cover

Kiếp nạn “vạ miệng” của Hằng Du Mục, Quang Linh… và bài học xương máu về phát ngôn dành cho KOC, KOL

06 Thg 03

Mặc dù mới bước qua 2 tháng đầu năm 2025 nhưng thị trường KOL, KOC Việt Nam liên tiếp “đón nhận” hàng loạt drama từ các KOC nổi tiếng. Đều là những gương mặt từng nhận được sự ủng hộ của đông đảo công chúng với hình tượng tốt đẹp, chân thật, Phạm Thoại, Hằng Du Mục, Quang Linh,... bất ngờ trở thành tâm điểm chỉ trích của cộng đồng bởi những phát ngôn đầy tranh cãi trên mạng xã hội, đặc biệt là những lần vạ miệng “mất kiểm soát ngôn từ” trên các phiên Livestream. Điều này cũng đã đặt ra một thách thức lớn cho các KOL, KOC trong việc duy trì và bảo vệ thương hiệu cá nhân, đồng thời là một bài học đắt giá cho thương hiệu khi hợp tác cùng người nổi tiếng!

“Kiếp nạn” đầu năm của loạt KOC đình đám, liên tục vạ miệng trên Livestream

Quang Linh Vlog khiến người xem mất niềm tin vì giới thiệu sản phẩm sai sự thật trên phiên Livestream

Trong một phiên Livestream tháng 2 vừa qua, Quang Linh Vlogs đã quảng bá về một sản phẩm kẹo rau củ với công dụng "1 viên tương đương 1 đĩa rau" dành cho "những người không ăn được rau, nhìn thấy rau là chạy". Thậm chí trong một phiên Livestream khác, Linh còn khẳng định "1 hộp như này như 1 bó rau, hay 1 đĩa rau luộc luôn đó. Mỗi ngày mọi người ăn giúp mình 2-3 viên sau bữa ăn là được". Thông tin này ngay lập tức bị phản bác bởi một số người dùng, KOC khác trên mạng xã hội, họ cho rằng quảng cáo của Quang Linh là sai sự thật, PR quá lố cho sản phẩm và có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Sự việc tiếp tục bị đẩy lên cao trào hơn khi mới đây, một người dùng đã mang sản phẩm rau củ của Quang Linh đi kiểm nghiệm thành phần thực tế. Kết quả cho thấy, hàm lượng chất xơ trong sản phẩm trái ngược hoàn toàn với những gì được Quang Linh Vlog chia sẻ. Cụ thể, 1 Hũ kẹo rau củ của Quang Linh (30 viên) sẽ có hàm lượng chất xơ là 0,51g, tương ứng với 0,51/30 = 0,017g chất xơ trong mỗi viên. Như vậy, hàm lượng này thậm chí còn kém xa lượng chất xơ trong một quả chuối và cho dù ăn hết cả hộp cũng không đáp ứng được lượng chất xơ mà một trẻ nhỏ cần dung nạp mỗi ngày.

Hằng Du Mục đưa sai lệch thông tin về khối lượng Yến sào trong Livestream dù cam kết đền 1000 lần nếu không đúng

Sau Quang Linh, Hằng Du Mục là cái tên tiếp theo gặp nạn vì vạ miệng trên livestream. Trong phiên phát sóng ngày 3/3/2025, cô đã giới thiệu một sản phẩm yến sào và tuyên bố rằng mỗi hũ nhỏ có thể tích 70ml chứa tới 30g yến tươi, đồng thời nhấn mạnh hàm lượng dinh dưỡng vượt trội, làm từ yến A5 không phải yến vụn.

Tuy nhiên, ngay sau đó, nhiều chuyên gia thực phẩm đã lên tiếng bác bỏ thông tin này, khẳng định rằng hàm lượng yến thực tế trong một hộp có thể tích 70ml không thể đạt mức đó bởi 30g yến là một khối lượng rất lớn. Sự việc nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội, khiến Hằng Du Mục bị chỉ trích nặng nề vì hành vi quảng cáo sai sự thật. Trước làn sóng phản đối, Hằng Du Mục đã đăng bài xin lỗi vào ngày 28/2/2025, thừa nhận sự thiếu sót trong quá trình kiểm chứng, quy đổi các đơn vị về trọng lượng khi giới thiệu sản phẩm.

Phạm Thoại đẩy Scandal từ thiện lên cao trào vì phát ngôn thiếu suy nghĩ khi Livestream

Từng là cái tên nhận được khá nhiều thiện cảm của người dân sau khi làm từ thiện trong mùa bão lũ năm 2024, nhưng mới đây Phạm Thoại bị chính cộng đồng mạng quay lưng vì làm từ thiện thiếu minh bạch.

Cụ thể, vào đầu năm 2025, Phạm Thoại đã kêu gọi quyên góp từ thiện để điều trị cho một em bé tên Bắp mắc bệnh hiểm nghèo. Hoàn cảnh của Bắp cùng với sức ảnh hưởng của Phạm Thoại đã nhanh chóng thu hút các mạnh thường quân với số tiền ủng hộ lên tới 16,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi số tiền được chuyển đến gia đình bé Bắp, các thông tin về việc điều trị của Bắp bắt đầu trở nên thiếu rõ ràng, mẹ của em rất ít cập nhật thông tin, thậm chí khóa bình luận trên trang cá nhân, khiến nhiều người đặt nghi vấn về tính minh bạch trong việc sử dụng số tiền này. Thậm chí còn có một số nguồn tin về việc gia đình Bắp sử dụng tiền từ thiện cho việc riêng.

Trước áp lực từ dư luận, Phạm Thoại đã livestream công khai sao kê, khẳng định phần lớn số tiền đã được chuyển đi, hiện chỉ còn hơn 50 triệu đồng trong tài khoản. Tuy nhiên, sau đó lại tranh cãi lại tiếp tục bùng nổ khi xuất hiện rất nhiều đoạn clip được cắt ra từ một buổi Livestream của Phạm Thoại với nội dung chỉ trích rằng những người đã từng giúp bé Bắp nhưng sau đó lại không tiếp tục giúp là một hành vi ác. Nhưng phát ngôn của Phạm Thoại khiến cho danh tiếng của KOC này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hủy các phiên live lớn và thậm chí là nguy cơ bị gạch tên khỏi nhiều chương trình truyền hình thực tế.

>>> Bạn có thể quan tâm: Từ vụ việc drama Sầu Riêng: Thương hiệu lao đao vì người đại diện "vạ miệng", cần quản lý như thế nào?

Livestream tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về phát ngôn

Nhìn chung, cả ba trường hợp trên đều là những KOC, KOL hàng đầu tại thị trường Việt Nam sở hữu một thương hiệu cá nhân rất vững mạnh và từng nhận được niềm tin của rất nhiều người tiêu dùng. Nhưng tất cả những danh tiếng tích cực trước đó đều đã bị sụp đổ chỉ vì những phát ngôn thiếu suy nghĩ, nóng vội.

Trong đó, có thể thấy rằng phần lớn những phát ngôn vạ miệng này đều xuất hiện ở các phiên Livestream. Hiện nay xu hướng Livestream bán hàng đã trở nên rất phổ biến và trở thành kênh “hốt bạc” cho các KOL, KOC. Tuy nhiên nó cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về khủng hoảng truyền thông.

Không giống như những video đăng tải thường ngày, Livestream là một quá trình phát sóng trực tiếp không thể chỉnh sửa những hình ảnh lời nói đang diễn ra. Vì vậy KOL, KOC sẽ khó khăn hơn trong việc kiểm soát kịch bản và dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, dẫn tới những lời nói thiếu chính xác.

Đặc biệt, KOC, KOL khi Livestream bán hàng thường muốn nhấn mạnh thật nhiều vào công dụng sản phẩm, dẫn tới một số tình huống PR quá lố, quảng cáo sai sự thật. Và chỉ một từ sai sót trong quá trình Livestream, cũng có thể khiến người dùng hiểu sai ý nghĩa có thể khiến cho KOL, KOC bị chỉ trích nặng nề. Vậy KOL, KOC phải làm gì để bảo vệ hình ảnh thương hiệu cá nhân trước những rủi ro khi phát ngôn, đặc biệt là trên Livestream?

Bài học về bảo vệ thương hiệu cá nhân cho KOL, KOC từ drama của “kẹo rau và yến sào”

Những lùm xùm gần đây xoay quanh Hằng Du Mục, Quang Linh và Phạm Thoại đã đặt ra một bài toán lớn cho những người làm nội dung trên mạng xã hội: Làm thế nào để bảo vệ thương hiệu cá nhân trong thời đại mà một chữ sai lệch cũng có thể nhanh chóng trở thành một "quả bom" truyền thông?

#1. Hãy hiểu & nêu rõ nguồn thông tin về sản phẩm khi Livestream bán hàng

Trước tiên để phòng ngừa rủi ro truyền thông KOL, KOC cần phân biệt giữa các nguồn thông tin: Do nhãn hàng cung cấp, Nhận định cá nhân qua quá trình trải nghiệm sản phẩm, Thông tin trên báo chí, mạng xã hội hay Thông tin đã được kiểm định rõ ràng từ các nguồn chính thống. Thay vì khẳng định chắc chắn một thông tin nào đó, hãy dẫn nguồn cụ thể khi nói, để giảm thiểu những rủi ro khi thông tin đó sai sót. Bởi khi đó, người dùng sẽ hiểu được phần nào nguồn thông tin của bạn, họ biết rằng những thông tin đó không phải bạn bịa đặt và sẽ phân tán sự chú ý lên các bên liên quan.

Anh P.T.H - Một chuyên gia về Marketing và Xây dựng thương hiệu cá nhân đã chỉ ra một Tips khá thú vị cho KOL, KOC, đó là thay đổi cách giới thiệu sản phẩm, thêm vào đầu câu những cụm từ như: Nhãn hàng nói là, Theo tôi hiểu là,... để giảm thiểu trách nhiệm cá nhân khi có sự cố xảy ra. Trường hợp của Hằng Du Mục là một ví dụ điển hình: Nếu cô ấy chỉ nói "Nhãn hàng công bố rằng một hũ yến chứa 30g yến" thay vì khẳng định chắc nịch, thì có lẽ cô ấy đã tránh được làn sóng chỉ trích.

#2. Cẩn trọng với các sản phẩm liên quan tới sức khỏe, dinh dưỡng, cần được kiểm định rõ ràng

Các sản phẩm liên quan đến sức khỏe, dinh dưỡng như Thực phẩm chức năng, dược phẩm luôn đòi hỏi độ chính xác cao, vì chỉ một lời nói thiếu căn cứ cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe và quyền lợi người dùng. Do đó, KOL, KOC không nên đưa ra tuyên bố khẳng định về công dụng của sản phẩm nếu không có bằng chứng rõ ràng hoặc kiểm định từ cơ quan chuyên môn. 

Trường hợp của Quang Linh với phát ngôn "một viên kẹo bằng một đĩa rau" là một ví dụ. KOL này hoàn toàn chưa có được sự kiểm chứng rõ rệt về lượng chất xơ trong một đĩa rau củ và sản phẩm của mình, mà chỉ đưa ra dựa trên cảm quan cá nhân và thiếu căn cứ khoa học. 

#3. Không sử dụng uy tín cá nhân để đảm bảo cho những điều chưa được kiểm chứng rõ ràng

Khi quảng bá sản phẩm yến sào, Hằng Du Mục tự tin khẳng định một hũ yến chỉ sử dụng yến nguyên chất A5 - Một loại yến khá đắt đỏ và thậm chí còn từng tuyên bố sẽ đền gấp 1000 lần nếu ai phát hiện yến giả. "Nếu bên trong đó mix những thành phần không phải yến như bông tuyết, mủ trôm,... để làm giả yến thì Hằng và Linh đền 1.000 lần số tiền mọi người bỏ ra và chi phí đem đi test. Nói như vậy là đủ tự tin đúng không mọi người." Điều này không chỉ đặt cô vào thế bị động khi thông tin sai lệch bị bóc trần, mà còn khiến uy tín cá nhân bị tổn hại nghiêm trọng. Thực tế cho thấy ngay sau phát ngôn sai về khối lượng yến, rất nhiều người tiêu dùng đã đào lại câu nói này của Hằng Du Mục và đặt ra nghi vấn đề chất lượng thực sự của sản phẩm. 

Vì vậy, khi hợp tác cùng các nhãn hàng, KOL, KOC cần lưu ý không nên lấy uy tín cá nhân để đảm bảo cho những thông tin chưa kiểm chứng rõ ràng từ phía nhãn hàng. Dẫu việc cam kết có thể tạm thời mang lại niềm tin cho người tiêu dùng, khiến họ chốt đơn nhanh chóng hơn, nhưng nó cũng chứa đựng một nguy cơ khủng hoảng cực nghiêm trọng. Ví dụ như trường hợp của Hằng Du Mục, KOC có thể hợp tác với nhãn hàng để cam kết thông tin và tuyên bố nhãn hàng sẽ đền nếu có sai sót thay vì sử dụng uy tín cá nhân. Như vậy, không chỉ đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, uy tín của KOC mà cũng khiến cho các nhãn hàng hợp tác minh bạch hơn.

Lời kết:

Nhìn chung, để bảo vệ danh tiếng, KOL, KOC cần phát ngôn cẩn trọng, luôn phân biệt rõ giữa thông tin có nguồn từ nhãn hàng, nguồn chính thống, suy luận cá nhân hay cảm nhận của cộng đồng. Khi giới thiệu sản phẩm, KOC cũng nên dẫn nguồn rõ ràng từ thương hiệu thay vì khẳng định tuyệt đối, đặc biệt với các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe và khoa học. Ngoài ra, không nên dùng uy tín cá nhân để cam kết cho sản phẩm, thay vào đó nên hợp tác cùng nhãn hàng để đưa ra những cam kết bền vững hơn cho người tiêu dùng, mà vẫn đảm bảo hạn chế rủi ro khi xảy ra khủng hoảng. Danh tiếng uy tín là tài sản quý giá nhất của một KOL, KOC, đặc biệt là những người thường xuyên bán hàng qua Livestream và sự cẩn trọng trong từng phát ngôn chính là chìa khóa giúp KOL, KOC phát triển bền vững

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.