Liệu ứng dụng Zoom có bảo mật cao ?

01 Thg 04

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, mọi người cần chủ dộng ở nhà và hạn chế tối đa đến những nơi công cộng, tập trung đông người. Cũng chính vì vậy nên nhiều công ty, doanh nghiệp đã có những chính sách mới, buộc hàng triệu người trên toàn cầu phải làm việc tại nhà, các hoạt động dạy và học cũng được triển khai trực tuyến, là cơ hội vàng và tiềm năng để ứng dụng Zoom phát triển. Dù tăng trưởng bùng nổ mạnh trong thời gian qua và đạt giá trị 38 tỷ USD nhưng Zoom đang bị các chuyên gia bảo mật nghi ngờ về khả năng bảo mật và quyền riêng tư của người dùng.

>>> Đọc thêm: Zoom là gì? Cách sử dụng phần mềm họp trực tuyến Zoom Cloud Meetings

Liệu ứng dụng Zoom có tính bảo mật cao?

Nguồn: Mio Dispatch

Hãng ứng dụng cuộc gọi video Zoom đang có những hoạt động kinh doanh tăng trưởng vượt trội khi đại dịch Covid-19 bùng phát, buộc hàng triệu người trên toàn cầu phải làm việc tại nhà cũng như triển khai các hoạt động dạy học trực tuyến. Bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán từ tháng 4/2018 và đến thứ Hai vừa qua, giá cổ phiếu công ty đã tăng vọt 22% lên mức 159,07 USD/cổ phiếu, mức cao nhất trong một ngày của công ty. Còn nếu tính từ 31 tháng 1/2020, cổ phiếu Zoom đã tăng phi mã lên hơn 100%.

Đến thời điểm hiện tại, công ty này chưa có thông báo chính thức về số lượng người dùng mới của mình nhưng theo một tài liệu gửi nhà đầu tư vào thứ sáu tuần trước cho thấy, lượng truy cập sử dụng ứng dụng đã tăng đột biến, khiến họ gia tăng chi phí cơ sở hạ tầng. Trong vài tuần vừa qua, công ty đã bắt đầu loại bỏ giới hạn 40 phút miễn phí đối với các cuộc gọi hội nghị trực tuyến và phát hành miễn phí cho các trường học tại Mỹ, Trung Đông và châu Âu trong bối cảnh những khu vực này buộc  phải đóng cửa trước tình hình bùng phát của đại dịch.

Trong khi Zoom đang mở rộng không ngừng tập khách hàng của mình đến hàng trăm nghìn văn phòng và trường học trên toàn thế giới, các chuyên gia bảo mật cũng phát đi thông điệp lo ngại liên quan đến các chính sách bảo mật và bảo vệ dữ liệu của công ty. Theo Business Insider, một số chuyên gia về an ninh mạng nhấn mạnh đến một tính năng trong ứng dụng cho phép những người tổ chức họp trên Zoom theo dõi tương tác của người dùng, dễ dàng chia sẻ các file không đúng cách, và thiếu rõ ràng trong chính sách riêng tư của công ty.

Lo ngại Zoom sẽ là điểm đến của nhiều hacker

Vào tháng 1, hãng an ninh mạng Check Point Research phát hiện ra một lỗ hổng trong ứng dụng Zoom, sẽ cho phép hacker nghe được các cuộc họp hội nghị video dù không được mời, và giành quyền truy cập tới các file nội bộ cũng như các thông tin nhạy cảm khác. Tom Lysemose Hansen, CTO của hãng bảo mật trong ứng dụng Promon cho rằng các lỗ hổng của Zoom "đã trở nên rõ ràng" sau sự cố này.

Ông cho biết: "Cũng như với bất kỳ loại phần mềm nào, các nền tảng họp hội nghị video đều dễ bị hack, và thật không may, khi ngày càng nhiều người bắt đầu sử dụng công nghệ này, các hacker sẽ bắt đầu nhắm tới họ với tần suất ngày càng tăng."

Đáp lại những nghi ngờ đó, Zoom cho biết, lỗ hổng mà Check Point chỉ ra đã được vá lại trước khi chúng được công bố công khai, đồng thời bổ sung rằng họ đã cập nhật một số tính năng (Ví dụ Xác thực ID trong cuộc họp và Khóa Thiết bị) nhằm "hạn chế mức độ hiệu quả của các công cụ độc hại."

Tính năng trên Zoom có thể cho phép cấp trên theo dõi nhân viên 

Không chỉ nghi ngờ về tính bảo mật của ứng dụng này, Zoom còn bị nghi ngại về một tính năng trong ứng dụng khác "employee tracker", cho phép người chủ phòng họp có thể theo dõi liệu những người dùng khác có để ứng dụng chạy trên màn hình chính trong 30 giây gần đây hay không.

Nguồn: The Street

Camilla Winlo, giám đốc công ty tư vấn quyền riêng tư DQM GRC cho biết. "Các tổ chức nên cung cấp việc huấn luyện chi tiết để biết được những loại tính năng này nên và không nên sử dụng như thế nào, nhưng thành thật mà nói, phần lớn mọi người chỉ muốn sớm làm việc từ xa và chạy ứng dụng ngay bây giờ."

Đại diện phía Zoom cho biết, tính năng này đã bị tắt mặc định, và chỉ có thể được bật lên bởi người tổ chức cuộc họp và chỉ xuất hiện nếu người tổ chức cuộc họp chia sẻ màn hình của mình. "Tính năng cho phép người tổ chức cuộc họp thấy được dấu hiệu của việc ai đó không chú ý đến ứng dụng Zoom trong vòng 30 giây chỉ xuất hiện khi người tổ chức cuộc họp chia sẻ màn hình của mìnhNếu người tổ chức không chia sẻ màn hình của mình, sẽ không có dấu hiệu nào cho biết liệu những người tham gia cuộc họp có chú ý đến Zoom hay không. Nó cũng sẽ không theo dõi bất kỳ nội dung âm thanh hay video của cuộc họp."

Gần đây hơn, vấn nạn "Zoombombing" trở nên ngày càng nghiêm trọng khi những kẻ phá rối có thể nhảy vào những cuộc họp hội nghị công khai và chia sẻ các hình ảnh không phù hợp cũng như các tin nhắn spam khác.

Đáp lại vấn đề này, Zoom đã công bố một hướng dẫn mới giải thích việc những người tổ chức họp có thể ngăn chặn những vị khách vô danh chia sẻ các tệp tin không phù hợp như thế nào. Khi ứng dụng của mình ngày càng phổ biến, công ty đang đối mặt với những lời kêu gọi minh bạch hơn về cách xử lý dữ liệu người dùng.

Phát ngôn viên của Zoom cho biết, công ty "không bán dữ liệu người dùng dưới bất kỳ hình thức nào cho bất kỳ ai. Zoom chỉ thu thập dữ liệu người dùng trong phạm vi cần thiết để cung cấp các hỗ trợ về hoạt động và kỹ thuật, cũng như để cải thiện dịch vụ của chúng tôi. Zoom phải thu thập các thông tin kỹ thuật như địa chỉ IP, chi tiết hệ điều hành và các chi tiết thiết bị của người dùng để dịch vụ của mình hoạt động một cách chính xác."

Phương Thào - MarketingAI

Theo GenK

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.