cover

Điểm qua 5 thương vụ bạc tỷ đáng xem nhất trên Shark Tank qua 2 năm lên sóng

27 Thg 08

Shark Tank là một chương trình truyền hình thực tế về gọi vốn thành công vang dội tại nhiều quốc gia trên thế giới, và đến 2017 chương trình đã bắt đầu lên sóng tại Việt Nam. Những hiệu ứng...

Shark Tank là một chương trình truyền hình thực tế về gọi vốn thành công vang dội tại nhiều quốc gia trên thế giới, và đến 2017 chương trình đã bắt đầu lên sóng tại Việt Nam. Những hiệu ứng ban đầu của chương trình nhận nhiều phản ứng tích cực từ khán giả, cũng như cách biên tập chương trình khá thu hút và hấp dẫn. Không thể không kể đến những Startup muôn màu vạn trạng khá độc đáo. Cùng MarketingAI tìm hiểu xem, sau 2 năm lên sóng những thương vụ bạc tỷ nào đang gây ấn tượng với khán giả của Shark Tank?

Top 5 thương vụ bạc tỷ đáng xem nhất trên Shark Tank Việt Nam

1. Luxstay 

Mức gọi vốn: 168 tỷ Đồng 

Đây được xem là thương vụ bạc tỷ nhiều tiền và thành công nhất trong cả 3 mùa lên sóng tại Shark Tank Việt Nam. Thêm vào đó, chú ý hơn cả đây là thương hiệu Việt Nam đầu tiên làm trong lĩnh vực cho thuê Homestay, căn hộ đầu tiên có thể cạnh tranh với Airbnb nổi danh trên thế giới. Luxstay của CEO Steven Nguyễn, một người khởi nghiệp từ 15 tuổi đã mạnh dạn kêu gọi 600.000 USD cho 1% cổ phần (tỷ lệ phát hành tối đa 20%, tương đương 12 triệu USD = khoảng 279 tỷ VNĐ). 

Cuộc thương lượng này mở màn ngay tại tập 1 của mùa 3 Shark Tank đã ngay lập tức gây được sự chú ý, mở màn cho 1 mùa sẽ có nhiều Deal khủng! Màn thương lượng giữa CEO của Luxstay với các Shark cũng được đánh giá là màn có nhiều lời đề nghị nhất. Các Shark liên tục trồng chéo những lời đề nghị đầu tư cũng như gọi mời hấp dẫn cho Steven Nguyễn. Cuối cùng, chốt lại bằng thỏa thuận từ Shark Hưng đầu tư 2 triệu USD (khoảng 46 tỷ VNĐ) cho 6.8% cổ phần trong đó, 1 triệu USD (khoảng 23 tỷ VNĐ) cho 4.8% cổ phần thêm 2% cổ phần ưu đãi giá 1 USD (23 nghìn VNĐ) kèm cam kết 1 triệu USD tiền mua cổ phần ở vòng sau với giá discount 20%.

Thế nhưng, thương vụ này tưởng chừng sẽ êm đềm khi có màn đầu tư ấn tượng bởi số tiền kỷ lục. Tuy nhiên, những cáo buộc của cư dân mạng về bức ảnh CEO Luxstay chụp chung với các Shark vào một bữa tiệc đã rộ lên nghi vấn sắp đặt kịch bản của chương trình Shark Tank. Nhiều người cho rằng, Luxstay thực chất là một thương hiệu được gài vào, nhằm tăng thêm phần kịch tính cho chương trình, cũng như nâng tầm danh tiếng cho thương hiệu, khi mà hãng đã có sự đầu tư trước đó để phát triển sản phẩm của mình. Câu chuyện đã tốn không ít giấy mực, và tin đồn hiện vẫn đang là một dấu hỏi lớn chưa được xác thực!

(Nguồn: Youtube)

Xem thêm: Rộ lên nghi vấn Startup được rót 6 triệu USD là COCC với các Shark Tank?

2. Gcalls

Mức gọi vốn: 23 tỷ đồng

Sẽ là thiếu sót lớn khi không nhắc đến Gcalls với màn gọi vốn của mình vào mùa đầu tiên của SharkTank, khi đây là Startup tỷ đô đầu tiên được Shark Linh đầu tư. Doanh nghiệp có thể sở hữu 1 đầu số hotline qua vài phút để khách hàng liên lạc trực tiếp bằng đường truyền viễn thông. 70% cổ phần Gcalls sở hữu bởi hai nhà đồng sáng lập, 30% còn lại thuộc về các cổ đông khác bao gồm Testra - Tập đoàn viễn thông nổi tiếng Australia.

Đây được xem là thương vụ đình đám đầu tiên của chương trình, và với màn Pitching thực sự thuyết phục. Ngay lập tức doanh nghiệp này nhận được Offer của 3 nhà đầu tư là Shark Phú, Shark Vương và cả Shark Linh - người đã chiến thắng trong cuộc đua này. Người duy nhất không tham gia đầu tư là Shark Hưng, nhưng ông tỏ ra khá thích thú với mô hình mà Gcalls đang hướng đến, ông là người có kinh nghiệm và cả nền tảng trong việc quản trị mô hình mà Startup này đang đi, thế nhưng những gì mà Gcalls thể hiện vẫn chưa cụ thể, vì vậy phó chủ tịch của CEN Group quyết định không đầu tư. 

Thế nhưng, Shark Linh mới là nhân vật thuyết phục được 2 nhà gọi vốn của Gcalls khi bà cho rằng, startup này có nhiều tiềm năng vì vậy bà quyết định đầu tư 23 tỷ đồng đổi lấy 45% cổ phần công ty.

(Nguồn: Youtube)

3. Power Centric

Mức gọi vốn: 1 Triệu USD (23,2 tỷ đồng)

Được coi như màn gọi vốn khá thành công, dự án Power Centric của Nguyễn Ngọc Minh, chàng Việt Kiều sinh ra từ Ninh Thuận đã gây ấn tượng mạnh trên thị trường. Về thăm quê, Minh nhận thấy nguồn điện ở Việt Nam không ổn định. Trong khi đó, các nước phát triển đang ra sức nghiên cứu giải pháp lưu trữ năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, nhằm phục vụ nhu cầu điện cho thiết bị công nghệ ngày càng tăng. Anh nảy ra ý tưởng chế tạo thiết bị năng lượng xanh.

Nhà sáng lập giới thiệu đến Shark sản phẩm bình trữ điện đa năng MoPo, sản phẩm có thể thay thế được ắc quy, chì axit hiện hành, đang được sử dụng rất phổ biến trên các xe điện và những hệ thống lưu trữ năng lượng. MoPo có kích thước và trọng lượng chỉ bằng ¼ so với các loại bình ắc quy thông thường. Đặc biệt, khi người dùng kết hợp với bộ chuyển đổi điện sẽ có ngay một máy phát điện di động dễ dàng kết nối và mở rộng công suất.

Cuối cùng, Shark Hưng thành công khi chiến thắng trong cuộc đua đầu tư vào startup năng lượng xanh với tổng mức đầu tư lên đến 1 triệu USD cho 25% cổ phần.

4. Soya Garden 

Mức gọi vốn: 15 tỷ đồng

Trước khi tham gia vào vào Shark Tank mùa 2, thì 2 CEO đồng sáng lập ra hệ thống Soya Garden đã cho biết cửa hàng này đã hoạt động được một thời gian. Tham gia gọi vốn chương trình, 2 CEO cho biết, Soya Garden mong muốn phát triển hệ thống trên quy mô toàn quốc. Với tiềm năng cực kỳ lớn, thứ nhất, đây là thương hiệu theo hệ thống đậu nành chuẩn hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam. Thứ hai, thói quen tiêu dùng của khách hàng Việt hiện nay tập trung nhiều vào thức uống có lợi cho sức khỏe. Thêm vào đó, việc trên thị trương chưa có một đối thủ ở phân khúc này biến Soya Garden là một cái tên đáng để đầu tư. Để thực hiện mục tiêu tiến vào TP.HCM và xây dựng ít nhất 5 cơ sở, công ty mong muốn gọi vốn 15 tỷ đồng cho 20% cổ phần.

Tuy nhiên, tưởng chừng những lợi thế sẵn có đó sẽ là bước đệm hoàn hảo cho màn Pitching trở nên ấn tượng với các nhà đầu tư. Thế nhưng, các Shark lại cảm thấy sản phẩm thực sự không có gì ấn tượng, hơn nữa với tư duy về tài chính mà chính người sáng lập còn mơ hồ - đó chính là điểm trừ lớn khiến 4/5 Shark quyết định không rót vốn vào mô hình mà Soya đang hướng đến.

Người cuối cùng lên tiếng là Shark Thủy - CEO Apax English cảm nhận được những nhiệt huyết từ 2 bạn trẻ đồng sáng lập nên thương hiệu. Ông nhận định, dự án có nhiều cái hay để phát triển, cùng với đó là sự nghiêm túc trong việc khởi nghiệp, nhưng cái duy nhất thiếu sót chính là sự "cáo" trên thương trường và tư duy tài chính. Chốt lại là màn rót vốn với yêu cầu, thứ nhất, Shark Thủy được kiểm soát hoàn toàn về tài chính. Thứ hai, ban đầu ông sẽ đầu tư 4 tỷ đồng cho 45% cổ phần công ty và 11 tỷ đồng còn lại dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp. Trong trường hợp thực hiện đúng KPI Shark Thủy sẽ rót tiếp 11 tỷ đồng. Nếu sau 2 năm không thực hiện được cam kết Soya Garden phải trả lại tiền cho ông Thủy.

Xem thêm: Lý do tại sao Phúc Long dù mạnh vẫn phải chịu nhường 2 vị trí đắc địa cho đối thủ

5. Sử Hộ Vương

Mức gọi vốn: 1 tỷ đồng

Đây là màn gọi vốn khác biệt nhất so với 4 cái tên vừa rồi, khi mà Sử Hộ Vương thất bại toàn tập khi gọi mời vốn 4 vị Shark của chương trình. Màn gọi vốn này còn gây bão cộng đồng mạng, khi nó gây tranh cãi trên hầu hết những fanpage lớn nhỏ về hình ảnh minh họa cho sản phẩm game này. Theo như những gì trình bày từ 2 nhà sáng lập của startup, Sử Hộ Vương được lấy cảm hứng từ những nhân vật lịch sử thân quen của Việt Nam, sản phẩm hướng tới khách hàng từ 15-24 tuổi, nhằm giúp giới trẻ hiểu biến hơn đến lịch sử nước nhà nhưng vẫn mang tính giải trí. Tuy nhiên, những hình ảnh của Hồ Xuân Hương, Lý Thường Kiệt hay Thánh Gióng... đều được xem là quá "lố lăng" với những hình tượng của những vị anh hùng, danh nhân này.

Khi tham gia trao đổi, gọi vốn với các nhà đầu tư, các Shark đã đưa ra những hạn chế và hình ảnh tiêu cực với đối tượng mà Sử Hộ Vương đang hướng tới. Thế nhưng, những phản bác của 2 người đồng sáng lập trò chơi này khẳng định rằng: "Những hình ảnh này được vẽ để cho hình ảnh có phần huyền ảo hấp dẫn hơn". Một chi tiết khá gay gắt, khi màn tranh luận lên tới đỉnh điểm khi các Shark không ủng hộ tư duy của 2 bạn trẻ sáng lập trò chơi, thì Hồ Phương Thảo, 1 trong 2 nhà sáng lập Sử Hộ Vương đã phản cáo lại: "Đã ai nhìn thấy bằng mắt hay có ảnh nhất định nào về những danh nhân lịch sử này chưa? hay hoàn toàn chỉ có trong tưởng tượng". Điều này đã khiến 4 vị Shark chững mất mấy giây, khi màn tranh luận được đưa lên sóng truyền hình, nó đã nổ ra cuộc tranh luận lớn, đa phần mọi người không ủng hộ những hình ảnh có phần hơi lố của thương hiệu. Phần còn lại thì cũng đồng tình với suy nghĩ kia của 2 nhà sáng lập khi chưa có hình ảnh cụ thể thì có thể sáng tạo để Game thêm phần sinh động.

Kết thúc màn gọi vốn, mặc dù là người phản đối mạnh mẽ nhất nhưng Shark Đỗ Liên lại đưa ra đề nghị đầu tư 1 tỷ đồng cho 10% cổ phần theo đúng ý của các nhà sáng lập kèm điều kiện, "Mục đích của tôi là muốn giữ giá trị nguyên gốc về văn hóa, lịch sử của người Việt. Các bạn được tự do phản biện nhưng khi số đông đồng ý với ý kiến của tôi thì các bạn phải làm theo". 2 bạn trẻ này không đồng ý với mức Deal của Shark Liên, và đã từ chối rời chương trình sau màn tranh luận khá gay gắt.

>>> Xem thêm: Pitching là gì? Những mẹo pitching thành công từ Shark Tank

Tạm kết

Shark Tank là một chương trình nơi những ý tưởng kinh doanh được ươm mầm và phát triển dưới sự hỗ trợ của những người có kinh nghiệm lâu năm trên thương trường. Thêm vào đó, 5 cái tên kể trên là 5 Startup tạo được những sự chú ý nhất định trên truyền thông khi màn thương lượng được lên sóng truyền hình. Dù được rót vốn hay không, các startup vẫn có những bước phát triển cho riêng mình và mặt hiệu ứng truyền thông sau khi lên sóng sẽ rất lớn. Đây sẽ là tiền đề để các hãng nâng cao danh tiếng cho riêng mình, và tạo ra được lợi thế lớn trước các đối thủ trong ngành.

Thắng Nguyễn - MarketingAI

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.