Quảng cáo ngày Valentine có xu hướng kể một câu chuyện rất cụ thể: rằng đàn ông có nghĩa vụ chi một số tiền lớn cho những món quà lãng mạn. Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia về câu chuyện văn hóa xung quanh Ngày Lễ tình nhân và cách nó ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của một số nam giới.
Quảng cáo Valentine tác động thế nào đến sức khỏe tinh thần của mọi người?
Rõ ràng, ngày Valentine là một dịp đặc biệt để những người yêu nhau bày tỏ tình cảm với nhau và nhắc nhở bản thân về ý nghĩa tối cao của tình yêu. Không chỉ với những người yêu nhau, Valentine còn là cơ hội vàng để marketer khai phá và triển khai nhiều chiến lược thú vị. Tuy nhiên, đối với một số người còn độc thân, ngày này càng làm nổi bật lên sự cô đơn của họ. Và kể cả đối với những người đang trong một mối quan hệ, những quảng cáo này cũng vô tình tạo nên áp lực vô hình lên họ bởi những tiêu chuẩn khó có thể đáp ứng được.
Những tiêu chuẩn đó được thổi phồng mạnh mẽ bởi truyền thông, quảng cáo. Tháng hai hàng năm, hàng loạt quảng cáo quảng bá câu chuyện rằng cách tốt nhất để chứng minh tình cảm của bạn với một nửa yêu thương của mình là chi một số tiền nhất định cho quà tặng trong ngày này. Các thông điệp marketing như “Every kiss begins with Kay” (của thương hiệu trang sức Kay Jewelers) đã đẩy mạnh chủ nghĩa tiêu dùng với sự lãng mạn.
Từ trước đến nay, phần lớn quảng cáo ngày Valentine đều được nhắm mục tiêu cụ thể đến nam giới. Ngày lễ này được marketer định hướng là ngày mà nam giới nói riêng nên mua những món quà sang trọng, hào nhoáng để tặng cho người phụ nữ của mình. Tiến sĩ Andrew Smiler, nhà trị liệu và cố vấn sức khỏe tinh thần tại Movember, Hoa Kỳ cho rằng những quảng cáo này có xu hướng miêu tả đàn ông như những trụ cột chính của gia đình, điều này đang kéo dài những định kiến về nam giới trong toàn bộ nền văn hóa của chúng ta.
https://www.youtube.com/watch?v=_Ju6VN7SeNw&t=43s
Video quảng cáo của thương hiệu CaratLane cho ngày lễ tình nhân 2018
Tất cả những điều này tạo ra một năng lượng tiêu cực và căng thẳng cảm xúc ở nam giới. Smiler cho rằng những kỳ vọng phi thực tế được quảng cáo trong Ngày lễ tình nhân có thể khiến ngày này trở thành một thời điểm khó khăn trong năm đối với nhiều nam giới.
Tiến sĩ Jennefer Ho, giám đốc lâm sàng cấp cao của Executive Mental Health, cũng bày tỏ lo ngại tương tự: “Thứ nhất, các quảng cáo có thể khiến những người đàn ông độc thân cảm thấy đau khổ nếu họ không có người yêu. Thứ hai, những người đàn ông đang trong mối quan hệ có thể cảm thấy rằng họ phải thực hiện những cử chỉ và hành động mua sắm hoành tráng để chứng minh tình yêu của họ. Những điều này tạo nên các tác động đến sức khỏe tâm thần của nam giới bao gồm trầm cảm, gia tăng sự lo lắng và tạo cho họ cảm giác rằng họ không đủ tốt. Công bằng mà nói, tiêu chuẩn dành cho đàn ông trong ngày Valentine là không thể đáp ứng được.”
Tất nhiên, phụ nữ cũng được nhắm mục tiêu trong quảng cáo ngày valentine nhưng có sự khác biệt giữa hai nhóm đối tượng này. Trong khi nam giới thường được miêu tả là người cung cấp quà tặng, phụ nữ có xu hướng được miêu tả là người nhận quà. Điều này tạo nên hai mặt đối lập, nếu được đáp ứng sẽ làm thỏa mãn cả hai bên, nhưng nếu không được đáp ứng có thể tạo ra cảm giác xấu hổ ở nam giới, thất vọng ở phụ nữ và tình trạng hỗn loạn chung trong các mối quan hệ.
Ngày lễ tình nhân hoàn toàn không phải là ngày quảng cáo lớn nhất trong năm. Nhưng dường như lại trở thành ngày lễ duy nhất nhấn mạnh vào một câu chuyện lặp đi lặp lại năm này qua năm khác: người đàn ông mua cho người phụ nữ một món quà, thể hiện tình yêu, cứu vãn hoặc duy trì mối quan hệ trong một năm nữa. Tất nhiên, câu chuyện không phải lúc nào cũng được kể một cách rõ ràng như vậy, nhưng cốt truyện luôn được lồng ghép ngầm trong mỗi quảng cáo.
Marketer và thương hiệu nên tập trung vào điều gì?
Để giảm thiểu cảm xúc tiêu cực xung quanh Ngày lễ tình nhân, Smiler cho biết các nhà quảng cáo cần thay đổi cách truyền đạt ý nghĩa thực sự của việc tặng quà. Một số cặp đôi có thể quyết định rằng đó không phải là một ưu tiên, thay vào đó chọn kỷ niệm mối quan hệ của họ theo những cách khác, ít tốn kém hơn nhưng vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Theo Smiler, “Valentine không phải là lễ kỷ niệm tình yêu của phụ nữ dành cho đàn ông hay ngược lại mà là kỷ niệm của tình yêu và sự lãng mạn, vì vậy nên có những món quà theo cả hai cách… Tôi muốn xem đoạn quảng cáo mà người phụ nữ tặng đồ trang sức cho người mình yêu. Ít nhất chúng ta cũng có thể có được một sự cân bằng nào đó, mặc dù việc tặng quà không phải là dấu hiệu duy nhất của một tình yêu nguyên vẹn”.
Tiến sĩ Karen Freberg, giáo sư truyền thông chiến lược tại Đại học Louisville, đưa ra lời khuyên cho các thương hiệu đang tìm cách giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của các quảng cáo trong Ngày lễ tình nhân: “Các thương hiệu nên nắm lấy sự đồng cảm và đội ngũ đằng sau các thương hiệu cần tự trả lời các câu hỏi: Chúng ta sẽ cảm thấy thế nào nếu nghe những thông điệp này? Chúng ta với tư cách là một thương hiệu đóng góp như thế nào vào trạng thái sức khỏe tinh thần nói chung của khách hàng? Những cách hiểu khác nhau mà khách hàng của chúng ta có thể có với những thông điệp này là gì? Làm cách nào chúng ta có thể giảm mức độ căng thẳng cho khách hàng nếu họ đang cảm thấy áp lực?"
Nếu các thương hiệu lùi lại một chút để trả lời những câu hỏi này trong các buổi brainstorming, việc giảm thiểu những tác động đến sức khỏe tinh thần của đối tượng mục tiêu sẽ hiệu quả hơn.
Top 20+ ý tưởng Content Valentine cực “đốn tim” cho chiến dịch đột phá
Lương Hạnh - MarketingAI
Theo thedrum
>>> Có thể bạn quan tâm: Top 5 chiến dịch quảng cáo phá vỡ định kiến về giới
Bình luận của bạn