cover

Hơn 50% người Việt thích đồ uống bình dân - Sử dụng ngay chiến lược mồi nhử giá & social media để thu hút khách hàng!

26 Thg 03

Đứng giữa nhu cầu thắt chặt chi tiêu và văn hóa đi cà phê, người tiêu dùng Việt bắt đầu chuyển hướng sang các sản phẩm đồ uống bình dân. Những báo cáo mới đây nhất về thị trường cà phê đã cho thấy, tỷ trọng người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu và sử dụng các sản phẩm bình dân tăng trưởng ngày càng đột phá. Trong khi đó, các sản phẩm đồ uống cao cấp không còn là sự lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng. Xu hướng này buộc các thương hiệu trên thị trường đồ uống, quán cà phê phải thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng trong thời gian tới.

Thích đi cafe nhưng mong muốn tiết kiệm - Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng phân khúc bình dân

Theo thông tin từ báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam 2024 từ iPOS và Nestlé Professional công bố ngày 18/3/2025 cho thấy Ngành kinh doanh đồ uống tại Việt Nam tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, với doanh thu đạt 118.262 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 13% so với năm trước.

Con số này không quá bất ngờ bởi ngành đồ uống luôn là một trong những lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn nhất tại Việt Nam. Từ văn hóa uống cafe, xu hướng giải trí, tụ tập cùng bạn bè, cho tới mục tiêu tìm kiếm không gian học tập, làm việc mới,... những nhu cầu đa dạng đó đã thúc đẩy tần suất tiêu thụ đồ uống bên ngoài của người tiêu dùng Việt ngày càng tăng cao.

Theo báo cáo của iPos, có tới 51% người tiêu dùng Việt đang duy trì thói quen tiêu thụ đồ uống ngoài thường xuyên. Trong đó, tỷ lệ khách uống đồ uống bên ngoài hàng ngày (bao gồm đến quán, gọi giao hàng hoặc mua mang đi) đã tăng từ 6,1% năm 2023 lên 18,2% trong năm 2024. Đặc biệt, nhóm khách hàng có tần suất sử dụng cao, từ 3 - 4 lần/tuần cũng tăng từ 17,4% lên 32,8%. Những con số này cho thấy nhu cầu sử dụng đồ uống bên ngoài của người tiêu dùng Việt vẫn đang trên đà tăng trưởng rất mạnh mẽ. Mở ra nhiều tiềm năng hấp dẫn cho các cửa hàng đồ uống, quán cà phê,... 

Xu hướng thắt chặt chi tiêu thúc đẩy người tiêu dùng tìm đến phân khúc đồ uống tầm trung

Tuy nhiên, sau làn sóng suy thoái kinh tế và ảnh hưởng của thiên tai, người tiêu dùng Việt ngày càng thận trọng hơn trong chi tiêu. Họ có xu hướng thắt chặt chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu, tìm kiếm các lựa chọn giá rẻ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tốt. Nhu cầu tiêu thụ đồ uống bên ngoài cũng không ngoại lệ. Để có thể cân bằng giữa nhu cầu đi cà phê để giải trí, tụ tập và làm việc với bài toán kinh tế, người tiêu dùng bắt đầu chuyển hướng sang các phân khúc sản phẩm bình dân hơn.

Khảo sát của iPOS cho thấy sự dịch chuyển rõ rệt này:

Các phân khúc đồ uống trung cấp, và cao cấp đều ghi nhận tỷ lệ sụt giảm mạnh:

  • Nhóm sẵn sàng chi 35.000 - 50.000 đồng/lần uống cà phê, trà sữa từng chiếm tỷ lệ đông đảo nhất với 47,7% (2023) nay đã giảm xuống chỉ còn 31,5% (2024).
  • Phân khúc cao cấp (trên 70.000 đồng) giảm từ 7,3% xuống còn 5,1%, cho thấy phân khúc này ngày càng thiếu hấp dẫn với người tiêu dùng.

Trong khi đó, phân khúc giá thấp lại tăng trưởng mạnh mẽ, chiếm tới hơn 50%

  • Nhóm sẵn sàng chi 21.000 - 35.000 đồng tăng từ 29,6% lên 40%, trở thành phân khúc giá được ưa chuộng nhất hiện nay, với 37,7% khách hàng uống hàng ngày và 40,6% uống thường xuyên.
  • Nhóm chi dưới 20.000 đồng cũng tăng đáng kể, từ 4,3% lên 12,3%.

Như vậy, có thể thấy các phân khúc đồ uống bình dân đang chiếm ưu thế rõ rệt so với nhóm cao cấp. Nhờ mức giá rẻ và dễ tiếp cận, các sản phẩm này không chỉ thu hút nhiều nhóm khách hàng đa dạng mà còn thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu thoáng tay hơn, làm gia tăng tần suất sử dụng so với phân khúc giá cao.


Các cửa hàng đồ uống, quán cà phê cần làm gì?

1. Sử dụng chiến lược mồi nhử giá rẻ để thu hút khách hàng

Khi người tiêu dùng ngày càng chú trọng về những con số giá cả, chiến lược mồi nhử giá rẻ sẽ là một hướng đi hiệu quả cho thương hiệu. Trong đó, thương hiệu sẽ cung cấp một số sản phẩm có mức giá rất thấp để thu hút khách hàng đến quán, từ đó kích thích họ thử nghiệm các sản phẩm khác tại quán. Ví dụ, thương hiệu có thể cung cấp một dòng sản phẩm là phê đen đá chỉ 19.000đ/cốc là sản phẩm mồi nhử và cung cấp thêm các sản phẩm cà phê đặc biệt, trà sữa, bánh ngọt giá 40.000 - 60.000đ.

Không chỉ các thương hiệu nhỏ, các nhãn hàng lớn như Highlands cũng sử dụng chiến lược này để đánh vào tâm lý thích giá rẻ của người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Trong đó, sản phẩm mồi nhử, cũng là sản phẩm đặc trưng của Highlands - Cà phê phin được bán với mức giá thấp hơn rất nhiều so với các sản phẩm còn lại trong Menu, thậm chí thường xuyên giảm tới mức 19K. Điều này đã khiến cho người dùng cảm nhận rằng mức giá ở Highlands rất rẻ so với không gian và mặt bằng của quán.

Highlands cũng sử dụng chiến lược mồi nhử sản phẩm giá rẻ

>>> Bạn có thể quan tâm: Phê La "chiều khách" với chiến lược độc đáo - Tự nghiên cứu sản phẩm mới, liên tục ra mắt ly mới

2. Xây dựng kênh Social Media, đặc biệt là TikTok

Rất nhiều thương hiệu quán cà phê bình dân đã thành công nhờ nội dung sáng tạo trên TikTok và Facebook. Thậm chí một số quán Take Away, không có không gian quán cũng đã thu hút đông đảo người dùng nhờ vào việc sáng tạo các nội dung viral trên các nền tảng này. Ví dụ một số kênh nhỏ nhưng có khá nhiều nội dung viral như: Khải Cafe Dạo, hakieu_takeawaycoffee, yaacoffe_1 - Nào sếp đuổi thì Nghỉ,... 

Những quán cà phê này tận dụng các tình huống rất đơn giản trong quá trình bán hàng như: các nội dung về hành trình khởi nghiệp, câu chuyện giữa các nhân viên, những câu chuyện với khách hàng,... để xây dựng kênh TikTok. Từ đó thu hút đông đảo người tiêu dùng trẻ như sinh viên, dân văn phòng ngay cả khi chi phí marketing và không gian quán có nhiều hạn chế.

Nhiều thương hiệu quán cà phê bình dân đã thành công nhờ nội dung sáng tạo

3. Tối ưu mô hình kinh doanh: Giảm chi phí không gian, mặt bằng

Trước đây, các quán cafe chủ yếu lựa chọn những mặt bằng lớn hoặc các vị trí mặt đường, những khu vực đông đúc để có thể thu hút người tiêu dùng. Đồng thời chi rất nhiều ngân sách cho việc decor quán để có thể thu hút giới trẻ tới checkin. Điều này khiến cho chi phí mặt bằng, không gian quán trở nên rất đắt đỏ và buộc phải tăng giá thành sản phẩm.

Tuy nhiên, với xu hướng tiêu dùng hiện nay, người bán có thể giảm đi các chi phí này để tối ưu giá thành sản phẩm.

  • Chọn mặt bằng nhỏ, trong ngõ: Các quán có nguồn lực hạn chế có thể cân nhắc thuê các địa điểm có chi phí rẻ hơn như trong ngõ, hẻm, khu tập thể,... ở các khu vực đông dân cư. Với sự hỗ trợ của các kênh social media, review KOL, KOC, quán vẫn có thể thu hút đông đảo người tiêu dùng trẻ ngay cả khi không xuất hiện ở những vị trí đắc địa. Tuy nhiên, khi đặt quán tại các vị trí này, đòi hỏi quán phải có một điểm nhất đặc biệt, ví dụ như một không gian vintage, có một khu vực checkin ấn tượng để hút khách, hoặc có một sản phẩm thực sự khác biệt,... Hoặc quán có thể tận dụng ưu điểm về sự yên tĩnh của các khu vực này để xây dựng theo mô hình: quán cà phê học tập, làm việc,....
  • Thiết kế quán theo các phong cách tối giản: Lựa chọn các phong cách thiết kế tối giản cần đầu tư decor cầu kỳ, nhưng vẫn hiện đại như: Minimalism, Japanese Minimalism, Wabi-Sabi, Scandinavian,...
  • Chuyển sang mô hình quán vỉa hè ngoài trời: Các mô hình này giúp người bán tiết kiệm chi phí decor, tận dụng không gian ánh sáng tự nhiên và rất phù hợp với xu hướng “chill” của giới trẻ hiện nay. Một số thương hiệu thành công theo mô hình này phải kể đến La Boong - Quán trà sữa đậm vị với những chỗ ngồi mở ngoài trời, tiết kiệm đáng kể chi phí mặt bằng và decor.
  • Vận hành tinh gọn, hạn chế nhân sự dư thừa: Phát triển theo các mô hình tự phục vụ để giảm số lượng nhân sự.
La Boong - Quán trà sữa đậm vị với những chỗ ngồi mở ngoài trời

4. Đẩy mạnh mô hình take-away, tiếp cận khách hàng văn phòng

Để đáp ứng nhu cầu về giá, người tiêu dùng cũng không còn quá đặt nặng về vị trí quán hay không gian trang trí mà chú trọng nhiều hơn vào mức giá và chất lượng đồ uống. Sự chuyển dịch này đã mở ra tiềm năng lớn cho các mô hình kinh doanh đồ uống thuộc phân khúc giá rẻ và trung cấp, ví dụ như: Mô hình quán mua mang về (take-away), tự phục vụ,...

Đặc biệt, nhóm nhân viên văn phòng, sinh viên rất ưa chuộng các quán cà phê Take Away bởi khả năng mua nhanh chóng, tiện lợi, không cần dừng dỗ để đi vào quán và mức chi phí cũng rẻ hơn. Tuy nhiên, với chi phí marketing hạn chế, không gian không quá đặc biệt để làm hình ảnh hoặc thậm chí không có chỗ ngồi như các mô hình take-away, các mô hình này phải tiếp cận khách hàng như thế nào?

  • Xây dựng mối quan hệ với doanh nghiệp: Liên hệ với các công ty gần quán để tìm hiểu về văn hóa tiêu dùng của nhân viên. Kết nối với các phòng ban như nhân sự, văn hóa doanh nghiệp để đề xuất chương trình ưu đãi cho nhân viên công ty.
  • Tham gia các hội nhóm nội bộ: Mỗi doanh nghiệp đều có các group chat hoặc cộng đồng nhân viên trên Facebook/Zalo, đây là nơi có thể quảng bá khéo léo về quán. Có thể tặng ưu đãi, mã giảm giá cho nhân viên công ty để kích thích họ thử sản phẩm.
Mô hình quán mua mang về (take-away)

>>> Xem thêm: Thị trường trà sữa Việt Nam đổi chiều sau nửa thập kỷ - Brand Việt lên ngôi

Lời kết: 

Nhìn chung, các sản phẩm đồ uống, cà phê  nằm trong phân khúc giá thấp dưới 35000 đồng, không chỉ giúp thương hiệu đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng mà còn gia tăng tần suất sử dụng đồ uống của họ. Để có thể nắm  bắt xu hướng này, thương hiệu nên tập trung tối ưu mô hình vận hành, cắt giảm chi phí mặt bằng, không gian và tập trung tối ưu chi phí để giảm giá thành sản phẩm. Mặc khác, các chiến lược mồi nhử giá, xây dựng kênh social media cũng là cách thức hiệu quả để thương hiệu có thể thu hút khách hàng trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu hiện nay. 


TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.