cover

ĐẦU TUẦN ĐỌC GÌ: Cuộc Bắc tiến của các “tay chơi” miền Nam 7-Eleven, GS25, Toshin và Thiso Mall

04 Thg 03
Content Writer

Content Writer

Hải Yến

Đón tin nóng hóng tin hot cùng Marketing AI ngay bây giờ nhé!

1. Starbucks khai trương cửa hàng đầu tiên kết hợp cà phê và cocktail tại Hà Nội

Starbucks vừa chính thức ra mắt cửa hàng Starbucks Reserve Mixology đầu tiên tại Việt Nam, mang đến trải nghiệm mới mẻ kết hợp giữa nghệ thuật pha chế cà phê thủ công và sự sáng tạo trong pha chế cocktail. Đây là mô hình đặc biệt, nơi khách hàng có thể thưởng thức những ly cà phê tinh tế đồng thời khám phá các loại cocktail độc đáo kết hợp giữa cà phê và những dòng rượu mạnh cao cấp.

Starbucks vừa chính thức ra mắt cửa hàng Starbucks Reserve Mixology

Starbucks chính thức ra mắt cửa hàng Starbucks Reserve Mixology đầu tiên tại Việt Nam

Theo đó, cửa hàng được đặt tại phố Quang Trung, Hà Nội, 'chiếm' được một vị trí đắc địa, cách hồ Gươm khoảng 500m, sở hữu hai mặt tiền và một trong số đó đối diện Hội sở Techcombank. Đặc biệt, cách đó khoảng 700m là Starbucks Reserve Phố Nhà Thờ, cửa hàng đầu tiên theo mô hình Reserve tại Hà Nội. Không gian bên trong của Starbucks Reserve Mixology rộng lên tới 600m2, được thiết kế sang trọng, mang đậm dấu ấn kiến trúc Châu Âu. Với vị trí trung tâm cùng không gian rộng lớn, chi phí thuê địa điểm này không hề nhỏ. Theo khảo sát từ các sàn bất động sản, Starbucks có thể phải chi trên 500 triệu đồng mỗi tháng để duy trì mặt bằng. Tại Tp.HCM, Starbucks 'nổi tiếng' với câu chuyện trả mặt bằng tại 'đất vàng' Hàn Thuyên khi chủ nhà tăng giá từ 600 triệu đồng lên 750 triệu đồng/tháng.

Mô hình Starbucks Reserve Mixology

Đây là mô hình đặc biệt, nơi khách hàng thưởng thức cà phê, các loại cocktail kết hợp giữa cà phê và rượu

Trước khi có mặt tại Hà Nội, mô hình Starbucks Reserve Mixology đã ghi dấu ấn tại nhiều thành phố lớn trên thế giới như New York, Tokyo, Milan, Thượng Hải... Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore là một trong những điểm đến nổi bật với cửa hàng Reserve Mixology mang phong cách ấn tượng.

Mô hình Starbucks Reserve Mixology

Không gian được bài trí theo phong cách châu Âu sang trọng

Việc lựa chọn Hà Nội làm điểm dừng chân tiếp theo cho thấy sự đánh giá cao của Starbucks đối với thị trường Việt Nam. Đồng thời, điều này cũng khẳng định vị thế của thủ đô như một trung tâm văn hóa và ẩm thực đầy năng động, nơi giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, sẵn sàng đón nhận những xu hướng mới từ thế giới.

2. Microsoft thông báo “khai tử” Skype từ ngày 5/5 tới, thay thế bằng Teams

Mới đây, Microsoft đã chính thức thông báo điều mà nhiều người đã dự đoán từ lâu: Skype sẽ chính thức ngừng hoạt động vào tháng 5. Trước đây, nền tảng này cũng từng nhiều lần có nguy cơ bị khai tử, nhưng sau đó Microsoft vẫn liên tục tung ra các bản cập nhật để duy trì. Tuy nhiên, tuyên bố lần này của Microsoft đã đặt một dấu chấm hết cho Skype.

Để chuẩn bị cho sự biến mất của Skype và đưa ra giải pháp thay thế cho người dùng, bản xem trước mới nhất của Skype trên Windows đã xuất hiện thông báo: “Bắt đầu từ tháng 5, Skype sẽ không còn khả dụng. Hãy tiếp tục cuộc gọi và trò chuyện của bạn trên Teams.” Thậm chí, thông báo còn nhấn mạnh rằng một số người trong danh bạ đã bắt đầu sử dụng Teams miễn phí, đánh dấu sự chuyển đổi từ Skype sang nền tảng mới của Microsoft.

Skype sẽ chính thức ngừng hoạt động vào tháng 5

Skype sẽ chính thức ngừng hoạt động vào tháng 5, người dùng được khuyến khích chuyển sang Teams

Ra mắt lần đầu vào năm 2003, Skype nhanh chóng trở thành nền tảng liên lạc phổ biến trước khi được Microsoft mua lại vào năm 2011. Sau khi tiếp quản, Microsoft đã khai tử một số dịch vụ liên lạc nội bộ như Windows Live Messenger, đồng thời cố gắng tích hợp Skype vào Windows 10 vào năm 2015. Tuy nhiên, hành trình của Skype dưới thời Microsoft không hề suôn sẻ.

Năm 2017, Microsoft giới thiệu Teams - một nền tảng cộng tác dựa trên công nghệ của Skype - để cạnh tranh với Slack. Kể từ đó, công ty tập trung nguồn lực vào Teams và dần lãng quên Skype. Trên thực tế, Skype lẽ ra đã bị khai tử từ 6 năm trước khi Microsoft tuyên bố chấm dứt Skype for Business, nhưng thay vì làm điều đó, họ vẫn duy trì Skype với các bản cập nhật nhỏ giọt.

Dù là một trong những nền tảng gọi video lâu đời nhất, Skype chưa bao giờ đạt được kỳ vọng của Microsoft. Sự thống trị của FaceTime từ Apple, thất bại của hệ điều hành Windows Phone, và chiến lược liên lạc thiếu nhất quán của Google đã khiến Skype mất dần vị thế. Đến năm 2021, khi ra mắt Windows 11, Microsoft đã tích hợp Teams thay vì Skype - tương tự cách họ từng làm với Windows 10 bản 1511 trước khi loại bỏ sau đó. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Microsoft không còn coi Skype là ưu tiên, và việc chính thức khai tử nền tảng này vào tháng 5 chỉ là điều tất yếu.

3. Nhựa Rạng Đông dừng hoạt động, chật vật với khoản nợ gần 1.200 tỷ đồng

Từng là một trong những doanh nghiệp nhựa lớn nhất Việt Nam, CTCP Rạng Đông Holding (HoSE: RDP) nay rơi vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng và bị chuyển nhóm nợ xấu trên hệ thống tín dụng quốc gia.

Nhựa Rạng Đông dừng hoạt động

Nhựa Rạng Đông đang chìm trong khủng hoảng với khoản nợ kếch sù

Theo báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024, doanh thu thuần của Nhựa Rạng Đông chỉ đạt 753 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn chiếm gần như toàn bộ doanh thu, khiến lợi nhuận gộp lao dốc 84%, còn hơn 22 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế và các chi phí khác, doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ 65 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2023 vẫn lãi hơn 11 tỷ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2024, tổng nợ phải trả của Rạng Đông Holding lên tới 1.700 tỷ đồng, gấp 6 lần vốn chủ sở hữu, trong đó 72% là các khoản vay và nợ thuê tài chính. Dù báo cáo tài chính tự lập không thuyết minh chi tiết về các khoản vay, báo cáo kiểm toán năm 2023 cho thấy phần lớn chủ nợ của công ty là các ngân hàng. Đáng chú ý, cổ phiếu Rạng Đông đã bị đình chỉ giao dịch từ 28/11/2024 do liên tục vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.

Trong báo cáo giải trình về việc chậm công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 và báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2024, Nhựa Rạng Đông cho biết cả công ty mẹ, công ty con và công ty thành viên đều đã ngừng hoạt động. Tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng khiến việc tổng hợp số liệu và lập báo cáo tài chính đúng hạn trở nên khó khăn.

Nhựa Rạng Đông dừng hoạt động

Kết quả kinh doanh của Nhựa Rạng Đông lao dốc trong những quý gần đây

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất, toàn bộ 5 thành viên Hội đồng Quản trị RDP nhiệm kỳ 2023-2028, bao gồm Chủ tịch Hồ Đức Lam, đã đồng loạt nộp đơn từ nhiệm.

Trước đó, vào tháng 1/2024, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Rạng Đông Holding. Đáng chú ý, đơn này được đệ trình bởi chính CTCP Rạng Đông Films - công ty con do RDP nắm 97,7% vốn. Đến ngày 24/1, tòa án chính thức ra thông báo về việc mở thủ tục phá sản, với xác nhận của đại diện công ty, ông Bùi Đắc Thiện. Với tình hình tài chính kiệt quệ, bộ máy quản lý rệu rã và áp lực pháp lý ngày càng gia tăng, tương lai của Nhựa Rạng Đông gần như đã được định đoạt.

4. Cuộc Bắc tiến của các “đại gia” miền Nam: 7-Eleven, GS25, Toshin và Thiso Mall ồ ạt mở siêu thị ở Hà Nội

Hà Nội đang ngày càng khẳng định sức hút của mình trên bản đồ bán lẻ khi chào đón hàng loạt tên tuổi đình đám trong lĩnh vực này. Tiêu biểu, mới đây, 7-Eleven - một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới xác nhận sẽ mở cửa hàng tại Hà Nội. Thông tin này được công bố trên fanpage 7-Eleven Việt Nam, kèm theo về mô hình cửa hàng tiện lợi, hiện đại, phục vụ 24/7. Trước đó, thương hiệu này cũng đã mở tới 124 cửa hàng tại Tp.HCM. Thành lập năm 1927 tại Mỹ, thương hiệu hoạt động liên tục cả ngày, cung cấp đa dạng sản phẩm, từ thực phẩm, đồ uống đến hàng tiêu dùng nhanh. Hiện 7-Eleven đang sở hữu 62.000 cửa hàng tại 19 quốc gia.

7-Eleven xác nhận mở cửa hàng tại Hà Nội

7-Eleven - một trong những chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn nhất thế giới xác nhận sẽ mở cửa hàng tại Hà Nội.

Bên cạnh 7-Eleven, GS25 - chuỗi cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc - cũng đang lên kế hoạch mở rộng ra Hà Nội, khi bắt đầu tuyển dụng nhân sự cho chi nhánh tại đây, cho thấy kế hoạch khai trương không còn xa. Được biết, GS25 thuộc Công ty TNHH GS25 Việt Nam, liên doanh giữa GS Retail Hàn Quốc (30% cổ phần) và Công ty Cổ phần Sơn Kim Retail. Chuỗi này đang mở rộng nhờ mô hình kinh doanh nhượng quyền và danh mục sản phẩm đa dạng.

GS25 chuẩn bị mở cửa hàng tại Hà Nội

Cuộc đua ngành bán lẻ tại thủ đô trở nên nhộn nhịp hơn với sự góp mặt của GS25

Không chỉ các cửa hàng tiện lợi tỏ ra hứng thú với thị trường thủ đô, nhiều trung tâm thương mại đang “chọn mặt gửi vàng” Hà Nội để phát triển. Sau thành công của Lotte Mall Westlake từ năm 2023, năm 2025 sẽ chào đón Hanoi Centre – do Keppel thuê toàn bộ khu trung tâm thương mại để quản lý, vận hành và khai thác.

Cùng với đó, thị trường 2026 sẽ sôi động hơn với sự xuất hiện của Thiso Mall và Toshin tại Starlake. Thiso Mall - thương hiệu thuộc tập đoàn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương, kinh doanh và quản lý vận hành các bất động sản với mô hình “một điểm đến - nhiều tiện ích, dịch vụ”. Từ khi mua lại Emart tại Việt Nam của đối tác ngoại, vị tỷ phú này không giấu tham vọng lớn với mảng bán lẻ. Tại Hội nghị năm 2022, Thaco công bố mục tiêu đến năm 2026: Mở 20 đại siêu thị Emart, doanh số 1 tỷ USD và dẫn đầu thị trường đại siêu thị tại Việt Nam.

Thiso Mall xuất hiện tại Starlake

Thiso Mall - thương hiệu thuộc tập đoàn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương sẽ xuất hiện tại Starlake vào 2026

Việc hàng loạt “tay chơi” bán lẻ Bắc tiến cho thấy sự đầu tư bài bản của các tập đoàn lớn như Aeon, Lotte, Keppel. Nhờ đó, Hà Nội trở thành “miền đất hứa” thu hút thêm nhiều thương hiệu quốc tế, góp phần tăng trưởng mạnh mẽ cho thị trường bán lẻ thủ đô.

>>> Đọc thêm: ĐIỂM TIN TUẦN: Messenger thay đổi logo lần đầu tiên sau 5 năm, 7-Eleven và GS25 "tiến quân" ra Hà Nội

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.