cover

Recap Workshop "Xu hướng Content Marketing hậu COVID-19"

06 Thg 07

Với mong muốn trở thành cầu nối giữa các marketers, chủ doanh nghiệp với các chuyên gia hàng đầu trong ngành, MarketingAI luôn hướng tới giá trị để mang lại những buổi hội thảo chuyên đề có giá trị chuyên...

Với mong muốn trở thành cầu nối giữa các marketers, chủ doanh nghiệp với các chuyên gia hàng đầu trong ngành, MarketingAI luôn hướng tới giá trị để mang lại những buổi hội thảo chuyên đề có giá trị chuyên môn cao, tập trung giải quyết các vấn đề nóng hổi của thị trường. Workshop “Xu hướng Content Marketing hậu COVID-19” chính là một phần trong chuỗi sự kiện đó. Ra đời với mong muốn giúp các doanh nghiệp tìm ra hướng đi trong giai đoạn đầy khó khăn này, workshop đã diễn ra thành công tốt đẹp với khoảng thời gian chia sẻ và học hỏi tuyệt vời cùng đông đảo các manager, Young marketers, và cả các bạn sinh viên. Hãy cùng MarketingAI điểm qua những ý chính có trong buổi workshop.

Sự kiện dành cho các Marketer quan tâm đến xu hướng Content Marketing hậu COVID-19

Với mục tiêu cốt lõi là đem lại những giải pháp góp phần giúp cộng đồng vượt qua khoảng thời gian khó khăn hậu đại dịch, workshop “Xu hướng Content Marketing hậu COVID-19” không chỉ đưa đến những góc nhìn tổng quan về xu hướng Content Marketing nửa đầu 2020, giai đoạn biến động của nền kinh tế trước ảnh hưởng của COVID-19, giải pháp cho marketers trong trạng thái “bình thường mới” mà còn là những kiến thức vô cùng hữu ích về thị trường KOLs sau dịch và cách triển khai nội dung - “DỤNG” KOLs làm sao cho KHÉO trong thời đại hiện nay.

Bên cạnh những kiến thức chuyên sâu đầy giá trị, màn chia sẻ của cả hai diễn giả còn gây ấn tượng khi kiến thức được lồng ghép vào các case study thực tế, đem đến những câu chuyện truyền thông hấp dẫn với góc nhìn hết sức mới lạ khiến khán giả phải “trầm trồ”. Ban tổ chức vô cùng vinh dự khi nhận được lời mời tham dự của hai diễn giả trong workshop vừa qua:

  • Anh Lại Tuấn Cường - CEO Repu Digital, Partner Silver của HubSpot tại Việt Nam
  • Anh Nguyễn Hùng Lâm - CEO & Co-founder Bread n’ Tea & Admin tại Cộng đồng Booking KOLs Việt Nam

Recap Workshop "Xu hướng Content Marketing hậu COVID-19"- Ảnh 1.

Workshop “Xu hướng Content Marketing hậu COVID-19” được chia làm 2 phần thảo luận chính:

  • Chiến lược Content Marketing hậu COVID-19
  • Xây dựng nội dung cho chiến dịch Influencer Marketing

Trong phần 1 - Chiến lược Content Marketing hậu COVID-19, anh Lại Tuấn Cường đã đưa ra góc nhìn tổng quan về những thay đổi trong hành vi tiêu dùng hậu đại dịch của người dân Việt Nam cũng như trên thế giới, từ đó, rút ra kinh nghiệm và bài học cho các marketers trong giai đoạn lên chiến lược Content Marketing trong các chiến dịch sau này. Anh đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp giúp cho các doanh nghiệp có thể thích nghi với tình trạng này một cách nhanh chóng và đạt hiệu quả cao nhất.

Tiếp nối phần 2, anh Nguyễn Hùng Lâm - diễn giả với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành báo chí cũng như 3 năm kinh nghiệm làm việc với các nhãn hàng, KOLs hàng đầu Việt Nam, đã có những chia sẻ chân thực về ngành “Booking KOLs” nói chung và bí kíp xây dựng mối quan hệ với KOLs nói riêng. Anh cũng đưa ra lý do tại sao nên chọn KOLs để làm marketing trong thời đại dịch và làm sao để có thể sản xuất Content phù hợp với các KOLs trong thời đại mới.

Phần 1: Xu hướng Content Marketing nửa đầu 2020 và giải pháp cho các marketers thời hậu đại dịch

Mở đầu buổi trò chuyện chia sẻ bằng chính câu chuyện chi tiêu đến từ bản thân và gia đình mình, diễn giả Lại Tuấn Cường hài hước chỉ ra rằng, hành vi tiêu dùng và mối quan tâm của người dân Việt Nam đã thực sự thay đổi trong thời gian diễn ra dịch bệnh và ngay cả khi hết dịch. Mọi người mua hàng online nhiều hơn, lên online nhiều hơn và suy nghĩ về vấn đề dài hạn nhiều hơn. Anh đưa ra những số liệu nghiên cứu cụ thể đến từ các nguồn tin cậy như New York Times, HubSpot, v.v… để khẳng định rằng, marketing nói chung và content marketing nói riêng cần phải thay đổi.

“Khách hàng ở đâu thì Marketing ở đó” - chúng ta không thể marketing một cách hời hợt như trước, ngay cả các cửa hàng sống bằng “offline” suốt nhiều năm qua cũng phải lên kế hoạch cho việc bán hàng đa kênh, mang tới khách hàng những thông tin hữu ích, cụ thể và mang tính xác thực nhiều hơn (thông qua website, google maps,vv…) để từ đó nhanh chóng thích nghi với hành vi tiêu dùng mới của khách hàng. Theo đó, anh cho rằng xu hướng Content Marketing sẽ dịch chuyển theo 3 hướng sau:

  • Tỷ lệ tương tác với nội dung tăng lên
  • Con người hơn lợi nhuận
  • Dài hạn thay vì ngắn hạn

Giải thích cho 3 xu hướng này, anh chia sẻ một thực tế mà có lẽ bất cứ một ai trong chúng ta đều nhận ra, đó là việc khi người dùng ở nhà nhiều hơn, chi tiêu và mối quan tâm dành cho các ngành liên quan đến thương mại điện tử, chăm sóc cá nhân, gia đình, bảo hiểm, v.v… gia tăng đột biến, trong khi nhiều ngành khác như du lịch, nhà hàng khách sạn, v.v… sụt giảm nghiêm trọng.

Khi giãn cách xã hội kết thúc, người dân đi làm lại chính là lúc họ nhận ra rằng, cuộc sống đã không còn như trước. Việc nhiều công ty tuyên bố phá sản, thực hiện cắt giảm lương, thị trường tuyển dụng khó khăn, v.v… chính là những lý do khiến mọi người bắt đầu nghĩ về một tương lai dài hạn hơn thay vì lợi ích trước mắt. Không còn hàng hiệu xa xỉ, không còn chi tiêu hoang phí, người dân tập trung vào các mặt hàng thiết yếu và nghĩ cho cuộc sống lâu dài về sau.

Recap Workshop "Xu hướng Content Marketing hậu COVID-19"- Ảnh 2.

Kể từ đây, các doanh nghiệp bắt đầu nhận ra rằng, khách hàng của họ đang gặp khó khăn và đây là lúc họ cần phải giúp đỡ khách hàng. Xu hướng “Con người hơn lợi nhuận” ra đời từ đó. Diễn giả Lại Tuấn Cường đặc biệt nhấn mạnh xu hướng này, anh nói: “Câu hỏi đầu tiên mà các bạn cần đặt ra trong thời điểm này chính là làm thế nào để tạo ra các Content có thể giúp đỡ khách hàng của mình. Khi cảm thấy được giúp đỡ, khách hàng sẽ tin mình, yêu mình, từ đó thúc đẩy hành động mua hàng.” Theo đó, anh chia sẻ 2 giải pháp chính các thương hiệu cần bám sát trong giai đoạn hậu dịch:

  • Tập trung vào “Giúp đỡ” - Inbound Marketing (xây dựng các chương trình hỗ trợ khách hàng miễn phí, tặng khóa học miễn phí, tạo cộng đồng, thường xuyên livestream, đào tạo trực tiếp,vv…)
  • Lựa chọn kênh truyền thông phù hợp (giảm tần suất post bài và quảng cáo, tập trung vào chất lượng và các kênh truyền thông miễn phí và mang tính dài hạn hơn - website, email marketing, chatbot, mạng xã hội, v.v…)

Recap Workshop "Xu hướng Content Marketing hậu COVID-19"- Ảnh 3.

Các thương hiệu hãy luôn nhớ rằng, nếu quan tâm đến lợi nhuận hơn là con người, thì bạn sẽ mất dần niềm tin từ khách hàng. Nghĩ tới khách hàng nhiều hơn, tập trung vào các hoạt động lấy khách hàng làm trọng tâm, thay vì vì tiền thì hãy vì người sẽ giúp các bạn có được “hậu phương” vững chắc ủng hộ vượt qua trận chiến này.

Phần 2: Xây dựng nội dung cho chiến dịch Influencer Marketing

Tiếp nối phần 2, anh Nguyễn Hùng Lâm chia sẻ về chủ đề vô cùng hấp dẫn trên thị trường hiện nay - Influencer Marketing. Mở đầu chủ đề, anh Lâm gây ấn tượng với câu quote đầy ẩn ý - “DỤNG” KOLs sao cho KHÉO. Câu nói đúc kết từ kinh nghiệm của anh khi làm việc với KOLs - những con người với cái tôi cá nhân đầy mạnh mẽ thì phải làm sao cho thật khéo, không chỉ là việc đối nhân xử thế thông thường mà còn thể hiện được sự gắn kết, tâm tình như với bạn bè thân thiết. Chia sẻ về lý do tại sao nên chọn KOLs cho các chiến dịch, anh Lâm cho rằng Influencer Marketing sở hữu 3 điểm mạnh sau:

  • Platform mới với chi phí hợp lý. Tuy có đắt nhưng “đắt xắt ra miếng”
  • Hiệu quả. Tính riêng việc đến các small business hiện nay cũng liên hệ booking KOLs đã đủ thấy hiệu quả của các chiến dịch Influencer Marketing hiện nay
  • Dễ dàng truyền tải thông điệp của sản phẩm và tạo được ảnh hưởng tích cực

Recap Workshop "Xu hướng Content Marketing hậu COVID-19"- Ảnh 4.

Vậy thì các thương hiệu nên sản xuất nội dung cho KOLs như thế nào? Nói đến đây, diễn giả Nguyễn Hùng Lâm nói đến một "vấn nạn" trong ngành, đó là việc các KOLs cho rằng nhãn hàng có xu hướng thích “nhét chữ vào mồm” họ, trong khi đấy, các nhãn hàng thì cũng chẳng mấy hài lòng là bao khi họ bỏ tiền ra nhưng lại không có "quyền được nói". Vậy vấn đề ở đây là gì? Anh Lâm chia sẻ 3 cốt lõi chính mà các nhãn hàng cần nắm vững khi muốn làm việc với các KOLs hiệu quả:

  • Hiểu KOLs là ai? Tức là bạn phải hiểu được nhu cầu, sở thích của họ lẫn fans của họ một cách chi tiết
  • Hiểu được sở trường của KOLs đó là gì để chọn ra content angle, format ý tưởng phù hợp.
  • Ứng dụng ý tưởng thành sản phẩm thực tế và liên tục đánh giá hiệu quả “real-time”

Ngoài ra, đối với các nội dung trên các kênh truyền thông, anh nhấn mạnh các nhãn hàng cần phải tập trung vào sự sáng tạo đầu tiên. Về mặt “visual”, yếu tố “lạ” sẽ được đặt lên hàng đầu. Về mặt câu chữ, các thương hiệu cần phải khơi gợi được hành động của khán giả thông qua đoạn caption ngắn gọn, cho dù là tranh luận, ủng hộ hay bất cứ hành động nào khác. Liên quan đến kênh truyền thông cho Influencer Marketing, ngoài Facebook, Instagram và TikTok đều là hai kênh tiềm năng mà anh Lâm cực kỳ “recommend” - khi đó, hình thức Content Marketing không chỉ là câu chữ mà còn là game AR, quiz,vv… liên quan đến KOLs.

Recap Workshop "Xu hướng Content Marketing hậu COVID-19"- Ảnh 5.

Trong phần chia sẻ cuối, anh Lâm nhắc tới chủ đề mà không ít marketers rất quan tâm hiện nay, đó là làm thế nào để xây dựng mối quan hệ với các KOLs? Chia sẻ một cách chân thực, anh Lâm cho rằng ở góc độ cá nhân, một Account Executive phải cực kỳ coi trọng đức tính chăm chỉ, chịu khó và khéo léo khi làm việc với người nổi tiếng. Khi đó, họ sẽ dễ dàng thông cảm và thiếu hiểu KOLs hơn cũng như xử lý một cách khôn khéo những tình huống "éo le" sẽ gặp phải trong công việc.

  • Ở góc độ một agency, làm sao để “dụng” KOLs một cách hiệu quả nhất cho nhãn hàng là yếu tố mà các agency phải đặt lên hàng đầu, chứ không phải vấn đề về lợi nhuận. Ngoài ra, sự cân bằng trong mối quan hệ với KOLs và đức tính chăm chỉ vẫn là yếu tố không thể thiếu.
  • Đối với KOLs, bạn đặc biệt phải ghi nhớ 3 điều sau: “Thấu hiểu KOLs - Đứng về phía KOLs và Làm việc uy tín.

Q&A giao lưu giữa diễn giả và khán giả tham dự workshop

Recap Workshop "Xu hướng Content Marketing hậu COVID-19"- Ảnh 6.

Câu hỏi 1: (Dành cho diễn giả Nguyễn Hùng Lâm)

Brief dành cho KOLs với mục đích branding hơn là push sale thì nên được xây dựng như thế nào? Ngoài ra, anh có thể cho em xin lời khuyên về cách làm việc với các KOLs GenZ được không? 

Câu trả lời của diễn giả Nguyễn Hùng Lâm

Ý 1: Không thể gửi brief cho KOLs được mà sẽ gửi content và mục đích thương hiệu mong muốn cho KOLs - đề bài và đối tượng mà thương hiệu hướng đến để KOLs có thể chọn ra một mục đích phù hợp với điểm mạnh của họ. Ngoài ra, nên tách bạch mục đích: branding và push sale cho từng chiến dịch chứ không nên kết hợp. Nếu kết hợp thì nên sử dụng cả hai đối tượng KOLs - Nano hoặc Micro-Influencer cho mục đích push sale và Macro hoặc Mega-Influencer cho mục đích branding.

Ý 2: Làm việc với KOLs rất khó, không hề đơn giản. Em có thể tham khảo lời khuyên trong bài chia sẻ trên hoặc tham khảo những lời tư vấn từ các agency chuyên nghiệp với từng trường hợp cụ thể, để có lời khuyên đích xác nhất.

Câu hỏi 2: (Dành cho diễn giả Lại Tuấn Cường)

Việc nhét thêm cụm từ “dịch COVID-19” hoặc “hậu đại dịch” quá nhiều liệu có khiến nhiều khán giả khó chịu không cũng như khiến loãng hình ảnh thương hiệu trong mắt khách hàng hay không, trong bối cảnh người dân Việt Nam đang quay trở lại với nhịp sống bình thường? 

Câu trả lời của diễn giả Lại Tuấn Cường

Tất nhiên, cái gì quá đều không tốt. Ít thì thiếu còn nhiều quá thì bị thừa, nhưng bao nhiêu là thừa thì không ai nói. Nhưng em cần hiểu, các sự kiện liên quan đến hậu COVID-19 chỉ dành cho content cho B2B, không quá ảnh hưởng đến khách hàng cuối. Người tiêu dùng cuối chỉ liên quan đến sản phẩm cũng như các chương trình khuyến mãi (trong đại dịch) của nhãn hàng mà thôi. Đương nhiên, em có thể bỏ từ trong đại dịch trên để tránh gây khó chịu cho khách hàng. Bên cạnh đó, em có thể giảm tần suất đăng bài trên các mạng xã hội trong thời điểm hiện nay sao cho phù hợp.

Câu hỏi 3: (Dành cho hai diễn giả)

Có lẽ việc đầu tư chi phí cho các chiến dịch Marketing là điều đương nhiên, tuy nhiên, trong thời điểm dịch hiện nay, có giải pháp nào để giúp các doanh nghiệp có thể tìm ra phương án tiết kiệm chi phí mà vẫn đạt được hiệu quả cơ bản nhất không?

Recap Workshop "Xu hướng Content Marketing hậu COVID-19"- Ảnh 7.

Câu trả lời của diễn giả Nguyễn Hùng Lâm:

Đối với anh, sự sáng tạo luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu. Khi em không có chi phí cao, hãy cố gắng brainstorm ra các ý tưởng độc lạ thu hút sự chú ý của khách hàng (reach cao) và cố gắng làm sao khơi gợi được cảm xúc và hành động của họ (chuyển đổi cao). Đó cũng là yếu tố cốt lõi làm nên các chiến dịch thành công vừa qua của Bread n’ Tea.

Câu trả lời của diễn giả Lại Tuấn Cường

Với anh, một người chuyên về digital và các con số, anh đề cao sự logic và công thức hơn. Hãy tìm hiểu khán giả cần gì trong thời điểm hiện nay, vấn đề và những nỗi đau của họ để có thể tạo ra những nội dung hữu ích, phù hợp và theo quy trình. Từ đó, nội dung em tạo ra sẽ có giá trị (có thể là tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí hay mang tính lâu dài, v.v…) Ngoài ra, nếu được, hãy cộng thêm chút lòng tham (push sale) nhưng hãy thật khéo léo và tinh tế trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay. Ở bước đó, em có thể tận dụng tính sáng tạo và cảm xúc mà anh Lâm đã chia sẻ ở trên.

Câu hỏi 4: (Dành cho diễn giả Nguyễn Hùng Lâm)

Các tổ chức xã hội, cộng đồng phi lợi nhuận thuê KOLs có được giá tốt hơn không? Nên sử dụng loại KOLs nào (micro, nano, macro hay mega)?  Ngoài ra, bản thân các KOLs có quan tâm đến các cộng đồng phi lợi nhuận, xã hội không? 

Recap Workshop "Xu hướng Content Marketing hậu COVID-19"- Ảnh 8.

Câu trả lời của diễn giả Nguyễn Hùng Lâm:

Về việc KOLs có quan tâm đến các cộng đồng phi lợi nhuận, xã hội hay không thì câu trả lời chắc chắn là Có. Tuy nhiên, em phải chọn một chủ đề phù hợp với từng nhân vật KOLs (ví dụ như chọn Ốc Thanh Vân làm về chủ đề Mẹ&Bé chẳng hạn,vv…). Ngoài ra, nên chọn celebs trong trường hợp này vì Nano hay Micro Influencers đều không có đủ tiếng nói và tạo ra sức ảnh hưởng đủ rộng. Về câu chuyện giá cả, thì có giảm giá. Thậm chí có thể discount tới mức 50% nếu với các KOLs có quan hệ tốt. Đôi khi các KOLs có thể “hi sinh” một chút quyền lợi để đổi lấy lợi ích lâu dài về sau, nhất là khi đó là về các chiến dịch xã hội có sức ảnh hưởng tích cực.

Câu hỏi 5: (Dành cho hai diễn giả)

Nhãn hàng của em có làm về lĩnh vực Mẹ&Bé, cũng có book agency bên ngoài nhưng hiện tại em cảm thấy content vẫn chỉ liên quan đến sản phẩm và các chương trình khuyến mãi thôi chứ chưa có điểm gì mới lạ thu hút khách hàng? Anh có thể tư vấn cho em các xu hướng content "hot trend" gần đây để có thể gia tăng hiệu quả cho chiến dịch trong tương lai được không?

Recap Workshop "Xu hướng Content Marketing hậu COVID-19"- Ảnh 9.

Câu trả lời của diễn giả Lại Tuấn Cường:

Theo anh, nếu các em có chi phí thì có thể kết hợp cả tính logic và sáng tạo. Trước tiên, về mặt logic, giờ đây, các từ khóa liên quan đến mẹ&bé đã bị các bệnh viện, chuỗi mẹ&bé làm rất tốt rồi, rất khó để cạnh tranh. Thay vì đó, em có thể đẩy mạnh dạng từ khóa "ngành + nhãn hàng". Hoặc tìm ra hướng đi khác bằng cách tìm ra thế mạnh của sản phẩm mà đối thủ chưa có, một thuộc tính đặc biệt để "promote" lên. Đương nhiên, hãy chọn một lợi thế mà có thể giải quyết được nỗi đau của khách hàng mà chưa nhãn hàng nào có thể CHIẾM LĨNH trong TÂM TRÍ họ.  Về "điểm chạm" truyền thông, cũng tương tự, em hãy tìm ra kênh mà các nhãn hàng khác chưa thực sự làm tốt, ví dụ như Google Maps hay Instagram, Zalo,vv... Và để gieo vào đầu khách hàng hiệu quả, thì em cần phải thực hiện các chiến dịch sáng tạo đúng insights khách hàng (viral video,vv...) và booking KOLs là một giải pháp tiết kiệm thời gian và hiệu quả nhất. Tất nhiên, hãy chọn KOLs phù hợp với sản phẩm, chiến dịch, giống như case study Omo vừa rồi đã chọn Đông Nhi - Ông Cao Thắng làm người nói lên tiếng nói của các bà mẹ.

Câu trả lời của diễn giả Nguyễn Hùng Lâm:

Tiếp nối câu trả lời của diễn giả Lại Tuấn Cường, diễn giả Nguyễn Hùng Lâm chia sẻ thêm rằng, việc xây dựng cộng đồng riêng cho mình cũng là một giải pháp hiệu quả - cho dù nó là một con đường kiên trì. Và nếu lĩnh vực Mẹ&Bé của em đang quá cạnh tranh trên Facebook, thì em có thể xây dựng trên Instagram, vì nếu em thực hiện trên đây thì tức là em đã đón đầu cho thị trường của 3 năm tới (đối tượng sử dụng chính của Instagram rơi vào khoảng 20-24 tuổi và là phụ nữ). Và với TikTok thì là 10 năm nữa. Và tạo cộng đồng sẽ tạo ra giá trị lâu dài, vì cộng đồng sẽ có 3 điểm mạnh chính là hữu ích (useful), tương tác tốt (interactive) và thúc đẩy bán hàng (push sale). Và nếu được, thì hãy xây dựng cộng đồng trên nhiều kênh từ Facebook, Instagram, Zalo và TikTok (đặc biệt Zalo rất hợp với thị trường của em).

Lời kết

Với 2 tiếng của buổi Workshop, Ban tổ chức hi vọng các bạn tham dự đã có những góc nhìn đa chiều về bối cảnh thị trường hiện nay cũng như tìm ra cho mình một hướng đi phù hợp cho Content Marketing trong thời gian tới.  Chắc hẳn, sự tung hứng đến từ những câu chuyện của cả hai diễn giả đã giúp các bạn có thể "nạp" thông tin một cách dễ dàng hơn thay vì lắng nghe một cách bị động. MarketingAI - trang báo marketing số 1 Việt Na xin gửi tặng các khán giả tham dự chương trình tài liệu của buổi Workshop với hy vọng những chia sẻ này sẽ là tiền đề cho sự phát triển thành công của các chiến dịch sắp tới của Quý khán giả và doanh nghiệp.

MarketingAI rất vui lòng nhận những ý kiến đóng góp từ khía các khán giả để có thể làm nên những Workshop thành công hơn trong tương lai. Hãy cho chúng tôi biết bạn mong chờ chủ đề nào trong ngành Marketing vào buổi Workshop lần tiếp theo nhé!

Tô Linh - MarketingAI

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.