- Đài truyền hình VTC chính thức chấm dứt hoạt động vào 15/1, khép lại hành trình 20 năm
- Đen Vâu tái xuất đường đua nhạc Tết sau 3 năm cùng Knorr
- TikTok lên kế hoạch đóng cửa hoàn toàn tại thị trường Mỹ vào ngày 19/1
- Starbucks nhận về phản ứng trái chiều khi công bố chính sách mới: Mua hàng mới được sử dụng nhà vệ sinh
Đài truyền hình VTC chính thức chấm dứt hoạt động vào 15/1, khép lại hành trình 20 năm
Vào đúng 0h ngày 15/1 vừa qua, Truyền hình VTC chính thức dừng phát sóng, chấm dứt toàn bộ hoạt động. Quyết định này được triển khai nhằm thực hiện Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 141 của Chính phủ về việc tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Theo đó, Truyền hình VTC và một số kênh khác thuộc Chính phủ như Truyền hình Nhân dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV sẽ kết thúc hoạt động và tiến hành chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam.
Sự kiện này đã chính thức kết thúc hành trình hơn 20 năm của Truyền hình VTC và 13 kênh trực thuộc bao gồm: VTC1 HD, VTC2, VTC3 HD, VTC4 HD, VTC5, VTC6 HD, VTC7, VTC8, VTC9 HD, VTC10 HD, VTC11, VTC14 HD và VTC16 HD. VTC được thành lập vào tháng 8/2004 với vai trò là đơn vị tiên phong thử nghiệm kỹ thuật số trong phát sóng truyền hình tại Việt Nam. Trải qua 2 thập kỷ, kênh truyền hình này đã để lại rất nhiều chương trình hấp dẫn, tạo nên dấu ấn khó quên đối với khán giả Việt.
Vì vậy, những khoảnh khắc cuối cùng của các cán bộ nhân viên tại Truyền hình VTV đang nhận được rất nhiều quan tâm, chia sẻ của cộng đồng mạng. Không ít khán giả đã bày tỏ sự tiếc nuối về những kỷ niệm cùng đài truyền hình hơn 20 năm tuổi này.
Đen Vâu tái xuất đường đua nhạc Tết sau 3 năm cùng Knorr
Tối ngày 15/1 vừa qua, Đen Vâu đã chính thức tung ra MV “Vị Nhà” hợp tác cùng chiến dịch Tết của thương hiệu Knorr. Đây là lần tái xuất đầu tiên của Đen Vâu trên thị trường nhạc Tết sau 3 năm, kể từ lần hợp tác cuối cùng với thương hiệu Honda trong chiến dịch Tết 2022 “Mang tiền về cho mẹ”.
Nhìn chung, “Vị nhà” là một ca khúc khá nhẹ nhàng, mang đậm màu sắc bình dị đặc trưng của Đen Vâu. Trong đó, nam ca sĩ lột tả trọn vẹn cảm xúc, tâm trạng của những người con xa xứ mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Tuy nhiên, yếu tố tạo nên sự khác biệt của “Vị nhà” so với thị trường Nhạc Tết chính là âm hưởng dân gian, cổ truyền đặc sắc. Đen Vâu đã kết hợp khéo léo của nhiều loại nhạc cụ dân tộc như như sáo, nhị, đàn tranh, đàn bầu… Và đặc biệt là một đoạn rap được lấy cảm hứng từ làn điệu chèo và dân ca ví giặm.
Về nội dung và màu sắc của MV cũng mang một nét bình dị và trầm buồn giống như lời bài hát. Đen Vâu đã đóng vai một nghệ sĩ tham gia vào chương truyền hình đang phát sóng ngày Tết. Tại đây, anh chàng đã được chứng kiến các câu chuyện của những nhân vật tham gia. Mỗi nhân vật này đều có hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ đều phải làm việc vào dịp Tết nên không kịp về sum vầy cùng gia đình.
Khép lại MV là hình ảnh các nhân vật ngồi quây quần bên mâm cơm. Mặc dù không phải mâm cơm gia đình nhưng lại có những hương vị quen thuộc trong các món ăn gia đình và hương vị đó được tạo nên các loại gia vị của Knorr. Từ đó, hình ảnh sản phẩm đã được lồng ghép một cách khá khéo léo.
TikTok lên kế hoạch đóng cửa hoàn toàn tại thị trường Mỹ vào ngày 19/1
Mới đây, TikTok đã đưa ra thông báo rằng mạng xã hội này có kế hoạch đóng cửa hoàn toàn tại Mỹ kể từ ngày 19/1 tới, trong trường hợp lệnh cấm mà Quốc hội Mỹ thông qua được thực hiện đúng như kế hoạch. Ngoại trừ trường hợp Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra phán quyết ngăn chặn.
Tuy nhiên, tờ Washington Post cũng đã đưa tin Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc về việc “ban hành lệnh hành pháp” nhằm đình chỉ thực thi lệnh đóng cửa TikTok trong thời gian từ 60 đến 90 ngày. Vì vậy, số phận của TikTok tại thị trường hơn 170 triệu user này vẫn đang diễn biến rất phức tạp.
Theo như The Verge, TikTok đã đưa ra lời đảm bảo với người lao động tại Mỹ rằng "việc làm, tiền lương và phúc lợi của họ không bị ảnh hưởng" và văn phòng của TikTok tại đây vẫn sẽ mở cửa. Ngoài ra, TikTok cũng cho biết họ đang "lên kế hoạch cho nhiều tình huống khác nhau".
Hiện tại, mạng xã hội này vẫn đang thực hiện đấu tranh pháp lý để chống lại dự luật. Vào ngày 10/1, đơn kháng cáo của TikTok đã lập luận rằng dự luật đang vi phạm vào quyền Tu chính án thứ nhất của hàng trăm triệu người dân Mỹ. Nhưng có vẻ như các thẩm phán vẫn nghiêng về quan điểm rằng TikTok có thể mang tới những mối lo ngại tiềm tàng về an ninh quốc gia mà Chính phủ nước này đưa ra.
Starbucks nhận về phản ứng trái chiều khi công bố chính sách mới: Mua hàng mới được sử dụng nhà vệ sinh
Mới đây Starbucks đã thông báo về việc áp dụng một bộ Quy tắc ứng xử mới tại các cửa hàng của thương hiệu. Đặc biệt, trong bộ quy tắc này Starbucks có một chính sách gây khá nhiều tranh cãi: Yêu cầu Khách hàng khi đến các cửa hàng của thương hiệu này sẽ phải mua hàng để được ở lại hoặc sử dụng không gian phòng vệ sinh chung. Dự kiến chính sách sẽ được áp dụng vào cuối tháng 1 trên toàn bộ cửa hàng cà phê của Starbucks, các quản lý cửa hàng sẽ có khoảng 40 giờ chuẩn bị.
Jaci Anderson - Phát ngôn viên của Starbucks chia sẻ rằng Quy tắc ứng xử này được thực hiện nhằm ưu tiên những vị khách đã chi tiền để ngồi và thưởng thức cà phê tại quán. Từ đó, giúp công ty này “có thể tạo ra một môi trường tốt hơn cho tất cả mọi người”.
Bên cạnh yêu cầu trên, Bộ quy tắc cũng bao gồm một số nguyên tắc khác như: quấy rối, hút thuốc, phân biệt đối xử và ăn xin sẽ bị cấm hoàn toàn, các trường hợp vi phạm được yêu cầu rời khỏi cửa hàng hoặc đưa tới các cơ quan chức năng. Những nguyên tắc này được đánh giá khá hợp lý để bảo vệ quyền lợi, sự an toàn của khách hàng.
Động thái này của Starbucks được cho là một nỗ lực quan trọng để thương hiệu lấy lại niềm tin của người tiêu dùng và các nhà đầu tư trong bối cảnh công ty đối mặt với tình trạng doanh số giảm và cổ phiếu lao dốc.
>>> Đọc thêm: Lượt tìm kiếm "Nghị định 168", "phạt nguội" tăng vọt, Trung Quốc cân nhắc bán TikTok cho Elon Musk tại Mỹ
Bình luận của bạn