cover

Google My Business là gì? Lời khuyên cho các nhà tiếp thị trong 2025

07 Thg 12

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh, việc duy trì hiện diện trực tuyến là điều kiện tiên quyết để thu hút và giữ chân khách hàng. Một trong những công cụ mạnh mẽ và miễn phí mà Google cung cấp cho doanh nghiệp là Google My Business (GMB). Vậy GMB “có võ” như thế nào và doanh nghiệp tận dụng hiệu quả được ra sao? Câu trả lời sẽ bật mí trong bài viết dưới đây.

Google là nơi 3,5 tỷ tìm kiếm thông tin được thực hiện mỗi ngày. Không chỉ dừng lại là một công cụ tìm kiếm, trên thực tế, có rất nhiều công cụ của Google có thể cực kỳ có giá trị dành cho doanh nghiệp, đặc biệt là để phát triển Marketing. Trong rất nhiều các công cụ của Google, nổi bật nhất chính là Google My Business. Hãy cùng tìm hiểu Google My Business là gì? Những lợi ích tuyệt vời từ Google My Business trong bài viết.

Google My Business là gì?

Google My Business hay Google Business là công cụ dành cho các doanh nghiệp, tổ chức để quản lý sự hiện diện trực tuyến của họ trên Google, bao gồm cả Google Search (Google tìm kiếm) và Google Maps (Google bản đồ). Đặc biệt hơn, Google My Business là một công cụ miễn phí và dễ sử dụng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tìm hiểu cách sử dụng thông qua hướng dẫn từ chính Google.

Tổng quan về Google My Business

Tổng quan về Google My Business

Bằng cách xác minh và chỉnh sửa thông tin doanh nghiệp trên Google My Business, bạn có thể vừa giúp khách hàng tìm thấy bạn vừa kể cho họ câu chuyện về doanh nghiệp của bạn. Đồng thời sử dụng Google My Business để tương tác với khách hàng mới và cũ và kể cho họ câu chuyện về doanh nghiệp của bạn.

>>> Đọc thêm: Google Suggest là gì?

Lợi ích của Google My Business

Tăng cường hiển thị và xếp hạng tốt hơn

Theo Safari Digital, có đến 46% tất cả các tìm kiếm trên Google được thúc đẩy bởi ý định tìm kiếm địa phương. Hơn nữa, 97% người tìm kiếm trực tuyến để tìm cửa hàng gần đó, và trong năm 2023, 28% trong số các tìm kiếm này dẫn đến một giao dịch mua hàng. Với việc sử dụng, GMB giúp tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp trên Google Search và Google Maps, đặc biệt trong các tìm kiếm khu vực. Khi ai đó tìm kiếm dịch vụ "gần tôi", GMB đảm bảo doanh nghiệp của bạn xuất hiện ở các kết quả hàng đầu - nếu thông tin phù hợp và đáng tin cậy.

Google xem xét nhiều yếu tố, bao gồm mức độ liên quan, khoảng cách, và độ uy tín của doanh nghiệp trong một khu vực nhất định. Một hồ sơ Google My Business (GMB) đầy đủ và được tối ưu hóa sẽ cung cấp cho Google các dữ liệu cần thiết để doanh nghiệp xuất hiện ở vị trí cao hơn khi khách hàng tìm kiếm.

Ví dụ: Một tiệm pizza tạo hồ sơ GMB với thông tin được cập nhật, như vị trí, giờ mở cửa, thực đơn kèm hình ảnh các món ăn, và đánh giá của khách hàng. Khi ai đó trong khu vực tìm kiếm "giao pizza," nhà hàng này xuất hiện trong 3 kết quả hàng đầu trên Google Maps - giúp nhà hàng thu hút thêm khách đến trực tiếp, đồng thời tăng số lượng đơn hàng giao tận nơi.

Tích cực tương tác với khách hàng

Google My Business giúp khách hàng không chỉ dễ dàng tìm kiếm thông tin doanh nghiệp mà còn cho phép doanh nghiệp tương tác bằng cách trả lời mọi đánh giá và nhận xét mà họ gửi trên Google. Theo báo cáo của Pissed Consumer, 75,5% người tiêu dùng tin tưởng vào các đánh giá trực tuyến. Vì vậy, việc phản hồi cả đánh giá tích cực lẫn tiêu cực rất quan trọng để xây dựng lòng tin và giữ chân khách hàng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường xuyên đăng ảnh sản phẩm và phản hồi vào nhận xét cũng sẽ thu hút được nhiều lượt click vào địa chỉ của họ hơn. Cụ thể là trên Google Maps, tỉ lệ này tăng lên đến 42% và số lượng click vào trang web cũng tăng khoảng 35%.

Ví dụ: Một salon tóc thường xuyên phản hồi đánh giá của khách hàng như gửi lời cảm ơn đối với những bình luận tích cực và xử lý nhanh chóng các vấn đề mà khách hàng chưa hài lòng. Điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm đến cảm nhận của khách hàng mà còn khuyến khích người khác để lại đánh giá, đồng thời là nguồn review hữu ích cho những ai đang phân vân có nên lựa chọn salon tóc này hay không.

Lợi ích của Google My Business

Google My Business giúp doanh nghiếp tương tác với khác hàng

Nắm bắt insight khách hàng nhanh chóng

Một trong những lợi ích nổi bật của Google My Business (GMB) là cung cấp các thông tin chuyên sâu về hành vi khách hàng. Doanh nghiệp có thể theo dõi cách khách hàng tìm thấy thông tin của mình (như tìm kiếm dựa trên từ khóa tìm kiếm, vị trí), các hành động họ thực hiện (như gọi điện, truy cập trang web), số lượng người xem doanh nghiệp qua Google Maps, và tổng số lượt tương tác. Từ những dữ liệu này, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về khách hàng và điều chỉnh chiến lược sao cho phù hợp và đạt hiệu quả cao.

Ví dụ: Một quán cà phê địa phương nhận thấy thông qua dữ liệu từ GMB rằng nhiều khách hàng tìm đến họ thông qua tìm kiếm từ khóa "bữa sáng gần tôi." Dựa vào dữ liệu này, quán quyết định đẩy mạnh quảng bá thực đơn bữa sáng thông qua các bài đăng và chương trình khuyến mãi tại cửa hàng. Kết quả, lượng khách ghé thăm vào buổi sáng tăng đáng kể.

Công cụ tiếp thị và quảng cáo miễn phí hiệu quả

Google My Business mang lại cơ hội tiếp cận khách hàng miễn phí bằng cách cho phép doanh nghiệp trưng bày hình ảnh, mô tả sản phẩm hoặc dịch vụ, và cập nhật thông tin quan trọng. Điều này giúp khách hàng tiềm năng hiểu rõ hơn về doanh nghiệp ngay từ đầu, trước khi họ nhấp vào trang web hoặc ghé thăm cửa hàng. Hồ sơ GMB càng được tối ưu hóa, cơ hội xuất hiện trong kết quả tìm kiếm càng cao mà không cần chi tiền cho quảng cáo PPP (Pay-Per-Click).

Ví dụ: Một nhà hàng hải sản địa phương tận dụng GMB để đăng tải hình ảnh các món ăn đặc trưng và các món đặc sản theo mùa. Họ thường xuyên cập nhật thông tin về sự kiện như "Đêm buffet hải sản" hoặc các ưu đãi vào cuối tuần. Khi người dùng tìm kiếm "nhà hàng hải sản gần tôi," họ không chỉ thấy hình ảnh món ăn hấp dẫn mà còn biết về các chương trình khuyến mãi, giúp nhà hàng thu hút thêm khách hàng mà không cần chi tiền quảng cáo.

>>> Tìm hiểu thêm: Google Adwords là gì?

Tối ưu hóa việc truy cập trên thiết bị di động

Một điểm cộng khi doanh nghiệp sử dụng GMB đó là tất cả hồ sơ đều được tối ưu hóa cho thiết bị di động, giúp người dùng dễ dàng tra cứu thông tin doanh nghiệp ngay trên điện thoại, bao gồm địa chỉ, giờ mở cửa, đánh giá và chỉ đường. Điều này đặc biệt quan trọng bởi theo báo cáo, có tới 80% Gen Z, 62% Millennials, 66% Gen X, 35% Boomers, và 52% dân số nói chung chủ yếu sử dụng tìm kiếm trên thiết bị di động.

Ví dụ: Một tiệm bánh đảm bảo hồ sơ GMB của họ được cập nhật thông tin đầy đủ, khi ai đó đang đi mua sắm và tìm kiếm "tiệm bánh gần tôi," hồ sơ này xuất hiện với tùy chọn gọi điện hoặc chỉ đường chỉ bằng một cú nhấp, thu hút khách hàng ghé trực tiếp đến cửa hàng.

Dễ dàng đặt lịch hẹn với khách hàng

Theo Publer, có đến 95% doanh nghiệp nhận yêu cầu đặt lịch hẹn thông qua Google My Business. Các doanh nghiệp dịch vụ có thể tận dụng tính năng đặt lịch hẹn trên GMB để đơn giản hóa quy trình làm việc với khách hàng. Đây cũng là cách hiệu quả giúp gỡ bỏ rào cản như thủ tục rườm rà, nhiều bước khiến khách hàng đắn đo. Từ đó, doanh nghiệp có thể mang đến trải nghiệm thoải mái, dễ chịu cho khách hàng.

Ví dụ: Một spa làm đẹp thêm đường link đặt lịch hẹn vào hồ sơ GMB của mình, khi khách hàng tìm kiếm "chăm sóc da mặt gần tôi" hoặc "trị liệu massage gần tôi" có thể đặt lịch trực tiếp từ kết quả tìm kiếm. Từ đó tăng số lượng khách đặt hẹn mà không cần họ phải truy cập vào trang web chính thức của spa.

Cách đăng kí sử dụng Google My Business


Cách đăng kí Google My Business

Hướng dẫn đăng ký Googe My Business

Với những lợi ích tuyệt vời từ Google My Business dành cho doanh nghiệp, giúp thương hiệu của bạn đẩy mạnh những lợi ích Markerting tuyệt vời, hãy bắt đầu với hướng dẫn nhanh cách đăng kí sử dụng Google My Business chỉ với 5 bước đơn giản ngay dưới đây.

Trước tiên, bạn hãy bắt đầu truy cập tại địa chỉ đường link: google.com/business và nhấn nút Start now để đăng ký.

  • Bước 1: Điền tên doanh nghiệp của bạn, sau khi điền nhấn vào Next để đồng ý với Điều khoản dịch vụ và Chính sách bảo mật của Google và tiếp tục.

Google My Business là gì? Lời khuyên cho các nhà tiếp thị trong 2025- Ảnh 4.

  • Bước 2: Thêm vị trí của doanh nghiệp.

Tại bước này, Google My Business hỏi "Bạn có muốn thêm một địa điểm khách hàng có thể ghé thăm, như cửa hàng hoặc văn phòng không?". Vị trí này sẽ hiển thị trên Google Maps và Google Search khi khách hàng đang tìm kiếm doanh nghiệp của bạn. Nếu đồng ý nhấn Yes, còn nếu bạn muốn bỏ qua nhấn No.

Hướng dẫn đăng kí Google My Business

Thêm vị trí của doanh nghiệp

Sau khi nhấn Yes, một bảng địa chỉ hiện lên, bạn chỉ cần điền thông tin địa chỉ sau đó nhấn Next và tiếp tục xác định vị trí của bạn khi hiển thị trên Google Maps để hoàn thành bước này.

Sau đó, Google sẽ hỏi xem bạn có địa điểm nào khác nữa không. Nếu doanh nghiệp bạn có nhiều địa chỉ, nhấn Yes và thêm một hay nhiều địa chỉ nữa, còn không bạn hãy nhấn No.

  • Bước 3: Chọn danh mục phù hợp nhất với doanh nghiệp của bạn
Hướng dẫn đăng kí Google My Business

Chọn lĩnh vực phù hợp nhất với doanh nghiệp của bạn

Chọn một danh mục chính mô tả toàn bộ doanh nghiệp của bạn; không thêm nhiều danh mục để liệt kê tất cả các sản phẩm và dịch vụ của bạn. Hãy cụ thể khi chọn một danh mục. Ví dụ: chọn Salon Nail Salon thay vì Salon. Sử dụng các danh mục bổ sung để cho khách hàng biết thêm về các dịch vụ cụ thể mà bạn cung cấp.

  • Bước 4: Lựa chọn những chi tiết liên lạc nào bạn muốn hiển thị cho khách hàng.

Bạn có thể chọn số điện thoại hotline, địa chỉ URL website hoặc cả 2 thông tin này khi hiển thị trên Google.

Hướng dẫn đăng kí Google My Business

Chọn những thông tin cần thiết cho phần liên lạc

  • Bước 5: Hoàn thành

Cuối cùng Google sẽ hỏi "Bạn có muốn nhận thông tin liên lạc với các mẹo và đề xuất được cá nhân hóa để cải thiện sự hiện diện của doanh nghiệp trên Google không?" Nếu đồng ý chọn Yes còn không chọn No, sau đó nhấn vào Next.

Hướng dẫn đăng kí Google My Business

Xác nhận lại toàn bộ thông tin

Sau đó, bạn chỉ cần nhấn vào Finish khi đã hoàn thành các bước ở trên để hoàn tất đăng ký với Google My Business.

Hoàn thành

Google My Business là gì? - Hoàn thành việc đăng ký

>>> Tìm hiểu thêm: Cách sử dụng Google Business

Cách tối ưu hóa hồ sơ trên Google My Business

Để hồ sơ của GMB được tối ưu hóa, doanh nghiệp cần chú ý tới các yếu tố sau:

  • Cập nhật Google My Business Photos: Theo Google, các doanh nghiệp có ảnh sẽ nhận được 35% lượt nhấp vào trang web cao hơn và 42% yêu cầu chỉ đường cao hơn trên Google Maps. Việc lựa chọn hình ảnh thú vị, độc đáo cũng là cách khiến doanh nghiệp của bạn trở nên đặc biệt hơn trong mắt khách hàng. Ảnh nên có ít nhất 720 pixel chiều rộng và 720 pixel chiều cao, và định dạng JPG hoặc PNG.
  • Ảnh bìa là yếu tố không thể bỏ qua: Ảnh bìa Google My Business là một trong những ảnh quan trọng nhất vì nó hiển thị ở vị trí chính giữa trên hồ sơ của bạn.
  • Ảnh hồ sơ: sẽ xuất hiện khi bạn tải ảnh, video hoặc phản hồi đánh giá mới.

Cùng với ảnh đại diện và ảnh bìa, bạn có thể và nên tải lên các ảnh khác để làm cho hồ sơ nhiều thông tin và hấp dẫn hơn.

Kiểu ảnh

Đặc điểm

Số lượng ảnh Google khuyến nghị

Gợi ý

Outdoor

Bối cảnh bên ngoài cửa hàng, doanh nghiệp

3

Đăng tải hình ảnh vào những thời điểm khác nhau trong ngày (sáng, chiều, tối) để khách hàng dễ nhận diện

Indoor

Không gian bên trong tập trung vào cách trang trí, sắp xếp

3

Giúp khách hàng hình dung chính xác về không gian bên trong doanh nghiệp của bạn, khi họ đứng hoặc ngồi trong đó.

Sản phẩm

Các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng mà doanh nghiệp cung cấp

Tùy thuộc vào số sản phẩm/ dịch vụ

Các hình ảnh được bày trí hấp dẫn, decor chỉn chu

Đội ngũ nhân viên

Hình ảnh nhân viên chăm sóc, phục vụ khách hàng

3

Thể hiện sự hài lòng của khách hàng khi sử dụng sản phẩm/ dịch vụ qua hình ảnh

Thực đơn

Các món ăn nổi bật nhất của quán

3

Tập trung vào chất lượng hình ảnh

Khu vực chung

Những không gian nơi khách hàng sử dụng dịch vụ

Tùy thuộc vào số khu vực

Thể hiện sự đa dạng và tiện nghi về không gian mà doanh nghiệp có thể cung cấp

Các hạng phòng

Hình ảnh các phòng và suite khác nhau của bạn (nếu có)

3

Thể hiện doanh nghiệp của bạn có nhiều sự lựa chọn phù hợp với ngân sách của khách hàng 

  • Video của Google My Business: dù không phải là một yêu cầu bắt buộc nhưng việc thêm video vào hồ sơ giúp doanh nghiệp của bạn nổi bật so với các đối thủ cùng danh mục, đồng thời giúp khách hàng dễ hình dung hơn về các sản phẩm/dịch vụ của bạn. Các yêu cầu đối với video đó là: độ dài tối đa 30 giây, không quá 100MB, và độ phân giải tối thiểu 720p.
  • Đánh giá Google My Business: Một trong những cách tốt nhất để khuyến khích khách hàng trong tương lai để lại những đánh giá tích cực là phản hồi các đánh giá hiện tại. Không chỉ thể hiện sự trân trọng đối với khách hàng, mà việc phản hồi cũng giúp đánh giá tích cực đó nổi bật trên hồ sơ của bạn và khuyến khích các khách hàng khác cũng để lại đánh giá. Bên cạnh đó, bạn cũng nên phản hồi cả các đánh giá tiêu cực để thể hiện sự lắng nghe với khách hàng và tìm cách xoa dịu, giải quyết vấn đề mà họ gặp phải. Đây cũng là cách tăng mức độ uy tín và hình ảnh đáng tin cậy của doanh nghiệp trong mắt khách hàng.

Một số lưu ý khi tối ưu Google My Business

Một điểm đặc biệt quan trọng trong việc tạo hồ sơ trên GMB mà Brooke Webber, giám đốc tiếp thị tại Ninja Patches cho biết đó là "Mỗi mô tả nên là duy nhất để Google có thể nhận biết đây là hai doanh nghiệp khác nhau dù là 2 chi nhánh khác nhau của một công ty mẹ. Nếu mỗi hồ sơ giống hệt nhau, điều này có thể khiến Google nghi ngờ, và thứ hạng của bạn có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thay vì phải quản lý mọi thứ thủ công, bạn có thể sử dụng công cụ để quản lý nhiều hồ sơ từ một vị trí trung tâm."

Trong khi đó, theo Sergey Galanin, giám đốc SEO tại Phonexa, có một lỗi phổ biến của các doanh nghiệp đó là không đồng bộ thông tin trên trang web với GMB của bạn. Điều này có thể khiến khách hàng bị nhầm lẫn thông tin và hoài nghi về doanh nghiệp và những thông tin bạn cung cấp. Nghiêm trọng hơn có thể ảnh hưởng đến uy tín trực tuyến của doanh nghiệp, thậm chí đánh giá tiêu cực. Trong trường hợp xấu nhất, Google có thể phạt vì thông tin không khớp

Câu hỏi thường gặp về Google My Business

Thông tin doanh nghiệp trên Google My Business sẽ được hiển thị ở đâu?

Khi người dùng tìm kiếm doanh nghiệp của bạn trên Google thông tin sẽ hiển thị tại

  • Trước hết là hiển thị phía bên phải trang tìm kiếm Google.
  • Kết quả tìm kiếm địa lý khi người dùng tìm kiếm từ khóa liên quan.

Một doanh nghiệp có cần lập nhiều tài khoản Google My Business khác nhau không?

Doanh nghiệp chỉ cần sử dụng một tài khoản Google My Business. Nhưng khi thêm một địa điểm mới, các bạn cần cung cấp thêm thông tin về địa chỉ, giờ làm việc, thông tin liên hệ, hình ảnh liên quan một cách chính xác và được xác minh.

Nếu bạn có cùng lúc hơn 10 địa điểm thì có đủ điều kiện để thực hiện xác minh hàng loạt thay vì xác minh từng địa chỉ một.

Các đánh giá và nhận xét của khách hàng quan trọng như nào?

Nó vô cùng quan trọng vì Google sẽ dựa vào đánh giá để xếp hạng vị trí doanh nghiệp trên bảng xếp hạng. Nó thậm chí chiếm tới 10% cách google xếp hạng tìm kiếm doanh nghiệp. Doanh nghiệp sở hữu đánh giá tốt sẽ nhận được sự tin cậy từ khách hàng cao hơn thông thường. Có đến 88% người dùng tin tưởng vào đánh giá trực tuyến để quyết định tìm hiểu doanh nghiệp đó.

Các phương thức xác minh doanh nghiệp trên Google My Business

Việc xác minh doanh nghiệp trên Google My Business đảm bảo hồ sơ của bạn là chính xác và cho phép bạn toàn quyền quản lý thông tin. Doanh nghiệp cần thực hiện các bước sau:

Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản Google My Business của bạn.

Bước 2: Nhấp vào "Xác minh ngay" bên cạnh tên doanh nghiệp.

Bước 3: Chọn phương thức xác minh bạn muốn:

  • Xác minh qua bưu tiếp
  • Xác minh qua điện thoại
  • Xác minh qua email
  • Xác minh tức thì với Google Search Console (một công cụ miễn phí cho phép quản lý hiệu suất tìm kiếm của trang web).
  • Xác minh hàng loạt áp dụng với các doanh nghiệp vận hành nhiều cơ sở, điểm bán

>>> Bạn có thể quan tâm: Google Assistant là gì?

Tổng kết

Trên đây, Marketing AI đã cung cấp những thông tin đầy đủ nhất từ Google My Business là gì cho đến cách tối ưu hóa GMB. Có thể thấy, Google My Business là công cụ không thể thiếu trong chiến lược tiếp thị và quản lý thương hiệu của doanh nghiệp hiện nay. Bằng cách tận dụng được những lợi ích nền tảng này mang lại, doanh nghiệp không chỉ gia tăng khả năng tiếp cận khách hàng mà còn xây dựng được niềm tin và sự chuyên nghiệp trong mắt họ.

Tổng hợp

Ngọc Mai  - MarketingAI

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.