Việt Nam - Điểm dừng chân lý tưởng mới cho các thương hiệu xa xỉ

08 Thg 01

Ngoài các thị trường lớn, quen thuộc, các thương hiệu xa xỉ đang dần chuyển hướng sang các thị trường mới nổi trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam đang trở thành điểm dừng chân mới của những ông lớn này.

Ngành công nghiệp xa xỉ tập trung mọi nguồn lực để nắm bắt cơ hội tại các thị trường tăng trưởng cao như Trung Quốc Đại Lục, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc. Tuy nhiên, điều này cũng đang giới hạn khả năng chinh phục các thị trường mới nổi khác trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chẳng hạn như Việt Nam - một quốc gia mà nhu cầu tiêu dùng hàng xa xỉ trong nước ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong vài năm trở lại đây.

Các thương hiệu xa xỉ đổ xô đến Trung Quốc 

Thị trường hàng xa xỉ Việt Nam tương đối nhỏ so với Trung Quốc hoặc Nhật Bản. Năm 2021, doanh thu từ thị trường hàng xa xỉ của Việt Nam chỉ đạt 976 triệu đô la, trong khi doanh thu từ thị trường hàng xa xỉ của Trung Quốc đạt 43,5 tỷ đô la. Nhưng theo Statista, doanh thu từ ngành hàng xa xỉ tại Việt Nam dự kiến ​​sẽ tăng trưởng 6,67% hàng năm (CAGR 2021-2025).

Giá trị thị trường hàng xa xỉ Việt Nam đến năm 2025

Các số liệu của Việt Nam có thể không xuất sắc nếu chỉ xét trên thu nhập bình quân đầu người, khi chỉ đạt 5.7 triệu đồng/tháng, giảm 32.000 đồng so với năm 2020 (theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 2021). Tuy nhiên, con số này không vẽ nên bức tranh toàn cảnh.

Cùng điểm qua một vài số liệu đáng chú ý sau:

Thứ nhất, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật kể từ khi thực hiện chính sách Đổi mới kinh tế năm 1986. Những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với những xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Từ năm 2002 đến 2020, GDP đầu người tăng 2,7 lần, đạt gần 2.800 USD. Cũng trong giai đoạn này, tỉ lệ nghèo (theo chuẩn 1,9 USD/ngày) giảm mạnh từ hơn 32% năm 2011 xuống còn dưới 2% (theo World Bank). 

Nhờ có nền tảng vững chắc, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện sức chống chịu mạnh mẽ trong những giai đoạn khủng hoảng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Năm 2020, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia ghi nhận tăng trưởng dương khi đại dịch bùng phát và là nền kinh tế có hiệu suất hàng đầu châu Á. Theo ước tính của chính phủ từ tháng 12, nền kinh tế Việt Nam tăng 2,9% vào năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái. CNBC nhấn mạnh mức tăng trưởng này giúp Việt Nam vượt lên trên Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế chỉ tăng trưởng 2,3% vào năm 2020.

Tuy nhiên, biến thể Delta đã gây ra một cú sốc cho Việt Nam, dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam chỉ đạt 2-2,5%, thấp hơn 4 điểm phần trăm so với trung bình thế giới.

Thứ hai, dân số thuộc tầng lớp trung lưu của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng trong những năm qua. Nielsen dự báo con số này sẽ lên tới 95 triệu người vào năm 2030. Ngoài ra, một báo cáo năm 2016 do Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới thực hiện đã đặt ra những tầm nhìn phát triển tham vọng hơn, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Ngoài ra, số lượng người có thu nhập cao, những người thu nhập cao nhưng chưa giàu (HENRY) và người siêu giàu ở Việt Nam đang tăng lên. Knight Frank ước tính rằng, số người có giá trị tài sản ròng từ 1-30 triệu đô la sẽ tăng 32% lên hơn 25.800 vào năm 2025.

Giới siêu giàu Việt Nam sẽ tăng mạnh trong 5 năm tới

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có dân số tương đối trẻ, với độ tuổi trung bình là 32,5 tuổi. Và 37,7% là dân số thành thị (36.727.248 người vào năm 2020, theo Worldometer). Dân số thành thị trẻ, có học thức là “xương sống|” của hoạt động tiêu dùng.

Cuối cùng, các thương hiệu cao cấp hoàn toàn có thể tăng giá ở Việt Nam vì nhu cầu hàng hóa của người tiêu dùng đang cao và ít nhạy cảm về giá. Và điều này đặc biệt đúng khi người tiêu dùng bị giới hạn ở nhà và không thể đi đến các quốc gia khác như Singapore hoặc Trung Quốc để mua sắm.

Bà Trần Thị Hoài Anh, người sáng lập và chủ tịch của GlobalLink Co., Ltd cho biết: “Nhu cầu đối với hàng xa xỉ đang trở nên rõ rệt hơn bao giờ hết ở thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ một thập kỷ trước, tất cả chỉ là biết về sự khác biệt giữa Gucci và Prada. Nhưng thế hệ người mua sắm giàu có mới ngày nay được thúc đẩy mạnh mẽ không chỉ bởi thương hiệu mà còn là chất lượng, sự khác biệt và sự khéo léo.”

Hơn thế, lĩnh vực xa xỉ còn được hưởng lợi từ hiệp định thương mại Việt Nam - EU và hiệp định bảo hộ đầu tư năm 2019, khi loại bỏ gần như tất cả các loại thuế quan và rào cản pháp lý. Nhờ đó, giá cả hàng hóa xa xỉ trở nên hợp lý hơn và thu hút được nhiều người mua sắm hơn.

Nắm bắt cơ hội này, một số thương hiệu xa xỉ đã quyết định mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Porsche chính thức ra mắt Porsche Studio tại Hà Nội, đây là không gian bán lẻ thứ hai của hãng tại Đông Nam Á. Arthur Willmann, Giám đốc điều hành của Porsche tại Châu Á Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của hãng.

Porsche chính thức mở studio tại Hà Nội

Trong khi đó, DAFC, đơn vị phân phối của hơn 60 thương hiệu cao cấp như Rolex và Cartier cũng cho biết doanh số bán hàng của họ tại Việt Nam đã tăng 35% trong năm 2020. Thương hiệu xa xỉ Bvlgari cũng chính thức nói lời tái ngộ Việt Nam với cửa hàng flagship trên đường Đồng Khởi (theo VnExpress).

Lương Hạnh - MarketingAI

Theo Campaign Asia

>> Có thể bạn quan tâm: Kỳ vọng “bứt phá” của thị trường xa xỉ sau đại dịch

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.