cover

Đế chế 20 tỷ USD Spotify: Thay đổi văn hóa nghe nhạc nhờ chiến lược cá nhân hóa và những ý tưởng marketing độc đáo

17 Thg 10

Từ một ứng dụng Startup, Spotify đã đánh bại những ông lớn như iTunes hay Napster để chiếm lĩnh vị thế dẫn đầu thị trường âm nhạc trực tuyến. Cho đến nay, dù đã có rất nhiều ứng dụng nghe nhạc mới gia nhập thị trường, nhưng Spotify vẫn giữ số lượng người dùng áp đảo và liên tục tăng trưởng qua từng năm. Vậy Spotify đã làm thế nào để có thể bảo vệ và không ngừng mở rộng thị trường toàn cầu?

Spotify và hành trình thống trị nền âm nhạc trực tuyến toàn cầu

Vượt qua loạt tên tuổi sừng sỏ như Apple Music, YouTube Music,... Spotify đang là cái tên thống trị nền âm nhạc trực tuyến trên toàn cầu với lượng người dùng lên tới hơn 515 triệu người dùng và 205 triệu user trả phí hằng tháng. Cho đến nay Spotify đã thành công phủ sóng hầu hết các khu vực trên toàn cầu, phát triển tại hơn 180 thị trường, trong đó có Việt Nam.

Spotify ra đời vào năm vào năm 2008, trong bối cảnh thị trường âm nhạc trực tuyến bắt đầu phát triển với những ứng dụng tải nhạc nổi bật như Napster, iTunes,... cho phép người dùng tải xuống bài hát trên các thiết bị để nghe nhạc. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn mà hàng loạt nền tảng nghe nhạc lậu, bất hợp pháp ra đời và khiến cho các hãng thu âm bị thiệt hại nặng nề. Trước thực trạng đó, nền âm nhạc trực tuyến buộc phải tìm ra một giải pháp mới cân bằng giữa các vấn đề về bản quyền, nhu cầu nghe nhạc miễn phí và cả trải nghiệm của người dùng.

Để giải quyết bài toán này, Chàng trai Thuỵ Điển David Ek bắt đầu nghĩ đến ý tưởng "phát nhạc trực tuyến" thay vì "tải nhạc trực tuyến" như những tên tuổi trước đó. Và đó cũng chính là tiền thân cho sự ra đời của Spotify - Một ứng dụng tối ưu vấn đề bản quyền mà Napster gặp phải, đồng thời đáp ứng nhu cầu nghe nhạc miễn phí mà iTunes lúc bấy giờ không thể thực hiện, và thậm chí là có thể nghe trên đa dạng thiết bị. Vì vậy, ngay từ giai đoạn đầu hình thành Spotify đã lập tức trở thành một điểm sáng mới trên thị trường âm nhạc, khiến cho ông hoàng công nghệ Apple (iTunes) cũng phải dè chừng.

Spotify và hành trình thống trị nền âm nhạc trực tuyến toàn cầu

Không ngoài mong đợi, từ năm 2006 - 2008, Spotify thành công đặt những bước chân đầu tiên nhờ vào chiến lược product market fit - tìm kiếm thị trường phù hợp với sản phẩm. Spotify cũng rất nhanh nhạy trong việc kết nối với những influencer trong ngành âm nhạc, đồng thời đảm bảo vấn đề pháp lý thông qua việc đàm phán với các hãng thu âm về bản quyền.

Sau khi đã có vị thế nhất định tại sân nhà, Spotify bắt đầu tham vọng quốc tế hóa vào giai đoạn 2008 - 2014. Đây cũng là giai đoạn, Spotify thay đổi mô hình kinh doanh mới kết hợp giữa miễn phí và trả phí để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong dài hạn. Đặc biệt, Spotify đã hợp tác cùng rất nhiều thương hiệu khác như Coca Cola, Motorola, Reebok,... giúp thương hiệu vừa có doanh thu từ quảng cáo, vừa tăng mức độ nhận diện nhờ vào tầm ảnh hưởng của các thương hiệu lớn.

Và cho đến nay, Spotify vẫn không ngừng cải tiến các thuật toán nhằm nâng tầm trải nghiệm của người dùng. Đồng thời bổ sung những tính năng mới lạ, độc đáo như Release Radar, Discovery Weekly, Nghe nhạc theo nhóm, Podcast,...

Dự đoán, Spotify sẽ tiếp tục giữ vững ngôi vương trên thị trường âm nhạc trực tuyến và sẽ cán mốc 100 tỷ USD vào năm 2030. Vậy những yếu tố nào đã khiến cho ứng dụng startup này có thể phát triển mạnh mẽ đến vậy?

Bài học kinh doanh đắt giá từ sự thành công của Spotify

#1. Luôn bám sát dữ liệu để mang lại trải nghiệm tối ưu cho người dùng

Đối với một ứng dụng âm nhạc, thì trải nghiệm người dùng là yếu tố quan trọng nhất để giữ chân khách hàng và đây cũng là ưu điểm vượt trội của Spotify.

Trước tiên, Spotify áp đảo mọi ứng dụng nghe nhạc trực tuyến khác nhờ sự thấu hiểu khách hàng đáng kinh ngạc. Ứng dụng này có khả năng đề xuất nhạc với độ chính xác rất cao, nhờ hệ thống deep learning có chức năng phân tích dữ liệu người dùng sâu sắc. Không chỉ là một bản nhạc phù hợp hành vi hay nhân khẩu học của user, Spotify còn có khả năng phát nhạc đúng theo mọi khoảnh khắc hay thậm chí là mọi tâm trạng. Điều này đã khiến những bản nhạc được phát trên Spotify có thể dễ dàng kết nối với cảm xúc người dùng, mang lại một trải nghiệm âm nhạc liền mạch, trọn vẹn nhất.

Bên cạnh việc đề xuất nhạc, Spotify còn rất chú trọng tới những trải nghiệm âm nhạc cá nhân hóa của người tiêu dùng. Thậm chí ứng dụng này có cả một bộ phận riêng để chịu trách nghiệm phát triển các tính năng Cá nhân hóa. Có thể thấy rõ điều này qua những tính năng đặc biệt như: Tạo các list nhạc dành riêng cho từng user, Spotify Wrapped - Bản tổng kết thường niên, Nghe nhạc cùng nhóm bạn,...

#2. Freemium - Chiến lược cân bằng giữa Miễn phí & Trả phí

Nghe nhạc miễn phí là một tính năng rất cần thiết để thu hút những người dùng mới, tuy nhiên lại không mang lại doanh thu tốt. Trong khi, tính năng Premium tạo nên một nguồn doanh thu hấp dẫn hơn nhưng lại rất khó để tiếp cận người dùng. Vì vậy, Spotify luôn lựa chọn cân đối giữa hai tính năng này.

Với tính năng Free, ứng dụng tăng cường các hoạt động quảng cáo giải quyết bài doanh thu Trong khi đó, phiên bản Premium lại thu hút người dùng bởi những đặc quyền hấp dẫn như: không quảng cáo, bỏ qua bài hát, tải xuống bài hát để nghe offline,...

#3. Mạng lưới đối tác đa dạng giúp tiếp cận đông đảo người tiêu dùng

Spotify sở hữu mạng lưới đối tác lên tới gần 80 thương hiệu trên toàn cầu, đa dạng về ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh. Những cú bắt tay tiêu biểu của ứng dụng này phải kể đến như:

  • Sàn thương mại điện tử Shopify: Mở gian hàng cho nghệ sĩ
  • Mạng xã hội như Facebook: Nghe nhạc trực tiếp trên Facebook.
  • Riot Games: Tạo vũ trụ âm thành dành riêng cho Liên Minh Huyền Thoại.
  • Starbucks: Tích điểm khi mua đồ Starbuck để mua gói Premium của Spotify.
  • Barcelona: Nhà tài trợ của đội bóng với các quyền lợi như sân vận động Spotify Camp Nou, trang phục in logo Spotify,...
Mạng lưới đối tác đa dạng giúp tiếp cận đông đảo người tiêu dùng

Mạng lưới đối tác này mang lại lợi ích truyền thông win-win cho cả Spotify và thương hiệu hợp tác. Đồng thời là tiền đề quan trọng để Spotify có thể tiếp cận những thị trường mới, khách hàng mới và mở rộng đa dạng tệp khách hàng.

Chiến lược marketing độc đáo giúp Spotify chinh phục Gen Z và Millennials

Ngoài ưu điểm về sản phẩm, những chiến lược tiếp thị ấn tượng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tấn công các thị trường mới của Spotify. Với nhóm khách hàng chủ đạo là Gen Z và Millennials, hoạt động marketing của Spotify đi theo phong cách hiện đại, trẻ trung với ý tưởng tiếp thị rất độc đáo, hài hước. Đặc biệt, mặc dù là một ứng dụng trực tuyến, nhưng Spotify lại rất chú trọng tới các hoạt động tiếp thị offline, gắn liền với đời sống văn hóa của người dùng. Chính điều này đã tạo nên sự kết nối đặc biệt giữa âm nhạc trực tuyến và đời sống thực tế, mang lại sức sống khác biệt cho âm nhạc của Spotify. Cụ thể:

#1. Loạt quảng cáo OOH kết hợp cùng Meme Marketing

Rất nhiều chiến dịch quảng cáo ngoài trời của Spotify đã gây sốt bởi những thông điệp hài hước, sáng tạo kết hợp với Meme Marketing - Một trong những xu hướng đặc trưng của GenZ. Điển hình như một số chiến dịch sau:

  • Skip the ads - Kết hợp thông điệp quảng bá với những tên tuổi nổi tiếng: Hàng loạt OOH xuất hiện trên đường phố với các thông điệp kỳ lạ như: Radiohead & shoulders" (Ban nhạc Radiohead và dầu gội Head & Shoulders), "Lana Del Rayban" (Lana Del Rey và kính Rayban), "Barcadi B" (Cardi B & rượu Bacardi),....
  • Music for every mood - Kết hợp với meme marketing để truyền tải thông điệp: Với content meme quen thuộc của Gen Z: Me & Also Me, chiến dịch đã thể hiện những tâm trạng quen thuộc của Gen Z gắn liền với những bài hát trên Spotify. Ví dụ như: Me: "It’okay, the breakup was mutual", ngược lại là Also Me: đang nghe Playlist thất tình "Sad Indie".
Loạt quảng cáo OOH kết hợp cùng Meme Marketing

#2. Tận dụng sức nóng của những chủ đề thịnh hành

Với mục tiêu là giới trẻ, Spotify không ngại bắt trend theo những chủ đề thịnh hành trên mạng xã hội. Điển hình như chiến dịch "Thanks, 2016. It’s been weird" được triển khai vào đúng dịp lễ tình nhân, Spotify đã tung một quảng cáo OOH đậm chất cà khịa: "Gửi những người đã nghe danh sách phát Forever Alone suốt 4 tiếng vào đúng ngày Valentine: Bạn có thật sự ổn không?". Social Media của thương hiệu cũng rất chăm chỉ cập nhật những chủ đề mà giới trẻ yêu thích, dưới những góc nhìn hài hước, ví dụ như: Sự thay đổi kiểu tóc của Justin Bieber qua mỗi bài hát" hay "The Weeknd là kiểu trai nào",...

Tận dụng sức nóng của những chủ đề thịnh hành

#3. Tấn công thị trường mới bằng các chiến dịch Marketing bản địa hóa

Bên cạnh những nội dung hài hước, Spotify còn có rất nhiều những chiến dịch marketing mang tính nghệ thuật được kết hợp với văn hóa bản địa đầy ấn tượng. Điển hình như chiến dịch "Sound Tour - Du lịch âm thanh" được Spotify tung ra vào giữa năm 2022 tại Nhật Bản. Với "Sound Tour", những âm thanh, giai điệu đặc trưng cho văn hóa của từng vùng miền được đưa vào trong từng bản nhạc. Đồng thời, Spotify đã sáng tạo 3 mã code ở 3 điểm du lịch Kanazawa của Nhật Bản để khách du lịch có thể quét mã và truy cập vào các playlist tương ứng của "Sound Tour". Đây là một trong những chiến lược quan trọng để lấy lòng người dân bản địa khi tấn công vào các thị trường mới của Spotify.

Tấn công thị trường mới bằng các chiến dịch Marketing bản địa hóa

>>> Xem thêm: Chiến lược marketing của Spotify - Tại sao lại "hot" đến vậy

Lời kết

Nhìn chung, yếu tố cốt lõi cho sự thành công của Spotify nằm ở việc khai thác dữ liệu người dùng rất sâu sắc. Những dữ liệu đó là nền tảng quan trọng để ứng dụng có thể cá nhân hóa tính năng, tăng cường trải nghiệm người dùng và tạo nên những chiến dịch marketing chạm đúng insight khách hàng.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.