Bạn đã biết gì về Quảng cáo zalo (Zalo Ads) chưa?. Zalo hiện nay là một kênh mạng xã hội tiềm năng đang được nhiều doanh nghiệp và cá nhân tận dụng làm kênh bán hàng cho mình. Vào tháng 5/2018 vừa qua, Zalo chính thức cán mốc 100 triệu người dùng. Thêm vào đó là việc Quốc hội vừa mới thông qua luật an ninh mạng năm 2018 sáng ngày 12/6 vừa qua khiến các marketer lo ngại về tương lại của SEO, Facebook, và Google AdWords ở Việt Nam. Một trong những nền tảng quảng cáo online marketing không kém phần hiệu quả bên cạnh Facebook và Google ở Việt Nam chính là Zalo Ads.
Vậy quảng cáo Zalo (Zalo Ads) là gì? Quảng cáo trên Zalo hiệu quả như thế nào? Các hình thức quảng cáo gồm những gì? Cùng lắng nghe kinh nghiệm quảng cáo zalo của MarketingAI nhé.
Zalo hiện đang là một trong những ứng dụng giao tiếp phổ biến nhất tại Việt Nam và nhiều nước trong khu vực. Hiện nay, các thương hiệu lớn như Sunhouse, Asanzo, Juno… cho tới các nhà bán lẻ đến từ nhiều ngành hàng khác nhau đang triển khai các dịch vụ bán hàng trên nền tảng Zalo.
Quảng Cáo Zalo – Zalo Ads là gì?
Zalo Ads hay còn gọi là quảng cáo Zalo là hệ thống chạy quảng cáo trên nền tảng mạng xã hội Zalo. Các doanh nghiệp/tổ chức, cá nhân có thể tự do tạo các campaign quảng cáo, tối ưu hóa quảng cáo và thiết lập với ngân sách chạy quảng cáo.
Zalo Ads ngày càng khẳng định được vị trí và sự phổ biến khi ngày càng nhiều thương hiệu lựa chọn làm nền tảng chạy quảng cáo. Tuy vẫn chưa đuổi kịp Facebook Ads hay Google Ads nhưng Zalo vẫn đang ngày càng hoàn thiện và hứa hẹn sẽ là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả.
Tại sao lựa chọn quảng cáo trên Zalo?Khai thác Zalo Ads để tiếp cận gần hơn với khách hàng là việc mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng nên làm. Dưới đây là những lý do ưu, nhược điểm của Zalo Ads sẽ thuyết phục bạn quyết định lựa chọn việc chạy Zalo ads mang lại hiệu quả cao hay không?
Zalo cán mốc 100 triệu người dùng: Mới đây, Zalo mới thông báo về con số 100 triệu người dùng. Hiện nay, ứng dụng không chỉ đáp ứng nhu cầu liên lạc mà còn còn tích hợp nhiều tính năng khác dành cho doanh nghiệp tương tác với khách hàng và cá nhân sử dụng để tra cứu thông tin, mua vé... Thậm chí gần đây, Zalo được các cơ quan Nhà nước sử dụng để giải quyết các thủ tục hành chính và tương tác với người dân.
Độ tuổi: Theo báo cáo Zalo, phần lớn nhóm người dùng thuộc độ tuổi trẻ và có tỷ lệ mua hàng online lớn nhất: độ tuổi từ 18-39.
Giới tính: Theo thống kê của Zalo nam giới chiếm đến 62%. Nữ giới tuy chỉ chiếm 38% nhưng lại là giới có tỉ lệ mua sắm online cao hơn.
Khả năng tiếp cận người dùng lớn: Với lượng thời gian lớn dành cho chiếc smartphone của người dân Việt Nam, việc bán hàng trên mobile trở nên càng dễ dàng và thông dụng hơn bao giờ hết. Theo báo cáo của Q&Me, Facebook Messenger (94%) và Zalo (89%) là 2 phần mềm tin nhắn được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Trong khi đó, Zalo hiện đang có mặt và được sử dụng bởi 100 triệu người dùng Việt Nam và thế giới. Đây là một cơ hội lớn tiếp cận khách hàng qua Mobile Marketing.
Hơn nữa, nếu như mạng xã hội Facebook có thể kết bạn được với 5000 bạn bè thì Zalo kết bạn được tối đa với 2000 người và gửi được tối đa 50 lời mời kết bạn trong 1 ngày. Bạn có thể tìm kiếm kết bạn với những bạn bè trong danh bạ điện thoại của mình hoặc tìm kiếm theo khu vực quanh bạn, theo độ tuổi, giới tính trong bán kính 10km. Ngoài ra, Facebook và Zalo còn có một điểm khác biệt nữa là khi bạn đăng một bài viết trên Zalo thì tất cả bạn bè của bạn đều nhìn thấy nhưng đối với Facebook tỷ lệ này chỉ khoảng từ 10 – 20%.
Các hình thức quảng cáo trên Zalo
- Quảng cáo Zalo Offcial Account( Zalo OA): là hình thức tạo quảng cáo để tăng lượng quan tâm, tăng tương tác và giới thiệu trang Zalo của doanh nghiệp, cửa hàng. Quảng cáo sẽ hiển thị trên Nhật ký của người dùng và hệ thống network của Zalo.
- Quảng cáo sản phẩm: là hình thức quảng cáo để quảng bá sản phẩm từ cửa hàng của chủ Shop. Quảng cáo sẽ xuất hiện trên Nhật ký Zalo và hệ thống network của Zalo.
- Quảng cáo bài viết: là hình thức quảng cáo để tăng lượng truy cập về bài viết trên website/ link liên kết/ hoặc bài viết Nhật ký trên Zalo Page của doanh nghiệp/ cửa hàng. Quảng cáo sẽ hiển thị trên Nhật ký của người dùng Zalo.
- Quảng cáo cửa hàng (Zalo Shop) là một trong những tính năng được Zalo phát triển nhằm mục đích hỗ trợ người kinh doanh đến đây và kinh doanh bán hàng dễ dàng, thuận tiện hơn. Zalo shop được thiết kế với mục tiêu tối ưu trong khả năng trưng bày những sản phẩm, giúp các doanh nghiệp thuận tiện trong việc bán hàng
- Quảng cáo video: là tính năng mới trên hệ thống Zalo Ads. Quảng cáo video cho phép nhà quảng cáo tương tác với người mua hàng một cách trực quan, sinh động và sáng tạo hơn, giúp nâng cao tỉ lệ quan tâm và mua hàng từ khách hàng tiềm năng trên Zalo.
- Quảng cáo gói đấu giá: Cho phép nhà quảng cáo có thể đấu giá các gói quảng cáo được thiết lập trước (loại hình, mục tiêu, thời gian và đối tượng nhắm chọn).
Chi phí quảng cáo Zalo
Quảng cáo Zalo có chi phí cao hơn Faceook nhiều lần, tuy nhiên với lượng người tiếp cận cao thì hoàn toàn đáng "đồng tiền bát gạo". Zalo Ads rất phù hợp khi quảng cáo cho các thương hiệu lớn như mỹ phẩm, thời trang, điện thoại...
Tùy vào nội dung và hình thức quảng cáo mà Zalo có cách tính phí khác nhau. Trong đó có 4 cách tính chủ yếu dựa vào:
- Lượt nhấn (CPC – Cost Per Click): đây là hình thức phổ biến áp dụng cho nhiều loại quảng cáo trên Zalo như quảng cáo bài viết, sản phẩm, website, album - bài hát - video...Hình thức này chỉ tính tiền khi có người click vào quảng cáo của bạn.
- Lượt liên hệ (CPA – Cost Per Action): khác với hình thức trên, phương thức quảng cáo này chỉ tính tiền khi người dùng liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp của bạn trên quảng cáo sản phẩm.
- Lượt hiển thị (CPM – Cost Per Mille): phương thức này áp dụng cho quảng cáo video với mỗi nghìn lượt hiển thị 1M = 1000 lượt hiển thị.
- Lượt xem (CPV – Cost Per View): tính phí khi user Zalo xem hoàn tất video quảng cáo của bạn. Tuy nhiên nếu video có độ dài trên 30s, hệ thống sẽ tính phí khi user xem đến giấy thứ 30. Ngược lại, nếu video có độ dài dưới 30s, hệ thống sẽ tính phí khi user xem trọn 30 giây.
Ngành nào thích hợp để quảng cáo trên Zalo?
Với các hình thức quảng cáo zalo nêu trên, Zalo không chỉ là 1 phần mềm OTT mà còn có trang cá nhân và các hình thức kinh doanh không khác gì Facebook. Theo kết quả thống kê, nghiên cứu thị trường, sản phẩm đang kinh doanh trên Zalo đa phần hướng tới nữ giới và các mặt hàng đang bán chạy nhất hiện nay là mỹ phẩm và thời trang. Bên cạnh đó, các sản phẩm trang sức, đồng hồ, đào tạo, du lịch, đồ handmade,… cũng đang được các nhà kinh doanh khai thác hiệu quả trên Zalo.
Như vậy trên đây là những chia sẻ về quảng cáo trên zalo như thế nào và những điều mà các marketer cần phải lưu ý. Trong thời điểm thị trường quảng cáo Facebook và Google đang dần “đất chật người đông”, rất nhiều cửa hàng, doanh nghiệp đã chuyển sang nền tảng Zalo Ads để tìm kiếm cơ hội.
>> Xem thêm: Cách tạo Zalo Page chuyên nghiệp
Hướng dẫn quảng cáo sản phẩm trên Zalo
Quảng cáo sản phẩm trên zalo là hình thức quảng cáo sản phẩm của doanh nghiệp cũng như chủ cửa hàng. Zalo Ads sẽ hiển thị trên Zalo app, Zalo news feed và những ứng dụng thuộc zalo network. Quảng cáo sản phẩm trên zalo rất đơn giản như sau.
Tạo quảng cáo trên zalo từ cửa hàng
Bước 1: Bạn truy cập trang Cửa hàng của Shop và chọn Sản phẩm cần quảng cáo và chọn Thu hút người mua. Giao diện này cũng giúp bật, tắt quảng cáo zalo
Sau khi truy cập vào giao diện thiết lập chiến dịch quảng cáo thì bạn có thể tùy chọn mục tiêu theo độ tuổi, giới tính, vị trí địa lý và những tiêu chí khác của khách hàng.
Nhà quảng cáo thiết lập ngân sách quảng cáo; Đối tượng quảng cáo chi tiết bằng cách chọn Chỉnh sửa nội dung >> mở trang tạo quảng cáo Zalo Ads
(*) Lưu ý: Chi phí click tùy thuộc việc nhà quảng cáo chọn nhóm đối tượng và thời điểm chạy quảng cáo mà giá nhấp chuột sẽ thay đổi. Nhà quảng cáo cần linh động khi đặt giá quảng cáo.
Tạo quảng cáo trên zalo từ Zalo Ads
Bước 1: Thiết lập chiến dịch quảng cáo
Truy cập trang tạo quảng cáo sau đó chọn hình thức quảng sản phẩm rồi chọn bắt đầu để thiết lập quảng cáo.
Chọn hình thức quảng cáo => đặt tên chiến dịch => chọn Official Account = chọn sản phẩm => tạo quảng cáo
*Lưu ý: Sản phẩm đã hiển thị mới được quảng cáo (Sản phẩm được phê duyệt)
Bước 2: Chọn đối tượng quảng cáo
Bước 3: Thiết lập ngân sách và chi phí quảng cáo
*Lưu ý: Khi chọn số lượng click cho chiến dịch thì zalo sẽ phân phối lượt click nhanh nhất, chính vì vậy bạn có thể kết thúc chiến dịch trước thời gian cài đặt ban đầu. Đối tượng khách hàng tiềm năng tiếp cận quảng cáo cũng sẽ thay đổi khi nhà quảng cáo thay đổi thông số. Giá thầu cũng sẽ thay đổi.
Bước 4: Tạo nội dung quảng cáo và cập nhật hình ảnh cho quảng cáo
*Lưu ý: Bạn có thể chọn ảnh có sẵn từ thư viện ảnh của mình. Nên sử dụng các công cụ có sẵn để thay đổi thuộc tính ảnh để ảnh được rõ ràng.
Bước 5: Thông tin thêm chiến dịch quảng cáo
Cung cấp cho zalo giấy xác nhận nội dung quảng cáo nếu sản phẩm là những thực phẩm chức năng hoặc thuốc cũng như các sản phẩm Zalo yêu cầu giấy phép.
Bước 6: Gửi duyệt
Sau khi tạo nội dung quảng cáo, nhà quảng cáo có thể Lưu nội dung để chỉnh sửa sau hoặc tiến hành Gửi duyệt để đội ngũ quản trị Zalo Ads phê duyệt quảng cáo, hoàn thành quảng cáo. Nếu quảng trên zalo bị từ chối sẽ không thể hiển thị quảng cáo.
Kinh nghiệm quảng cáo Zalo hiệu quả
Để quảng cáo zalo hiệu quả mà tiết kiệm chi phí là điều luôn được các doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên có vài mẹo sau bạn có thể áp dụng để xây dựng các chiến dịch quảng cáo trên Zalo thành công.
Scan mã QR code để tăng tương tác cho page, quảng cáo zalo
Scan mã QR là hình thức khá phổ biến trong đời sống hàng ngày, đặc biệt rất tiện lợi khi đi mua sắm. Với Zalo, bạn cũng có thể scan QR code để khách hàng tìm đến trực tiếp page doanh nghiệp/cửa hàng của bạn nhanh chóng.
Mỗi tài khoản Offical Acount chỉ có một QR duy nhất, có thể đính thêm hình đại diện của thương hiệu. Hoặc bạn có thể in mã QR vào các thiết kế Standee, bảng hiệu ở cửa hàng. Người dùng có thể quét mã code sau đó truy cập vào tài khoản doanh nghiệp và xem các bài viết.
Bạn có thể lấy mã QR bằng hai bước sau:
- Truy cập đừng link: https://oa.zalo.me/manage/dashboar để đến giao diện quản lý Zalo. Sau đó chọn tab "Quản lý", chọn mục thông tin tài khoản
- Kéo xuống dưới bạn sẽ thấy mã QR code tài khoản zalo. Ấn chữ "Tải mã QR" để tải về nếu bạn muốn in ấn hoặc làm ấn phẩm truyền thông.
Chia sẻ lên trang Zalo cá nhân và các MXH khác
Sức mạnh của MXH sẽ giúp doanh nghiệp của bạn tăng độ nhận diện đáng kể. Các nền tảng có số lượng người quan tâm lớn như Twitter, G+, Instagram, Facebook...là địa chỉ phổ biến được các doanh nghiệp lựa chọn.
Hãy truy cập zalo và lấy mã địa chỉ tài khoản doanh nghiệp của bạn, sau đó chia sẻ lên các nền tảng trên hoặc nhờ bạn bè chia sẻ dưới dạng nhật ký.
Đăng kí địa điểm cho cửa hàng/doanh nghiệp của bạn
Zalo có chức năng đặc biệt hơn các ứng dụng khác đó là mục Tìm kiếm quanh đây. Dựa vào chức năng này, bạn có thể quét các đối tượng như bạn bè, cửa hàng...gần đó và xác định xem có đang ở gần hay xa bạn với khoảng cách bao nhiêu. Hãy cập nhật địa chỉ doanh nghiệp chính xác và cụ thể lên maps của Zalo, khách hàng sẽ tự động tìm đến cửa hàng của bạn thông qua phương thức này.
Kết luận
Như vậy trên đây là một số chia sẻ giúp bạn đọc hiểu hơn về Zalo Ads - một trong những chiến lược marketing mà bạn có thể áp dụng cho doanh nghiệp mình đem lại hiệu quả cao. Cũng như giúp bạn nắm được cách chạy quảng cáo Zalo hiệu quả và tối ưu nhất.
Trang Ami – MarketingAI tổng hợp
Bình luận của bạn