Góc nhìn Marketers về chiến lược sử dụng báo chí trong kháng chiến chống Pháp của Bác Hồ

01 Thg 09

Không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam, Bác Hồ còn là một chiến lược gia tài ba, một nhà báo vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam. Tầm nhìn xa trông rộng của Bác không chỉ được thể hiện trên con đường chính trị mà còn có thể thấy rõ trong quan điểm về làm báo của Bác. Ngòi bút sắc bén cùng chiến lược sử dụng báo chí tài tình của Bác đã tạo nên thắng lợi vẻ vang cho cách mạng Việt Nam, đồng thời để lại những bài học, kiến thức quý giá cho thế hệ sau này, đặc biệt là những người làm trong ngành báo chí, truyền thông.

Sự ra đời của Báo Thanh Niên - Khởi đầu của cách mạng báo chí Việt Nam

Trên hành trình 30 năm tìm đường cứu nước, Bác Hồ bắt đầu học làm báo và dùng chính ngòi bút sắc bén của mình để viết nên những bài báo đầu tiên tố cáo tội ác của chế độ thực dân ngay trên đất Pháp. Từ đó, Người đã nhận thấy sức mạnh của báo chí trong công cuộc cách mạng, giải phóng đất nước và dần ấp ủ những ý tưởng đầu tiên cho báo chí cách mạng Việt Nam.

Sự ra đời của Báo Thanh Niên - Khởi đầu của cách mạng báo chí Việt Nam

Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Bác Hồ đã chính thức thành lập Báo Thanh Niên - Cơ quan của tổ chức Thanh niên Cách mạng Việt Nam, do Bác chỉ đạo và biên tập chính. Tại thời điểm đó, Báo Thanh Niên được hình thành để giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức và hướng dẫn phong trào cách mạng trong nước.

Sự ra đời của Báo Thanh Niên là một bước ngoặt lịch sử của báo chí cách mạng Việt Nam, khởi đầu của những ngòi bút sắc bén tạo nên sức mạnh cho toàn dân tộc, góp phần cho thắng lợi về sau. Báo Thanh Niên đã mở màn cho việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, lý tưởng cách mạng tới đông đảo người dân Việt Nam, đặc biệt là trong tầng lớp thanh niên, công nhân, nông dân - lực lượng cách mạng quan trọng của dân tộc. Cho đến nay, báo chí cách mạng vẫn luôn là một trong những cơ quan ngôn luận quan trọng của đảng và nhà nước, mang những thông tin quan trọng đến với người dân.

Chiến lược sử dụng Báo Thanh Niên trong cách mạng chống Pháp của Bác Hồ

Phía sau thành công của Báo Thanh Niên, không chỉ là câu chuyện cách mạng mà còn có thể thấy được nghệ thuật sử dụng báo chí tài tình của chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh những ngòi bút sắc bén, Báo Thanh Niên đã được Bác xây dựng theo một chiến lược bài bản mà có lẽ giới truyền thông ngày nay còn phải học hỏi rất nhiều từ Người.

Phân tích dưới góc độ truyền thông, có thể thấy được sự chỉn chu trong từng hoạt động của Bác Hồ khi sáng lập Báo Thanh Niên:

1. Objectives - Mục đích của chiến lược

Bác Hồ đã từng nói rằng, bước đầu tiên trước khi tiến tới thành lập 1 tổ chức chính trị là cần phải lập ngay một tờ báo để làm cơ quan ngôn luận với nhiệm vụ tuyên truyền tập thể. Không có báo thì sẽ rất khó để chuyển tải được các chủ trương, quan điểm đến tận các tổ chức, cá nhân.

Vì vậy Người đã xác định rằng Báo chí là "để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ". Mục đích của báo là phản ánh tình hình xã hội thời ấy để thấy được những tội ác của thực dân và niềm tin của cách mạng. Từ đó, báo chí sẽ là động thực khơi dậy lòng yêu nước, vạch trần những tội ác xâm lược và cổ vũ tinh thần đoàn kết toàn dân giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đặc biệt, Báo Thanh Niên ngày đó là một trong những phương tiện quan trọng để giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho tầng lớp thanh niên. Từ đó thu hút lực lượng thanh niên đến với cách mạng và đào tạo họ thành lớp thanh niên cách mạng thật sự.

"Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới"

Ứng đến hiện tại, điều này vô cùng đúng đắn khi trước mỗi chiến dịch truyền thông, Marketers hay người trong ngành cần xác định rõ các mục đích và mục tiêu khi thực hiện. Đây là kim chỉ nam để mọi hoạt động phía sau sẽ không bị "lạc đường" và dù là một hình ảnh hay một bài viết, cũng sẽ theo định hướng mục tiêu ban đầu, theo tổng thể kế hoạch chung.

Đặc biệt, những mục tiêu mà Bác đặt ra với Báo Thanh Niên cũng rất tương đồng với các chiến dịch "Educate" người tiêu dùng của các thương hiệu ngày nay. Từ mục tiêu chính là tạo nên sức mạnh kháng chiến toàn dân, chiến dịch đã được thành 3 mục tiêu nhỏ, tương ứng với 3 giai đoạn truyền thông:

  • Trigger: Đẩy sự căm phẫn với tội ác xâm lược lên cao trào.
  • Educate: Tuyên truyền đường lối, chính sách của đảng để người dân hiểu được tầm quan trọng của cách mạng.
  • Amplify: Lan tỏa tình yêu nước & tinh thần dân tộc, từ đó khơi dậy ý chí giành độc lập dân tộc.

Tương tự với truyền thông hiện đại, để tạo nên sự thay đổi từ sâu trong nhận thức của người tiêu dùng, trước tiên thương hiệu cần cho họ thấy được sự cấp thiết của vấn đề (Trigger), đưa ra những giải pháp (Educate) và cuối cùng là truyền cảm hứng để thúc đẩy hành động (Amplify).

2. Target Audience - Độc giả mục tiêu

Bác đã từng nói rằng báo chí không chỉ để phục vụ số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân. Như vậy, dưới góc độ truyền thông và marketing, Bác đang lựa chọn Target Audience cho báo chí cách mạng là tập mass (phổ biến), hướng tới mọi người dân Việt Nam bấy giờ. Bởi trong thời kỳ này, việc để người dân tiếp cận càng nhiều tới thông tin chính sách nhà nước, thông tin cách mạng thì lòng dân sẽ ngày một tăng cao, chiến lược tăng khả năng thành công.

Riêng với Báo Thanh Niên, ngay từ tên báo đã có thể thấy đối tượng chính của báo trước tiên là Thanh Niên Việt Nam. Bác đặt niềm tin vào thế hệ trẻ - lực lượng nòng cốt để đưa cách mạng Việt Nam tới thành công, xóa bỏ xiềng xích của thực dân Pháp. Tiếp đó, là đội ngũ công nhân, nông dân và toàn thể người dân Việt Nam, để tạo nên một khối đại đoàn kết toàn dân kháng chiến.

Chiến lược sử dụng Báo Thanh Niên trong cách mạng chống Pháp của Bác Hồ

Việc lựa chọn Thanh niên là nhóm độc giả chính là một quyết định rất phù hợp với thời điểm và mục tiêu của chiến dịch. Có thể thấy 3 lý do quan trọng để thanh niên trở thành trọng tâm truyền thông trong giai đoạn đầu của báo chí cách mạng chống Pháp:

  • Thanh niên là sức mạnh chủ lực trong kháng chiến: Lực lượng thanh niên là đội ngũ đi đầu trong phong trào yêu nước và cũng là những đội ngũ ở đầu tiền tuyến. Họ cần được cổ vũ để có được sức mạnh tinh thần và ý chí chiến đấu, đồng thời thấu hiểu những đường lối của đảng.
  • Là lực lượng có khả năng lan tỏa thông tin: Trong giai đoạn đầu sáng lập, số lượng phát hành báo chí có giới hạn và phần lớn người dân mù chữ. Vì vậy, cần lựa chọn thanh niên là nhóm đối tượng có khả năng đọc hiểu báo và truyền tải tới đông đảo người dân.
  • Là tương lai của dân tộc: Không chỉ trong kháng chiến, tầm nhìn của Bác còn hướng tới sự phát triển lâu dài của dân tộc. Vì vậy, Bác lựa chọn thanh niên - nhóm người trẻ sẽ quyết định tới tương lai của dân tộc, để trao cho họ những kiến thức, tri thức.

Trong thời đại hiện nay, Thanh niên vẫn luôn là mục tiêu truyền thông của Đảng, Nhà nước cho tới các doanh nghiệp. Điển hình như Gen Z - Mục tiêu truyền thông được đông đảo doanh nghiệp hướng đến hiện nay. Không chỉ vì sức lan tỏa thông tin vượt trội, Gen Z còn được nhiều thương hiệu lựa chọn là mục tiêu truyền thông vì họ sẽ là những người tiêu dùng chính, thế hệ nắm bắt thị trường trong nhiều năm tới.

3. Insight độc giả

Người đã xác định rõ việc gửi Báo về nước để tuyên truyền cho nhân dân. Dân ta thời bấy giờ chủ yếu là thanh niên, công nhân, nông dân với trình độ dân trí thấp, với 90% người dân mù chữ và sống trong đói khổ. Nhưng người biết đọc sẽ đọc cho người chưa biết chữ nghe những bài báo và từ đó sự lan truyền của báo chí sẽ khơi dậy nên tinh thần yêu nước vốn đã luôn hiện hữu trong mỗi người dân Việt Nam. Vì vậy, cách viết báo phải đơn giản, ngôn ngữ sáng và phải được viết bằng chữ quốc ngữ, dễ hiểu, dễ học và dễ tiếp cận được nhiều người, kể cả dân nghèo.

Bác Hồ đã xác định rõ việc gửi Báo về nước để tuyên truyền cho nhân dân.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, dân ta đang chịu sự đàn áp nặng nề của thực dân Pháp. Chính sách "Ngu dân" tàn bạo của thực dân Pháp đã khiến cho việc nắm bắt thông tin cũng như tinh thần kháng chiến của người dân đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, người dân và đặc biệt là tầng lớp thanh niên đang cần có được một điểm tựa tinh thần. Họ cần hiểu được sự tàn bạo của giặc, tình hình cách mạng và cần thấy được những tương lai tốt đẹp hơn sau kháng chiến. Do đó nội dung của báo phải tập trung về cách mạng, hướng về lòng yêu nước và phơi bày sự bóc lột của thực dân, từ đó ủng hộ lòng dân đứng lên chống Pháp, giành lại quyền độc lập.

Trong truyền thông hiện đại, việc xác định Target Audience và insight của họ vẫn luôn là hoạt động không thể thiếu trong mọi chiến dịch. Đây là nền tảng quan trọng để những người làm truyền thông có thể lựa chọn thông điệp, xác định kênh truyền thông và tìm ra những hướng tiếp cận phù hợp nhất. Từ đó, Target Audience càng cụ thể và insight càng sâu sắc sẽ giúp cho các chiến dịch truyền thông hiệu quả hơn rất nhiều.

4. Key Activities - Các hoạt động chính

Với những mục đích và định hướng trên, báo Thanh Niên đã mang tới nhiều nội dung phong phú với nhiều thể loại đa dạng như như xã luận, bình luận, lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới và nhiều tin tức thời sự cách mạng rất quan trọng. Những đề tài chính được triển khai trong báo Thanh Niên xoay quanh Chế độ Thực dân, Cách mạngTinh thần yêu nước, giành độc lập. Một số nội dung nổi bật phải kể đến như: Những tội ác của chế độ thực dân đối với dân ta, Tầm quan trọng của cách mạng trong giải phóng dân tộc, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, của toàn dân, Thể hiện vai trò của Đảng trong kháng chiến và đưa ra vấn đề cần phải tổ chức ra Đảng, Mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với thế giới và những cuộc kháng chiến thành công của nhân dân các nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Quá trình in ấn, phát hành báo đều được diễn ra bí mật để tránh sự đàn áp của thực dân. Dưới sự kiểm soát gắt gao của Pháp tại Việt Nam, các đồng chí đã phải tìm cách để báo được đến tay những độc giả quan trọng nhất.

Những đề tài chính được triển khai trong báo Thanh Niên xoay quanh Chế độ Thực dân, Cách mạng và Tinh thần yêu nước

Báo được viết theo lối văn phong rất giản dị ngắn gọn, dễ hiểu và đặc biệt là mang một tinh thần chiến đấu yêu nước mạnh mẽ. Từ đó, báo đã phát động lòng yêu nước, căm thù giặc đang sục sôi bên trong mỗi người dân. Đồng thời, bồi dưỡng khát vọng độc lập, ý chí quyết tâm đánh đuổi giặc và quan trọng hơn hết là giáo dục để người dân hiểu hơn về cách mạng, kháng chiến.

Trong Báo Thanh Niên số 63 ngày 3.10.1926, đã từng viết: "Cái cực khổ của người An Nam đã hết mức rồi! Không có dân nước nào mà khổ sở như vậy. Đồng bào ơi! Quyền tự do là trời cho mình. Người mà không được tự do thà rằng chết. Tỉnh dậy, đập vỡ cái lồng Tây nó nhốt người mình đó. Đồng bào ơi!".

5. Channels - Kênh truyền thông

Trong những năm đầu tiên, Báo giấy trở thành kênh truyền thông chính của Báo Thanh Niên nói riêng và báo chí cách mạng Việt Nam nói chung. Những tờ báo ban đầu được in trên giấy sáp vào sau đó được xuất bản dưới hình thức những trang đánh máy. Tại thời điểm này, Báo giấy là phương tiện duy nhất để có thể lưu hành bí mật dưới sự trấn áp của thực dân Pháp.

Tuy nhiên, bên cạnh báo giấy Báo Thanh Niên đã sử dụng một kênh truyền thông rất đặc biệt mà chúng ta thường xuyên nhắc đến trong truyền thông & marketing hiện đại - Đó chính là nghệ thuật truyền miệng "Word of Mouth". Trước tiên, báo giấy sẽ đóng vai trò truyền thông đến những trí thức, thanh niên và từ đó, thông tin sẽ được truyền miệng, lan tỏa đến người dân. Trong giai đoạn này, có tới 90% dân số mù chữ nên việc đọc báo với phần lớn người dân là rất khó khăn. Vì vậy, phương thức truyền miệng sẽ là con đường hiệu quả nhất để thông tin có thể đến được với đông đảo người dân.

Báo giấy trở thành kênh truyền thông chính của Báo Thanh Niên

Trong những năm sau đó, dưới sự chỉ đạo của Bác Hồ, báo chí cách mạng Việt Nam đã dần phát triển những kênh truyền thông mới, trong đó phải kể đến Radio - kênh truyền thông âm thanh đã tạo nên những bước tiến đáng kể cho cách mạng Việt Nam. Cho đến nay, các kênh truyền thông âm thanh như radio hay podcast vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, cho thấy tầm nhìn rất rộng của Người.

Việc lựa chọn kênh truyền thông của Báo Thanh Niên cũng chính là một bài học đắt giá cho các chiến lược truyền thông hiện nay. Trong đó, kênh truyền thông cần được gắn liền với insight và đặc điểm của đối tượng mục tiêu. Đồng thời, người làm truyền thông cần có những góc nhìn đa chiều hơn, mở rộng các điểm chạm với đối tượng thông qua nhiều kênh truyền thông đa dạng, không ngừng tìm kiếm những cách thức tiếp cận mới mẻ và hiệu quả hơn.

Marketers và những bài học thực tiễn từ quá trình làm báo, viết báo của Bác

Thế hệ trẻ ngày nay, Marketers hiện đại đều có thể ứng dụng những bài học thực tiễn, lời khuyên, hướng dẫn của Bác về cách viết, cách làm báo được bác căn dặn vô cùng thiết thực, bổ ích và luôn mang tính thời sự.

#1 Chiến lược sử dụng báo chí của Bác cũng chính là chiến lược truyền thông, marketing bài bản nhất

Từ cách thức xây dựng chiến lược sử dụng báo chí (cụ thể là tờ báo Thanh Niên và nhiều tờ báo khác trong thời kỳ cách mạng) có thể thấy một chiến lược truyền thông, marketing bài bản nhất đã được Bác Hồ áp dụng bài bản như tìm hiểu xem xét về bối cảnh kỹ lưỡng, xác định mục tiêu rõ ràng, tìm hiểu Insight cụ thể, có các hoạt động Key Activities phù hợp đồng thời triển khai trên nhiều kênh, nền tảng khác nhau.

Kết quả đạt được chính là báo chí đã trở thành công cụ đắc lực đóng góp vào sự thành công của cuộc Cách Mạng toàn dân Việt Nam, đồng thời thống nhất tinh thần cách mạng, làm nền tảng vững chắc cho sự đoàn kết, nhất trí trong nhân dân.

#2 Marketers, Người làm báo cần gần gũi đời sống, viết thiết thực, có căn cứ.

Bác yêu cầu người viết cần phải có trách nhiệm cao trước nội dung bài báo của mình, phải có căn cứ thuyết phục, viết một cách thiết thực. Bác căn dặn “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Không được vội vàng mới nghe qua đã viết, không được chủ quan, suy đoán mà phải có điều tra, nghiên cứu kỹ. Ngày nay, dưới sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, nền tảng truyền thông, tin tức, bài viết được lan truyền với tốc độ chóng mặt đã tạo môi trường thuận lợi cho những tin “fake”, truyền thông bẩn, sai sự thật len lỏi. Điều này có thể gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng về thông tin sản phẩm, thương hiệu, ngành hàng hoặc thị trường.

Bác căn dặn “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”.

Lời bác căn dặn trong Thư gửi lớp viết báo đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng tổ chức tháng 5.1949 tại Việt Bắc đã có những tầm nhìn, kiến thức vượt thời gian đến tận ngày nay. Trong quá trình bôn ba, khổ luyện ở nhiều nước, đặt bút viết cho nhiều tờ báo nước ngoài khác nhau, Bác đã có tầm nhìn xa, chỉ ra cho những người làm báo, Marketers trẻ nguồn tham khảo tại các trang báo nước ngoài để xem cách, tư duy, chiến lược họ vạch ra nhằm học hỏi kiến thức mới, áp dụng và cải tiến.

#3 Học từ cách viết của Bác: Viết ngắn gọn, giản dị, sinh động, lôi cuốn, thẳng thắn

Viết ngắn gọn, giản dị là đặc trưng nổi bật trong cách viết của Người, bất kể cho đối tượng nào, hình thức viết khác nhau. Viết sinh động, lôi cuốn là nhu cầu thường xuyên để thu hút người đọc. Theo phong cách của Bác đã sử dụng cách viết có hình ảnh sống động, ví von gần gũi, ví dụ: chủ nghĩa đế quốc như "con đỉa hai vòi", có đức mà không có tài thì chỉ như "ông bụt ngồi trên chùa", không giúp gì được ai, hoặc Bác dùng thơ, diễn ca cho phù hợp, ví dụ "Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long".

#4 Học hỏi từ chính những lỗi trong bài viết của mình

Điều này thật giản dị nhưng một số người viết, Marketers hiện tại lại không muốn mạnh tay sửa những gì mình viết ra, có tư duy bảo thủ, cố chấp, giữ tự tôn cho mình. Bác Hồ, ngay từ đầu đã là một tấm gương khiêm tốn khi được sửa những bài viết của mình. Lúc tập viết tin bài đầu tiên trên báo Pháp, bác kể lại: "Đấy, tôi thử viết bài này, đăng được thì các đồng chí đăng cho, tôi không tự ái đâu, nhờ các đồng chí sửa để tôi học thêm" (*). Ngoài ra khi viết xong một bài cũng cần tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu." Ngoài ra, Người cũng từng đề nghị báo chí nên có mục “ý kiến bạn đọc” để có thể thấu hiểu lắng nghe độc giả, coi ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh để hoàn thiện và phát triển.

Học hỏi từ chính những lỗi trong bài viết của mình

Từ những việc nhỏ, câu chuyện và thái độ cẩn thận, cầu tiến, sẵn sàng học hỏi từ sai sót, quý trọng từng chỗ được người khác chỉnh sửa trong bài viết của mình đã trở thành động lực và bài học để Bác viết tốt hơn, hay hơn trong từng tác phẩm. Đây cũng là bài học mà nhiều người viết, người biên tập hay Marketers khiêu vũ với ngòi bút hàng ngày cần học tập từ Bác.

#5 4 câu hỏi Bác đặt ra cho người làm báo tương đồng với mô hình/ công thức 5W1H Marketers nào cũng biết

Bác cũng là người am hiểu sức mạnh của ngôn từ. Người nói, tờ báo chỉ là giấy trắng, mực đen thôi nhưng từ đó người ta có thể viết tối hậu thư, cũng có thể viết những bức thư yêu đương. Bác rất chú trọng cách viết. Cách dùng một từ nhỏ, một dấu chấm câu, một bố cục bài viết đều được Người cẩn trọng. Bác chia sẻ kinh nghiệm mỗi khi viết báo, thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc? Trong đó có 4 câu hỏi đặt ra cho người làm báo mà Bác Hồ răn dạy rất thiết thực, bổ ích và luôn mang tính thời sự, đó là:

1. Viết cái gì? Viết những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn bè ta. Đồng thời để phê bình khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, nhân dân, bộ đội.

2. Viết cho ai? Viết cho công - nông - binh, viết cho mọi tầng lớp người Việt Nam, không phân biệt già trẻ, nam nữ, tôn giáo, đảng phái.

3. Viết để làm gì? Viết để tuyên truyền, để giác ngộ, để đoàn kết, để thức tỉnh quần chúng.

4. Viết như thế nào? Viết phải gọn gàng, sáng sủa, mạch lạc, có đầu có đuôi, có nội dung.

4 lời khuyên của Bác tương đồng với công thức 5W1H (Who, When, Where, What, Why, How), một trong những quy tắc tư duy quan trọng trong việc xây dựng Content Marketing với Marketers ngày nay. Trước khi nghiên cứu, lập kế hoạch cho một dự án nào đó, 5W1H giúp người làm quảng cáo, truyền thông có góc nhìn đa chiều, tổng quan để tạo nên một chiến dịch Marketing hay đơn giản là một bài viết đầy đủ thông tin, hữu ích và dễ dàng tiếp cận người đọc.

>>> Xem thêm: Sức ảnh hưởng của báo điện tử: kênh truyền thông số một để PR thương hiệu

TẠM KẾT

Đã 98 năm kể từ ngày Báo Thanh Niên ra đời dưới sự chỉ đạo của Bác, đánh dấu một cột mốc quan trọng cho sự thành công của cách mạng Việt Nam. Mặc dù chưa có được những phương tiện truyền thông hiện đại, nhưng chiến lược sử dụng báo chí trong cách mạng của Bác Hồ vẫn là một bài học đắt giá cho những người làm truyền thông bởi sự chỉn chu, bài bản trong từng công đoạn. Đặt dưới góc nhìn của truyền thông, Bác đã xác định rất rõ ràng từng yếu tố như mục đích chiến lược, đối tượng mục tiêu,... để từ đó lựa chọn kênh truyền thông và cách thức triển khai phù hợp nhất. Không chỉ với Báo Thanh Niên, sự nghiệp Báo chí của Bác Hồ cũng là một kho tàng kiến thức đắt giá, rất đáng để học hỏi cho những người làm báo chí cũng như truyền thông, marketing hiện nay.

(*) Trích trong Nguyễn Thành, Sự nghiệp Báo chí của chủ tịch Hồ Chí Minh, NXB KHXH, 1998, trang 170-173

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.