Ngành dược phẩm: các ông lớn trong lĩnh vực công nghệ đang dòm ngó

29 Thg 09

Digiworld chính thức bước chân vào kinh doanh thực phẩm chức năng, Thế Giới Di Động đánh tiếng mua lại chuỗi nhà thuốc, các bên khác cũng đang rục rịch bước chân vào thị trương đầy hứa hẹn này.

Nhà phân phối Digiworld hôm 18/8 chính thức tung ra sản phẩm Kingsmen - thực phẩm chức năng dành cho nam giới. Như vậy sau thời gian đánh tiếng, một trong ba công ty phân phối hàng công nghệ lớn nhất tại Việt Nam đã chính thức bước chân vào lĩnh vực dược phẩm - ngành kinh doanh hầu như không liên quan gì đến thế mạnh về sản phẩm công nghệ mà công ty đang phân phối.

Trước đó, Thế Giới Di Động - chuỗi bán lẻ hàng công nghệ chiếm thị phần số 1 Việt Nam - cũng tuyên bố nhảy vào lĩnh vực dược phẩm. Ông Nguễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động, cho biết đã tiếp xúc với vài hệ thống nhà thuốc nhằm phục vụ cho việc mua lại. Công ty này đang xin cổ đông duyệt khoản tiền 2.500 đồng để dùng trong các vụ sáp nhập, bao gồm chuỗi điện máy và dược phẩm.

Không chỉ Digiworld hay Thế Giới Di Động, một nhà bán lẻ công nghệ khác đã bước chân vào lĩnh vực bán lẻ dược phẩm tuy nhiên chưa công bố thông tin chính thức.

Thực phẩm chức năng. Ảnh: H.Đ.

Như vậy, có ít nhất 3 ông lớn trong lĩnh vực công nghệ đang dòm ngó, hoặc chính thức bước vào cuộc chơi mới - lĩnh vực dược phẩm. Trào lưu, hay nhu cầu bắt buộc, phải mở rộng kinh doanh không còn mới trong lĩnh vực công nghệ, như Hnam Mobile bán nước hoa, Smartcom phân phối chăn, drap, gối nệm, Thế Giới Di Động có Bách hoá Xanh, Vui Vui,... tuy nhiên việc cả 3 ông lớn đều dòm ngó lĩnh vực dược phẩm cho thấy tiềm năng rất lớn của lĩnh vực này. Có lẽ chưa ngành nào nhận được sự quan tâm cùng lúc nhiều như vậy của các công ty chuyên cung cấp sản phẩm công nghệ.

“Nhìn trên đường sẽ thấy ngoài cửa hàng điện thoại, cửa hàng sửa xe máy, cửa hàng hớt tóc, thì cửa hàng bán thuốc tây là nhiều nhất, nên việc các công ty dòm ngó lĩnh vực này có thể hiểu được", một người hoạt động lâu năm trong ngành bán lẻ nhận xét.

Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Digiworld, cho rằng các công ty dược lớn hiện nay đều là đơn vị sản xuất và tự phân phối sản phẩm. Trong khi đó, các công ty nhỏ thì sản xuất và chỉ phân phối ở phạm vi thị trường nhỏ, không đủ sức để triển khai toàn quốc.

“Đây chính là thị trường ngách đầy hấp dẫn của Digiworld. Chiến lược của Digiworld là sẽ chọn những sản phẩm chất lượng chưa được khai phá hết tiềm năng để đầu tư. Thị trường này đang cần một nhà trung gian ở giữa, một kênh phân phối đủ rộng và đủ năng lực xây dựng thương hiệu để nhiều người biết đến và tăng trưởng tốt hơn”, ông Việt nói.

Quy mô ngành dược phẩm được cho là khoảng 5 tỷ USD vào năm 2016, trong đó mảng bán lẻ chiếm ⅓ thị trường.

Ông Việt cho rằng ngành chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là nhóm ngành thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khỏe tại Việt Nam hiện là một trong những ngành hàng rất triển vọng nhưng lại có sự phân mảnh lớn. Sức tăng trưởng dự kiến trung bình mỗi năm của nhóm sản phẩm dược OTC (không kê toa) là 10,31% trong giai đoạn 2015 – 2020, ông Việt dẫn số liệu Business Monitor International.

PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng bộ y tế, dẫn các số liệu cho biết ngành thực phẩm chức năng đang phát triển mạnh trong hai thập kỷ qua, xuất phát từ Nhật, các nước EU, Mỹ. Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương ngành này cũng đang tăng trưởng nhanh do nền kinh tế phát triển, nhu cầu nâng cao chất lượng sống và chú ý sức khoẻ của người dân tăng cao.

Ông Truyền dẫn số liệu cho biết ngành thực phẩm chức năng toàn cầu có quy mô 195 tỷ USD trong năm 2016, dự kiến tăng lên 340 tỷ vào năm 2024. Tại Việt Nam, số liệu của Hiệp hội thực phẩm chức năng cho thấy từ năm 2000 đến năm 2015, số lượng cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng nhảy vọt từ 13 lên 1.780 cơ sở, số sản phẩm tăng từ 63 lên 3.380 - những con số rất ấn tượng.

Tại Việt Nam, quy mô ngành dược được cho là khoảng 5 tỷ USD vào năm 2016, trong đó mảng bán lẻ chiếm ⅓ thị trường.

Trước đây, nói với phóng viên, bà Nguyễn Bạch Điệp - Tổng giám đốc chuỗi FPT Shop - cho biết chuỗi này đang cân nhắc bán lẻ thêm lĩnh vực khác, trong đó có dược phẩm, thời trang, cửa hàng tiện lợi. Nói về bán lẻ dược phẩm, bà Điệp cho biết đây là lĩnh vực tiềm năng nhưng lại thiếu các chuỗi bán lẻ lớn đủ sức dẫn dắt thị trường.

Dược phẩm tại Việt Nam hiện bán qua kênh bệnh viện, phòng mạch, nhà thuốc, trong đó các nhà thuốc chiếm phần lớn lượng thuốc bán ra trong 3 kênh.

Từ năm 2000 đến năm 2015, số lượng cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng nhảy vọt từ 13 lên 1.780 cơ sở, số sản phẩm tăng từ 63 lên 3.380 - những con số rất ấn tượng. “Một khi các ông lớn nhảy vào lĩnh vực bán lẻ dược phẩm, thị trường này sẽ chuyên nghiệp, bài bản hơn. Nhà thuốc sẽ có dược sĩ, thuốc kê toa sẽ bán chỉ khi có toa bác sĩ,... Sẽ giống như thị trường điện thoại hiện nay đã được định hình rõ ràng hơn nhiều so với chục năm trước vậy", vị chuyên gia phía trên nhận định.

Nói trong sự kiện gần đây, ông Nguyễn Đức Tài cũng nhận định bán lẻ dược phẩm là ngành thực sự tiềm năng, do vấn đề sức khoẻ là nhu cầu có thật của người dân. Tuy nhiên thực tế vẫn chưa có chuỗi nhà thuốc đủ mạnh để cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho hầu hết mọi người.

Như vậy, kể cả các công ty bán sỉ như Digiworld hay nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động đã chính thức lên tiếng về việc nhảy vào dược phẩm, chưa kể các bên khác cũng rục rịch bước chân vào. Trong bối cảnh thị trường này đang phân mảnh nhưng đầy tiềm năng, ông lớn nào nhảy vào sớm, có nguồn lực và đầu tư bài bản rất có thể sẽ dẫn dắt thị trường này.

Hà Nguyễn / Marketingai.admicro.vn

Nguồn: ITCnews

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.