YouTube đã tìm cách trả lời một số câu hỏi phổ biến về cách thuật toán hoạt động khi làm nổi bật một số nội dung nhất định cho người dùng - và tại sao số liệu video không phải lúc nào cũng phản ánh hiệu suất. Trong một video mới nhất trên kênh Creator Insider, giám đốc sản phẩm của YouTube là Patricia và Rachel đã tập trung cụ thể vào sức ảnh hưởng của tỷ lệ nhấp chuột (CTR) và thời lượng trung bình của người xem (AVD), cũng như việc thuật toán của YouTube đã sử dụng những yếu tố này như nào trong việc phân phối video và đo lường hiệu suất.
Mới đây, YouTube đã phác thảo về bảng hiển thị phân tích Insight. Nó hiển thị cho các nhà làm nội dung về tỷ lệ CTR và AVD trung bình, qua đó giúp cung cấp thêm nhiều Insight về hiệu suất hoạt động của nội dung trên kênh của mình.
Nhưng như YouTube đã đề cập từ trước, những con số này không phải tuyệt đối hoàn toàn. Đã có những trường hợp các nhà quản lý thảo luận về sự khác biệt có thể xảy ra khi các video có mức CTR thấp nhưng lượt xem vẫn rất cao. YouTube cũng đã giải thích về chuyện này như sau: Tỷ lệ nhấp chuột (CTR) là một số liệu rất phức tạp để hiểu. Chính vì vậy, với nhiều nhà làm nội dung, nếu bạn nhìn vào những video thành công nhất của mình - những video sở hữu lượt xem cao ngất ngưởng thì phần lớn chúng sẽ sở hữu mức CTR rất thấp, nếu không muốn nói là thấp nhất.
YouTube giải thích rằng điều này đến từ khả năng phân phối và đề xuất video, qua đó giúp video của bạn tiếp cận tới lượng người xem rộng lớn hơn. Điều này có nghĩa rằng, nội dung video của bạn sẽ được hiển thị tới nhiều người hơn nếu họ ít biết về bạn, cũng như nội dung mà bạn đã thực hiện. Như một lẽ, điều này sẽ khiến cho mức CTR của bạn bị giảm xuống. Vì vậy, nếu nhìn vào một hướng khác thì đây có thể là hệ quả cho việc thành công (khả năng phân phối rộng lớn hơn). Nói ngắn gọn hơn, mức CTR sẽ dựa vào hiệu quả hoạt động video của bạn, video sở hữu lượt xem càng cao thì CTR sẽ càng thấp.
Mặt khác, một số video của bạn ít view hơn, nhưng sẽ được hiển thị tới những nhóm khán giả mục tiêu nhỏ sẽ là những người nhấp vào nhiều nhất, chính vì vậy mà những video đó sẽ sở hữu mức CTR rất cao. Dó đó, việc xảy ra một sự khác biệt về hiệu suất của video trên YouTube, cụ thể là mức CTR thấp với những video sở hữu lượt xem cao là một điều không quá khó hiểu.
Tuy vậy, điều này có thể khiến cho việc đo lường hiệu suất tổng quan, hay thậm chí là theo dõi các xu hướng liên quan trở nên khó khăn hơn. Về điều này, YouTube đã khuyến nghị các nhà làm nội dung hãy để mắt tới tất cả những số liệu hiện có sẵn, kể cả những Insight mới nhất, qua đó có được một cái nhìn trọn vẹn và đầy đủ nhất. Bởi nếu xét độc lập thì về lý thuyết, bất kỳ số liệu đơn lẻ nào cũng có thể trở nên khó hiểu. YouTube cũng hy vọng rằng trong dài hạn họ sẽ phát triển được hệ thống kiểm định A/B, qua đó giúp các nhà làm nội dung và phân tích có được câu trả lời chính xác nhất.
Ngoài ra, YouTube cũng đề cập đến mối lo ngại của các nhà làm nội dung xung quanh ảnh hưởng các liên kết bên ngoài khiến cho thời lượng xem trung bình giảm xuống, qua đó có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận và phân phối video trong thuật toán. Trong việc khám phá các video mới, YouTube đã tiến hành thử nghiệm để xem hiệu suất của video trong bối cảnh nó được hiển thị. Khi có một video được hiển thị ở mục Home, hiệu suất của nó sẽ ra sao? Tương tự, nếu video xuất hiện ở mục Watch Next,.. Lưu ý rằng, từng mục Home hay Watch Next đều sẽ sở hữu mô hình xếp hạng riêng của mình.
Nói cách khác, cả hai nền tảng khám phá video này đều sẽ có những cách khác nhau trong việc xác định những video nào sẽ hiển thị tới người dùng. Dĩ nhiên điều này là hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ các đề xuất video trong mục Home sẽ dựa hoàn toàn vào lịch sử xem video của người dùng đó. Với mục Watch Next thì danh sách đề xuất sẽ phụ thuộc vào những video mà bạn vừa mới xem.
Tỷ lệ nhấp (CTR) và thời lượng trung bình (AVD) là những chỉ số khá tốt để cho thấy hiệu suất video của người làm nội dung nói chung, tuy nhiên chúng chắc chắn không thể đúng trong mọi trường hợp. Việc có thêm lưu lượng truy cập từ bên ngoài sẽ không gây hại tới việc khám phá của nhà làm nội dung, cũng như cách mà video của họ được đề xuất trong mục Home hay Watch Next. YouTube cũng đề cập thêm rằng nền tảng hiển thị phân tích mới sẽ lọc bớt CTR và AVD cho đồng thời cả hai mục là “Home” và “Watch Next”, qua đó giúp các nhà làm nội dung có thể dễ dàng hiểu được mức ảnh hưởng của các nguồn bên ngoài lên hai chỉ số này.
Cũng trong video lần này, YouTube cũng đã đề cập tới mối lo ngại về việc thuật toán trên nền tảng này so sánh không công bằng về thời lượng xem trung bình cho các video với thời lượng khác nhau. Khi khám phá video, đội ngũ của YouTube đã nhìn đồng thời cả thời lượng xem tương đối và tuyệt đối, cả hai đều là những chỉ số quan trọng, ảnh hưởng tới cách mà video của bạn sẽ được đề xuất. Dù thế nào, nhà làm nội dung vẫn cần phải thực hiện việc giới thiệu chéo, kể cả khi YouTube có đổi “Thời lượng xem trung bình” sang “Tỷ lệ xem trung bình”, bởi lẽ các video ngắn sẽ có mức tỷ lệ xem trung bình rất cao một cách dễ dàng. Dù YouTube có thể tạo ra nhiều số liệu khác nhau cho nhà sáng tạo, tuy nhiên họ chỉ chọn thời lượng xem trung bình. Bởi lẽ, nếu xét rằng một người dành ra bao nhiêu thời gian để xem nội dung video của bạn là một thước đo sự quan tâm vô cùng chính xác. Chính vì điều này, YouTube muốn mọi video bất kể thời lượng đều sẽ thành công trên nền tảng này và được khám phá bởi người xem.
>> Xem thêm: Hướng dẫn xây dựng chiến lược Marketing Youtube từ A-Z
YouTube cũng đã giải thích thêm về một vấn đề phổ biến khác, cụ thể là một video sở hữu chỉ số CTR và AVD đều ở mức tốt, tuy nhiên video đó vẫn không đạt được hiệu suất cao, điều này đã khiến cho rất nhiều nhà làm nội dung video trên đây trở nên bối rối vì không hiểu vấn đề là gì. YouTube đã đưa ra giải thích như sau: CTR và AVD chỉ là hai trong số rất nhiều thước đó khác mà YouTube sử dụng cho việc tìm kiếm và khám phá. Chính vì vậy, cũng có rất nhiều yếu tố khác sẽ ảnh hưởng đến số lần hiển thị mà video của bạn sẽ nhận được và số lượng người xem chúng. YouTube cũng đặc biệt nhấn mạnh ba lưu ý khác mà người làm nội dung cần ghi nhớ:
- Mức độ cạnh tranh: YouTube là nền tảng mạng xã hội lớn bậc nhất thế giới hiện nay, chính vì vậy mà lượng nội dung ở trên đây là khổng lồ. Mỗi ngày, số lượng video mới được đăng tải trên đây là rất nhiều, chính vì vậy mà sẽ có mức độ cạnh tranh giữa các video trong việc thu hút khán giả. Dù video của bạn có thỏa mãn toàn bộ các điều kiện khác, nó vẫn có thể không thu về lượng quan tâm đủ lớn.
- Mức độ quan tâm tới chủ đề: YouTube cũng chỉ ra rằng sẽ có một số chủ đề chỉ đơn giản là phổ biến hơn. Lấy ví dụ như bóng đá - chắc chắn số lượng người quan tâm đến bộ môn này sẽ nhiều hơn số lượng người quan tâm tới môn Golf. Chính vì thếy, những video về bóng đá sẽ thu về lượt xem cao hơn các video về Golf và dĩ nhiên, điều này không đến từ lý do thuật toán của YouTube ưu tiên các video về bóng đá hơn, chỉ đơn giản là chủ đề này sở hữu lượng khán giả trung thành cao hơn các chủ đề khác mà thôi.
- Tính mùa vụ: YouTube chỉ ra rằng các chủ đề khác nhau sẽ thấy mức độ quan tâm cao hơn vào các thời điểm khác nhau trong năm. Ngược lại, nó cũng có nghĩa là một số chủ đề cũng sẽ tạo ra ít sự quan tâm hơn cùng một lúc, điều này sẽ một phần quay ngược lại về yếu tố mức độ cạnh tranh ở đầu.
Tạm kết
Vừa trên là những giải thích của YouTube liên quan tới những vấn đề, thắc mắc phổ biến về thuật toán trên nền tảng này. Có thể thấy rằng YouTube hiện đã và đang bắt tay vào việc phát triển những công cụ mới để cung cấp thêm nhiều Insight hơn, qua đó giúp các nhà làm nội dung có thể tối đa hóa số lượt xem video của họ. Đây là những Insight vô cùng thú vị, quý giá và nó đã phần nào giải thích thỏa đáng các thắc mắc nhức nhối liên quan tới thuật toán của YouTube. Nếu bạn là một người làm nội dung trên YouTube và đang đau đầu không hiểu vì sao hiệu suất video của mình không được khả quan, những giải thích trong bài viết này sẽ giúp bạn hiểu chính xác phần nào.
Tuấn Anh - MarketingAI
Theo Socialmediatoday
Bình luận của bạn