Hàng hóa là gì? Khái niệm cơ bản của mọi nền kinh tế

26 Thg 05

Tưởng chừng là một từ ngữ vô cùng quen thuộc trong đời sống hàng ngày, nhưng bạn có chắc mình hiểu hết về Hàng hóa là gì?  Theo lịch sử, sự phát triển của xã hội chúng ta gắn bó chặt...

Tưởng chừng là một từ ngữ vô cùng quen thuộc trong đời sống hàng ngày, nhưng bạn có chắc mình hiểu hết về Hàng hóa là gì? 

Theo lịch sử, sự phát triển của xã hội chúng ta gắn bó chặt chẽ với việc hàng hóa ra đời. Bởi đó chính là bước khởi đầu cho việc hình thành nên các bộ lạc cũng như việc tổ chức các thể chế sau đó. 

Thuở sơ khai, con người chúng ta có thể tự cung tự cấp, lên rừng hái quả hoặc xuống biển đánh cá. Tuy nhiên, khi đời sống dần phát triển, những nhu cầu cũng tăng lên. Con người cũng có giới hạn, nên không thể tự sản xuất được mọi thứ mình cần nữa. Nhu cầu trao đổi cũng từ đó mà có để có thể sinh tồn. Bởi tính cấp thiết đó, mà Hàng hóa đã ra đời. 

Sau đây, hãy cùng MarketingAI tìm hiểu xem là khái niệm Hàng hóa là gì và những mối quan hệ giữa hai thuộc tính hàng hóa nhé! 

Hàng hóa là gì?

Hàng hóa tiếng Anh thường được gọi là Goods hoặc Commodities. Có nhiều định nghĩa khác nhau về Hàng hóa, tùy theo góc độ và lĩnh vực mà bạn muốn nhìn vào. 

Hàng hóa là một phạm trù của lịch sử

Hàng hóa là một phạm trù của lịch sử

Đầu tiên hãy nhìn vào mặt triết học, ngành khoa học cơ bản nhất. Theo đó, hàng hóa được coi là một khái niệm hàng hóa rất rộng (phạm trù) lịch sử. Từ ngữ này chỉ có mặt khi nền sản xuất hàng hóa xuất hiện. Một sản phẩm lao động sẽ được coi là hàng hóa khi trên thị trường nó trở thành đối tượng mua bán. Là một sản phẩm từ quá trình lao động và thông qua việc trao đổi hay mua bán, Hàng hóa giúp thỏa mãn những mong muốn hoặc nhu cầu của con người. 

Theo Karl Marx, Hàng hóa trước tiên là một đồ vật có hình dạng, có thể thỏa mãn nhu cầu nào đó của con người bằng các tính chất của nó. 

Tuy nhiên không phải đồ vật nào cũng có thể trở thành hàng hóa, mà phải đáp ứng những yếu tố như sau:

  • Đối với người dùng, phải có sự hữu dụng
  • Đối với nền kinh tế, phải có giá trị 
  • Phải có sự khan hiếm nhất định

Vật thể hoặc phi vật thể là hai dạng của Hàng hóa. Để có thể được gọi là Hàng hóa, một đồ vật nào đó cần phải:

  • Là sản phẩm của việc lao động
  • Thỏa mãn nhu cầu của con người
  • Có sự trao đổi, mua bán
Hàng hóa là sản phẩm của quá trình lao động

Hàng hóa là sản phẩm của quá trình lao động

Bây giờ hãy nhìn theo góc độ Kinh tế: Hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa đầu tư là những thành phần quan trọng của tổng sản phẩm nội địa (GDP).

Hàng hóa là những sản phẩm hoặc nguyên liệu thô cơ bản được mua và bán bởi các cá nhân hoặc tổ chức. Hàng hóa thường được chiết xuất, sản xuất và bán với số lượng để hỗ trợ thị trường thương mại toàn cầu. Hàng hóa có tính thanh khoản, cho phép người sản xuất, người tiêu dùng và nhà kinh doanh tài chính giao dịch kinh doanh. 

Để quản lý tốt hơn những hàng hóa đa dạng và phức tạp, người ta đã tiêu chuẩn hóa, gọi tên, chia nhóm cho các kiểu Hàng hóa khác nhau với bốn nhóm chính sau: 

  • Nông nghiệp: cây lương thực (ví dụ: ngô, bông và đậu nành), vật nuôi (ví dụ: gia súc, gia cầm) và cây công nghiệp (ví dụ: gỗ xẻ, cao su và len) được bao gồm trong danh mục này.
  • Năng lượng: các sản phẩm dầu mỏ như dầu thô, khí đốt tự nhiên, than đá, uranium (được sử dụng để sản xuất năng lượng hạt nhân), ethanol (được sử dụng làm phụ gia xăng) và điện được bao gồm trong danh mục này.
  • Kim loại: Kim loại quý và kim loại cơ bản nằm trong danh mục này (ví dụ: vàng, bạc, niken, thép, quặng sắt, thiếc và kẽm)
  • Môi trường: Bao gồm các sản phẩm như khí thải carbon, chứng chỉ năng lượng tái tạo và chứng chỉ trắng.

Muốn tối ưu hóa hàng hóa, chúng ta cần biết cách quản lý, sắp xếp, chiết khấu chúng một cách hợp lý. Sau đây hãy cùng tìm hiểu thêm khái niệm liên quan đến hàng hóa nhé!

Dòng sản phẩm là gì? 5 Chiến lược về dòng sản phẩm hiệu quả

Một số khái niệm liên quan đến hàng hóa

Quản lý hàng hóa là gì?

Quản lý hàng hóa là một quá trình tiếp cận có hệ thống với toàn bộ chu kỳ đối với một nhóm mặt hàng hoặc sản phẩm. Ngoài thuật ngữ Quản lý hàng hóa, còn có một thuật ngữ tương tự là Quản lý danh mục (Category Management). 

Đối với các công ty kinh doanh lớn với số lượng hàng hóa nhiều, việc quản lý hàng tồn kho trên thực tế cũng như vị trí, khả năng tiếp xúc thị trường, đo lường lãi và lỗ luôn được quan tâm hàng đầu. Bởi vậy quản lý hàng hóa là một việc không thể thiếu cho những doanh nghiệp 

Quản lý hàng hóa là việc quan trọng đối với các doanh nghiệp

Quản lý hàng hóa là việc quan trọng đối với các doanh nghiệp

Sản xuất hàng hóa là gì?

Sản xuất hàng hóa là gì? Hiểu giản đơn, còn được gọi là sản xuất hàng hóa nhỏ, là một thuật ngữ do nhà triết học Friedrich Engels đề xuất. 

Đây là khái niệm để mô tả các hoạt động sản xuất trong những điều kiện mà triết gia Karl Marx gọi là "trao đổi đơn giản" của hàng hóa, nơi những người sản xuất độc lập giao dịch sản phẩm của chính họ.

Nói một cách khác, sản xuất Hàng hóa là khi người tạo nên sản phẩm đó không phải vì nhu cầu của bản thân họ (giống như kiểu “tự cung tự cấp”), mà nhằm để đáp ứng nhu cầu của người khác. Một bên có nhu cầu, một bên có nguồn cung, thông qua các hoạt động trao đổi, mua bán mà hai bên này tìm được điểm chung. 

Ví dụ về sản xuất hàng hóa: Gói bánh chưng vào mỗi dịp Tết cổ truyền của người Việt là một truyền thống, một nét văn hóa đẹp. Trong khi có những gia đình chỉ gói một số lượng bánh nhất định cho nhu cầu cá nhân như ăn, thờ cúng thì một số hộ gia đình khác lại phát triển hơn, sản xuất nhiều hơn để mang đi bán, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vậy chính hành động đó chính là một biểu hiện của hành động sản xuất hàng hóa. 

Giá trị sử dụng của hàng hóa

Giá trị sử dụng, tiếng Anh là use value hoặc value of use, tiếng Đức là gebrauchswert). Đây là một khái niệm trong kinh tế học Mácxít. 

Nó đề cập đến các đặc điểm hữu hình của một hàng hóa hay một đối tượng có thể giao dịch. Giá trị sử dụng của hàng hóa có thể đáp ứng yêu cầu, nhu cầu hoặc mong muốn nào đó của con người hoặc phục vụ một mục đích hữu ích.

Marx cho rằng Hàng hóa được trao đổi vì cùng có một điểm chung, đấy chính là việc mọi người đều muốn có chúng. Nhưng ông cũng cho rằng những điều này không nói lên được hết đặc tính cụ thể của nền kinh tế mà chúng được sản xuất và bán lẻ.

Trong cuốn sách Lý thuyết về sự phát triển của tư bản chủ nghĩa (1942), nhà Marxist người Mỹ Paul Sweezy đã tuyên bố: “Giá trị sử dụng là biểu hiện của mối quan hệ nhất định giữa người tiêu dùng và đối tượng được tiêu dùng.”

Vậy cái gì tạo nên giá trị sử dụng của Hàng hóa? Câu trả lời chính là do những thuộc tính tự nhiên của Hàng hóa đó và cả những thuộc tính mà con người gán lên nó. 

Giá trị sử dụng là biểu hiện của mối quan hệ nhất định giữa người tiêu dùng và đối tượng được tiêu dùng

Giá trị sử dụng là biểu hiện của mối quan hệ nhất định giữa người tiêu dùng và đối tượng được tiêu dùng

Ví dụ: Than đá ngày xưa được con người sử dụng như một nguồn nguyên liệu, để sưởi ấm, để đun nấu. Đó chính là một thuộc tính hết sức tự nhiên của loại hàng hóa này. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như những nhu cầu ngày một lớn của xã hội loài người, than đá hiện nay còn được sử dụng là nguyên liệu cho một số ngành hóa chất.

Có thể thấy rằng khi xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ, lực lượng sản xuất càng mở rộng thì giá trị sử dụng của hàng hóa cũng ngày càng nhiều, các kiểu giá trị sử dụng càng đa dạng và ngày càng có chất lượng sản phẩm cao lên theo. 

Giá trị thương hiệu là gì?

Các thuộc tính của hàng hóa?

Giá trị sử dụng được nhắc đến ở trên chính là một trong hai thuộc tính cơ bản của hàng hóa. Thuộc tính còn lại chính là Giá trị. Vậy sau khi tìm hiểu khái niệm hàng hóa là gì có thể kết luận rằng hai thuộc tính của hàng hóa là Giá trị và Giá trị sử dụng. 

Dù ở trong hình thái kinh tế - xã hội nào, một vật phẩm phải đáp ứng đủ hai thuộc tính nêu trên thì mới có thể trở thành Hàng hóa. 

Để hiểu rõ hơn về thuộc tính thứ hai này của Hàng hóa, chúng ta cần bắt đầu đi tìm hiểu từ khái niệm giá trị trao đổi. 

Karl Marx đã nhận định: “Giá trị trao đổi trước tiên được thể hiện như một mối quan hệ về số lượng. Đây là tỷ lệ mà qua đó những giá trị sử dụng khác nhau được trao đổi với nhau” 

Ví dụ: 1 lít xăng = 1kg mận 

Câu hỏi được đặt ra, tại sao xăng và mận là hai hàng hóa với giá trị sử dụng không giống nhau, nhưng lại có thể trao đổi được với nhau, đặc biệt hơn khi chúng được trao đổi theo một tỷ lệ nhất định?

Khi hai hàng hóa khác nhau là xăng và mận có khả năng trao đổi với nhau, thì chắc hẳn chúng phải có một điểm chung nào đó.

Điểm chung đó rõ ràng không phải là giá trị sử dụng, tuy rằng việc chúng không giống nhau về giá trị sử dụng là một điều kiện cần thiết để trao đổi. Tuy vậy, điểm chung đó phải có ở cả hai mặt hàng đó. Nếu loại trừ giá trị sử dụng của hàng hóa sang một bên, thì chúng có một cái chung duy nhất: đều là các sản phẩm của lao động. 

Hàng hóa đều có điểm chung là sản phẩm của lao động

Hàng hóa đều có điểm chung là sản phẩm của lao động

Để sản xuất ra xăng và mận, các nhà lọc hóa dầu và người nông dân đều phải tiêu tốn sức lao động để sản xuất. Hao phí sức lao động là điểm chung để so sánh xăng với mận, và cũng là để trao đổi xăng và mận.

Vì người ta nhận thấy rằng lao động hao phí để sản xuất ra l lít xăng bằng lao động hao phí để sản xuất ra 1kg mận. Vậy nên ta phải trao đổi chúng theo một tỷ lệ nhất định (1 lít xăng xăng = 1kg mận).

Hao phí để sản xuất ra hàng hóa cất giấu trong hàng hóa chính là giá trị của hàng hóa. Từ sự phân tích trên, rút ra kết luận rằng: lao động xã hội của người sản xuất được kết tinh trong hàng hóa chính là giá trị của nó. 

Từ đó có thể thấy rằng, sản phẩm mà không có lao động của người sản xuất kết tinh trong đó thì hàng hóa đó không có giá trị. Giá trị của sản phẩm sẽ càng cao nếu như hao phí lao động để sản xuất ra chúng càng lớn.

Mối quan hệ giữa hai thuộc tính hàng hóa

Quan hệ giữa hàng hóa và những người sản xuất ra chúng được biểu hiện bằng giá trị. Đây là một khái niệm lịch sử, gắn liền và phát triển cùng với nền sản xuất hàng hóa. 

Giá trị là nội dung, là cái cốt yếu bên trong, cũng là nền tảng của giá trị trao đổi. Giá trị trao đổi chỉ là hình thức, là biểu hiện bên ngoài cho giá trị. 

Giá sử dụng mang những đặc tính tự nhiên, thì giá trị là đặc tính xã hội của hàng hóa. Sự thống nhất của hai thuộc tính giá trị sử dụng và giá trị được thể hiện trong mỗi hàng hóa.

Ví dụ về mối quan hệ giữa hai thuộc tính của hàng hóa: một cái tủ có thể trao đổi được với hai lượng bạc, trong khi một cái bàn có thể trao đổi được một lượng bạc. Như vậy giá trị của cái tủ lớn hơn giá trị của cái bàn.

Các loại hàng hóa

Hàng hóa thông thường

Hàng hóa thông thường (tiếng Anh: normal good) là một thuật ngữ thường được dùng trong các ngành Kinh tế. 

Đây là từ chỉ những sản phẩm mà khi thu nhập của chúng ta tăng, nhu cầu về sản phẩm ấy cũng sẽ tăng theo. Hoặc do sức mua của toàn xã hội tăng thì nhu cầu về nó cũng kéo theo. 

Nếu nhu cầu về quả sầu riêng tăng 12% khi tổng thu nhập tăng 36%, thì quả sầu riêng được cho là có độ tăng theo nhu cầu của thu nhập là 0,3. Kết quả là, quả sầu riêng chính là một loại hàng hóa thông thường. 

Một số ví dụ khác về hàng hóa thông thường như: 

  • Đồ công nghệ
  • Thực phẩm hữu cơ
  • Nhà hàng cao cấp
  • Quần áo, mỹ phẩm
  • Phương tiện giao thông

Các loại hàng hóa thứ cấp

Hàng hóa thứ cấp (tiếng Ạnh: Inferior good) là một trong các loại hàng hóa mà khi thu nhập của người tiêu dùng tăng lên thì nhu cầu về mặt hàng đó lại giảm đi. 

Có thể thấy đây là loại hàng hóa ngược lại so với hàng hóa thông thường. Một số ví dụ có thể kể đến như: mì ăn liền, bánh mì, đồ hộp… Khi chúng ta còn chưa kiếm được nhiều tiền, chúng ta thường sử dụng những loại sản phẩm này. Tuy nhiên khi chúng ta có thu nhập tăng, bắt đầu kiếm ra tiền, chúng ta sẽ dần dần chuyển sang sử dụng những loại sản phẩm tốt hơn, ví dụ như ăn tại các quán ăn sang trọng. 

Hàng hóa cao cấp

Hàng hóa cao cấp, hay xa xỉ phẩm (tiếng Anh: Luxury goods) là những sản phẩm có giá trị lớn đến rất lớn. Tuy nhiên chúng không phải những mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống, mà thường mang giá trị tinh thần, thể hiện sự hưởng thụ, đôi khi là một chút phù phiếm của những chủ nhân. 

Đối tượng mục tiêu chính của những thương hiệu hàng cao cấp thường là những người có thu nhập cao, giới giàu và siêu giàu. Những người như vậy mới có thể đáp ứng được khả năng tài chính cho việc mua sắm thường xuyên.

Cũng giống như hàng hóa thông thường, hàng hóa cao cấp sẽ có nhu cầu cao hơn khi thu nhập của người tiêu dùng tăng lên.

Hàng hóa cao cấp thường không phải những mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống

Hàng hóa cao cấp thường không phải những mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống

Các loại hàng hóa khác

Ngoài ba loại hàng hóa kể trên, chúng ta còn có các loại hàng hóa như sau:

  • Hàng hóa bổ sung: Những sản phẩm đi kèm và phụ trợ cho nhau, ví dụ khi chúng ta mua một chiếc điện thoại, chúng ta sẽ có nhu cầu mua thêm ốp điện thoại. 
  • Hàng hóa thay thế: Những loại hàng hóa có thể thay thế, bổ sung cho nhau. Ví dụ như Omo và Aba - cả hai cùng là những thương hiệu bột giặt
  • Hàng hóa Giffen: Một loại hàng hóa mà khi một loại hàng hóa khác tăng giá chính là yếu tố khiến nhu cầu của nó lên cao. Ví dụ, nếu giá thịt bò tăng tăng, người lao động bình thường có thể không đủ tiền mua thịt bò nữa, vậy nên họ chuyển qua mua thịt lợn, khiến cho nhu cầu thịt lợn lên cao. 
  • Hàng hóa Veblen/Snob: Hàng hóa mà khi tăng giá lại khuyến khích mọi người mua nhiều hơn. Điều này là do họ nghĩ rằng hàng hóa đắt tiền hơn là tốt hơn.
  • Hàng hóa công cộng: Là kiểu hàng hóa có đặc điểm không cạnh tranh và không phải là của riêng một ai, ví dụ: tự vệ quốc gia.
  • Hàng khuyến dụng: Hàng hóa mà nhiều người hay đánh giá không cao lợi ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, vẫn còn một số ví dụ tích cực như giáo dục.
  • Hàng hóa giảm giá: Hàng hóa mà người tiêu dùng đánh giá thấp chi phí tiêu thụ của chúng. Đây thường có tính chất tiêu cực, ví dụ: thuốc lá, thuốc phiện
  • Hàng hóa tư nhân - hàng hóa có sự cạnh tranh, độc quyền và đối lập với hàng hóa công cộng
  • Hàng hóa miễn phí: Giống như tên gọi, đây là loại hàng hóa không mất tiền. Không khí mà chúng ta đang sử dụng mỗi ngày chính là một hàng hóa như vậy.

7 bước quy trình bán hàng chuyên nghiệp quyết định sự thành công

Kết luận

Trên đây là những kiến thức hữu ích, thiết thực nhất để trả lời cho khái niệm Hàng hóa là gì cũng như những thuật ngữ, khái niệm liên quan đến Hàng hóa.

Hy vọng với bài viết trên, bạn đã hiểu rõ hơn về Hàng hóa cũng như mối quan hệ giữa hai thuộc tính của hàng hóa. Nếu có bất kỳ ý kiến hay bình luận gì, hãy góp ý để cùng trao đổi với MarketingAI nhé!

Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.