cover

Quảng cáo ngoài trời Vạn Lý Trường Thành - màn “chơi lớn” từ nhà mốt Ý

16 Thg 01

Nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022, Bottega Veneta đã triển khai một chiến dịch quảng cáo tạo bạo để ‘lấy lòng’ các khách hàng Trung Quốc. Hãng đã quyết định phủ sắc xanh và cam lên một phần di sản...

Nhân dịp Tết Nhâm Dần 2022, Bottega Veneta đã triển khai một chiến dịch quảng cáo tạo bạo để ‘lấy lòng’ các khách hàng Trung Quốc.

Hãng đã quyết định phủ sắc xanh và cam lên một phần di sản nổi tiếng Vạn Lý Trường Thành để chào mừng ngày lễ lớn nhất trong năm.

Để thực hiện điều này, hãng đã trải khắp đoạn tường thành bằng những dãy màn hình kỹ thuật số liên tục chạy các dòng thông điệp “Chúc mừng năm mới” bằng tiếng Quan Thoại và dòng chữ Bottega Veneta.

Dòng chữ

Dòng chữ "Bottega Veneta" và "Chúc mừng năm mới" bằng chữ Quan Thoại được chạy dài một góc Trường Thành

Cả hai đoạn ký tự đều mang tông màu đặc trưng của nhà mốt nước Ý là cam kim quất và xanh lá cây, tạo nên cảnh tượng rực sáng giữa khu rừng đổ vàng trong những ngày mùa đông tại đất nước tỉ dân.

Đi cùng với màn trình diễn ấn tượng, Bottega Veneta cũng chính thức thông báo cam kết đóng góp hỗ trợ cho việc cải tạo và bảo trì Sơn Hải quan – một trong những cửa ải chính và cũng là điểm cực đông của Vạn Lý Trường Thành.

Sự ‘chịu chơi’ của Bottega Veneta được xem là một quảng cáo ngoài trời ‘vô tiền khoáng hậu’.

Bởi từ trước đến nay, dãy Trường Thành vốn được xem là niềm tự tôn dân tộc to lớn của Trung Quốc, và rất ít khi mở cửa cho các sự kiện hợp tác cùng thương hiệu nước ngoài. Thương hiệu quốc tế cuối cùng tổ chức sự kiện thời trang tại Vạn Lý Trường Thành là Fendi vào năm 2007.

Show thời trang của Fendi năm 2007 là một trong những sự kiện hiếm hoi của một thương hiệu nước ngoài được tổ chức tại Vạn Lý Trường Thành

Show thời trang của Fendi năm 2007 là một trong những sự kiện hiếm hoi của một thương hiệu nước ngoài được tổ chức tại Vạn Lý Trường Thành

Ngay sau khi công bố những hình ảnh đầu tiên của chiến dịch này, Bottega Veneta đã nhận về không ít những phản ứng trái chiều từ giới mộ điệu.

Ngoài những bình luận ấn tượng ý tưởng đột phá mà 15 năm mới có một lần, không ít người cũng bày tỏ quan điểm bất đồng vì cho rằng thương hiệu này đang dần đánh mất chính mình để làm hài lòng những khách hàng Trung Quốc.

Bởi lẽ, Bottega Veneta vốn nổi tiếng bởi các thiết kế cũng như cách làm truyền thông tôn vinh sự tinh tế, bí ẩn và đầy hấp dẫn. Ngoài ra, những món thời trang của hãng thường có màu xanh như một bản sắc riêng.

Chính vì thế, hoạt động quảng cáo đầy hào nhoáng, tốn kém, cùng việc bổ sung thêm màu cam kim quất, nhằm mô phỏng màu sắc vỏ quất chín – loại trái cây đặc trưng của phương Đông, bị xem là sự đạp đổ đáng tiếc lên định hướng trước đây của nhà mốt này.

Nhiều ý kiến nhận xét, sự tối giản hiện đại của Bottega Veneta trông thật kệch cỡm khi đặt bên cạnh sự cổ kính uy nghi của một công trình nghìn năm tuổi như Vạn Lý Trường Thành.

Nhưng ở góc độ lạc quan hơn, số khác lại tin tưởng động thái này có thể giúp Bottega Veneta gây ấn tượng với người Trung Quốc. Sự phô trương và hoành tráng có thể không thỏa mãn được đa số thị hiếu nhưng biết đâu lại hợp mắt người Trung Quốc thì sao?

logo của Bottega Venata khi nhìn từ trên cao

Nhìn từ trên cao, logo của Bottega Venata như một dòng suối xanh mát chảy xuống cánh rừng già cổ kính.

Dù có người thích và không thích, người phản đối người ủng hộ, nhưng không thể phủ nhận chiến dịch quảng cáo nói trên của Bottega Venata vô cùng ấn tượng. Từ trên cao nhìn xuống, logo của nhà mốt Ý như một dòng suối xanh mát chảy xuống cánh rừng già cổ kính.

Bottega Veneta là một thương hiệu hàng xa xỉ có tuổi đời gần 60 năm, vốn xuất xứ từ Ý và hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Kering S.A. (Pháp). Đây cũng là công ty mẹ của hàng loạt thương hiệu xa xỉ khác như Gucci, YSL, Balenciaga hay Alexander McQueen.

Còn bạn, bạn nghĩ sao về tác phẩm quảng cáo đột phá, sáng tạo này của Bottega Venata, hãy chia sẻ cùng MarketingAI?!

>>> Có thể bạn quan tâm: Việt Nam – Điểm dừng chân lý tưởng mới cho các thương hiệu xa xỉ

Trang Trịnh – MarketingAI

(Theo JingDaily)

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.