cover

Nhãn hiệu hàng hóa là gì? Cách đăng ký nhãn hiệu nhanh chóng, đơn giản nhất

18 Thg 10

Nhãn hiệu hàng hóa là một yếu tố giúp phân biệt sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp với nhau trên thị trường. Đăng ký nhãn hiệu còn góp phần xây dựng danh tiếng và độ nhận diện của thương hiệu trên thị trường. Dù có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động kinh doanh nhưng nhiều người vẫn chưa hiểu rõ nhãn hiệu hàng hóa là gì. Dưới đây, MarketingAI sẽ giải đáp tất tần tật cho bạn về vấn đề này nhé!

Nhãn hiệu hàng hóa là gì?

Theo Văn phòng Bằng sáng chế và Thương hiệu Hoa Kỳ, nhãn hiệu hàng hóa là "từ ngữ, hình ảnh, hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó được thể hiện bằng màu sắc" nhằm phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu được xếp vào mục tài sản vô hình của thương hiệu và được luật pháp công nhận quyền bảo hộ nếu chủ doanh nghiệp thực hiện đăng ký hợp lệ.

Nhãn hiệu thường là tên doanh nghiệp hoặc logo công ty, điều quan trọng là tên và biểu tượng phải thật độc đáo, dễ nhớ để khách hàng có thể dễ dàng nhận biết doanh nghiệp của bạn giữa các đối thủ cạnh tranh.

Có thể kể đến Vinamilk có nhiều nhãn hiệu đại diện cho các loại hàng hóa khác nhau như: Sữa tiệt trùng Vinamilk, nước trái cây Vfresh, sữa chua Probi,...

Nhãn hiệu hàng hóa là gì

>>> Xem thêm: Đại sứ thương hiệu là gì? Bí quyết "chọn mặt gửi vàng" của doanh nghiệp

Tại sao phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa?

Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa sẽ mang đến nhiều lợi ích và quyền lợi cho doanh nghiệp kinh doanh, chẳng hạn như:

#1. Bảo vệ nhãn hiệu khỏi các hành vi xâm phạm trái pháp luật

Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là cách để doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu đối với thương hiệu. Khi đó, thương hiệu sẽ được pháp luật bảo vệ khỏi các hành vi xâm phạm, sao chép nhãn hiệu của các tổ chức, cá nhân khác. Nếu có dấu hiệu bị xâm phạm nhãn hiệu, thương hiệu có thể khởi kiện và nhận được đền bù xứng đáng.

#2. Xây dựng và bảo vệ uy tín, danh tiếng của thương hiệu

Nhãn hiệu là một trong những tài sản vô giá của doanh nghiệp, đại diện cho danh tiếng, uy tín và bảo chứng chất lượng sản phẩm của thương hiệu trên thị trường. Nếu không làm thủ tục đăng ký, nhãn hiệu sẽ dễ bị các tổ chức, cá nhân khác làm giả, làm nhái. Họ có thể sử dụng nhãn hiệu của doanh nghiệp để đưa ra thị trường sản phẩm kém chất lương, lừa đảo người tiêu dùng. Khi đó, hình ảnh và uy tín thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tại sao phải đăng ký nhãn hiệu hàng hóa

#3. Nâng cao độ nhận diện sản phẩm, dịch vụ

Thông qua những đặc trưng và tính duy nhất của nhãn hiệu hàng hóa, doanh nghiệp dễ dàng gia tăng độ nhận diện của sản phẩm, dịch vụ trong nhận thức người dùng. Điều này cũng giúp khách hàng dễ dàng tìm thấy các mặt hàng của bạn hoặc giới thiệu đến mọi người xung quanh.

#4. Khai thác các lợi ích thương mại từ nhãn hiệu được đăng ký

Sau khi đăng ký nhãn hiệu doanh nghiệp có thể khai thác lợi ích thương mại từ nhãn hiệu như: Sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm, dịch vụ chuyển nhượng quyền sử dụng và nhãn hiệu riêng … Các cá nhân và tổ chức khác chỉ có thể sử dụng nhãn hiệu này khi có sự cho phép của công ty sở hữu nó.

>>> Xem thêm: Đăng ký thương hiệu độc quyền: “chiếc áo giáp” giúp bảo vệ thương hiệu

Phân loại nhãn hiệu hàng hóa

Nhãn hiệu hàng hóacó thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau dựa trên các tính chất nhất định. Dưới đây là một số cách sắp xếp nhãn hiệu phổ biến nhất:

#1. Nhãn hiệu thông thường

Nhãn hiệu thông thường được chia làm 2 loại là dành cho hàng hóa hoặc dịch vụ.

  • Đối với hàng hóa (sản phẩm): Có mục đích phân biệt sản phẩm của các cá nhân, tập thể với nhau để xác định cơ sở xác xuất chứ không nhằm biết loại hàng hóa chính xác là gì. Do đó, các nhãn hiệu cũng mang tính chất mô tả, có sự liên quan hoặc là tên gọi của chính sản phẩm đó thì không đạt điều kiện để đăng ký bảo hộ.
  • Đối với dịch vụ: Thường được sử dụng trên các bảng quảng cáo dịch vụ để khách hàng dễ nhận biết.

#2. Nhãn hiệu tập thể

Đây là loại nhãn hiệu dành riêng cho một tổ chức, hiệp hội hoặc nhóm người và được sử dụng bởi các thành viên trực thuộc nhằm phân biệt hàng hóa của mình với những sản phẩm khác bên ngoài. Nhãn hiệu tập thể không đại diện cho một doanh nghiệp cụ thể mà thay vào đó thể hiện nguồn gốc của cả một nhóm, tổ chức. Vì vậy, các thành viên phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn/điều kiện được quy định mới được phép sử dụng nhãn hiệu cho hàng hóa của mình. Một ví dụ về nhãn hiệu hàng hóa tiêu biểu về nhãn hiệu tập thể là "Chè Thái nguyên" chuyên sản xuất ở khu vực Thái Nguyên và nổi tiếng với hương vị thơm ngon đặc trưng.

#3. Nhãn hiệu liên kết

Nhãn hiệu liên kết là nhãn hiệu hàng hóa dùng chung được đăng ký bởi nhiều bên cùng có chung quyền sở hữu cho cùng một loại sản phẩm, dịch vụ. Thông thường các trường hợp doanh nghiệp hợp tác với nhau sẽ lựa chọn loại hình nhãn hiệu này vì chúng vẫn có thể đảm bảo quyền lợi công bằng cho các bên. Nhờ có nhãn hiệu liên kết mà người dùng yên tâm trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ của nhiều bên vì chúng được đảm bảo và có mối liên hệ với các hàng hóa, thương hiệu mà họ đã sử dụng trước đây. 

Ví dụ về nhãn hiệu hàng hóa: Các dòng sản phẩm của Honda về xe máy Wave như Wave, Wave RX, Wave SX,...đều là nhãn hiệu liên kết vì chúng đều cùng hãng Honda sản xuất, có các tính năng tương tự nhau và thuộc chuỗi sản phẩm xe Wave. Hoặc các thương hiệu được hệ sinh thái của Vingroup như: Vinmec, Vinpearl, Vinhome,...

Nhãn hiệu liên kết

#4. Nhãn hiệu chứng nhận (Certification Mark)

Certification Mark là nhãn hiệu hàng hóa được sử dụng để chứng nhận rằng hàng hóa đã tuân thủ đúng các tiêu chuẩn như xuất xứ, nguyên vật liệu, quy trình sản xuất, chất lượng, kỹ thuật,... hoặc đã được kiểm nghiệm bởi tổ chức uy tín. Bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào cũng có thể sở hữu nhãn hiệu chứng nhận chỉ cần chứng minh được sản phẩm đạt tiêu chuẩn đã quy định. Từ nhãn hiệu chứng nhận, khách hàng hiểu rõ hơn về chất lượng hàng hóa và yên tâm khi sử dụng. Chẳng hạn, các doanh nghiệp sản xuất có thể xin nhãn hiệu chứng nhận ISO 9001 về quản lý chất lượng để chứng minh sản phẩm đạt chất lượng, quy trình sản xuất tiêu chuẩn.

Ngoài ra, chủ thể đăng ký nhãn hiệu chứng nhận sẽ được coi là "có thẩm quyền chứng nhận" hàng hóa có liên quan. Ví dụ, nhãn hiệu chứng nhận là Woolmark, nhãn hiệu này được dùng để chứng nhận các hàng hóa được sản xuất 100% từ chất liệu len.

#5. Nhãn hiệu nổi tiếng

Đây là loại nhãn hiệu hàng hóa được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, có độ nhận diện lớn trong một khu vực cụ thể hoặc trên toàn thế giới. Chính vì vậy, thủ tục đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng cũng phức tạp hơn nhãn hiệu thông thường khi cần được phê duyệt qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đó cũng là lý do mà loại nhãn hiệu này sẽ có tính bảo hộ mạnh hơn rất nhiều, thậm chí là được bảo hộ trên toàn thế giới, ở cả các khu vực lãnh thổ chưa đăng ký nhãn hiệu. Hiện nay, có rất nhiều nhãn hiệu nổi tiếng có thể kể đến như Apple, Samsung, Pepsi, Coca-Cola, Nike, Puma,...

Một nhãn hiệu nổi tiếng cần đáp ứng các tiêu chí sau:

  • Số lượng người biết đến nhãn hiệu: Số người biết đến nhãn hiệu của hàng hóa đó càng lớn thì mức độ ưa chuộng càng cao.
  • Doanh thu bán hàng hóa mang nhãn hiệu: Doanh thu bán hàng phần nào thể hiện sức bán của mặt hàng cũng như mức độ yêu thích, nổi tiếng của sản phẩm đối với người dùng.
  • Thời gian tồn tại của nhãn hiệu: Một nhãn hiệu đã hoạt động lâu dài luôn có một danh tiếng nhất định.
  • Ngoài ra, cũng có một số các tiêu chí để đánh giá như danh tiếng lớn của sản phẩm, số quốc gia công nhân danh tiếng thương mại hay số quốc gia bảo hộ nhãn hiệu.
Nhãn hiệu nổi tiếng

>>> Xem thêm: Nhãn hiệu và thương hiệu: Đâu là "ranh giới" của sự khác biệt?

Quy trình đăng ký nhãn hiệu hàng hóa

Quy trình đăng ký nhãn hiệu hàng hóa được thực hiện theo trình tự các bước sau:

Nghiên cứu thị trường và lựa chọn nhãn hiệu

Trước hết, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường và lựa chọn nhãn hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ, không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc trùng lặp với các thương hiệu đã đăng ký. Hàng hóa mang nhãn hiệu cần được phân loại theo Bảng phân loại quốc tế về nhãn hiệu Ni-xơ.

Nghiên cứu thị trường và lựa chọn nhãn hiệu

Nộp thủ tục đăng ký

Sau khi hoàn tất kiểm tra và lựa chọn nhãn hiệu hàng hóa, doanh nghiệp tiếp tục nộp đơn lên Cục sở hữu Trí tuệ Việt Nam - NOIP cùng lệ phí đăng ký như sau:

Đối với đơn đăng ký 01 nhóm sản phẩm, dịch vụ

Trường hợp đơn có 06 sản phẩm, dịch vụ trở xuống thuộc 01 nhóm hàng hóa:

  • Lệ phí nộp đơn: 150.000 đồng/01 nhãn hiệu, 01 nhóm hàng hóa
  • Phí thẩm định: 550.000 đồng
  • Phí tra cứu, thẩm định nhãn hiệu: 180.000 đồng
  • Phí cấp giấy chứng nhận: 120.000 đồng
  • Phí đăng bạ: 120.000 đồng
  • Phí công bố nhãn hiệu: 120.000 đồng

Đối với đơn đăng ký có nhiều nhóm sản phẩm, dịch vụ

Trường hợp mỗi nhóm hàng hóa bảo hộ tăng thêm, phí cấp giấy chứng nhận tăng thêm 100.000 đồng

Trường hợp mỗi nhóm hàng hóa đăng ký bảo hộ trên 6 sản phẩm, dịch vụ thì sản phẩm, dịch vụ từ 7 trở lên cộng thêm phí:

  • Phí thẩm định nội dung: 120.000 đồng
  • Phí phân loại quốc tế: 20.000 đồng
  • Phí tra cứu phục vụ thẩm định nhãn hiệu: 30.000 đồng

Thẩm định hình thức đơn

Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam tiến hành kiểm tra hình thức hồ sơ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nhằm đảm bảo chúng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và quy định. Thời gian thẩm định hình thức nhãn hiệu có thể kéo dài 01 tháng kể từ ngày nộp đơn. Nếu đơn đăng ký đủ điều kiện thì cơ quan thẩm định sẽ ra thông báo chấp nhận hợp lệ và cho công bố đơn. Ngược lại, nếu hồ sơ có dấu hiệu sai phạm thì Cơ quan không chấp nhận đơn và yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi cho đến khi hợp lệ.

Công bố đơn

Sau khi đăng ký và thẩm định thành công, nhãn hiệu của bạn sẽ được công bố công khai trên website của Cục sở hữu trí tuệ và Công báo Sở hữu công nghiệp trong vòng 02 tháng kể từ ngày nhận thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.

Nhãn hiệu của bạn sẽ được công bố công khai trên website của Cục sở hữu trí tuệ và Công báo Sở hữu công nghiệp

Thẩm định nội dung đơn

Thời hạn thẩm định nội dung hồ sơ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa trong vòng 09 tháng kể từ ngày công bố đơn. Cục Sở hữu trí tuệ cần xem xét các tiêu chí, điều kiện đăng ký để đánh giá mức độ hợp lệ. Nếu đơn đăng ký được chấp thuận thì Cục sẽ ra "Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu". Ngược lại, nếu nội dung đơn đăng ký không đủ điều kiện thì cơ quan ra "Thông báo không cấp văn bằng cho nhãn hiệu". Chủ doanh nghiệp có thể khiếu nại quyết định và đưa ra các cơ sở để chứng minh tính hợp lệ, thuyết phục của hồ sơ đăng ký với Cục.

Cấp giấy chứng nhận về đăng ký nhãn hiệu

Sau khi có "Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ", chủ doanh nghiệp hoàn tất lệ phí cấp bằng để được nhận văn bằng bảo hộ độc quyền nhãn hiệu. Nhãn hiệu sẽ có hiệu lực và được bảo hộ trong vòng 10 năm kể từ ngày nộp đơn. Doanh nghiệp có thể gia hạn văn bằng nhiều lần nên nhãn hiệu hàng hóa được coi là tài sản bền vững trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh của thương hiệu.

Một số câu hỏi thường gặp về nhãn hiệu hàng hóa

1. Nhãn hiệu sẽ được bảo hộ trong bao lâu sau khi đăng ký?

Nhãn hiệu hàng hóa có hiệu lực trong vòng 10 năm kể từ ngày nộp đơn và không giới hạn số lần gia hạn nhãn hiệu nếu vẫn có nguyện vọng tiếp tục bảo hộ.

2. Có thể sửa đổi nhãn hiệu sau khi đăng ký không?

Nhãn hiệu và danh mục sản phẩm, dịch vụ đã đăng ký không thể sửa đổi trừ trường hợp điều chỉnh để giới hạn danh mục hàng hóa.

3. Có thể sửa đổi nhãn hiệu khi đang vào giai đoạn thẩm định không?

Nếu trong giai đoạn thẩm định, chủ doanh nghiệp có thể sửa đổi nhãn hiệu hoặc sản phẩm, dịch vụ đăng ký với điều kiện là việc điều chỉnh không làm ảnh hưởng đến bản chất chất của nhãn hiệu so với khi nộp hoặc không tăng thêm phạm vi bảo hộ hàng hóa đã xin đăng ký.

4. Nếu không sử dụng, nhãn hiệu đã đăng ký liệu có thể bị hủy bỏ không?

Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa có thể kết thúc hiệu lực trước thời hạn 10 năm nếu chủ giấy chứng nhận không sử dụng nhãn hiệu trong 5 năm liên tục trước ngày có yêu cầu định chỉ hiệu lực. Trong trường hợp này, Giấy chứng nhận sẽ mất hiệu lực kể từ ngày đầu tiên sau thời gian 5 năm nói trên.

Tạm kết

Nhãn hiệu hàng hóa là một tài sản vô hình bảo vệ thương hiệu trước tình trạng giả mạo, vi phạm các quyền lợi khác trên thị trường. Việc tìm hiểu nhãn hiệu hàng hóa là gì và đăng ký càng sớm càng giúp bạn có lợi hơn trong việc cạnh tranh như gia tăng độ nhận diện, hạn chế việc làm nhái, làm giả sản phẩm và hưởng nhiều lợi ích khác về hình ảnh thương hiệu.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.