cover

Đa dạng cách GenZ chăm sóc sức khỏe tinh thần 2024: Học cách xây dựng thói quen từ thói quen

19 Thg 02

Theo thống kê từ công ty dữ liệu Axa, có tới hơn 50% người lao động thuộc Gen Z đang có sức khỏe tinh thần ở mức kém. Con số này cho thấy, suy giảm sức khỏe tinh thần không còn là một vấn đề của một vài cá nhân, mà đang dần trở thành một vấn nạn chung của phần đông người lao động trẻ hiện nay. Từ áp lực trong công việc, nỗi lo về tài chính, làn sóng cắt giảm, sự thay thế bởi công nghệ,... vô số những vấn đề đang khiến cho tinh thần của người trẻ bị bào mòn mỗi ngày tại nơi làm việc. Kéo theo đó, là sức khỏe thể chất, hiệu suất công việc cũng như trạng thái cảm xúc cũng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Vậy làm thế nào để Gen Z có thể tự bảo vệ và nuôi dưỡng sức khỏe tinh thần của chính mình?

Từ sự trỗi dậy Lazy-girl Job - Lời cảnh tỉnh về sức khỏe tinh thần của dân văn phòng

Một phóng sự mới đây vào tháng 1 trên VTV1 đã nhắc đến xu hướng làm việc "lười biếng" của người trẻ (Lazy - girl job). Thực tế, Lazy-girl job không phải là một hiện tượng mới lạ, mà nó đã và đang trở thành một trong những xu hướng làm việc ng nổi bật của rất nhiều bạn trẻ trong những năm trở lại đây.

Có thể hiểu đơn giản, lazy-girl job là xu hướng lựa chọn những công việc nhẹ nhàng, ít căng thẳng, với mục tiêu đáp ứng được mức chi tiêu cơ bản trong cuộc sống. Đây có thể xem là xu hướng được nâng cấp hơn từ anti-work - Một trào lưu nổi tiếng của giới trẻ hiện nay, với mục tiêu hướng tới quyền lợi của người lao động, chống lại những yếu tố tiêu cực, áp lực trong công việc.

Cũng theo một khảo sát vào năm 2023 của Deloitte, được thực hiện với gần 24,000 Gen Z và Millennials toàn cầu đã cho ra kết quả rằng, có gần một nửa trong số họ đang cảm thấy kiệt sức trong công việc. Như vậy, có thể thấy môi trường làm việc áp lực chính là nguyên nhân lớn nhất đang dần dần bào mòn sức khỏe tinh thần của người lao động trẻ hiện nay.

Từ sự trỗi dậy Lazy-girl Job - Lời cảnh tỉnh về sức khỏe tinh thần của dân văn phòng

Những giải pháp như lazy-girl job, anti-work,... có thể mang lại sự thoải mái nhất thời cho người lao động. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn một số rủi ro trong tương lai, ví dụ như thu nhập thiếu ổn định, thiếu động lực phấn đấu trong công việc,... Và hơn hết, dù là làm việc full-time, freelance, remote hay side-hustles,... vẫn sẽ luôn có những áp lực phát sinh. Vì vậy, thay vì quá phụ thuộc vào những xu hướng trên, người trẻ cần nuôi dưỡng và bảo vệ sức khỏe tinh thần từ bên trong.

Người trẻ cần làm gì để bảo vệ sức khỏe tinh thần trước áp lực công việc

1. To-do-list - Thủ thuật tâm lý cũ nhưng vẫn luôn hiệu quả

To-do-list - Danh sách những công việc, mục tiêu cần làm là một tips rất nhỏ nhưng lại có thể cải thiện đáng kể sức khỏe tinh thần của bạn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến áp lực trong công việc là khối lượng công việc quá lớn, khiến bạn không biết phải làm từ đâu, dễ mệt mỏi khi phải thực hiện trong dài hạn. Vì vậy, một To-do-list chia nhỏ các đầu việc, mục tiêu sẽ giúp bạn có được cảm giác thành tựu khi thực hiện xong từng đầu việc, cảm nhận rõ ràng hơn về tiến độ của công việc.

2. Thiết lập ranh giới công việc và cuộc sống cá nhân

Sự lẫn lộn giữa thời gian dành cho công việc và cho cuộc sống cũng khiến cho người trẻ luôn cảm thấy bị kiệt sức, bị bủa vây bởi công việc. Vì vậy, hãy cân bằng giữa công việc và cuộc sống bằng cách vạch rõ ranh giới giữa hai hoạt động này. Xây dựng một không gian và thời gian làm việc riêng biệt, tách khỏi cuộc sống cá nhân. Đồng thời dành một khung thời gian nhất định cho các hoạt động cá nhân, tách riêng không gian thư giãn nghỉ ngơi với nơi làm việc. Tránh kiểm tra email, tin nhắn công việc,... ngoài giờ làm việc. 

Những thói quen tưởng chừng chăm chỉ này lại khiến cho thời gian cá nhân của bạn bị xâm phạm và vô tình làm tăng mức độ căng thẳng trong công việc.

Thiết lập ranh giới công việc và cuộc sống cá nhân

3. Cải thiện sức khỏe thể chất - nền tảng của sức khỏe tinh thần

Muốn có một sức khỏe tinh thần tốt, trước tiên bạn phải có một cơ thể đủ khỏe mạnh. Dưới đây là một số hoạt động quan trọng nhất để cải thiện sức khỏe thể chất của dân văn phòng:

  • Thể dục: Không nhất thiết phải dành hàng giờ trong phòng gym mới là thể dục. Bạn có thể tập thể dục tại nhà, theo những bài tập nhẹ nhàng trên mạng, hoặc tham gia các hoạt động thể dục ngoài trời như đi bộ, chạy bộ,... Hay tập những bộ môn vận động mà bạn yêu thích như võ thuật, nhảy, múa,... Những bài tập thể dục nhẹ nhàng cũng đã đủ để sức khỏe tinh thần của bạn được hồi phục sau những giờ làm việc căng thẳng.
  • Dinh dưỡng: Thói quen ăn uống lành mạnh không chỉ mang lại một cơ thể khỏe mạnh, mà còn trực tiếp ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của bạn. Một chế độ ăn có quá nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường tinh chế,... là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ trầm cảm và rối loạn lo âu. Thay vào đó, chế độ ăn giàu omega-3 và kẽm sẽ làm tăng kết nối giữa các tế bào não và cải thiện sức khỏe tinh thần.
  • Đảm bảo giờ nghỉ trưa: Thời gian nghỉ trưa tuy ngắn nhưng lại là một khung giờ vàng để hồi phục sức khỏe thể chất và tinh thần sau một buổi sáng làm việc căng thẳng, giúp bạn chuẩn bị trạng thái tốt nhất cho giờ làm việc buổi chiều.

4. Xây dựng thói quen ngủ khoa học và đều đặn

Giấc ngủ là một trong những hoạt động của cơ thể có ảnh hưởng lớn nhất tới tinh thần của con người. Khi giấc ngủ bị gián đoạn, thiếu khoa học sẽ ảnh hưởng lớn đến mức độ dẫn truyền thần kinh, làm tăng hormone căng thẳng, suy giảm khả năng điều chỉnh cảm xúc và suy nghĩ. Theo một nghiên cứu của Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ), khi các nhà khoa học giảm ⅓ thời lượng ngủ của nhóm người tham gia khảo sát, kết quả đã khiến cho tâm trạng của họ bị tác động rất tiêu cực.

Bởi vậy, một giấc ngủ khoa học là điều không thể thiếu khi chăm sóc sức khỏe tinh thần của bạn. Ngoài những hệ quả tâm thần như trên, thiếu ngủ cũng khiến hiệu suất công việc bị ảnh hưởng và khiến cho áp lực công việc càng trở nên lớn hơn.

Vậy làm thế nào để chăm sóc giấc ngủ của bạn?

Trước tiên, hãy giảm thiểu những tác nhân gây mất ngủ xung quanh bạn như caffeine, cồn, ánh sáng từ các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính… Xây dựng khung thời gian cho việc ngủ nghỉ và tuân thủ đều đặn khung giờ này. Ngoài ra, có rất nhiều những thiết bị, sản phẩm có thể giúp cho bạn vào giấc ngủ dễ dàng hơn như nến thơm, nghe nhạc không lời, các thiết bị mát xa,... kết hợp với việc thiết kế không gian phòng ngủ ấm cúng, tập thể dục nhẹ nhàng trước khi ngủ,... Ngoài ra, nên hạn chế những giấc ngủ ngắn nhiều lần trong ngày, để đảm bảo chất lượng của giấc ngủ chính.

5. Tạm ngắt kết nối với công nghệ

Ngắt kết nối với thế giới số để kết nối với thế giới nội tâm là một xu hướng healing rất phổ biến sau đại dịch Covid 19. Từ những kỳ nghỉ ngoài vùng phủ sóng, xu hướng cắm trại tại những nơi hoang sơ,... hay chỉ đơn giản là tắt điện thoại đi và dành thời gian cho việc đọc sách, thể dục, nấu nướng,... Việc ngắt kết nối với công nghệ không chỉ giúp con người “chạy trốn” khói những thông báo, email, tin nhắn công việc,... mà thực tế khi tiếp xúc quá nhiều với những thiết bị công nghệ cũng phần nào ảnh hưởng tới cơ thể và não bộ của bạn.

Vậy bạn có thể làm gì để ngắt kết nối tạm thời với công nghệ?

  • Du lịch trải nghiệm: Các chuyến du lịch khám phá thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống hoang sơ,... đã trở nên rất phổ biến tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.
  • Thiền định: Thiền luôn là một phương pháp healing rất hiệu quả, giúp bạn có thời gian để sống chậm lại, thả lỏng tinh thần và rũ bỏ những lo âu. Ngoài các lớp thiền, cũng có rất nhiều ứng dụng hỗ trợ thiền định như: Mindfulness, Happy Not Perfect, Waking Up, Calm và Headspace,...
  • Dành thời gian cho thiên nhiên, hoạt động ngoài trời: Một nghiên cứu của Tiến sĩ Mathew White (Đại học Exeter) chỉ ra rằng việc dành ít nhất 2 tiếng mỗi tuần ngoài thiên nhiên sẽ giúp bạn khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.
  • Các hoạt động nhỏ khác như: Đọc sách, tập thể dục,...
Tạm ngắt kết nối với công nghệ

6. Habit-stacking - Xây dựng thói quen từ thói quen

Những phương pháp trên đều không khó thực hiện, nhưng trở ngại lớn nhất đối với mỗi chúng ta đó là việc thực hiện chúng đều đặn, biến chúng thành thói quen hằng ngày. Và Habit-stacking chính là lời giải cho vấn đề sau cùng này.

Habit-stacking (xếp chồng thói quen) là một thuật ngữ thú vị được giới thiệu bởi SJ Scott trong cuốn Habit Stacking: 97 Small Life Changes That Take Five Minutes or Les. Có thể hiểu đơn giản Habit-stacking là việc xây dựng những thói quen mới bằng cách thực hiện nó cùng với những thói quen hằng ngày của bạn.

Trên thực tế, khi bắt đầu một thói quen mới, chúng ta thường dễ cảm thấy chán nản, mệt mỏi, hoặc nghĩ ràng bản thân không còn thời gian rảnh cho thói quen đó. Chính những điều này khiến bạn nản chí và tiếp tục trì hoãn việc thực hiện thói quen đó. Thay vào đó, hãy thử xây dựng thói quen mới một cách từ từ, tập luyện cùng với những thói quen cũ để cơ thể cũng như tinh thần của bạn dần thích nghi với hoạt động mới.

Ví dụ, thay vì đột ngột thêm 1 giờ thể dục vào daily routine, hãy thử thêm 10 phút thể dục nhẹ nhàng khi thức dậy vào mỗi sáng. Và từ đó, dần dần tăng thời gian thể dục nhiều hơn khi bạn đã dần dần thích nghi với thói quen mới này.

Habit-stacking - Xây dựng thói quen từ thói quen

Bên cạnh những tips & tricks trên, bạn đọc cũng có thể tìm đến những giải pháp tư vấn trị liệu tâm lý với chuyên gia và bác sĩ.

>>> Xem thêm: Báo cáo data insight của người tiêu dùng 2024: Gen Z đi đầu trong việc chống lại sự kỳ thị về sức khỏe tinh thần

Lời kết:

Nhìn chung, để nuôi dưỡng một sức khỏe tinh thần vững vàng, thế hệ trẻ cần hình thành những thói quen lành mạnh hơn, dành thời gian cho bản thân, tìm về với thiên nhiên và bớt sự phụ thuộc vào công nghệ. Và hơn hết, việc quản lý sức khỏe tinh thần hiệu quả phụ thuộc vào việc kiên trì để duy trì những thói quen lành mạnh trong cuộc sống hằng ngày.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.