Ngành F&B: Cú lội ngược dòng ngoạn mục sau đại dịch Covid-19

04 Thg 04

Vượt qua những khó khăn do đại dịch gây ra, giờ đây, các thương hiệu ngành F&B lại phải tiếp tục đối mặt với cuộc chơi phục hồi và phát triển trong giai đoạn “bình thường mới”.

Các chuyên gia dự báo có tới 90% khách hàng mong muốn dùng bữa ở bên ngoài do nhu cầu chi tiêu bị dồn nén trong suốt thời gian giãn cách vì dịch bệnh. Như vậy, các doanh nghiệp và chủ kinh doanh ngành F&B muốn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thì cần phải có sự nhanh nhạy trong chiến lược và đón đầu các xu hướng mới.

Thị trường F&B Việt Nam hứa hẹn bùng nổ trở lại trong năm 2022

Theo báo cáo thống kê, có tới hơn 90% doanh nghiệp F&B chịu tác động nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 trong năm 2021, thậm chí có nhiều doanh nghiệp đã phải đối mặt với bài toán sống còn.

Và mãi cho đến đầu năm nay, thị trường F&B mới bắt đầu ghi nhận sự bùng nổ trở lại. Theo dự báo của tổ chức nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc, ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hằng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021-2026.

Còn theo VNDirect kỳ vọng, ngành F&B sẽ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022 (khoảng 10 - 12%), với động lực chính từ việc phục hồi nhu cầu tiêu dùng nội địa cho đến việc mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ.

Tất cả các hoạt động, bao gồm: vui chơi, giải trí, vận tải và du lịch đều có thể được phép hoạt động hết công suất bắt đầu từ quý II/2022, sau khi 70% người dân được tiêm chủng đầy đủ.

Sau khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội, ngành F&B bắt đầu tiến vào cuộc chơi phục hồi hậu Covid-19

Báo cáo: 4 xu hướng thực phẩm định hình ngành F&B năm 2022

Thế hệ gen Z - Nhân tố thúc đẩy thị trường F&B trong tương lai

Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, hiện nay, dân số Việt Nam ở độ tuổi từ 16 đến 30 chiếm 25%. Đây là nguồn lực quý giá và hứa hẹn sẽ mang đến sự sáng tạo và độc đáo cho ngành F&B.

Theo báo cáo của Decision Lab, Thế hệ gen Z (1997 - 2012) là thế hệ mà ngành F&B cần quan tâm. Mặc dù những đối tượng này có thu nhập không quá cao, nhưng đây là là thế hệ sở hữu nhiều cá nhân sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của ngành F&B nhiều nhất. Họ sẵn sàng chi một khoản tiền lớn cho việc ăn uống (900.000 VNĐ/tháng). Đây cũng là nhóm đối tượng hàng đầu mà các địa điểm ẩm thực quốc tế săn đón.

Thế hệ gen Z là thế hệ mà ngành F&B cần quan tâm
Thế hệ gen Z là thế hệ mà ngành F&B cần quan tâm

4 xu hướng phát triển ngành F&B trong bối cảnh bình thường mới

Thực phẩm lành mạnh, healthy

Trước sức ép từ đại dịch, người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm tốt cho sức khỏe. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính kích thích sự trỗi dậy của các xu hướng ăn uống healthy.

Các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành F&B tại Việt Nam có thể tận dụng để khai thác vào ngách thị trường đồ ăn vặt lành mạnh, thực phẩm xanh… để thu hút tệp khách hàng tiềm năng. 

Sự thay đổi trong cách ăn uống và nhu cầu sống lành mạnh là cơ hội cho các doanh nghiệp ngành F&B tập trung vào những giá trị bền vững và tốt hơn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội mở ra hướng đi mới cho những ai đang có ý định gia nhập ngành. Các doanh nghiệp cần chú trọng và quan tâm nhiều hơn đến nguyên liệu đầu vào và packaging của sản phẩm.

Món ăn đã qua sơ chế và quy trình hoạt động tự phục vụ "self service"

Ngày nay, các nhà hàng kinh doanh truyền thống đã vận dụng quy trình hoạt động tự phục vụ và bán thêm các món ăn được sơ chế sẵn nhằm gia tăng doanh thu cho doanh nghiệp của mình. Khách hàng cảm thấy thích thú và hài lòng với các sản phẩm đóng hộp sẵn, điển hình là các sản phẩm của Pizza 4P''s, The Coffee House... được rất nhiều khách hàng lựa chọn mang về để thưởng thức. 

Thay vì phục vụ tại bàn như trước kia, các thương hiệu chuyển dần sang hình thức tự phục vụ để tiết kiệm chi phí nhân sự và đảm bảo giảm sự tiếp xúc trong nhà hàng. 

Pizza đóng gói sẵn là món ăn được nhiều dân mạng săn lùng trong thời gian vừa qua
Pizza đóng gói sẵn là món ăn được nhiều dân mạng săn lùng trong thời gian vừa qua

Phát triển hình thức phục vụ đa kênh

Hình thức bán hàng online đã phát triển rất mạnh mẽ và phổ biến trong 2 năm Covid-19. Tuy nhiên, phần lớn khách hàng Việt Nam vẫn ưa chuộng hình thức tự phục vụ tại chỗ hơn. Giờ đây, ăn uống không chỉ đơn giản là nhu cầu cơ bản của con người mà đã được nâng cấp lên thành sự hưởng thụ và giải trí. Họ thích thưởng thức những món ăn nóng hổi còn nghi ngút khói, trải nghiệm trong một không gian yêu thích và được tụ tập bên gia đình, bạn bè…

Như vậy, để tối đa lợi nhuận và tiếp cận với lượng khách hàng lớn, các doanh nghiệp ngành F&B nên triển khai bán hàng theo hình thức bán hàng đa kênh. Theo ông Hùng, CEO của iPOS.vn: Hiện nay, tỷ lệ hợp lý của số đơn hàng bán online ngành F&B là khoảng 80% trên các bên thứ ba20% là trên kênh tự xây

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp nào cũng triển khai đa kênh, thương hiệu nào cũng bán hàng online thì dần dần thị trường sẽ bão hoà. Vì thế, bài toán được đặt ra ở đây chính là việc các doanh nghiệp nên có hướng đi mới mẻ và có những chiến lược phát triển lâu dài sau này.

Tỷ lệ hợp lý của số đơn hàng bán online ngành F&B là khoảng 80% trên các bên thứ ba và 20% là trên kênh tự xây. 
Tỷ lệ hợp lý của số đơn hàng bán online ngành F&B là khoảng 80% trên các bên thứ ba và 20% là trên kênh tự xây. 

Marketing ngành F&B: “Thiên biến vạn hóa” cùng TikTok

Thói quen thanh toán hiện đại

Đại dịch làm thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng: Họ thanh toán qua mã QR, thẻ ATM, điện thoại di động thay vì sử dụng tiền mặt như trước đây.

Theo một khảo sát về "Chỉ số thanh toán mới năm 2021" của Mastercard, có tới 84% người tiêu dùng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhận thấy khả năng tiếp cận các hình thức thanh toán mới của họ đang tăng lên đáng kể. Trong khi đó, có 88% người dùng đã sử dụng ít nhất một hình thức thanh toán mới vào năm ngoái.

Được biết, khoảng 75% người được khảo sát trong số đó là thế hệ millennials (những người sinh từ năm 1981 - 1996) chia sẻ rằng họ đã thử sử dụng phương thức thanh toán mới mà trước đây họ từng nghĩ là mình sẽ không bao giờ sử dụng nếu không có đại dịch. Ngoài ra, hơn 60% người dùng nói rằng họ “sẵn sàng tạm biệt” với các nhà hàng và cửa hàng không chấp nhận hình thức thanh toán trực tuyến.

Bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết đại dịch chính là yếu tố thúc đẩy thói quen sử dụng kỹ thuật số ở Việt Nam: “Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần số hóa và đặt nhu cầu của khách hàng lên hàng đầu. Đây là điều vô cùng cấp thiết đối với các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch và đi trước các đối thủ cạnh tranh.”

Đại dịch đã làm thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán bằng thẻ, quét QR...
Đại dịch đã làm thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán bằng thẻ, quét QR...

Đặc biệt, đây cũng chính là thời điểm chín muồi để các doanh nghiệp ngành F&B tại Việt Nam bắt đầu chuyển đổi số hay số hoá từ những thứ đơn giản nhất như sử dụng máy bán hàng cầm tay (vừa có chức năng in hoá đơn, chức năng đặt hàng, vừa có thể nhận đơn hàng online nhỏ gọn), hay giải pháp menu điện tử giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn món ăn cũng như giúp cắt giảm quy trình từ vị trí nhân viên phục vụ đến khách hàng...

2022 mở ra cơ hội "ngàn vàng" cho các doanh nghiệp ngành F&B phát triển, bùng nổ để thúc đẩy doanh thu và bù đắp cho khoảng thời gian khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Thanh Thanh - MarketingAI

Tổng hợp

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.