Việc Google cho biết sẽ kiểm soát quyền riêng tư chặt hơn và tiến tới chặn cookie của bên thứ ba được truy cập thông qua Chrome trong một năm tới đang khiến cho cụm từ “cookie là gì” trở thành một trong những chủ đề thảo luận sôi nổi trong giới marketing. Trên thực tế, cookie đang được coi là một yếu tố cần thiết trong quá trình duyệt web, giúp cho các nhà phát triển web cung cấp cho bạn những lượt truy cập trang web tiện lợi và cá nhân hơn. Nó cũng cho phép các trang web nhớ đến bạn, nhờ khả năng lưu thông tin duyệt web chi tiết nhất có thể. Vậy nên có thể nói, cookie là một yếu tố cần thiết trong kỷ nguyên Internet hiện đại, nhưng đồng thời, nó cũng là một kho tàng thông tin cá nhân, một lỗ hổng về quyền riêng tư mà đang gây ra nhiều rủi ro cho người dùng. Và để các bạn có thể hiểu rõ hơn cookie là gì cũng như các vấn đề liên quan đến cookie, MarketingAI đã mang tới bài viết này!
Cookie là gì?
Cookie hay còn được gọi với cái tên đầy đủ là Cookie HTTP là các tệp văn bản với các phần dữ liệu nhỏ - như tên người dùng và mật khẩu - được sử dụng để xác định danh tính và thông tin của người dùng khi họ sử dụng máy tính để truy cập vào các trang web. Các tệp văn bản này là do chính trang web người dùng truy cập tạo ra, nhằm mang đến một trải nghiệm online dễ dàng hơn thông qua việc lưu thông tin duyệt web.
Với Cookie, người dùng có thể duy trì trạng thái đăng nhập và ghi nhớ các hành động đang thực hiện trên trang web và các trang web cũng thông qua đó để cung cấp các nội dung phù hợp với vị trí của người dùng trong những lần truy cập sau.
Nói tóm lại, Cookie được sử dụng để xác định danh tính một người dùng cụ thể và cải thiện trải nghiệm duyệt web của bạn.
Được biết, dữ liệu được lưu trữ trong cookie được tạo bởi máy chủ dựa trên kết nối của bạn với trang web, sau đó, dữ liệu này sẽ được gắn nhãn ID duy nhất cho bạn và máy tính của bạn. Vì vậy, khi cookie được trao đổi giữa máy tính của bạn và máy chủ mạng, máy chủ sẽ đọc ID và biết thông tin nào cần cung cấp cụ thể cho bạn.
>>> Xem thêm: Google Analytics 4 là gì?
Các thuật ngữ Cookie thông dụng
Các loại cookie khác nhau được gọi tên bằng các thuật ngữ khác nhau, tùy vào đặc điểm và mục đích sử dụng của cookie đó. Các thuật ngữ được nhắc tên bên dưới đây sẽ giữ nguyên tên gốc tiếng Anh để đảm bảo về mặt ngữ nghĩa.
Session cookie
Session cookie (tạm dịch: "cookie phiên chạy") là loại cookie chỉ tồn tại trong bộ nhớ tạm thời khi người dùng duyệt web. Thông thường, trình duyệt sẽ xóa bỏ cookie khi người dùng ngừng phiên duyệt web. Tuy nhiên, Session cookie không giống như các loại cookie khác, nó không có thời hạn có hiệu lực. Vì thế, đây cũng là yếu tố giúp trình duyệt phân biệt Session cookie với các loại cookie khác.
Persistent cookie
Trái lại Session cookie, Persistent cookie (tạm dịch: "cookie cố định") sẽ hết hiệu lực sau một khoảng thời gian nào đó đã được ấn định từ trước. Trong thời gian có hiệu lực, thông tin mà persistent cookie lưu lại sẽ được gửi đến máy chủ của website mà người dùng truy cập mỗi khi họ truy cập vào trang đó, hoặc khi họ truy cập vào một nguồn tài nguyên thuộc website thông qua một website khác.
Secure cookie
Secure cookie (tạm dịch: "cookie an toàn"), đúng như cái tên của nó, sẽ chỉ có thể được gửi và nhận thông qua một kết nối được mã hoá (HTTPS) để đảm bảo tính an toàn, có nghĩa là với các kết nối không được mã hóa (HTTP), các Secure cookie sẽ không được gửi và nhận.
Http-only cookie
Tiếp theo, Http-only cookie (tạm dịch: "cookie Http") là loại cookie không được truy cập bởi các giao diện lập trình ứng dụng (API) từ phía người dùng (client-side APIs) như JavaScript.
Same-site cookie
Same-site cookie hay còn gọi là "cookie cùng-trang" là loại cookie chỉ được gửi qua các yêu cầu xuất phát cùng một tên miền mục tiêu. Same-site cookie ra đời vào 2016 cùng với sự xuất hiện của Google Chrome phiên bản 51.
Third-party cookie
Đây là loại cookie được nhắc đến nhiều nhất trong những ngày gần đây và cũng là loại cookie mà Google tuyên bố sẽ ngừng triển khai kể từ tháng 5/2022. Vậy Third-party cookie là gì?
Bạn có thể hiểu đơn giản, thông thường, thông tin về tên miền của một cookie sẽ trùng với tên miền được hiển thị ở thanh địa chỉ của trình duyệt, và đây là loại cookie của bên thứ nhất, hay tên tiếng anh là First-party cookie.
Khác với nó, một loại cookie khác là third-party cookie (tạm dịch: "cookie bên thứ ba") sẽ thuộc một tên miền khác với tên miền trên thanh địa chỉ. Cookie loại này thường gặp trong trường hợp một website hiển thị thông tin từ các website khác, ví dụ như các banner quảng cáo từ website khác và trong thời đại ngày nay, đây là loại cookie cực kỳ phổ biến. Theo một khảo sát được thực hiện năm 2018 của Alexa, trong 938,093 trang web phổ biến, có tới hơn 70% số trang được tải xuống có chứa third-party cookie với số lượng hơn 11 cookie mỗi trang tin.
>> Xem thêm: Giải pháp thay thế cookie của bên thứ ba của Google ảnh hưởng thế nào đến marketer?Supercookie
Một loại cookie đặc biệt khác là Supercookie (tạm dịch: "cookie chủ"). Đây là loại cookie xuất phát từ các tên miền ở tầng cao nhất (ví dụ như.com) hay các hậu tố công cộng (public suffix) như.co.uk.
Supercookie được coi là một mối nguy hiểm tiềm tàng vì các supercookie có thể được dùng để ngụy trang một yêu cầu phi pháp tưởng chừng như hợp pháp từ phía người dùng.
Zombie cookie
Zombie cookie (tạm dịch: "cookie ma") là loại cookie cuối cùng trong danh sách và cũng là loại cookie đã bị Google xoá đi.
Ưu và nhược điểm của Cookie là gì?
Ưu điểm của Cookie
1. Thân thiện với người dùng
Ưu điểm của cookie là gì (Ảnh: Adpushup)
Cookie cực kỳ thân thiện với người dùng. Khách hàng có thể chọn những gì họ cần làm với cookie. Tất cả các trình duyệt đều có cài đặt để xóa lịch sử bao gồm cả cookie. Người dùng có thể tìm thấy các tệp văn bản cookie được lưu trữ trong ổ cứng theo cách thủ công và có thể chọn chỉnh sửa và xóa chúng.
2. Tính khả dụng
Cookie cũng có thể được đặt ở chế độ khả dụng trong một khoảng thời gian dài hơn. Khi cookie được lưu trữ trên ổ cứng của người dùng, nó sẽ khả dụng miễn là người dùng xóa chúng theo cách thủ công. Ngay cả khi máy chủ bị lỗi, thông tin có thể được truy xuất từ cookie.
3. Sự tiện lợi
Bên cạnh các tùy chọn duyệt web, cookie cũng có khả năng ghi nhớ các thông tin liên quan đến biểu mẫu điền trên trang web (ví dụ như thông tin đăng nhập, giỏ hàng,..). Vì vậy, mỗi khi người dùng truy cập trang web, các thông tin trong biểu mẫu sẽ được điền tự động. Tuy nhiên, cookie sẽ không nhớ thông tin bảo mật như thông tin thẻ tín dụng.
4. Marketing
Hầu hết các công ty, đặc biệt là các trang thương mại điện tử có xu hướng sử dụng cookie để nhắm mục tiêu sản phẩm đến khách hàng của họ. Thông tin như cụm từ tìm kiếm, từ khóa và vị trí địa lý được thu thập để sử dụng cho chiến dịch tiếp thị của họ. Ngay cả các trang mạng xã hội như Facebook cũng sử dụng cookie để hiển thị các quảng cáo có liên quan.
5. Cấu hình
Cookie cũng có thể được thiết lập cấu hình theo yêu cầu. Ví dụ: nó có thể hết hạn sau khi người dùng đóng tab trình duyệt hoặc đặt thành chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian cụ thể. Ở đây, bạn có thể hiểu là người dùng có thể thiết lập cấu hình cookie thành các loại khác nhau như ở trên đã giải thích.
6. Giảm yêu cầu lên máy chủ
Tất cả dữ liệu liên quan đến cookie được lưu trữ trên ổ cứng mà không cần sử dụng tài nguyên máy chủ. Không có tải trọng hoặc trọng lượng bổ sung được thêm vào máy chủ. Do đó, ít gánh nặng hơn được đặt lên họ, giúp cookie dễ triển khai hơn.
Nhược điểm của Cookie
1. Tác động của trình duyệt
Cookie không bị hạn chế số lượng trong quá trình người dùng sử dụng internet. Điều đó có nghĩa là người dùng lướt web càng nhiều thì lượng cookie được tích lũy càng tăng. Trừ khi người dùng xóa chúng, còn không các cookie này sẽ là một phần của dung lượng ổ cứng và sẽ làm chậm quá trình tải trình duyệt của bạn.
2. Rủi ro bảo mật
Vì cookie được lưu trữ trong ổ cứng dưới dạng tệp văn bản, nên nó có một số rủi ro bảo mật nghiêm trọng. Bất kỳ kẻ xâm nhập nào cũng có thể dễ dàng mở các tệp này và xem thông tin của người dùng. Ngoài ra, không phải tất cả các trang web thu thập thông tin từ cookie đều hợp pháp. Nhiều người trong số họ có thể sử dụng cookie với mục đích độc hại, hack hay xâm phạm thông tin người dùng.
3. Giới hạn về dung lượng
Các giới hạn về dung lượng cũng tồn tại trên cookie. Họ không thể lưu trữ một lượng lớn thông tin. Hầu hết các cookie chỉ có thể lưu trữ thông tin lên đến 4kb. Các trình duyệt cũng đặt ra những hạn chế khi nói đến dung lượng cookie. Ngoại trừ trình duyệt Internet Explorer, tất cả các trình duyệt khác chỉ cho phép tối đa 20 cookie cho một trang web.
>>> Xem thêm: TOP 1001 các trình duyệt web phổ biến hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới
4. Mối lo ngại về quyền riêng tư
Ngoài bảo mật, quyền riêng tư là một mối lo ngại khác đối với người dùng trong cookie. Bất cứ khi nào người dùng lướt internet, các trang web hỗ trợ cookie sẽ ghi lại tất cả các hoạt động online của họ. Hầu hết người dùng không biết rằng thông tin đó được lưu trữ trên ổ cứng của họ. Do đó, thông tin này có thể được truy cập bởi bất kỳ bên thứ ba nào bao gồm các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp.
5. Tùy chọn tắt thủ công
Nhược điểm của cookie là gì? (Ảnh: Internet)
Các trình duyệt cũng đi kèm với tùy chọn để tắt cookie. Người dùng có ý thức bảo mật cao có thể vô hiệu hóa chúng một cách đơn giản. Thậm chí, một số trình duyệt sẽ tự động tắt cookie nếu mức độ bảo mật được đặt thành cao. Do đó, các ứng dụng web sẽ không hoạt động nếu không có cookie.
6. Mã hóa thông tin
Cả mã hóa và giải mã cookie đều là một quá trình khó khăn vì nó yêu cầu mã hóa bổ sung. Do thời gian tham gia vào quá trình mã hóa, hiệu suất của ứng dụng sẽ bị ảnh hưởng.
Công dụng của Cookie trên trình duyệt
Đối với cá nhân
Cookies giúp việc truy cập website của người dùng nhanh hơn, tiện lợi hơn và không mất quá nhiều thời gian để đăng nhập lại nhiều lần.
Đối với các doanh nghiệp
Việc sử dụng Cookie sẽ giúp các doanh nghiệp theo dõi được hành vi người dùng, từ đó biết được tần suất truy cập vào website, thời gian mỗi lần truy cập là bao lâu và các sở thích khác để từ đó tìm cách tối ưu hóa website và các dịch vụ của mình.
Ngoài ra, việc lưu trữ Cookie đối với các doanh nghiệp sẽ giúp khách hàng của họ thuận tiện hơn trong việc truy cập hay đơn giản là việc nhập dữ liệu vào các biểu mẫu trước đó vì các thông tin đều đã được lưu trữ.
Cách xóa và bật/tắt Cookie trên Chrome
Xóa Cookie trên trình duyệt Chrome
Bước 1: Ở trên cùng bên phải, hãy nhấp vào biểu tượng Thêm Khác ở góc phải trên cùng của trình duyệt sau đó vào ô Cài đặt.
Cách xóa và bật/tắt Cookie trên Chrome (Ảnh: dienmayxanh)
Bước 2: Nhấp vào từ Nâng cao được hiển thị cuối cùng
Lựa chọn nâng cao trong màn hình cài đặt (Ảnh: dienmayxanh)
Bước 3: Trong mục “Quyền riêng tư và bảo mật”, nhấp vào Cài đặt nội dung
Trong phần cài đặt nội dung sẽ giúp bạn kiểm soát thông tin website (Ảnh: dienmayxanh)
Bước 4: Nhấp vào Cookie sau đó vào Xem tất cả các cookie và dữ liệu trang web.
Xem toàn bộ cookie và dữ liệu website (Ảnh: dienmayxanh)
Bước 5: Xóa bằng cách nhấn Xóa tất cả
Xóa tất cả cookie và dữ liệu website (Ảnh: dienmayxanh)
Bật hoặc tắt Cookie
Thực hiện các bước giống như bên trên cho đến bước 4, sau đó, sau khi nhấn vào Cookie bạn có thể
Cách Bật Cookie: Bên cạnh nút Đã chặn, gạt nút chuyển sang vị trí bật
Bạn có thể tùy chọn bật hoặc tắt cookie cũng như chặn cookie bên thứ ba (Ảnh: dienmayxanh)
Cách Tắt Cookie: Tắt tùy chọn Cho phép trang web lưu và đọc dữ liệu cookie.
Bật cookie sẽ cho phép website lưu và đọc dữ liệu (Ảnh: dienmayxanh)
Phân biệt giữa Cookie và Session
Cookie và Session đều được sử dụng để lưu trữ thông tin. Trong khi Cookie chỉ được lưu trữ trên máy phía máy khách, thì các Session (phiên) được lưu trữ trên máy khách cũng như máy chủ. Vậy sự khác nhau giữa cookie và session là gì?
Session
Một session sẽ tạo một tệp trong thư mục tạm thời trên máy chủ nơi các biến phiên đã đăng ký và giá trị của chúng được lưu trữ. Dữ liệu này sẽ có sẵn cho tất cả các trang trên trang web trong lần truy cập đó.
Một phiên kết thúc khi người dùng đóng trình duyệt hoặc sau khi rời khỏi trang web, máy chủ sẽ kết thúc phiên sau một khoảng thời gian định trước, thường là 30 phút.
>>> Xem thêm: Session là gì? Cách xác định phiên truy cập trong Analytics
Cookie
Cookie là gì? Nó được biết là các tệp văn bản được lưu trữ trên máy tính của khách hàng và chúng được giữ cho mục đích theo dõi việc sử dụng của người dùng. Tập lệnh máy chủ gửi một tập hợp các cookie đến trình duyệt. Ví dụ: tên, tuổi hoặc số nhận dạng,... và trình duyệt sẽ lưu trữ thông tin này trên một máy cục bộ để sử dụng trong tương lai.
Trong lần truy cập sau, khi trình duyệt gửi bất kỳ yêu cầu nào đến máy chủ web thì nó sẽ gửi thông tin cookie đó đến máy chủ và máy chủ sử dụng thông tin đó để xác định người dùng.
Lời kết
Như vậy, MarketingAI đã cùng bạn đi tìm hiểu khái niệm Cookie là gì, các loại hình Cookie cũng như ưu nhược điểm của yếu tố này. Trong bối cảnh quyền riêng tư đang được đặt lên hàng đầu, việc sử dụng cookie của các trang web cá nhân hay doanh nghiệp đều bị thắt chặt nghiêm trọng, đặc biệt là với cookie của bên thứ ba. Vì vậy, bạn cần phải hiểu cookie là gì để đưa ra sự lựa chọn phù hợp khi dùng cookie cho trang web của mình.
Tô Linh - MarketingAI
Tổng hợp
>> Có thể bạn quan tâm: Cơ hội nào cho mạng xã hội trả phí sau sự sụp đổ của cookie của bên thứ ba?
Bình luận của bạn