cover

Hai gã khổng lồ Grab và Shopee bắt tay nhau, cam kết giao hàng trong 1 giờ

06 Thg 11

Vừa mới đây, nền tảng thương mại điện tử Shopee vừa bất ngờ thông báo về sự hợp tác với đơn vị giao hàng mới là Grab. Cụ thể, người dùng Shopee sẽ nhận được ưu đãi khi mua sản...

Vừa mới đây, nền tảng thương mại điện tử Shopee vừa bất ngờ thông báo về sự hợp tác với đơn vị giao hàng mới là Grab. Cụ thể, người dùng Shopee sẽ nhận được ưu đãi khi mua sản phẩm trên ứng dụng này và lựa chọn Grab làm đơn vị vận chuyển đơn hàng. Dù cho chương trình này chỉ áp dụng với người mua và bán thuộc cùng một số quận huyện tại Tp. Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội, tuy nhiên nó đánh dấu sự hợp tác giữa hai kỳ lân công nghệ Grab và Shopee hiện nay, hứa hẹn một cuộc chiến giao hàng về thương mại điện tử càng trở nên khốc liệt và tốn kém.

Grab và Shopee: Màn hợp tác “chớp nhoáng” của hai gã khổng lồ

Việc hợp tác giữa Shopee và Grab không hề được dự báo trước mà vào ngày 4/11, trên ứng dụng Shopee bất ngờ thông báo ưu đãi khi sử dụng đơn vị giao hàng mới là Grab. Màn hợp tác này đánh dấu bước tiến mới trong dịch vụ giao hàng với cam kết giao hàng trong vòng 1 giờ (có kèm điều kiện cụ thể)

grab và shopee

Tuy nhiên đây không phải lần đầu tiên Grab bắt tay cùng các sàn thương mại điện tử khi hồi tháng 10 năm ngoái, Sendo cùng GrabExpress đã triển khai dịch vụ giao hàng siêu tốc trong 3 giờ tại Tp.Hồ Chí Minh. Sau lần hợp tác với Sendo, hồi đầu tháng 2/2019, Grab tiếp tục bắt tay cùng nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo chính thức ra mắt tính năng tích hợp với dịch vụ Giao nhận hàng hóa GrabExpress. Chia sẻ về những màn hợp tác này, ông Nguyễn Ngọc Trang - đại diện Grab Việt Nam cho biết Grab đang hướng tới trở thành nền tảng siêu ứng dụng, với khả năng cung cấp các dịch vụ quan trọng nhất trong cuộc sống hằng ngày cho người dân, bao gồm di chuyển, giao nhận đồ ăn hàng hóa, dịch vụ thanh toán và nhiều hơn nữa.

Khác với những lần hợp tác trước, lần này Grab và Shopee quyết định chơi mạnh tay hơn khi mở rộng phạm vi triển khai ra hai thành phố lớn nhất của Việt Nam là Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội đồng thời thực hiện cam kết giao hàng nhanh nhất trong ngành là 1 giờ đồng hồ. Nước đi này giống như ông lớn Amazon từng áp dụng với thị trường nước ngoài cho thấy Grab đang muốn thực hiện tham vọng B2B bên cạnh nhóm đối tượng khách hàng nhỏ lẻ là các cửa hàng cá nhân như trước đây. Chưa kể, Việt Nam hiện đang là đất nước sở hữu mức tăng trưởng trong ngành Thương mại điện tử rất khả quan khi theo một báo cáo mới đây của Google-Temasek, năm 2018 Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép 35% trong giai đoạn 2015-2018 và có giá trị 2,8 tỷ USD. Với tốc độ này, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể chạm mốc 10 tỷ USD đến cuối năm 2020 khi ngày càng có nhiều người Việt Nam sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến.

grab và shopee

(Nguồn: CafeBiz)

Mới đây trong hội thảo Ecommerce Day 2019, đại diện Google Đông Nam Á cũng cho biết 3 đặc điểm chính của người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam là:

  • Khách hàng là những người rất tò mò. Họ lúc nào cũng muốn có cái nhìn cảm hứng, ý tưởng khi mua hàng.
  • Khách hàng có yêu cầu rất cao đặc biệt đối với việc bán hàng. 75% người được khảo sát cho rằng nếu có chính sách khách hàng trung thành tại thời điểm check out thì cho họ trải nghiệm tốt hơn rất nhiều.
  • Họ thiếu kiên nhẫn. Khách hàng là những người cần gì là muốn được phản hồi sớm nhất và có hàng ngay lập tức. Điều này có tác động rất lớn đến việc kinh doanh của các chủ doanh nghiệp, cửa hàng.

Cũng chính đặc điểm thứ ba này mà các ông lớn thương mại điện tử Việt Nam thi nhau thúc đẩy tốc độ giao hàng. Mở đầu là Tiki với chương trình Tiki Now khi cam kết giao trong vòng 2 giờ với hơn 100.000 sản phẩm và chính đây cũng là khởi nguồn cho lần lượt các thương hiệu khác mở ra những dịch vụ cạnh tranh như Shopee “nhận hàng 4 giờ”, Sendo “giao hàng 3 giờ” hay Lotte.vn với “Giao nhanh chớp mắt”. Giờ đây khi Grab và Shopee hợp tác với nhau cam kết giao hàng trong 1 giờ, điều này sẽ càng khiến cuộc cạnh tranh giữa các sàn thương mại điện tử trở nên gay gắt hơn vì không ai muốn bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua này.

>>> Xem thêm: Bản đồ ngành thương mại điện tử Quý 3/2019: Sendo bất ngờ đứng thứ 2, Lazada bị đá văng khỏi top 4
Tạm kết

Người mua hàng trực tuyến tại Việt Nam ngày càng thiếu kiên nhẫn. Đây là lý do thúc đẩy cuộc chiến về tốc độ giao hàng giữa các sàn Thương mại điện tử. Với màn hợp tác “chớp nhoáng” giữa hai ông lớn Grab và Shopee sẽ không chỉ tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng cho hai thương hiệu này mà còn tăng thêm sức nóng cho cuộc đua “đốt tiền” của các sàn thương mại điện tử. Chắc chắn không một thương hiệu nào lại muốn mình bị bỏ lại phía sau bởi lẽ trong cuộc chiến thương mại điện tử, ai trụ được lâu hơn thì người ấy sẽ giành được chiến thắng.

Tuấn Anh - MarketingAI

Theo Trí thức trẻ

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.