Các trường đại học đang rục rịch chuẩn bị cho quá trình tư vấn trước khi tuyển sinh. Những buổi tư vấn diễn ra tại hầu khắp các trường THPT, nhằm mục đích chuẩn bị cho những thí sinh một hành trang và chọn lựa vững chắc.
Phải nói rằng trước khi bắt đầu kỳ tuyển sinh năm nay, năm 2022, ngành marketing thuộc top đầu ngành học có điểm chuẩn cao nhất khi đa số trường đều lấy trung bình 25 điểm. Thậm chí có một số trường gây sốc khi công bố điểm chuẩn phải đạt gần 10 điểm một môn để đỗ vào chuyên ngành marketing.
Để phân tích độ quan tâm của phần đông học sinh dành cho ngành marketing, cần đi từ những số liệu chung. Nhiều thí sinh dễ dàng lựa chọn các ngành "hot" như kinh tế, marketing, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, thay vì thử thách ở những ngành đặc thù như khoa học tự nhiên, xã hội, nông nghiệp hay môi trường hoặc nhiều ngành nghề truyền thống khác. Điều này dẫn đến tình hình chung là nhóm ngành kể trên, trong đó có marketing vẫn sẽ tiếp tục có xu hướng tăng.
Năm 2023, nhiều bạn học sinh lo lắng rằng điểm ngành marketing có thể vẫn tiếp tục tăng và e ngại điều này báo hiệu cho sự bão hòa trong ngành. Nói về lo ngại “lạm phát” hay “bão hòa” điểm, TS Võ Thanh Hải - phó hiệu trưởng thường trực Đại học Duy Tân đã có chia sẻ trong chương trình tư vấn tuyển sinh về ngành marketing để các bạn học sinh có cái nhìn cận cảnh hơn. Cụ thể, marketing không phải một ngành lâu đời tại Việt Nam. Do đó, có rất nhiều bước tiến còn đi sau so với bộ khung chung của thế giới. Đi cùng đó là những đặc thù phát triển kinh tế của đất nước, tình hình kinh tế, chính trị và xã hội cũng tác động lớn đến ngành này.
Cũng theo TS Võ Thanh Hải, ngành marketing phát triển mạnh về digital marketing sau hai năm đại dịch. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nay trong thông tư 09 có đưa ngành mới là ngành digital marketing. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu tuyển sinh của các trường sẽ tăng cao hơn năm 2022.
Một số ngành mới mở lại thuộc top ngành có điểm trúng tuyển cao nhất trường trong vài năm trở lại đây. Trong đó có ngành Marketing với mức điểm chuẩn cao nhất trường với 27,5 điểm, tăng 1,5 điểm so với năm trước và cao hơn 12,5 điểm so với các ngành đào tạo chủ lực, truyền thống của nhà trường.
Nhiệm vụ chính của marketing vẫn là thể hiện các hoạt động trên thị trường, giúp cho doanh nghiệp rút ngắn khoảng cách với khách hàng. Giúp khách hàng biết rõ hơn, cụ thể hơn chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã, giá cả sản phẩm và các chế độ hậu mãi sau này.
"Có thể nói trong điều kiện hiện nay, đây là một ngành có sức hút rất lớn đối với nguồn nhân lực trên thị trường Việt Nam, nhất là chuyên ngành trong lĩnh vực marketing số." - thầy Hải nói.
Dựa vào bối cảnh này, có thể kết luận, mặc dù ngành marketing vẫn có xu hướng tăng điểm chuẩn trong năm 2023, thế nhưng ít khả năng “lạm phát” điểm hay “bão hòa” về ngành. Thị trường lao động ngành marketing hiện cũng đang có những biến đổi lớn về phân hóa ngành và lĩnh vực cụ thể. Cùng với những tiến bộ về công nghệ, nhân sự ngành marketing, cụ thể là digital marketing có nhiều thay đổi. Các nhân sự mảng marketing số được “săn lùng” hơn nhưng cũng đi kèm nhiều yêu cầu hơn.
Tuy nhiên, thị trường lao động hiện tại sẽ còn có những biến động nhiều hơn nữa vào thời điểm các bạn học sinh, sinh viên ra trường trong 3 đến 4 năm tới. Nhưng việc bám sát những thay đổi từ nhà tuyển dụng sẽ giúp học sinh, sinh viên thay đổi để đáp ứng nhanh với hoàn cảnh hơn.
Nếu bạn đang quan tâm đến ngành marketing, con số điểm chuẩn trong năm 2023 được dự đoán là chưa thể hạ nhiệt so với năm 2022. Thế nhưng các thí sinh sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, bám sát với nhu cầu của thời đại hơn, thay vì chỉ dừng lại ở các ngành học chung chung và bó gọn lại ở một số lĩnh vực tổng quát cũ.
Vì thế, các thí sinh nên nắm bắt xu hướng của những ngành học marketing được mở rộng này để chọn cho bản thân một lối đi phù hợp nhất.
>>> Xem thêm: Dự báo thị trường tuyển dụng ngành marketing năm 2023
Tú Cẩm - MarketingAI
Tổng hợp
Bình luận của bạn