quá trình xây dựng một sứ mệnh thương hiệu cần đi qua 3 bước chính:
Bước 1: Nghiên cứu
Bước đầu tiên trong xây dựng sứ mệnh thương hiệu doanh nghiệp cần tập trung nguồn lực để nghiên cứu các yếu tố liên quan như: khách hàng, thị trường, doanh nghiệp, đối thủ,... Từ đó, tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi:
- Khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp là ai? Họ có những đặc điểm gì?
- Doanh nghiệp mong muốn đạt được những giá trị nào?
- Điều gì khiến doanh nghiệp khác biệt so với các đối thủ của mình?
- Sứ mệnh thương hiệu mà đối thủ cạnh tranh đã tuyên bố là gì?
Bước 2: Phác thảo ý tưởng
Sau khi đã thu thập được các thông tin ở bước 1, việc tiếp theo bạn cần làm là phác thảo nên những ý tưởng cho sứ mệnh thương hiệu. Những ý tưởng này được xây dựng dựa trên 3 yếu tố:
- Mục đích
- Giá trị cốt lõi
- Điểm khác biệt của thương hiệu
Ở bước này hãy cố gắng sáng tạo càng nhiều ý tưởng càng tốt. Lưu ý chọn những từ ngữ dễ hiểu và ý nghĩa nhất, nội dung sứ mệnh thể hiện mạnh mẽ những khát vọng của thương hiệu và phải để lại ấn tượng cho khách hàng. Bạn có thể tham khảo ý kiến của các bộ phận liên quan như Sale, R&D để củng cố thêm cho tính khả thi và hiệu quả của sứ mệnh thương hiệu.
Bước 3: Đúc kết thành một sứ mệnh thương hiệu ngắn gọn nhất
Ở bước cuối cùng, bạn cần tóm gọn sứ mệnh thương hiệu dưới dạng 1 câu hoặc 1 đoạn văn ngắn gọn và súc tích nhất. Trong đó, sứ mệnh phải thể hiện rõ mục tiêu chung doanh nghiệp đang hướng đến cũng như các giá trị mà doanh nghiệp mang lại cho công đồng.
Mặc dù sứ mệnh có thể thay đổi trong từng thời kỳ nhưng hãy cố gắng hết sức để tạo dựng nên những sứ mệnh có giá trị lâu dài nhất. Điều này giúp bạn thể hiện sự chuyên nghiệp của doanh nghiệp, gia tăng sự uy tín trong mắt khách hàng và đối tác.
>>> Xem thêm: 3 cách xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp ít tốn kém nhất
Tạm kết:
Có thể thấy rằng, sứ mệnh thương hiệu là nhân tố quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi doanh nghiệp. Sứ mệnh càng súc tích và giàu giá trị, khả năng kết nối khách hàng càng cao, doanh nghiệp càng có cơ hội phát triển. Hãy tham khảo ngay những kiến thức về sứ mệnh thương hiệu là gì được Marketing AI chia sẻ trên đây để xây dựng sứ mệnh thương hiệu chuẩn chỉ nhất, giúp bạn tạo được ấn tượng sâu đậm trong lòng khách hàng, khẳng định vai trò doanh nghiệp trên thị trường chung.
Bình luận của bạn