Tính bền vững và sức khỏe sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm đối với các công ty F&B trong năm 2022 và những năm tới, khi người tiêu dùng tỏ ra quan tâm hơn đến những vấn đề này. Tuy nhiên, đây đều là những thuật ngữ khá rộng, vì vậy trong nghiên cứu này, Spoonhot sẽ khám phá, đào sâu hơn hơn một chút về 4 lĩnh vực dự kiến sẽ phát triển và bùng nổ nhất.
Trước đó vào năm 2019, Spoonhot đã từng dự đoán chính xác 7 trong số 8 xu hướng thực phẩm cho năm 2021. Và báo cáo năm nay được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn cảm hứng và thông tin hữu ích nhất cho các thương hiệu F&B trong hành trình bứt phá hậu đại dịch Covid-19.
Dự đoán xu hướng thực phẩm năm 2022 về sức khỏe
Food Synergy - Sức mạnh của thực phẩm tăng cường miễn dịch
Các nghiên cứu ban đầu về Covid-19 chỉ ra rằng, những người có khả năng miễn dịch cao sẽ ít bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn của virut. Từ đó, nhu cầu tích trữ và sử dụng sản phẩm có chứa chất tăng cường khả năng miễn dịch bùng nổ mạnh mẽ, trong đó Vitamin C và Kẽm (Vit C-Zinc) là hai thành phần được ưa chuộng nhất. Điều này đã thúc đẩy các doanh nghiệp F&B đầu tư nghiên cứu về sự kết hợp này trong sản phẩm của mình. Cụ thể:
Sự quan tâm của doanh nghiệp đối với kết hợp Vit C-Zinc trong tháng 1/2021 đã tăng 814% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi sự quan tâm của người tiêu dùng chỉ tăng nhẹ 3%. Tuy nhiên, nếu so với 6 tháng đầu năm 2020, thì sự quan tâm của người dùng đã tăng đến 66%.
Food synergy (tạm dịch: sức mạnh tổng hợp của thực phẩm) là khái niệm về cách các chất dinh dưỡng từ các loại thực phẩm khác nhau tương tác và cải thiện (hoặc thậm chí làm giảm) sự hấp thụ và sinh khả dụng của các chất dinh dưỡng trong cơ thể. Sinh khả dụng là tỷ lệ chất dinh dưỡng trong thực phẩm được tiêu hóa, hấp thụ, chuyển hóa trong cơ thể chúng ta. Không phải tất cả các vi chất dinh dưỡng chúng ta tiêu thụ đều được hấp thụ đầy đủ, điều này có nghĩa là chúng ta không nhận được tối đa chất dinh dưỡng từ thức ăn của mình.
Một trong những lý do thúc đẩy việc nên tập trung vào food synergy là bởi ngày càng có nhiều mối quan tâm hơn đến khái niệm Food as medicine - tiêu thụ tự nhiên, chế biến tối thiểu để giữ được nhiều dưỡng chất nhất cho sức khỏe.
Mối quan tâm của doanh nghiệp đối với food as medicine vào tháng 1/2021 đã tăng 55% so với năm ngoái, trong khi sự quan tâm của người tiêu dùng giảm nhẹ 2%.
Đại diện Spoonshot chia sẻ: “Trong năm tới, chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy người tiêu dùng tham gia nhiều hơn vào xu hướng food synergy khi họ tìm cách kiểm soát tốt hơn sức khỏe của mình và dựa vào thực phẩm như thuốc thay vì thuốc. Khi người tiêu dùng quan tâm hơn đến dinh dưỡng, chúng tôi kỳ vọng sẽ thấy sự thay đổi từ nhu cầu lựa chọn một ‘thành phần vàng’ đơn lẻ sang ‘bộ đôi năng động’. ”
The Gut-Lung Axis
Mối quan tâm đến sức khỏe đường ruột tiếp tục phát triển là một trong những dự đoán xu hướng thực phẩm của Spoonshot cho năm 2022 trên cả phương tiện truyền thông tiêu dùng và doanh nghiệp. Các cuộc trò chuyện trên mạng xã hội về sức khỏe cũng cho thấy sức khỏe đường ruột là một trong những vấn đề sức khỏe hàng đầu được nói đến.
Sức khỏe đường ruột tiếp tục trở thành mối quan tâm quan trọng đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, với mức tăng lần lượt là 76% và 11%.
Một nghiên cứu mới được công bố gần đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa sức khỏe đường ruột và sức khỏe của phổi. Với vai trò của ruột trong phản ứng miễn dịch của cơ thể, một đường ruột khỏe mạnh. Điều này mở ra cánh cửa cho những lợi ích chức năng mới hơn cho probiotics và prebiotics.
“The Gut-Lung Axis(tạm dịch: Trục ruột-phổi) chỉ là một trong nhiều lợi ích mới nổi của việc duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Mặc dù có thể còn quá sớm để sử dụng điều này như một tuyên bố được khoa học chứng minh, nhưng đây là sự phát triển trong mối quan tâm ngày càng tăng đối với sức khỏe đường ruột. Điều này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan điểm Food as medicine đang ngày càng được người tiêu dùng quan tâm và ưa chuộng.”
Dự đoán xu hướng thực phẩm năm 2022 trong dịch vụ ăn uống
Mùi hương & khả năng cảm nhận
Rối loạn chức năng khứu giác và vị giác là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của Covid-19.
Con đường hồi phục đối với nhiều người là một chặng đường dài và gian nan - đối với một số người, phải mất hàng tuần, thậm chí là hàng tháng. Dữ liệu toàn cầu hiện tại (tính đến đầu năm 2021) về tình trạng mất khứu giác chỉ ra rằng khoảng 50% bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn khứu giác trong vòng 40 ngày kể từ khi mắc Covid-19, nhưng ước tính khoảng 10% vẫn chưa lấy lại được các giác quan này.
- Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng luyện tập khứu giác - tiếp xúc lặp đi lặp lại trong thời gian ngắn với mùi vị - có thể có lợi cho những người bị mất khứu giác.
- Life Kitchen, một tổ chức phi lợi nhuận ở Anh, cũng đã cho ra mắt một cuốn sách dạy nấu ăn để giúp mọi người thưởng thức lại món ăn, hương vị ưa thích của mình.
“Mặc dù xu hướng này có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng chứng mất khứu giác và các tình trạng liên quan phổ biến hơn nhiều so với nhận thức của nhiều người. Thực tế, vẫn còn nhiều cơ hội cho các thương hiệu F&B để hỗ trợ những người tiêu dùng như vậy. Đây cũng là cơ hội để các thương hiệu thử nghiệm các kết cấu và hương vị mới. ”
Nhân viên mới mang tên Robot
Những dự đoán về thực phẩm cho năm 2022 trên thế giới có liên quan gì đến robot? Chúng ta hãy cùng xem xét kỹ hơn trong nội dùng dưới đây:
Khi các dịch vụ ăn uống trong nhà được phép hoạt động trở lại, ngành dịch vụ ăn uống đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lao động.
Một trong những giải pháp mà các nhà hàng đang bắt đầu tính đến là tự động hóa để lấp đầy những khoảng trống, ngay từ khâu chế biến và phục vụ đồ ăn đến giao hàng tận nhà. Mặc dù tự động hóa hoặc khái niệm sử dụng robot trong ngành thực phẩm không phải quá mới, nhưng phải đến khi đại dịch xảy ra, ngành dịch vụ thực phẩm mới thực sự coi đây là những lựa chọn khả thi.
Trong thời gian giãn cách bởi đại dịch, nhiều thương hiệu thực phẩm đã bắt đầu triển khai dịch vụ giao hàng bằng robot và máy bay không người lái để giảm thiểu các điểm tiếp xúc. Robot cũng đang được sử dụng để quản lý một số công việc nhà bếp và dịch vụ.
Miso Robotics là một trong những công ty đầu tiên ra mắt robot trợ lý nhà bếp hỗ trợ AI có thể pha chế đồ uống tự động, làm bánh mì kẹp thịt, trộn salad.
“Trong năm tới, chúng ta sẽ thấy sự bùng nổ mạnh mẽ hơn đối với tự động hóa trong lĩnh vực F&B, đặc biệt là tại các cửa hàng dịch vụ nhanh, nơi tốc độ, chất lượng và tính nhất quán là điều tối quan trọng. Tự động hóa trên phạm vi rộng và toàn diện sẽ cắt giảm các công việc tẻ nhạt và lặp đi lặp lại, chẳng hạn như chuẩn bị thức ăn, để các nhà hàng có thể tập trung vào nhiều dịch vụ giá trị gia tăng hơn, như tạo ra các món ăn mới, thay đổi và làm mới menu thường xuyên hơn”.
Xu hướng thực phẩm năm 2022 và xa hơn nữa là bền vững
Lab To Fork - Những miếng thịt từ phòng thí nghiệm
Vào năm 2013, chiếc bánh hamburger đầu tiên được “trồng” trong phòng thí nghiệm đã được phục vụ cho một số lượng nhỏ người dùng ở London. Chiếc hamburger đặc biệt này mất ba tháng để làm ra với chi phí 280.000 đô la (khoảng 6 tỷ đồng). Giờ đây, sau chưa đầy một thập kỷ, những miếng thịt từ phòng thí nghiệm không còn là điều quá xa lạ và đang được bán với mức giá cực kỳ phải chăng.
Vào cuối năm 2021, Singapore sẽ chính thức cho phép bán thịt nuôi trong phòng thí nghiệm và trở thành quốc gia đầu tiên cho phép thực hiện điều này. Công ty Eat Just của Mỹ cũng vừa ra mắt món gà nuôi trong phòng thí nghiệm của mình tại một nhà hàng tại địa phương. Trên thế giới, hiện có hơn 100 công ty đang nghiên cứu về thịt nuôi và các thành phần phụ trợ và công nghệ.
Trong tương lai, thực phẩm được trồng trong phòng thí nghiệm sẽ không chỉ giới hạn ở thịt mà sẽ còn phát triển sang nhiều loại thực phẩm khác.
Các loại thực phẩm hiện đang được trồng trong phòng thí nghiệm bao gồm:
- Sản phẩm từ sữa
- Gelatin
- Collagen
- Mỡ động vật
- Sữa mẹ
- Mật ong
- Sản phẩm thay thế thịt
- Cà phê
Nhưng đối với người tiêu dùng, thực phẩm được trồng trong phòng thí nghiệm có thể chưa thực sự trở thành lựa chọn quan trọng với họ.
Mối quan tâm của doanh nghiệp đối với thực phẩm trồng trong phòng thí nghiệm đã tăng 64% so với năm ngoái, nhưng sự quan tâm của người tiêu dùng giảm 35%.
“Trong một hoặc hai năm tới, chúng tôi hy vọng sẽ thấy người tiêu dùng mở rộng cửa để đón nhận các loại thực phẩm có nguồn gốc tế bào, giống như cách họ đã làm đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Các loại thực phẩm nuôi cấy khác cũng sẽ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trên các kệ hàng hoặc trong các sản phẩm dưới dạng thành phần.”
Sữa nguồn gốc thực vật chuyển sang dạng hạt
Sự bùng nổ tăng trưởng tiếp theo đối với sữa làm từ thực vật sẽ đến từ ngũ cốc. Sữa yến mạch đã tạo tiền đề cho việc chấp nhận các loại sữa làm từ ngũ cốc, với hương vị thơm ngon và tính bền vững hơn so với hạnh nhân và các loại hạt khác.
Sự quan tâm đến sữa yến mạch đã vượt qua các ứng cử viên hàng đầu khác trong phân khúc sữa thay thế, tăng gần gấp đôi (tăng trưởng 95%) so với năm trước, trong khi sự quan tâm đến sữa hạnh nhân chỉ tăng 19% và sữa đậu nành giảm 7% trong cùng kỳ.
Điều này mở ra cơ hội khám phá và mở rộng sang các loại ngũ cốc khác, đặc biệt là lúa mạch. Lúa mạch là một loại hạt cứng và có thể được trồng ở những vùng khí hậu khắc nghiệt. Đây là loại cây được trồng nhiều thứ tư trên thế giới và khá bổ dưỡng, nhưng lại không được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp thực phẩm ngoại trừ để làm mạch nha và bia.
Bright Barley - một thương hiệu sữa làm từ thực vật, đang tập trung khai thác xu hướng này khi là cho ra mắt loại sữa làm từ lúa mạch đầu tiên tại Vương quốc Anh. Sữa Bright Barley được cho là ít chất béo, cung cấp chất xơ, bổ sung thêm canxi, vitamin D và vitamin B12.
“Các loại sữa làm từ thực vật vẫn sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển. Ngũ cốc là hành trình tiếp theo với sự phổ biến rộng rãi của sữa yến mạch và các loại ngũ cốc khác như lúa mạch không chỉ đáp ứng yếu tố sức khỏe mà còn tốt hơn cho môi trường”.
Xu hướng tái chế thực phẩm thải loại - Upcycle
Upcycle vẫn còn là một khái niệm mới mẻ đối với nhiều người tiêu dùng, nhưng sẽ sớm trở nên phổ biến hơn khi ngày càng có nhiều sản phẩm và công ty làm nổi bật những thông tin và nỗ lực này. Trong năm tới, các công ty sẽ xem xét kỹ lưỡng về các sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất của họ và tìm ra cách làm cho chúng có thể tiêu thụ được từ đó cắt giảm chất thải.
Mối quan tâm đến Upcycle của doanh nghiệp tăng 128% trên các phương tiện truyền thông những mức độ quan tâm này đối với người tiêu dùng lại giảm 32% so với năm ngoái.
Khi xu thế Upcycle trở nên được chấp nhận nhiều hơn, trọng tâm tiếp theo sẽ là mở rộng quy trình và xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn. Năm tới cũng được kỳ vọng sẽ thấy được sự hợp tác mạnh mẽ hơn khi các công ty lớn có uy tín lâu năm tìm cách đầu tư vào không gian này để thu được lợi thế về khả năng giảm lãng phí thực phẩm, từ đó cải thiện tín nhiệm bền vững của họ với người tiêu dùng.
“Trong năm tới, upcycle sẽ chuyển từ việc ra mắt đồ ăn và thức uống dành cho thị trường ngách sang đột phá vào dòng phổ thông khi tập trung nhiều vào các thành phần có nguồn gốc rõ ràng và công dụng của chúng.”
Xu hướng thực phẩm bổ sung cho năm 2023 & hơn thế nữa
Postbiotics
Như đã trình bày ở trên, sức khỏe đường ruột sẽ tiếp tục được ưu tiên, đặc biệt là khi các nghiên cứu mới chỉ ra tầm quan trọng của nó đối với sức khỏe tổng thể. Ngoài các hợp chất quen thuộc như prebiotics và probiotics, các chất sinh học ít được biết đến, chẳng hạn như postbiotics sẽ được quan tâm nhiều hơn.
Sự quan tâm đến postbiotics đã tăng 391% so với năm ngoái
Postbiotics có thể được tìm thấy trong một số thực phẩm có chứa probiotics, chẳng hạn như kim chi, sữa lên men kefir và bánh mì chua.
Postbiotics có thể có nhiều lợi ích giống như prebiotics và probiotics, bao gồm giảm lượng đường trong máu và nguy cơ béo phì, chứng rò rỉ ruột, cũng như các lợi ích chống vi khuẩn và chống viêm. Nhiều chủng postbiotic còn giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng và làn da.
Dán nhãn carbon
Nhiều sản phẩm thực phẩm và đồ uống đang bắt đầu làm nổi bật các thông tin xác thực về tính bền vững bằng cách thẳng thắn về lượng khí thải carbon của chúng.
Mối quan tâm đến việc dán nhãn các-bon đã tăng 90% so với năm ngoái
Nghiên cứu của Spoonshot cho thấy các thương hiệu, nhà bán lẻ và nhà hàng bắt đầu tập trung vào việc dán nhãn các-bon trên bao bì như một cách để thúc đẩy tính minh bạch và truyền bá nhận thức về hành động của họ đối với hành tinh và thu hút người tiêu dùng có ý thức về môi trường.
Lương Hạnh - MarketingAI
Theo Spoonshot
>>> Có thể bạn quan tâm: 5 chiến lược marketing F&B giúp “tán đổ” thế hệ người dùng gen Z
Bình luận của bạn