cover

Nhìn lại xu hướng tìm kiếm trên TikTok: Mục tiêu và từ khóa của người dùng hoàn toàn khác so với Google

17 Thg 04

Từ một trang mạng xã hội giải trí, hiện nay TikTok đã trở thành một "đối thủ" đáng gờm của Google khi được rất nhiều người dùng sử dụng cho mục đích tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng, thương hiệu có thể áp dụng các chiến lược tối ưu tìm kiếm, sử dụng từ khóa của Google lên TikTok bởi hành vi trên hai nền tảng này hoàn toàn khác biệt. Trong bài viết này cùng nhìn nhận lại cách thức người dùng đang sử dụng TikTok và chiến lược để thương hiệu đón đầu xu hướng tìm kiếm trên nền tảng này.

Hiện nay có khoảng 46% Gen Z đang tìm kiếm thông tin trên các nền tảng mạng xã hội thay vì các công cụ tìm kiếm truyền thống. Một trong những nguyên nhân dẫn tới xu hướng đó phải kể đến sự trỗi dậy của video ngắn - mang lại những nội dung hướng dẫn, đánh giá, demo sống động và chân thật hơn nhiều so với những dòng chữ khô cứng. 

Nắm bắt xu hướng đó, TikTok đã giới thiệu “Search Ads Campaigns” vào tháng 9/2024, cho phép các thương hiệu  có cơ hội xuất hiện ngay tại khu vực kết quả tìm kiếm trên nền tảng. Dù vậy, phần lớn marketer vẫn đang loay hoay với bài toán cân bằng giữa hai nhu cầu khám phá và giải trí trên cùng một nền tảng như vậy. 

#1. Định hình lại về hành vi tìm kiếm trên TikTok

TikTok đang định hình một cách tiếp cận tìm kiếm khác biệt so với khuôn mẫu quen thuộc của Google. Nếu trước đây, mục tiêu của tìm kiếm là đưa người dùng rời nền tảng để truy cập website của thương hiệu, thì trên TikTok, người dùng đến để giải trí thay vì nhấp chuột vào một đường link khác. 

Do đó, đối với quảng cáo tìm kiếm trên TikTok, thay vì đo bằng số lượt click ra ngoài (đi tới website), thì nên ưu tiên đo lường mức độ tương tác ngay trong nền tảng – ví dụ như người xem có dừng lại xem không, xem bao lâu, có tương tác không. Đối với nền tảng này, những chỉ số như tỷ lệ xem video (view rate) sẽ quan trọng hơn nhiều so với tỷ lệ nhấp ra ngoài (click-through rate). 

Ngoài ra thương hiệu cũng cần điều chỉnh về cách thức đánh giá hiệu quả. Thay vì đo lường tỷ lệ chuyển đổi ở những lần click, thương hiệu nên sử dụng những phương pháp đo lường chuyên sâu hơn như: Brand lift studies giúp đánh giá mức độ ghi nhớ, yêu thích và ý định mua hàng của người dùng sau khi xem nội dung hoặc Media Mix Modeling (MMM) phân tích toàn bộ các kênh truyền thông – từ TV, mạng xã hội đến digital – để xác định đâu là yếu tố thật sự tạo ra hiệu quả. 

Định hình lại về hành vi tìm kiếm trên TikTok

>>> Bạn có thể quan tâm: Giải mã thủ thuật "gây nghiện" của TikTok

#2. Xem xét lại về chiến lược từ khóa

Cùng là hành vi tìm kiếm nhưng thương hiệu không thể áp dụng chiến lược từ Google vào TikTok. Trên Google, các từ khóa liên quan đến thương hiệu và đối thủ giúp gia tăng thứ hạng mức độ tương tác và chuyển đổi. Tuy nhiên, trên TikTok, người dùng hiếm khi tìm kiếm thương hiệu trực tiếp.

Vậy làm thế nào để chọn đúng từ khóa người dùng tìm kiếm trên TikTok? Hiện nay, công cụ nghiên cứu từ khóa của TikTok chỉ có thể ước tính cơ bản về khối lượng tìm kiếm. Vì vậy hãy truy cập trực tiếp vào nền tảng, xem các hashtag phổ biến có liên quan đến thông điệp của thương hiệu hay không và chọn những hashtag phổ biến nhất, phù hợp nhất. Từ đó, nhập các thuật ngữ này vào thanh tìm kiếm của TikTok để kiểm tra kết quả tự nhiên. Nội dung càng phù hợp với thông điệp của thương hiệu thì từ khóa càng nhắm mục tiêu hiệu quả hơn. 

Phương pháp nghiên cứu từ khóa này giúp người dùng khai thác các xu hướng tìm kiếm mới nhất, những từ khóa mà người dùng thường sẽ không bao giờ cân nhắc tìm trên Google.

#3. Nên sáng tạo nội dung trực quan, giới thiệu sản phẩm từ đầu

Các chiến dịch tìm kiếm trên TikTok sẽ có chi phí cao hơn so với các chiến dịch trong feed truyền thống vì phạm vi tiếp cận nhỏ hơn. Tuy nhiên, những người tiếp cận qua chiến dịch tìm kiếm có tiềm năng cao sẽ xem nội dung và tương tác với thương hiệu của bạn hơn quảng cáo truyền thống. Theo khảo sát, chiến dịch tìm kiếm đã mang lại tỷ lệ xem cao hơn 1,3 lần so với các chiến dịch tiếp cận In-feed.

Về nội dung, các xu hướng sáng tạo nội dung TikTok vẫn áp dụng sẽ được áp dụng cho chiến dịch tìm kiếm, trong đó các nội dung do content creator và do người dùng tạo ra luôn có sức hút mạnh mẽ hơn nội dung đơn thuần từ thương hiệu. Người xem thường ưa thích những quảng cáo cảm giác tự nhiên, không làm gián đoạn dòng chảy nội dung trên nền tảng.

Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt thương hiệu cần lưu ý đó là những video tìm kiếm được xem lâu nhất thường giới thiệu sản phẩm ngay từ đầu. Bởi khi thực hiện tìm kiếm, người dùng đã có một mục đích rõ ràng, họ đang tìm một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể. Vì vậy, họ sẽ ưu tiên nội dung đi thẳng vào vấn đề, các video nên đặt sản phẩm lên đầu, càng rõ ràng và trực tiếp càng thu hút người dùng hơn. 

Định hình lại về hành vi tìm kiếm trên TikTok

#4. Xem lại cách đo lường chuyển đổi cuối cùng

Tìm kiếm từ lâu vẫn được xem là điểm cuối của một phễu – nơi người dùng đã sẵn sàng để mua sản phẩm và tạo ra chuyển đổi cho thương hiệu. Nhưng với TikTok, hành vi tìm kiếm diễn ra ở mọi giai đoạn trong hành trình người dùng, khiến việc áp dụng mô hình “chuyển đổi cuối cùng” (last-click attribution) trở nên bất hợp lý với TikTok. Nếu chỉ dựa vào chỉ số này bạn sẽ cảm thấy TikTok là một kênh kém hiệu quả và dần bỏ lỡ những hiệu quả khác mà nó mang lại.

Hiện nay, các công cụ đo lường nâng cao, đặc biệt là mô hình học máy dựa trên xác suất (probabilistic ML models), đang giúp thương hiệu đánh giá đúng hơn về giá trị mà TikTok mang lại. Các mô hình này cho thấy mức hoàn vốn quảng cáo (ROAS) của TikTok tăng cao hơn cả YouTube hoặc các chiến dịch tối ưu hiệu suất như Performance Max.

Do đó, đo lường vẫn là điều cần thiết cho các chiến dịch quảng cáo, nhưng thương hiệu cần có góc nhìn rộng hơn. Thương hiệu nên kết hợp các mô hình MMM (Media Mix Modeling) – để có cái nhìn tổng quan hơn, đánh giá đúng vai trò của tìm kiếm xã hội và không bỏ lỡ những kênh hiệu quả thực sự. 

>>> Xem thêm: Bán hàng trên TikTok 2025: Những xu hướng chinh phục người tiêu dùng

Lời kết

Trong tương lai gần, Google vẫn sẽ giữ vững vị thế là một nền tảng tìm kiếm chủ lực, nhưng cách người dùng tìm kiếm thông tin sẽ có sự phân chia lại giữa các nền tảng. Đặc biệt, TikTok sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình lên thế hệ trẻ, xu hướng tìm kiếm trên nền tảng này gần như chắc chắn sẽ tăng trưởng trong thời gian tới. Thương hiệu cần hiểu rõ đặc thù của hệ sinh thái tìm kiếm trên TikTok, sáng tạo nội dung lấy sản phẩm làm trọng tâm và điều chỉnh chiến lược từ khóa sao cho phù hợp với môi trường mạng xã hội. 

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.