1. Bối cảnh “Content is King” đã thay đổi
Tháng 1 năm 1996, Bill Gates lần đầu đưa ra nhận định “Content is King” (Content chính là vua) trên trang website của Microsoft. Thậm chí ông còn tuyên bố rằng: “Nội dung trên internet là nơi tôi mong đợi sẽ tạo ra rất nhiều tiền, giống như ngành công nghiệp truyền hình đã từng tạo ra”. Sau 20 năm, dự đoán táo bạo này đã dần trở thành sự thật bởi sự phát triển mạnh mẽ của nội dung số trên toàn cầu. Trung bình một người dành khoảng 145 phút trên các nền tảng truyền thông xã hội hàng ngày và con số khổng lồ là 6,3 giờ mỗi ngày cho việc sử dụng phương tiện kỹ thuật số.
Tuy nhiên, "Content is King" mới chỉ là một phần nhỏ của cuộc hành trình. Để nội dung thực sự là vua và thu hút người đọc, nó cần phải mang lại giá trị phù hợp và xuất hiện đúng trong ngữ cảnh. Vào năm 2022, quan điểm này đã được định hình lại: Nếu Content là vua, thì Context chính là hoàng hậu trong Marketing (If Content is King, Context is Queen in Marketing). Context là ngôi nhà của nội dung, nơi mà những câu chuyện trở nên sống động, nơi mà mọi chi tiết đều nổi bật và quan trọng.
2. Phân biệt khái niệm giữa Content và Context trong Marketing
2.1. Khái niệm
Trong thế giới kỹ thuật số, content chính là những nội dung số, thông tin hoặc tài liệu mà tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân muốn chia sẻ. Còn context giống như một bức tranh tổng quan, cung cấp bối cảnh cho content và định hình cách nội dung truyền tải, tác động lên đối tượng mục tiêu.
2.2. Định dạng
Content có thể bao gồm nhiều định dạng khác nhau như văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, hay bất kỳ hình thức nào có thể được truyền đạt qua các phương tiện truyền thông.
Trong khi đó, context lại đến từ nhiều nguồn và chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác như: Thời gian trong ngày, job title, khu vực (location), recent event, personal interests…
2.3. Làm thế nào để sử dụng
Trong thế giới Marketing đầy phức tạp, mục tiêu chính của content sẽ thay đổi tuỳ vào từng chiến dịch, không đơn giản chỉ là những dòng văn bản hấp dẫn, hình ảnh bắt mắt hay video sống động. Content sẽ giúp thương hiệu tăng nhận diện, thúc đẩy doanh số và gia tăng kết quả lead thu được.
Còn đối với context, bằng cách tận dụng các yếu tố theo ngữ cảnh, bạn có thể điều chỉnh thông điệp, nội dung và cách truyền tải đến đối tượng mục tiêu một cách cá nhân hoá và tạo ra trải nghiệm có tác động.
3. Context quan trọng như thế nào trong thời đại 4.0 hiện nay
Trong thời đại 4.0, bối cảnh (context) không chỉ là một khái niệm, mà là bí mật đang được nhà tiếp thị tài năng nắm giữ. Bối cảnh (Context) trong Marketing được hiểu đơn giản là “ở đúng nơi, xuất hiện đúng thời điểm” (in the right place, at the right time). Để tin nhắn gửi đi được khách hàng mở ra đọc, nó cần phải có giá trị phù hợp với ngữ cảnh khi đó. Như vậy, bối cảnh phù hợp sẽ khiến thông điệp, nội dung của bạn được nghe hoặc nhìn thấy.
“Vấn đề không chỉ là có được thông điệp phù hợp, mà là việc truyền tải thông điệp đó vào đúng thời điểm, đúng nơi và đúng cách.”
Điều thực sự làm nên sự khác biệt trong các chiến dịch truyền thông chính là khả năng kết hợp của nội dung tuyệt vời và bối cảnh phù hợp. Sử dụng bối cảnh để tạo kết nối cảm xúc với khán giả, khi content được đặt trong context phù hợp, câu chuyện sẽ trở nên sống động hơn và mang về nhiều lợi ích cho doanh nghiệp:
Tăng tỷ lệ chuyển đổi (doanh số bán hàng): Khi bạn đặt nội dung của mình vào ngữ cảnh phù hợp, bạn như đang giữ chìa khóa vào cổng tiềm năng khách hàng. Đúng lúc, đúng chỗ - giống như việc chọn một bức tranh để treo trong căn phòng, đó là cách tốt nhất để thu hút sự chú ý và tăng tỷ lệ chuyển đổi.
Tạo khách hàng tiềm năng chất lượng hơn: Ngữ cảnh không chỉ là bản đồ địa lý, mà còn là bản đồ tâm lý của khách hàng. Khi nội dung kết hợp hoàn hảo với ngữ cảnh, nó như một mời gọi đặc biệt chỉ dành cho những người có thực sự quan tâm. Kết quả là, thương hiệu thu hút những khách hàng tiềm năng chất lượng, những người có khả năng trở thành đối tác, khách hàng lâu dài.
Tăng khả năng giữ chân khách, lòng trung thành và sự ủng hộ: Ngữ cảnh giúp thương hiệu hiểu rõ hơn về những giá trị, mong muốn, và nhu cầu của khách hàng. Khi thương hiệu không chỉ bán hàng mà còn tạo ra trải nghiệm, không chỉ nói về sản phẩm mà còn về câu chuyện và giá trị, thương hiệu đang đặt khách hàng vào ngữ cảnh phù hợp. Điều này không chỉ giữ chân khách hàng, mà còn tạo ra lòng trung thành và sự ủng hộ mạnh mẽ từ họ.
4. Một số ví dụ về Context Marketing
4.1. Google’s Ads Carousel
Google Ads sử dụng ngữ cảnh thông tin tìm kiếm của người dùng để hiển thị quảng cáo có liên quan khi họ tìm kiếm trên trình duyệt Google. Ví dụ, nếu người dùng tìm kiếm về "điện thoại di động mới", họ có thể thấy quảng cáo của các nhãn hàng điện thoại nổi tiếng hiện đang có khuyến mãi kèm theo mức giá khác nhau.
4.2. Facebook Ads
Facebook sử dụng dữ liệu người dùng để hiển thị quảng cáo theo sở thích, hành vi trước đó và các thông tin cá nhân khác. Ví dụ, nếu một người dùng thường xuyên thích các bài viết về du lịch, quảng cáo của các đơn vị khách sạn hoặc dịch vụ du lịch có thể xuất hiện trong dòng thời gian của họ.
4.3. Hợp tác giữa Levi’s và Pinterest
Chiến dịch "Styled by Levi’s" đánh dấu màn hợp tác thế kỷ giữa Levi's và Pinterest, được ra mắt vào năm 2018. Mục tiêu của chiến dịch là tận dụng sở thích và xu hướng thời trang của người dùng Pinterest để tạo nội dung quảng cáo cá nhân hóa. Levi's sử dụng dữ liệu từ Pinterest để cung cấp ý tưởng và cảm hứng thời trang phù hợp với từng người dùng.
Chiến dịch tập trung vào việc thúc đẩy tương tác, chia sẻ ý tưởng và xây dựng cộng đồng thương hiệu trên nền tảng. Cụ thể, Levi's đã sử dụng bảng câu hỏi trực quan và thông tin chi tiết về phong cách từ hoạt động cá nhân trên Pinterest của người dùng. Sau khi hoàn thành bài kiểm tra ngắn, người dùng sẽ tự động nhận được một bảng Pinterest gợi ý trang phục phù hợp với sở thích của họ, cùng với hình ảnh biên tập nhằm thúc đẩy ý tưởng về cách phối hợp trang phục. Bằng cách tích hợp ngữ cảnh và sáng tạo, Levi's tạo ra một trải nghiệm quảng cáo độc đáo trên Pinterest để tăng cường tương tác và lòng trung thành từ phía khách hàng.
4.4. Tiếp thị theo ngữ cảnh: Nike và Apple
Apple từng hợp tác với Nike bằng cách đã kết hợp nội dung âm nhạc từ iTunes với dữ liệu về hoạt động tập luyện từ thiết bị đo lường của Nike. Qua đó, người dùng có thể tận hưởng âm nhạc yêu thích của họ trong khi theo dõi và đánh giá hiệu suất thể thao của mình.
Từ sự khởi đầu đơn giản, sự hợp tác giữa Nike và Apple đã phát triển thành Nike+, một hệ sinh thái toàn diện hơn cung cấp nhiều dịch vụ và sản phẩm hỗ trợ hoạt động thể dục, bao gồm cả ứng dụng di động, các thiết bị đo lường thông minh, và cộng đồng trực tuyến. Nike+ không chỉ là một công cụ theo dõi hoạt động tập luyện mà còn là nền tảng kết nối và tương tác giữa cộng đồng người hâm mộ thể thao. Sự hợp tác này đã thành công trong việc tạo ra một trải nghiệm tích hợp giữa âm nhạc và thể thao, đồng thời củng cố lòng trung thành từ phía khách hàng.
5. Cách lồng ghép ngữ cảnh tương ứng vào nội dung
Lồng ghép ngữ cảnh tương ứng vào nội dung là một chiến lược quan trọng để tạo ra trải nghiệm cá nhân hóa và hấp dẫn cho độc giả. Vậy xây dựng chiến dịch nội dung theo ngữ cảnh gồm những cách nào?
Hiểu về độc giả, đối tượng người dùng: Nghiên cứu kỹ về đối tượng người dùng để hiểu rõ nhân khẩu học và hành vi trực tuyến của họ, bao gồm cả những trang web họ thường xuyên truy cập, các nội dung họ chia sẻ, sở thích cá nhân.
Cân nhắc về điểm yếu và nỗi trăn trở, insight của người dùng: Xác định những điểm yếu và nỗi trăn trở của độc giả, từ đó tìm hiểu về những vấn đề thực tế họ đang phải đối mặt. Nếu đối tượng của bạn là dân văn phòng, họ có thể đối mặt với áp lực công việc. Nếu là người yêu thể thao, họ có thể gặp khó khăn trong việc duy trì động lực.
Tạo ra nội dung hỗ trợ, giúp đỡ: Chiến lược nội dung của bạn phải dựa trên những trở ngại của đối tượng mục tiêu. Nội dung cần giải quyết được vấn đề hoặc cung cấp thông tin hữu ích giúp khách hàng vượt qua khó khăn hoặc đạt được mục tiêu. Ví dụ: Nếu khách hàng không chắc chắn giải pháp nào phù hợp với họ, hãy tạo bảng sản phẩm nêu chi tiết thông số kỹ thuật của từng sản phẩm hoặc dịch vụ để họ có thể dễ dàng đưa ra quyết định. Nếu một trong những thách thức của bạn là nhận thức về thương hiệu, hãy tạo nội dung giới thiệu như video “về chúng tôi”.
Sử dụng Tag cá nhân hoặc tính năng đặc biệt hỗ trợ: Tiếp thị theo ngữ cảnh đặt trọng tâm vào việc cá nhân hóa trải nghiệm mỗi khi có thể. Thiết lập các chiến dịch, chương trình sẵn có sẽ giúp thương hiệu cung cấp thông tin hữu ích nhất đúng vào thời điểm phù hợp cho khách hàng. Bạn có thể tham khảo một số ý tưởng dưới đây:
- Một trang web bán lẻ triển khai chatbot để hỏi khách hàng tiềm năng xem họ có cần trợ giúp sau khi truy cập nhiều trang sản phẩm hay không.
- Email gửi đến người dùng sau khi rời khỏi trang web mà không mua bất kỳ sản phẩm nào trong giỏ hàng
- Quảng cáo trên thiết bị di động được hiển thị khi người dùng ở gần địa điểm bán lẻ.
>>> Xem thêm: Content Strategy là gì? Cách xây dựng chiến lược nội dung chuẩn
Tạm kết
Chỉ khi content (nội dung) và context (bối cảnh, ngữ cảnh) kết hợp một cách hài hoà với nhau, thương hiệu mới có thể tạo ra trải nghiệm tiếp thị độc đáo và hiệu quả. Nội dung cung cấp thông điệp, còn ngữ cảnh tạo ra không gian để thông điệp đó tồn tại và tương tác. Việc hiểu rõ đối tượng khách hàng và môi trường xã hội giúp chúng ta đặt nội dung vào đúng ngữ cảnh, làm tăng khả năng tương tác và chuyển đổi. Nói tóm lại, nội dung và ngữ cảnh không chỉ là các yếu tố riêng lẻ, mà là những phần tương hỗ, xây dựng lên cơ sở của một chiến lược tiếp thị mạnh mẽ và có ảnh hưởng.
Thanh Thanh - MarketingAI
Bình luận của bạn