Hơn 10 năm xuất hiện và tồn tại tại thị trường Việt Nam, Local Brands thực sự là một cái tên gây nhiều tranh cãi. Từ những thương hiệu từng vấp phải hàng tá chỉ trích, châm biếm về phong cách thiết kế, cho đến những cái tên được đông đảo bạn trẻ Việt yêu thích, thị trường quần áo do người Việt làm đã nhảy một bước rất nhanh so với quá khứ của các thị trường láng giềng như Thái Lan, Singapore, hay rộng hơn là Hàn Quốc, Nhật Bản.
(Nguồn: Guru)
10 năm cho một sự thay đổi, 10 năm cho những thăng trầm và cả những cuộc cách mạng mạnh mẽ về kỹ thuật may mặc lẫn chiến lược marketing. Local Brands giờ đây như khoác lên mình một diện mạo mới, không còn là những “con sói hoang” thích gì làm nấy, mà chuyên nghiệp hơn, thông minh hơn với các chiến lược cụ thể. Giờ đây, họ đã tự tin bước chân vào thị trường với một tâm thế mới, sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với hàng loạt thương hiệu lớn không chỉ tại Việt Nam mà còn trong khu vực.
Thành công trong định vị thương hiệu
Nếu như trước kia - “streetwear” hay thân thương gọi là “trang phục đường phố” chỉ dành cho những người thực sự có đam mê, am tìm hiểu và hoạt động thành từng cụm, từng nhóm nhỏ; không khoa trương, không ồn ào và chẳng thích mở rộng ra thế giới bên ngoài. Thì giờ đây, với sự phát triển của Internet, bùng nổ của smartphone và mạng xã hội, cùng công cuộc đi lên của Gen Z, Rap và Hiphop, thời trang đường phố bắt đầu thoát ra khỏi gầm cầu, rời những khu ổ chuột để ra ngoài ánh sáng với công chúng.
(Nguồn: Kênh 14)
Cách đây khoảng 10 năm, hàng loạt Local Brands bắt đầu được thành lập, các bản release xuất hiện chóng mặt với sự đổi mới không nhiều. Có chăng chỉ là sự thổi phòng về thương hiệu quá lớn. Người tiêu dùng trở nên nhộn ngợp với list đồ ra hàng tuần nhưng thực sự để lại ấn tượng thì không có mấy ai. Khi công nghệ 4.0 bắt đầu đổ bộ vào, mạng xã hội dần thịnh hành và chiếm lĩnh cuộc sống của giới trẻ, thuật ngữ “Chia sẻ/ Tương Tác” lên ngôi là lúc mọi thứ dần trở nên dễ dàng kết nối hơn bao giờ hết. Tấm màn bảo vệ đã mất, và Local Brands phải đối mặt với nhiều sự soi mói và đánh giá hơn.
Không ít Local Brands đã dần sụp đổ. Chỉ mới hai năm trước thôi, khi điểm lại tên các thương hiệu Việt chỉ còn vài cái tên ít ỏi, chứ đừng nói là sản phẩm nhiều và đa dạng mẫu mã như hiện nay. Một sản phẩm phổ thông nhất là chiếc áo tee thời đó vải còn xù, cổ còn giãn, tã nhanh; 1 chiếc coach jacket full printed đã là 1 thử thách với những Local Brands Việt. Thì giờ đây, nào là vải chất lượng cao, co dãn 2 chiều – 4 chiều. Rồi thêm các chất liệu mới, in hình Graphic cực kỳ chất lượng và tinh xảo.
Local Brands Việt bước sang trang mới với thay đổi lớn trong kỹ thuật may mặc (Nguồn: Internet)
Đây thật sự là một bước tiến và phát triển của Local Brands Việt. Điều đó chứng minh một điều rằng, để làm ra được những sản phẩm phức tạp trong tương lai, Local Brands Việt cần làm tốt và giỏi những sản phẩm đơn giản như hiện nay đã.
Không ngừng khai phá và mày mò, khi thị trường ngày một phát triển, các Local Brands bắt tay vào những thứ khó xơi hơn nhiều. Không dừng lại ở quần jeans áo thun, mà từ giày dép đến những trang phục phức tạp hơn như áo khoác da, denim jacket, áo dài cách tân được làm bởi người Việt xuất hiện ngày càng nhiều. Cụm từ “made in Vietnam” vang lên như một tiếng gọi đánh thức giấc mơ và đam mê sáng tạo bùng cháy mạnh mẽ trong lòng các Founders Local Brands.
Họ hướng tới định vị thương hiệu một cách chỉn chu và chuyên nghiệp hơn.
(Nguồn: degrey)
VISUAL
Để định vị được thương hiệu tốt thì không thể thiếu đi bộ công cụ nhận diện thương hiệu, mà cốt lõi chính chính là Visual. Local Brands Việt giờ đã chú trọng hơn rất nhiều về phần Visual. Visual ở đây MarketingAI muốn nhắc đến có 2 loại, một là Online Visual và hai là Store Visual.
Online Visual
Hình ảnh
Cách đây 1 năm, các bộ sưu tập, Lookbook chỉ đợn giản là chụp streetstyle, họa hoằn lắm thì chụp trong studio. Nhưng giờ đây, nó đã thành một thứ gì đó yêu cầu phải đạt mức tiêu chuẩn nhất định. Không chỉ chụp studio nền trắng mà còn phải thuê cố vấn nghệ thuật để hiểu hơn về cách truyền tải thông điệp của bộ sưu tập tới cho khách hàng. Khi mà khách hàng ngày càng thông minh và thị trường thì đòi hỏi mức tiêu chuẩn cao hơn, thì đây chính là sự phát triển một cách lành mạnh và chuyên nghiệp.
(Nguồn: Moidien)
Viral/ Commercial video clip
Thế hệ mới, đặc biệt là GenZ thích xem hơn là đọc và nhìn, cũng dễ đồng cảm hơn khi coi 1 clip nào đó. Các video clip trong các chiến dịch của các thương hiệu Việt đa phần bây giờ được đầu tư hơn tốt rất nhiều, có câu chuyện, kịch bản và truyền tải tới khách hàng. Có thể nói, marketing/visual/lookbook và video của nhiều Local Brands bây giờ thực sự tốt và hay. Đó là sự phát triển đáng tự hào trên mặt bằng chung của Local Brands.
STORE/VISUAL MERCHANDISING
Local Brands đã từng có một thời kỳ chỉ có một căn phòng nhỏ trong ngõ, đồ và kho để chung lộn xộn – bán cũng chỉ bán online. Giờ nhìn xem – cách mà các founders Local Brands đầu tư mạnh về cửa hàng, về key visual, về cách bài trí, decoration và xếp hàng theo chuẩn mực bài bản của visual merchandising (Màu sắc, size, khu vực) để mang tới trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng, thật sự đáng ngưỡng mộ. Đó không chỉ là những thứ nhỏ nhặt thông thường, mà đòi hỏi rất nhiều tâm huyết, tiền của của các Local Brands Việt. Và đặc biệt hơn, nó góp phần xây dựng hình ảnh, định vị thương hiệu trong lòng khách hàng.
(Nguồn: sellervn)
Đa số các hãng Local Brands lớn thành công hiện nay đều đã thực hiện tốt chiến lược định vị thương hiệu này. Nếu khách hàng có thể liên tưởng đến ngay một nhãn hàng Local Brands nào đó khi nhắc đến một đặc trưng cụ thể, thì Local Brands đó đã thực sự thành công trong việc định vị thương hiệu trong lòng khách hàng.
>>> Xem thêm: COVID-19 đã thay đổi ngành công nghiệp thời trang thế giới như thế nào?
Mạnh dạn “collab” với các KOLs/Influencers có tiếng để phủ sóng thương hiệu
Một trong những điểm làm cho những Local Brands tại Việt Nam được đánh giá cao và ưa chuộng thời điểm hiện tại là sự đầu tư mạnh mẽ để phủ sóng thương hiệu. Nắm bắt được xu thế của thị trường và sự quan tâm của giới trẻ, đặc biệt là GenZ đối với những người nổi tiếng trong giới Street Style, một số ít các Local Brands đã mạnh dạn đầu tư, mời những Rapper, những người hoạt động trong giới Underground có tiếng về để quảng bá hay làm đại sứ thương hiệu cho sản phẩm của họ.
Ví dụ như năm 2018, B Ray đã có màn hợp tác với Street Gang cho ra mắt bộ sưu tập “Gang City”. “Gang City” bao gồm những mẫu thiết kế lấy cảm hứng từ bài hát “Ở trong thành phố” của B Ray. Ngoài ra, đây cũng là loạt sản phẩm được gắn mác merchandise của EvB Records.
(Nguồn: hnbmg)
Năm ngoái, ClownZ đã kết hợp với Binz ra mắt dự án “Krazy About You”. Theo đó, Binz được mời làm gương mặt đại diện cho hãng và sẽ có mặt trong buổi khai trương cửa hàng đầu tiên của ClownZ tại Sài Gòn.
(Nguồn: hnbmg)
Hay là sự hợp tác của JustaTee, Đen Vâu trong dự án Tết 2020 "Làm gì mà phải hốt" của Viettel Pay, đã từng gây bão ít nhiều với giai điệu dễ thương, lời rap chất và ra mắt đúng dịp lễ hội!
Những màn collab trên là một cú hích lớn đẩy mạnh tên tuổi và vị thế của 2 thương hiệu trên trên thị trường Local Brands Việt, đồng thời đưa hình ảnh thương hiệu được phủ sóng rộng rãi trong cộng đồng giới trẻ. Rõ ràng, khi Influencer Marketing trở thành một kênh tiếp thị xu hướng và tạo được nhiều ảnh hưởng đối với người dùng, các chiến dịch trên đã tạo ra sức lan tỏa ấn tượng, giúp các Local Brands có đất cạnh tranh hơn trên thị trường.
Đón đầu xu thế thị trường, sẵn sàng chịu chi để đáp ứng nhu cầu khách hàng
Có thể nói, sự “chịu chi” của các Local Brands Việt những năm gần đây đã thay đổi cách nhìn nhận của thế hệ mới về các sản phẩm của người Việt. Họ chú ý đến “Tập tính khách hàng trẻ” và “Thái độ chi tiền cho các sản phẩm Việt” để đầu tư nghiêm túc vào chiến lược “educate” khách hàng và thuyết phục khách hàng chi tiền cho sản phẩm Việt.
(Nguồn: Vogue Vietnam)
Cách đây 1-2 năm, để bỏ ra một số tiền từ 1.000.000-3.000.000 được coi là “Cực khó” và “Bất khả thi” khi tâm lý “Sính ngoại” cũng như đánh giá thấp “Sản phẩm của người Việt” tồn tại cực kì cao trong lòng giới trẻ. Điều đó phần nào gây trở ngại và tạo tâm lý e sợ cho các Local Brands khi không dám liều mình đầu tư.
Nhưng giờ đây, với sự lên ngôi của thế hệ GenZ, nhiều bạn trẻ đã bắt đầu có nhận thức cao hơn về những sản phẩm thuần Việt chất lượng. Đây là một chuyển biến lạc quan và tích cực cho những Local Brands Việt, đồng thời là điều kiện cần và đủ để những thương hiệu đầu tư nghiêm túc về sản phẩm như TREDx, MoiDien tỏa sáng trong bầu trời đầy thị phi của giới Local Brands.
(Nguồn: Dosiin)
Được sáng tạo và làm bởi những con người có kinh nghiệm và đào tạo bài bản – các sản phẩm của TREDx, MoiDien chắc chắn hơn tầm những thương hiệu khác. Đó là thế mạnh – kết hợp cùng marketing đúng cách và “Word of Mouth”, các local brands này đã “giáo dục” được không hề ít các bạn trẻ chịu chi tiền nhiều cho các sản phẩm Việt chất lượng.
Kết
Thành công của các Local Brands hôm nay chính là việc được công nhận và đánh giá cao bởi những thế hệ mới. Đã ít đi sự so sánh, mà thay vào đó là sự coi trọng với chất xám và sản phẩm của người Việt. Đó như một thành quả ngọt ngào với những nỗ lực bỏ ra của các Local Brands không chỉ trong đầu tư chất lượng sản phẩm, mà cả các chiến lược marketing đúng đắn.
Tô Linh - MarketingAI
>>> Có thể bạn quan tâm: Supreme khiến giới trẻ phát cuồng nhờ nghệ thuật Marketing “độc nhất vô nhị”
Bình luận của bạn