Tính đến năm 2022, trên toàn thế giới có khoảng hơn 2 tỷ người độc thân. Như vậy, nền kinh tế độc thân được coi là một thị trường khổng lồ với sức mua vô cùng lớn, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội phát triển cho doanh nghiệp.
Cùng xem nền kinh tế độc thân đang trở thành xu hướng như thế nào cùng Marketing AI nhé!
Sự trỗi dậy của nền kinh tế độc thân
“Người tiêu dùng châu Á dự kiến sẽ chiếm một nửa mức tăng trưởng tiêu dùng toàn cầu trong thập kỷ tới, mang đến cơ hội trị giá 10 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, khả năng chi tiêu ngày càng tăng của người tiêu dùng trong khu vực không chỉ là câu chuyện về quy mô, mà còn là câu chuyện về sự đa dạng và thay đổi sở thích cũng như hành vi do các lực lượng kinh tế, xã hội và nhân khẩu học mạnh mẽ gây ra” Oliver Tonby, đối tác cấp cao của McKinsey tại Singapore, chủ tịch McKinsey Châu Á viết trên The Korea Times.
Sự thay đổi trong trong hành vi của người tiêu dùng đang định hình lại thị trường tiêu dùng của châu Á và dẫn đến những lựa chọn và mô hình chi tiêu mới. Trên khắp châu Á, quy mô trung bình của các hộ gia đình đang giảm dần và hầu hết các quốc gia đã trải qua sự suy giảm trong 20 năm qua. Thêm vào đó là sự trỗi dậy của nền kinh tế độc thân (Single Economy).
Theo định nghĩa đến từ báo chí, “nền kinh tế độc thân” là cụm từ nói về xu hướng mới trong kinh doanh cũng như các chiến lược marketing trong kinh doanh. Đó là xu hướng nhắm đến đối tượng khách hàng là những người độc thân.
Sự gia tăng của hộ gia đình độc thân cũng đang khuyến khích nhiều thay đổi trong mô hình đô thị hóa. Gần đây nhất, tờ Bloomberg đưa ra một con số đáng chú ý: “Hiện có hơn 50% người trẻ trên 16 tuổi tại Mỹ là độc thân, có bằng cấp, thu nhập ổn định. Những người độc thân ở độ tuổi 20-30 tuổi có thời gian, tiền bạc và họ sẵn lòng mở hầu bao cho bản thân và cho những sản phẩm mới nhất”.
Những người sống một mình có xu hướng có nhiều thời gian hơn cho bản thân, dẫn đến nhu cầu lớn hơn đối với các hình thức giải trí khác nhau, đặc biệt là kỹ thuật số, bao gồm: chơi game, thực tế ảo và nội dung số như phát trực tuyến nhạc/video và các ứng dụng liên quan. Ví dụ, ở Nhật Bản, các hộ gia đình độc thân chi tiêu nhiều hơn từ 1,5 lần đến 3,5 lần cho nội dung kỹ thuật số như video, âm nhạc và sách điện tử so với các hộ gia đình có nhiều người.
Châu Á cũng dẫn đầu thế giới về du lịch một mình. Một cuộc thăm dò gần đây của YouGov với 21.000 người được hỏi ở 16 quốc gia cho thấy có tới 93% du khách châu Á đã từng đi du lịch một mình trong quá khứ hoặc cởi mở với ý tưởng này. Con số này so với 69% số người được hỏi từ các nước châu Âu.
Tờ The Guardian cho rằng: “Một chiến lược khôn ngoan của các thương hiệu chính là đầu tư các loại hình dịch vụ dành riêng cho những thượng đế độc thân này”.
Các cửa hàng thì được khuyên rằng: “Thay vì chỉ tặng chương trình giảm giá cho các cặp đôi hay các gia đình lớn, họ nên đầu tư thêm vào các khách hàng độc thân. Vì những vị khách này thậm chí còn có thể chung thành hơn các gia đình lớn”.
Bạn có đang là một phần trong thế giới của nền kinh tế độc thân?
Theo thống kê tại Trung Quốc 2019, ước tính có khoảng 210 triệu người trên 15 tuổi chưa từng kết hôn tính đến tháng 12/2018. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 92 triệu người vào năm 2021.
Theo Cục điều tra dân số Nhật Bản, cứ 7 phụ nữ thì có một người chưa kết hôn khi sắp chạm ngưỡng 50. Dự kiến đến năm 2040, một nửa dân số Nhật Bản sẽ sống độc thân. Ở Việt Nam, số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, hơn 10% người Việt đang theo đuổi lối sống này.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho lối sống này càng được ưa chuộng?
- Thích cuộc sống tự do, chưa hoặc không muốn ổn định: Những “lập trình quen thuộc” của cuộc sống hôn nhân khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi.
- Áp lực mua nhà, có xe rồi mới kết hôn, điển hình ở thị trường Trung Quốc
- Áp lực từ việc “môn đăng hộ đối”: 80% phụ nữ học vấn cao không tìm được người đàn ông xứng tầm với mình.
- Trào lưu FIRE (độc lập tài chính, về hưu sớm): Chú trọng vào việc tiết kiệm, phấn đấu để sở hữu được một số tiền đủ cho mục đích độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm. Lựa chọn độc thân sẽ giúp chúng ta có nhiều cơ hội, thời gian cho bản thân hơn, tiết kiệm và tự chủ về tài chính, không phải đặt nặng các vấn đề về con cái, gia đình…
Tips tiếp thị giúp các thương hiệu “gặt hái bội thu” trong Ngày lễ độc thân
Nền kinh tế độc thân đang dần chiếm lĩnh thị trường
Nền kinh tế độc thân càng bùng nổ kể từ sau đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp muốn có chỗ đứng trên thị trường này, cần phải tìm ra nhiều cách thức sáng tạo hơn để làm thoả mãn nhu cầu của nhóm đối tượng khách hàng có nhu cầu một mình nhưng không hề cô đơn.
Thị trường Hàn Quốc
Thị trường Hàn Quốc, nổi tiếng với dịch vụ hát karaoke tính theo bài và trả bằng tiền xu. Người dân ở đây chia sẻ, mặc dù họ thích đến hát cùng bạn bè, nhưng đôi khi việc hát một mình cũng khiến họ thấy thoải mái hơn, vì không cần phải chờ tới lượt.
Một loại hình giải trí khác cũng đang cực thịnh hành với giới độc thân ở xứ sở kim chi là cafe truyện tranh. Tại đây, khách hàng chỉ cần một khoản tiền nhỏ là có thể thỏa sức đọc truyện tranh thâu đêm, mô hình này được bố trí ở trong những ngách nhỏ tạo một không gian vô cùng riêng tư.
Những điểm sáng nhất trong mô hình kinh tế này chính là các cửa hàng tiện lợi, nơi bán những đồ ăn và thức uống take-away (mang đi) theo khẩu phần dành cho một người.
Theo tờ báo Chosun Ilbo, Hàn Quốc: “Đến năm 2030, những thị trường và xây dựng chiến lược marketing dành riêng cho người độc thân sẽ đạt giá trị gần 200 tỷ USD”.
Thị trường Trung Quốc
Trung Quốc là một thị trường tiềm năng của nền kinh tế độc thân. Trước đây, hình thức ăn lẩu một mình, hát karaoke một mình, du lịch một mình, hay xem phim một mình luôn khiến con người ta cảm thấy cô đơn, bất tiện; thì bây giờ, những dịch vụ như lẩu một người, phòng chụp hình mini, phòng karaoke mini… đã xuất hiện phổ biến ở các thành phổ lớn.
Theo số liệu của ứng dụng gọi món Meituan, năm 2019 ngành gọi món có quy mô trên 650 tỉ tệ, cứ mỗi giây là có 270 đơn hàng được đặt. Trong đó, nhóm người 26 - 30 tuổi chiếm 22,5%, 31 - 35 tuổi chiếm 16,9%.
Còn theo báo cáo nghiên cứu của hãng Nielsen, 42% người tiêu dùng độc thân chi tiêu để làm hài lòng chính bản thân họ, cao hơn 27% so với người không độc thân. Bên cạnh đó, 75% người độc thân có kế hoạch mua quần áo trong năm tới, cao hơn so với 65% người không độc thân. Trong số đó, 35% thuộc nhóm độc thân cho biết sẽ mua quần áo chất lượng tốt, đắt tiền. Tỷ lệ này với nhóm còn lại chỉ là 25%.
Tạp chí Fortune cũng thống kê: “Tại Mỹ, mỗi năm người độc thân đóng góp không dưới 2 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế. Còn ở Trung Quốc, đã có đến cả một ngày lễ mua sắm chỉ dành riêng cho những người độc thân”. Doanh số Ngày Độc thân của Trung Quốc được ước tính là có thể vượt 1.000 tỷ nhân dân tệ trong năm 2022, tăng so với mức 965 tỷ nhân dân tệ thu được từ sự kiện năm ngoái.
Thị trường khác
Hay tại nhà hàng Eenmaal ở Amsterdam, Hà Lan, các thực khách đi ăn một mình sẽ được thiết kế một không gian riêng. Chủ cửa hàng chia sẻ “Có nhiều thực khách muốn tránh xa thế giới của điện thoại hay máy tính chỉ được ở một mình trong yên tĩnh, và chúng tôi phục vụ họ”.
Còn ở Nhật Bản, các nhà hàng thịt nướng một mình có lò nướng nhỏ và các phòng karaoke dành cho một người đang mọc lên khắp các thành phố lớn.
Chúng ta sẽ còn bắt gặp những tour du lịch dành riêng cho những đối tượng có nhu cầu trải nghiệm một mình. Ngoài ra, ngành công nghiệp thú cưng cũng được hưởng lợi từ xu hướng này, bởi nhóm đối tượng độc thân thường sẽ có khả năng nuôi các động vật như chó, mèo… hơn.
Tạm kết
Vậy làm thế nào để thương hiệu bạn có thể tận dụng cơ hội này và tạo ra những giá trị mới trong nền kinh tế độc thân? Đây sẽ là nhóm khách hàng sở hữu tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.
Thanh Thanh - MarketingAI
Bình luận của bạn