Trong bối cảnh ngành du lịch không ngừng phát triển như hiện nay, việc triển khai các chiến dịch marketing và tạo lợi thế cạnh tranh với đối thủ trở nên vô cùng quan trọng. Vậy marketing du lịch là gì? Xu thế marketing du lịch thay đổi như thế nào trong năm 2024?
Marketing du lịch là gì?
Marketing du lịch là việc quảng bá và tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ như: các điểm du lịch cụ thể, các gói tour, khách sạn, hoạt động giải trí và các dịch vụ du lịch liên quan khác đến đối tượng khách hàng tiềm năng. Chiến lược marketing du lịch bao gồm các hoạt động như quảng cáo, PR, triển khai các kênh truyền thông xã hội và chiến lược khác nhau để thu hút khách hàng và tăng doanh số.
Đặc điểm của marketing du lịch
Marketing du lịch có một số đặc điểm khác biệt so với các ngành khác, bao gồm:
Tính biến động cao: Ngành du lịch thường biến động mạnh mẽ dưới tác động của các yếu tố bên ngoài như thời tiết, sự kiện, tình hình an ninh, và sự biến đổi của nền kinh tế. Do đó, marketing du lịch cần phải linh hoạt và có khả năng thích nghi nhanh chóng với các tình huống thay đổi.
Phụ thuộc vào trải nghiệm: Trong ngành du lịch, trải nghiệm là yếu tố quyết định quan trọng với lựa chọn của khách hàng. Marketing du lịch cần tập trung vào việc quảng bá và tạo ra các trải nghiệm du lịch độc đáo, hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Tính quốc tế: Marketing du lịch yêu cầu kiến thức về văn hóa và thị trường đa dạng, cũng như khả năng giao tiếp và tương tác trên phạm vi quốc tế để phục vụ du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Tính cạnh tranh cao: Marketing du lịch cần tạo ra các chiến lược đặc biệt để làm nổi bật thương hiệu và sản phẩm trong môi trường cạnh tranh này.
Vai trò của marketing du lịch
Theo Báo cáo Du lịch & Lữ hành toàn cầu của Statista, thị trường Lữ hành & Du lịch được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ hàng năm là 3,47% cho đến năm 2028. Marketing du lịch đóng vai trò quan trọng với sự phát triển chung của ngành, cụ thể:
Nâng cao độ nhận diện thương hiệu: Marketing du lịch thường sử dụng đa dạng các kênh truyền thông, bao gồm quảng cáo, truyền hình, tạp chí du lịch, và các kênh truyền thông xã hội. Việc xuất hiện thường xuyên trên các nền tảng này sẽ tạo ấn tượng với khách hàng và tăng độ nhận diện thương hiệu.
Thu hút khách hàng mới: Marketing du lịch thường áp dụng các chương trình khuyến mãi, ưu đãi đặc biệt và gói tour giảm giá để thu hút khách hàng mới. Những ưu đãi này sẽ là yếu tố quyết định quan trọng trong việc chọn điểm đến du lịch và các dịch vụ du lịch đi kèm.
Tăng doanh thu: Marketing du lịch giúp tăng cường độ nhận diện thương hiệu mạnh mẽ, từ đó thu hút sự quan tâm của khách hàng mới và giữ chân những khách hàng cũ. Khi du khách có trải nghiệm dịch vụ tốt, họ sẽ sẵn sàng giới thiệu cho bạn bè, người quen. Điều này giúp công ty tiếp cận được nhiều khách hàng mới và góp phần tăng lợi nhuận.
Tạo sự khác biệt với đối thủ cạnh tranh: Khi ngành du lịch ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, việc tạo sự khác biệt với đối thủ là vô cùng cần thiết. Marketing du lịch sẽ làm nổi bật những điểm độc đáo về dịch vụ, trải nghiệm du lịch hay các ưu đãi đi kèm để thu hút sự chú ý của khách hàng.
Quảng bá thương hiệu địa phương: Marketing du lịch giúp nâng cao và quảng bá hình ảnh địa phương thông qua các địa điểm du lịch nổi bật, văn hóa độc đáo và tiềm năng du lịch tại địa phương đó.
Chiến lược marketing du lịch hiệu quả
Chiến lược marketing du lịch là giải pháp toàn diện để quảng bá và tiếp thị các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch. Dưới đây là các bước tiến hành chiến dịch thành công:
Xác định đối tượng khách hàng mục tiêu
Trước khi bắt đầu triển khai một chiến lược marketing du lịch, hãy dành thời gian xác định rõ chân dung khách hàng mà chiến dịch nhắm đến. Hiểu đối tượng mục tiêu sẽ giúp bạn định hình các chiến lược phù hợp với sở thích của họ, đảm bảo rằng hoạt động marketing thu hút sự quan tâm của tệp khách hàng tiềm năng.
Xác định đối tượng khách hàng mục tiêu bao gồm nghiên cứu và phân tích dữ liệu kỹ lưỡng, ví dụ như các yếu tố nhân khẩu học, sở thích và đam mê du lịch. Sau đó, tiếp cận họ trên các phương tiện truyền thông xã hội, tiến hành khảo sát và phân tích để liên tục điều chỉnh, cập nhật sao cho phù hợp với nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Khi hiểu được đối tượng mục tiêu, bạn có thể tạo ra những trải nghiệm độc đáo và phù hợp với họ hơn thông qua các hoạt động cá nhân hóa. Hãy tập trung vào thông điệp và các chương trình ưu đãi phù hợp với khách hàng.
Xây dựng sản phẩm
Dựa trên nghiên cứu thị trường và đối tượng mục tiêu xác định, hãy phát triển chiến lược sản phẩm du lịch bao gồm thiết kế các tour, xây dựng gói dịch vụ hoặc tạo ra các trải nghiệm du lịch địa phương độc đáo. Các sản phẩm này cũng cần phải mang lại ấn tượng tốt với khách hàng. Do vậy, hãy chú ý cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt, mang lại sự tiện nghi và thoải mái, đồng thời đảm bảo an toàn trong suốt chuyến đi.
Lựa chọn kênh truyền thông
Mỗi kênh truyền thông có đặc điểm và đối tượng khách hàng riêng. Bằng việc lựa chọn kênh truyền thông phù hợp, bạn có thể tiếp cận được đúng đối tượng khách hàng mục tiêu của mình, từ đó tăng khả năng thành công cho chiến dịch marketing. Bên cạnh đó, sử dụng đúng kênh truyền thông cũng giúp tối ưu hóa ngân sách marketing. Bạn không cần phải chi tiêu quá nhiều cho các kênh không phù hợp mà có thể tập trung nguồn lực vào các kênh có khả năng mang lại hiệu quả cao nhất.
Ví dụ, Instagram và Pinterest là những nền tảng ưa chuộng hình ảnh, rất tuyệt vời để giới thiệu các điểm du lịch đẹp. Trong khi đó, Twitter và Facebook thường được dùng để chia sẻ thông tin du lịch, cập nhật tin tức hay các nhật ký du lịch để thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Xây dựng nội dung marketing thu hút
Xây dựng nội dung marketing hấp dẫn có vai trò rất quan trọng trong việc tiếp cận và để lại ấn tượng với khách du lịch. Bạn có thể điều chỉnh nội dung để phù hợp với xu hướng và nhu cầu của khách hàng tiềm năng. Các chiến dịch marketing du lịch thường sẽ tập trung sản xuất các bài đăng trên blog, xoáy sâu vào các địa điểm du lịch cụ thể hoặc tái hiện lại những trải nghiệm du lịch thú vị, những điều mà khó có thể thấy trong những chuyến du lịch thông thường khác.
Ngoài ra, bạn cũng có thể làm nổi bật các trải nghiệm du lịch địa phương, văn hóa, và những điểm du lịch hoang sơ ít người biết đến. Các bài viết về cẩm nang du lịch và nội dung theo chủ đề như đồ ăn, thức uống cũng góp phần tạo nên sự đa dạng trong chiến dịch, đáp ứng sở thích của khách du lịch.
Đo lường hiệu quả của marketing
Sau khi thực hiện chiến dịch, bạn có thể dễ dàng đo lường hiệu quả của marketing bằng các công cụ như: Google Analytics hay Facebook Insights, từ đó xác định hiệu suất của các kênh truyền thông và tối ưu hóa chiến dịch hơn trong tương lai.
>>> Xem thêm: Traveloka và chiến lược marketing du lịch tài tình
Xu hướng marketing du lịch trong tương lai
Marketing du lịch liên tục thay đổi và phát triển theo sự tiến bộ của công nghệ, thị trường và hành vi khách hàng. Để đáp ứng được sự thay đổi đó, các marketers cần cập nhật các xu hướng mới, ứng dụng công nghệ hiện đại để có thể kịp thời đáp ứng nhu cầu khác nhau của du khách.
Du lịch cá nhân hóa
Du lịch cá nhân hóa là xu hướng du lịch mà các dịch vụ được điều chỉnh để phù hợp với sở thích, nhu cầu và mong muốn cá nhân của từng du khách. Thay vì cung cấp các gói tour thông thường, du lịch cá nhân hóa mang lại sự linh hoạt và tùy chỉnh cao hơn cho khách hàng.
Loại hình du lịch này sẽ tạo ra trải nghiệm độc đáo và thú vị hơn, đồng thời tăng sự hài lòng và trung thành của khách hàng. Đây là một xu hướng ngày càng phổ biến trong ngành du lịch, khi khách hàng ngày càng đặt ra yêu cầu cao hơn về sự linh hoạt và khác biệt trong các chuyến du lịch.
Du lịch trải nghiệm
Du lịch trải nghiệm là một hình thức du lịch mới, nơi mà khách du lịch có cơ hội tham gia vào các hoạt động, tương tác, tiếp xúc với người dân và văn hóa địa phương để tìm tòi và khám phá những điều mới lạ. Hoạt động du lịch này gắn liền với khát vọng của con người hiện đại, mong muốn kết nối và tìm kiếm những trải nghiệm ý nghĩa.
Loại hình du lịch này thường mang đến những trải nghiệm độc đáo và mới lạ. Thay vì chỉ tham quan các điểm du lịch nổi tiếng, du khách có thể tham gia vào các hoạt động như leo núi, lặn biển, tham quan các thị trấn nhỏ, hay khám phá các ngôi làng địa phương. Một số dạng du lịch trải nghiệm cũng nhấn mạnh vào việc bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa. Thông thường, nó được thiết kế sao cho gắn với các hoạt động bảo vệ môi trường và cộng đồng địa phương.
Du lịch bền vững
Du lịch bền vững là hình thức du lịch được phát triển dựa trên trách nhiệm với môi trường, kinh tế và cộng đồng. Mục tiêu của hình thức du lịch này là tối đa hóa lợi ích kinh tế và xã hội từ du lịch, đồng thời giữ gìn và bảo vệ tài nguyên tự nhiên, văn hóa và xã hội của địa phương.
Áp dụng công nghệ
Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong marketing du lịch, giúp khách hàng tiếp cận thông tin về sản phẩm, dịch vụ một cách tiện lợi và nhanh chóng. Việc áp dụng công nghệ cũng giúp doanh nghiệp theo dõi hành vi và sở thích của khách hàng, từ đó điều chỉnh các chiến lược marketing phù hợp. Dưới đây là một số cách áp dụng công nghệ phổ biến nhất trong marketing du lịch:
Website và ứng dụng di động: giúp người dùng tìm kiếm thông tin về các điểm đến du lịch, đặt vé, đặt phòng khách sạn, và thậm chí đặt tour du lịch.
Sử dụng công nghệ AR/ VR: Tận dụng công nghệ AR và VR để tạo ra các trải nghiệm thú vị và tương tác, cho phép khách hàng "thăm" các địa điểm du lịch trước khi thực sự đến.
Nền tảng mạng xã hội: Sử dụng mạng xã hội để chia sẻ hình ảnh, video và câu chuyện về các điểm đến du lịch, khuyến mãi đặc biệt và đánh giá từ khách hàng.
Sử dụng AI và Chatbot: Cung cấp hỗ trợ tức thì cho khách hàng, trả lời các câu hỏi thường gặp và gợi ý cá nhân hóa.
Marketing đa kênh
Sử dụng marketing đa kênh là một chiến lược hiệu quả để tiếp cận và tương tác với khách hàng tiềm năng qua nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, bao gồm:
Website và landing pages: Xây dựng một website chính thức cho doanh nghiệp du lịch cùng các landing pages tối ưu hóa cho các sản phẩm, dịch vụ hoặc chương trình du lịch cụ thể.
Email marketing: Sử dụng email marketing để gửi thông tin về các chương trình khuyến mãi, ưu đãi đặc biệt, tin tức, hay cẩm nang du lịch.
Mạng xã hội: Tận dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter và LinkedIn để chia sẻ hình ảnh, video, câu chuyện và tin tức về các điểm du lịch.
Quảng cáo trực tuyến: Sử dụng Google Ads, Facebook Ads, Instagram Ads và các nền tảng quảng cáo trực tuyến khác để tiếp cận đối tượng mục tiêu.
SEO (Search Engine Optimization): Tối ưu hóa website để có thứ hạng cao trên các công cụ tìm kiếm như Google.
Sự kiện và triển lãm: Tham gia vào các sự kiện và triển lãm du lịch để tăng độ nhận diện và tương tác trực tiếp với khách hàng.
>>> Xem thêm: Xu hướng marketing ngành du lịch: Nắm bắt để đón đầu xu thế
Case study về marketing du lịch
Thực tế có rất nhiều case study thành công về marketing du lịch. Mỗi chiến dịch được tiến hành trong các bối cảnh khác nhau và đều mang lại hiệu quả tích cực cho điểm du lịch, thu hút khách hàng và tăng hiệu quả truyền thông.
Vì dụ về marketing du lịch
Chiến dịch “One and Only” (Discover Thainess) của Thái Lan
Bối cảnh:
Năm 2015, Tổng cục du lịch Thái Lan (TAT) đã phát động chiến dịch “One and Only” để tiếp tục tôn vinh vẻ đẹp và những truyền thống chỉ có ở đất Thái. Đồng thời, chiến dịch cũng tạo ra một hình ảnh mới cho Thái Lan như là điểm đến du lịch độc đáo và đẳng cấp, thu hút khách du lịch từ các thị trường quốc tế.
Phương thức triển khai:
Các du khách tham gia chiến dịch này sẽ được lựa chọn 1 trong 5 hoạt động theo chủ đề “Khám phá Thái Lan”, bao gồm Muay Thái, múa Thái truyền thống, nấu đồ ăn Thái, làm vòng hoa kiểu Thái và nói tiếng Thái. TAT cũng đăng tải các video mẫu cho từng hoạt động để du khách có thể dễ dàng quan sát và thực hiện.
Chiến dịch được triển khai trên nhiều nền tảng truyền thông khác nhau, bao gồm quảng cáo trực tuyến trên các trang web du lịch, mạng xã hội như Instagram và Facebook, email marketing, hay các video quảng cáo trên YouTube.
Kết quả:
Thu hút 10 triệu khách du lịch quốc tế đến Thái Lan, chủ yếu là các nước ASEAN, châu Á, và châu Âu
Ngành du lịch Thái Lan phát triển nhanh và đứng thứ 15 trên toàn thế giới
Chiến dịch "It's more fun in the Philippines" của Philippines
Bối cảnh:
Philippines là đất nước có tiềm năng du lịch lớn nhưng lại chưa phát triển so với các quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia. Theo ông Ramon Jimenez, Bộ trưởng bộ du lịch Philippines, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là “chưa xây dựng được hình ảnh, và điều này gây ảnh hưởng đến ngành du lịch”.
Phương thức triển khai:
Thông điệp chiến dịch "It's more fun in the Philippines" nghĩa là cho dù bạn là ai và bạn ở đâu thì cũng sẽ tìm thấy nhiều niềm vui hơn khi ở Philippines.
Cụ thể, Philippines đã tạo ra 3 quảng cáo in để chia sẻ ý tưởng của họ với truyền thông, người nổi tiếng và những người có tầm ảnh hưởng. Nội dung của những quảng cáo này là hình ảnh những địa điểm tuyệt đẹp của Philippines, tiêu đề nổi bật đi kèm với một hoạt động của du khách. Với phong cách thiết kế đơn giản, bất kì ai cũng có thể tạo một tấm quảng cáo mang đậm dấu ấn cá nhân, sau đó chia sẻ chúng trên các trang mạng xã hội.
Kết quả:
Hơn 63.900 người dùng tham gia tạo phiên bản “It’s more fun in the Philippines”.
Khẩu hiệu “It's more fun in the Philippines” được nhắc đến mỗi phút 1 lần trên mạng xã hội, nhiều gấp 6 lần khẩu hiệu của Malaysia và Thái Lan.
89 triệu người tìm kiếm Philippines qua Google
Bản thân người dân Philippines cũng hưởng ứng cao với chiến dịch này. Cụ thể, mức độ yêu thích (likeability) 92%, tin tưởng (believability) 87%, đồng cảm (empathy) 86% và độc đáo (uniqueness) 82%.
Bài học kinh nghiệm
Triển khai một chiến dịch marketing du lịch hiệu quả đòi hỏi sự kết hợp giữa nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây là một số kinh nghiệm quan trọng để triển khai một chiến dịch marketing thành công:
Xác định rõ đối tượng mục tiêu: Phân tích độ tuổi, giới tính, sở thích, thu nhập và xu hướng du lịch của khách hàng tiềm năng.
Nắm bắt xu hướng và nhu cầu của thị trường: Bao gồm việc nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh, phân tích các đặc điểm địa lý và văn hóa của các điểm du lịch, hiểu biết về các yếu tố ảnh hưởng đến du lịch như thời tiết, sự kiện địa phương và chính trị.
Chọn lựa kênh truyền thông phù hợp: Tùy thuộc vào đối tượng mục tiêu và mục tiêu chiến dịch, lựa chọn các kênh truyền thông phù hợp như mạng xã hội, quảng cáo trực tuyến, email marketing, SEO, PR, hoặc quảng cáo truyền hình.
Tạo nội dung hấp dẫn: Bao gồm hình ảnh đẹp, video chất lượng, bài viết blog, và các thông tin hữu ích khác.
Tạo trải nghiệm toàn diện cho khách hàng: Từ quá trình tìm kiếm thông tin, đặt chỗ đến trải nghiệm du lịch.
Điều chỉnh và cải thiện: Luôn luôn cập nhật và điều chỉnh chiến lược dựa trên phản hồi từ khách hàng và các dữ liệu hiệu suất để đảm bảo hiệu quả và thành công của chiến dịch.
Tạm kết:
Tóm lại, marketing du lịch không chỉ đơn thuần là việc quảng bá các điểm đến du lịch mà còn là việc tạo ra trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành du lịch toàn cầu. Bằng cách sử dụng các công cụ và công nghệ hiện đại, các doanh nghiệp có thể dễ dàng quảng bá và thu hút khách hàng trải nghiệm dịch vụ của mình.
Thao Nguyen - MarketingAI
Bình luận của bạn