cover

ĐIỂM TIN TUẦN: Livestream trên Facebook sẽ bị xóa sau 30 ngày, The Coffee House “về tay” ông chủ mới

21 Thg 02
Content Writer

Content Writer

Hải Yến

Cùng Marketing AI nhìn lại những tin tức đáng chú ý không thể bỏ lỡ trong “Điểm tin tuần”!

1. Livestream trên Facebook sẽ bị xóa vĩnh viễn sau 30 ngày

Mới đây, Facebook vừa công bố một số thay đổi bất ngờ khiến người dùng đứng ngồi không yên với những nội dung mình yêu thích. Trong đó, đáng chú ý, tất cả video livestream từng thực hiện trên nền tảng này sẽ chỉ được lưu trữ trong 30 ngày và sẽ bị xóa vĩnh viễn sau thời gian này.

Giải thích về sự thay đổi này, Meta cho biết: "Vì phần lớn lượt xem video trực tiếp diễn ra trong vài tuần đầu tiên sau khi phát, chúng tôi đang cập nhật thời gian lưu trữ video trực tiếp trên Facebook. Bắt đầu từ ngày 19/02, bất kỳ video phát trực tiếp nào mới có thể được phát lại, tải xuống hoặc chia sẻ từ Trang hoặc hồ sơ Facebook của bạn trong 30 ngày, sau đó chúng sẽ tự động bị xóa khỏi Facebook.”

Livestream trên Facebook sẽ bị xóa vĩnh viễn sau 30 ngày

Livestream trên Facebook sẽ bị xóa vĩnh viễn sau 30 ngày từ 19/2

Lý do được đưa ra là bởi Meta đã phân tích dữ liệu và nhận thấy rằng hầu như không có ai xem lại các livestream cũ hơn một tháng. Vì vậy, thay vì tiếp tục lưu trữ chúng mãi mãi, công ty quyết định đặt giới hạn thời gian và xóa chúng khỏi máy chủ. "Trong quá trình chuyển đổi này, tất cả video trực tiếp hiện đã quá 30 ngày sẽ bị xóa, và bạn sẽ không thể truy cập chúng nữa. Quá trình xóa sẽ diễn ra theo từng giai đoạn trong vài tháng tới, và chúng tôi đang cung cấp công cụ mới để người dùng tải xuống các video trực tiếp cũ trước khi chúng bị xóa dần."

Sự thay đổi này sẽ diễn ra không đột ngột nên người dùng không cần lo lắng. Meta sẽ gửi thông báo cho người dùng có video trực tiếp trên hồ sơ hoặc Trang Facebook trước khi video bị xóa. Sau khi nhận được thông báo, người dùng sẽ có 90 ngày để tải xuống nội dung của mình với 3 lựa chọn: tải chúng về thiết bị cá nhân, chuyển chúng lên các dịch vụ lưu trữ đám mây như Dropbox hay Google Drive, hoặc biến chúng thành video Reels.

2. “Ông trùm” F&B Golden Gate thâu tóm The Coffee House, bổ nhiệm lãnh đạo mới

Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Trà Cà Phê VN – đơn vị vận hành chuỗi cà phê The Coffee House – vừa công bố ông Trần Việt Trung đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật, thay thế ông Ngô Nguyên Kha. Đáng chú ý, ông Trần Việt Trung hiện đang giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Golden Gate, làm dấy lên đồn đoán về mối liên kết giữa hai thương hiệu lớn này trong ngành F&B. Không lâu sau đó, tờ Deal Street Asia xác nhận Golden Gate đã hoàn tất thương vụ mua lại The Coffee House từ Seedcom.

Golden Gate mua lại The Coffee House

Tờ Deal Street Asia xác nhận Golden Gate đã hoàn tất thương vụ mua lại The Coffee House từ Seedcom.

Trước đó, vào tháng 12/2024, Hội đồng Quản trị Golden Gate đã thông qua kế hoạch mua lại 99,98% vốn điều lệ của một doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống, dù không công bố danh tính cụ thể. Động thái này trùng hợp với việc Golden Gate tổ chức cuộc họp bất thường, quyết định hủy kế hoạch chia cổ tức 53% cho năm 2023, nhằm tập trung nguồn lực tài chính vào các dự án mở rộng trong giai đoạn 2024-2025.

Thương vụ mua lại diễn ra trong bối cảnh The Coffee House đối mặt với những thách thức lớn về kinh doanh. Trong năm qua, chuỗi này đã đóng cửa hơn 30 điểm bán tại các thành phố lớn như Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội và TP.HCM, giảm từ khoảng 150 cửa hàng vào cuối năm 2023 xuống còn 93 điểm vào đầu năm 2025. Lý giải về quyết định thu hẹp quy mô này, đại diện The Coffee House cho biết: "Tối ưu chi phí để cải thiện hiệu quả hoạt động là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn này. Việc điều chỉnh hệ thống nhằm thích ứng với tình hình mới, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững."

Golden Gate sở hữu chuỗi nhà hàng đa dạng phong cách trải dài khắp Việt Nam

Golden Gate sở hữu chuỗi nhà hàng đa dạng phong cách trải dài khắp Việt Nam

Trong khi nhiều chuỗi cà phê khác mở rộng mạnh mẽ, The Coffee House vẫn chật vật tìm hướng đi mới kể từ thời ông Nguyễn Hải Ninh sáng lập, cho đến khi về tay Seedcom và nay là Golden Gate. Dữ liệu từ Vietdata cũng cho thấy doanh thu The Coffee House biến động mạnh trong giai đoạn 2021-2023. Cụ thể, sau khi tăng trưởng 67% vào năm 2022, doanh thu năm 2023 lại giảm 11%, xuống còn 700 tỷ đồng. Đáng chú ý, thương hiệu này vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng lỗ lũy kế. Với sự hậu thuẫn của Golden Gate – tập đoàn sở hữu nhiều chuỗi nhà hàng lớn tại Việt Nam – The Coffee House được kỳ vọng có thể xoay chuyển tình thế và đón nhận tín hiệu kinh doanh khả quan hơn.

3. Grab và ShopeeFood chia nhau “miếng bánh” gần 2 tỷ USD ở Việt Nam, nắm tổng cộng 95% thị phần

Ngành giao đồ ăn trực tuyến tại Đông Nam Á đang phục hồi mạnh mẽ. Trong đó, Việt Nam bứt tốc trở thành thị trường tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Hiện tại, thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam chủ yếu là cuộc chơi của ShopeeFood và Grab, với thị phần lần lượt là 47% và 48%. Be chiếm 4%, còn Gojek - ứng dụng đã chính thức rút lui từ tháng 9/2024 - chỉ còn 1%. Nếu không có sự xuất hiện của một đối thủ mới trong năm 2025, thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam sẽ tiếp tục bị cô đặc, trở thành “cuộc đối đầu” của ba nền tảng lớn.

Grab và ShopeeFood chia nhau “miếng bánh” gần 2 tỷ USD ở Việt Nam

Grab và ShopeeFood chia nhau “miếng bánh” gần 2 tỷ USD ở Việt Nam

Không chỉ tại Việt Nam, Grab còn dẫn đầu ngành giao đồ ăn ở tất cả các quốc gia còn lại trong khu vực. Ở một số thị trường như Singapore, Malaysia và Philippines, thị phần của Grab thậm chí đã vượt mốc 60%. Năm qua, Grab tiếp tục củng cố vị thế thống lĩnh của mình với tổng GMV đạt 10,4 tỷ USD, vượt xa các đối thủ như FoodPanda (2,7 tỷ USD), ShopeeFood (2,3 tỷ USD), Gojek (1,9 tỷ USD) và Line Man (1,7 tỷ USD).

Một trong những thay đổi đáng chú ý của thị trường Đông Nam Á là ShopeeFood đã vượt qua Gojek để trở thành ứng dụng giao đồ ăn lớn thứ 3 khu vực. Tuy nhiên, bức tranh cạnh tranh có thể tiếp tục biến động nếu thương vụ sáp nhập giữa Grab và Gojek trở thành hiện thực trong thời gian tới.

Theo ông Jianggan Li, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Momentum Works, nhận định: "Sau nhiều năm tập trung vào lợi nhuận, các nền tảng giao đồ ăn hàng đầu Đông Nam Á đã lấy lại đà tăng trưởng để thúc đẩy giai đoạn phát triển tiếp theo". Việc cải thiện hiệu quả vận hành cùng chiến lược khai thác khách hàng sắc nét sẽ giúp các nền tảng giao đồ ăn tạo ra những bước tiến táo bạo hơn, qua đó thúc đẩy mô hình tăng trưởng bền vững. Đại diện Momentum Works cũng cho rằng các nền tảng đang tập trung vào hai nhóm khách hàng chính: phân khúc bình dân và khách du lịch. Việc mở rộng tập khách hàng này giúp tăng trưởng thị phần, đồng thời tối ưu hóa chi phí vận hành.

Grab hiện đang giữ "ngôi vương" tại thị trường Đông Nam Á

Grab hiện đang giữ "ngôi vương" tại thị trường Đông Nam Á

Bên cạnh đó, các ứng dụng cũng đang nỗ lực tối ưu hóa chi phí và giá trị từng đơn hàng để gia tăng lợi nhuận. Điều này chủ yếu được thực hiện thông qua các giải pháp như cải thiện hoạt động giao hàng, giảm chi phí vận chuyển và phân loại khách hàng thành các nhóm phổ thông, tiêu chuẩn và cao cấp.

Trong một diễn biến khác, TikTok đã bắt đầu thử nghiệm dịch vụ giao đồ ăn tại Indonesia và Thái Lan. Nền tảng này cho phép người dùng mua voucher F&B cùng các dịch vụ liên quan, mở ra tiềm năng tham gia sâu hơn vào thị trường giao đồ ăn. Dù còn ở giai đoạn sơ khai, nếu TikTok hợp tác với các nền tảng giao hàng, thị trường có thể chứng kiến những thay đổi lớn trong thời gian tới.

4. Thương hiệu mỹ phẩm MERZY thông báo ngừng hoạt động tại Việt Nam sau 9 năm

Mới đây, thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc MERZY đã bất ngờ thông báo ngừng hoạt động tại thị trường Việt Nam sau 9 năm gắn bó. Thông tin này được đăng tải trên fanpage chính thức của MERZY Vietnam, kèm theo lời tri ân gửi đến khách hàng đã đồng hành cùng hãng trong suốt thời gian qua.

Trong thông báo, Merzy chia sẻ: “Cảm ơn bạn vì đã đồng hành, yêu thương và tạo nên những kỷ niệm đáng nhớ cùng MERZY trong suốt cuộc hành trình 9 năm qua. Mỗi thỏi son, mỗi đường cọ không chỉ là một sản phẩm, mà còn là cách MERZY cùng bạn thể hiện cá tính, khám phá vẻ đẹp riêng và tận hưởng những khoảnh khắc rực rỡ nhất của tuổi trẻ. Hy vọng rằng sự tự tin và cảm hứng mà Merzy mang đến vẫn sẽ luôn đồng hành cùng bạn, và mỗi khi chạm vào sắc màu quen thuộc, bạn vẫn nhớ đến hành trình chúng ta đã đi cùng nhau. Mọi sự thay đổi đều mở ra những điều mới mẻ, Merzy mong rằng, dù ở đâu, chúng ta vẫn sẽ gặp lại nhau trong một phiên bản mới, rực rỡ hơn. Cảm ơn và hẹn gặp lại”

Thương hiệu mỹ phẩm MERZY thông báo ngừng hoạt động tại Việt Nam sau 9 năm

Sự ra đi của hãng son "quốc dân" MERZY khiến nhiều người dùng tiếc nuối

Sự ra đi đột ngột của Merzy đã thu hút sự chú ý và nhận về nhiều tiếc nuối từ cộng đồng người dùng. Nhiều khách hàng bày tỏ sự bất ngờ và đặt câu hỏi về lý do đằng sau quyết định này. Tuy nhiên, Merzy không công bố chi tiết về nguyên nhân ngừng hoạt động tại Việt Nam.

Được biết, sau khi thông báo, Merzy đã xóa toàn bộ bài viết trên Instagram, chỉ để lại duy nhất bài đăng tạm biệt trên fanpage Facebook. Điều này càng làm dấy lên nhiều thắc mắc về tương lai của thương hiệu tại thị trường Việt Nam.

>>> Đọc thêm: ĐẦU TUẦN ĐỌC GÌ: Lý giải trend hot nhất đầu năm 2025: "Cơm nước gì chưa người đẹp?"

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.