- 1. Versace chính thức “về tay” Prada trong thương vụ trị giá gần 1,4 tỷ USD
- 2. Microsoft kỷ niệm 50 năm thành lập, ra mắt bộ nhận diện mới tôn vinh hành trình nửa thế kỷ
- 3. Q&Me công bố Top 10 ứng dụng phổ biến nhất của người Việt: TikTok bứt phá, vượt Facebook và Zalo trong nhóm người dùng trẻ
- 4. LEGO khánh thành nhà máy công nghệ cao tại Việt Nam – “Dấu mốc xanh” trong chiến lược toàn cầu
1. Versace chính thức “về tay” Prada trong thương vụ trị giá gần 1,4 tỷ USD
Ngày 10/4 vừa qua, tập đoàn thời trang cao cấp Prada vừa đạt được thỏa thuận mua lại đối thủ nhỏ hơn – Versace – với mức giá gần 1,4 tỷ USD. Thương vụ này được đánh giá là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự hợp nhất của hai trong số những tên tuổi biểu tượng nhất của ngành thời trang Italy.
Thỏa thuận mua lại được thực hiện với Capri Holdings – công ty mẹ hiện tại của Versace. So với con số 2,15 tỷ USD (gồm cả nợ) mà Capri từng bỏ ra để thâu tóm Versace vào năm 2018 từ gia đình sáng lập và quỹ đầu tư Blackstone, mức giá 1,38 tỷ USD mà Prada đưa ra lần này được cho là thấp hơn đáng kể. Tuy nhiên, điều này phản ánh thực tế rằng Versace đang gặp khó khăn về tài chính, trong khi Prada lại đang hồi phục mạnh mẽ

Prada thành công thâu tóm Versace với giá trị gần 1,4 tỷ USD
Trong năm 2024, Prada Group ghi nhận doanh thu 5,4 tỷ euro (tương đương 6 tỷ USD), tăng 17% so với năm trước, chủ yếu nhờ vào sự bứt phá ấn tượng của thương hiệu con Miu Miu, với mức tăng trưởng doanh số lên tới 93%. Ngược lại, Capri Holdings – đơn vị sở hữu Versace, Michael Kors và Jimmy Choo – cho biết trong báo cáo tài chính gần nhất rằng doanh thu dự kiến của Versace trong năm tài chính hiện tại sẽ giảm còn 810 triệu USD, so với 1 tỷ USD vào năm 2024.

Prada khẳng định muốn tiếp nối di sản của Versace
Giới phân tích đánh giá rằng thương vụ này không chỉ giúp Prada mở rộng quy mô, mà còn góp phần củng cố vị thế của thời trang Italy trong ngành hàng xa xỉ toàn cầu, vốn đang bị chi phối bởi các tập đoàn Pháp. Chủ tịch Prada, Patrizio Bertelli, khẳng định: “Chúng tôi muốn tiếp nối di sản của Versace, tôn vinh và tái hiện lại thẩm mỹ táo bạo và vượt thời gian của thương hiệu.” Với đặc trưng là các thiết kế mang phong cách baroque rực rỡ và táo bạo, Versace sẽ giúp Prada mở rộng tập khách hàng, bổ sung vào hình ảnh vốn gắn liền với sự tối giản thanh lịch. CEO Prada, Andrea Guerra, nhận định: “Versace có tiềm năng rất lớn, nhưng chặng đường phía trước đòi hỏi kỷ luật trong triển khai và sự kiên nhẫn.”
Đáng chú ý, đây là thương vụ lớn đầu tiên của Prada kể từ cuối những năm 1990 – sau các thương vụ mua lại Helmut Lang và Jil Sander mà chính ông Bertelli thừa nhận là “những sai lầm chiến lược”.
2. Microsoft kỷ niệm 50 năm thành lập, ra mắt bộ nhận diện mới tôn vinh hành trình nửa thế kỷ
Ngày 4/4 vừa qua đánh dấu chặng hành trình 50 năm phát triển của Microsoft. Nhân dịp này, Microsoft hợp tác cùng studio thiết kế toàn cầu Koto (đơn vị từng làm việc với Google Gemini, Netflix…) để ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới, phản ánh di sản công nghệ và tầm nhìn tương lai.

Microsoft vừa đánh dấu 50 năm hình thành và phát triển
Thành lập năm 1975, Microsoft đã gắn bó với nhiều thế hệ thông qua Windows, Office, Xbox… và nay là trí tuệ nhân tạo (AI). Những kỷ niệm như Paint, PowerPoint, Excel hay Halo đã trở thành một phần trong hành trình của hàng triệu người. Lấy cảm hứng từ những ký ức đó, Koto xây dựng bản sắc thương hiệu vừa hoài niệm vừa hướng tới tương lai, với thông điệp trung tâm “Change Needs Makers” – tôn vinh những người kiến tạo thay đổi.
Bộ nhận diện được thiết kế theo ba cấu trúc kể chuyện:
- Worlds: Thế giới nơi con người và công nghệ cùng tồn tại.
- Iconic Moments: Những dấu mốc đáng nhớ suốt 50 năm.
- Then & Now: So sánh quá khứ và hiện tại để thể hiện đổi mới liên tục.
Theo đó, thiết kế sử dụng logo Windows nguyên bản được làm mới theo phong cách 3D hiện đại, bảng màu gồm sáu sắc độ lấy từ di sản thương hiệu, cùng phông chữ Segoe Sans Display. Ngoài ra, bộ hình nền kỷ niệm tái hiện những biểu tượng gắn bó với người dùng như con trỏ chuột cổ điển, đĩa mềm, trợ lý Paperclip, và các yếu tố từ Xbox, Solitaire…

Thiết kế sử dụng logo Windows nguyên bản được làm mới theo phong cách 3D hiện đại
Joe Ling, Giám đốc Sáng tạo tại Koto chia sẻ: ‘Chúng tôi muốn thể hiện Microsoft không chỉ là một công ty, mà còn là chất xúc tác cho sự sáng tạo, đổi mới và thành tựu,”. Trong khi đó, Cassidy Moriarty, Giám đốc Chiến lược tại Koto cho biết thêm: : “Kỷ niệm 50 năm của Microsoft không chỉ là dịp để nhìn lại, mà còn là cơ hội để tái khẳng định điều đã luôn làm nên sự khác biệt của công ty: tinh thần đổi mới không ngừng.”
Bộ nhận diện mới được triển khai trên toàn bộ hệ sinh thái Microsoft – từ sự kiện, nền tảng nội bộ đến các kênh kỹ thuật số – như một cách khẳng định vai trò tiên phong của hãng trong công nghệ quá khứ, hiện tại và tương lai.
3. Q&Me công bố Top 10 ứng dụng phổ biến nhất của người Việt: TikTok bứt phá, vượt Facebook và Zalo trong nhóm người dùng trẻ
Nhằm hiểu rõ hơn về hành vi sử dụng ứng dụng di động của người dùng Việt, Q&Me - đơn vị nghiên cứu thị trường đã thực hiện khảo sát dựa trên dữ liệu “screen time” từ người dùng iPhone tại Hà Nội và TP.HCM vào tháng 3/2025. Theo đó, khảo sát tập trung phân tích tần suất sử dụng, thời lượng dùng ứng dụng, và so sánh xu hướng giữa năm 2023 và 2025 để làm rõ những thay đổi đáng chú ý.

Trung bình, mỗi người dùng dành 7,3 giờ/ngày cho điện thoại và truy cập gần 29 ứng dụng mỗi tuần
Một trong những điểm nổi bật là sự vươn lên mạnh mẽ của TikTok. Tỷ lệ người dùng TikTok hàng tuần tăng từ 69% (2023) lên 79% (2025). Thời gian sử dụng cũng tăng gần gấp đôi, từ 11% tổng thời gian sử dụng ứng dụng lên đến 20% chỉ sau hai năm.
TikTok hiện là ứng dụng phổ biến nhất trong nhóm người dưới 26 tuổi, vượt qua cả Facebook và Zalo. Trong khi đó, người từ 27 tuổi trở lên vẫn ưu tiên các nền tảng truyền thống như Zalo và Facebook. Sự phân hóa này cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong hành vi số giữa các thế hệ, đặc biệt khi nam giới trẻ có xu hướng dành nhiều thời gian hơn cho TikTok so với các ứng dụng khác.

Facebook, Zalo, TikTok, YouTube và Messenger vẫn chiếm gần 80% tổng thời gian sử dụng
Bên cạnh đó, mức độ gắn bó của người Việt với điện thoại thông minh đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Trung bình, mỗi người dùng dành 7,3 giờ/ngày cho điện thoại và truy cập gần 29 ứng dụng mỗi tuần – mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Trong đó, nữ giới và người trẻ là nhóm sử dụng ứng dụng tích cực nhất, phản ánh sự năng động và thích nghi nhanh với công nghệ của thế hệ trẻ Việt Nam.

Các app tài chính cũng chứng kiến sự tăng trưởng về thời gian sử dụng
Về cơ cấu thời gian sử dụng, người Việt dành: 43% thời gian cho mạng xã hội và 28% cho các ứng dụng nhắn tin. Mặc dù có hàng trăm lựa chọn ứng dụng khác nhau, Facebook, Zalo, TikTok, YouTube và Messenger vẫn chiếm gần 80% tổng thời gian sử dụng, cho thấy vai trò trung tâm của các nền tảng này trong việc kết nối xã hội, giao tiếp và giải trí.
4. LEGO khánh thành nhà máy công nghệ cao tại Việt Nam – “Dấu mốc xanh” trong chiến lược toàn cầu
Mới đây, tập đoàn LEGO chính thức khánh thành nhà máy mới mang tên LEGO Manufacturing Vietnam tại tỉnh Bình Dương. Đây là nhà máy thứ sáu trên toàn cầu và nhà máy thứ hai tại châu Á của LEGO, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược mở rộng khu vực và cam kết phát triển bền vững của tập đoàn. Với mục tiêu đưa trải nghiệm chơi LEGO đến gần hơn với trẻ em khắp thế giới, nhà máy tại Việt Nam đồng thời là nhà máy thân thiện với môi trường nhất từ trước đến nay của LEGO.

LEGO chính thức khánh thành nhà máy mới mang tên LEGO Manufacturing Vietnam tại tỉnh Bình Dương
LEGO đặt mục tiêu đưa toàn bộ nhà máy vận hành bằng năng lượng tái tạo 100% vào đầu năm 2026. Để hiện thực hóa điều này, hơn 12.400 tấm pin mặt trời áp mái đã được lắp đặt trên các tòa nhà trong khuôn viên nhà máy.
Bên cạnh đó, LEGO cũng hợp tác với Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) để phát triển một trung tâm năng lượng tái tạo, đặt tại khu vực liền kề. Trung tâm này sẽ tích hợp hệ thống Lưu trữ Năng lượng bằng Pin (Battery Energy Storage System) quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến hoạt động vào cuối năm 2025. Phần nhu cầu điện còn lại sẽ được đáp ứng thông qua hợp đồng mua bán điện (PPA) từ các nguồn tái tạo.

Nhà máy LEGO tại Việt Nam là cơ sở đầu tiên đạt tiêu chuẩn cao nhất trong đánh giá công trình xanhtoàn cầu.
Được biết, nhà máy LEGO tại Việt Nam cũng là cơ sở đầu tiên của tập đoàn đạt chứng nhận LEED Bạch Kim (Platinum) cho tòa nhà văn phòng và khu vui chơi trẻ em – tiêu chuẩn cao nhất trong đánh giá công trình xanh toàn cầu. Các khu vực sản xuất, đóng gói và kho vận cũng đạt chứng nhận LEED Vàng, phản ánh cam kết mạnh mẽ về thiết kế thân thiện với môi trường và hiệu quả năng lượng.
Một điểm nhấn khác trong mô hình vận hành của nhà máy là việc chuyển sang sử dụng túi đóng gói hoàn toàn bằng giấy – đây sẽ là nhà máy LEGO đầu tiên triển khai sáng kiến này, thay thế cho túi nhựa truyền thống.
Với các bước đi cụ thể và đột phá này, nhà máy LEGO tại Việt Nam không chỉ là biểu tượng cho sự đầu tư dài hạn và chiến lược của tập đoàn tại khu vực, mà còn là minh chứng sống động cho tham vọng tạo ra tương lai bền vững hơn cho thế hệ mai sau.
Bình luận của bạn