"Content bẩn" - nhận diện và tác động đến hoạt động truyền thông

28 Thg 11

Nội dung là vua - đây được coi là bài học vỡ lòng của marketer. Thế nhưng, từ sự quan sát thị trường nội dung, ai cũng có thể chỉ ra rằng những nội dung ảo kém chất lượng đã...

Nội dung là vua - đây được coi là bài học vỡ lòng của marketer. Thế nhưng, từ sự quan sát thị trường nội dung, ai cũng có thể chỉ ra rằng những nội dung ảo kém chất lượng đã gây ra rất nhiều thiệt hại thật.

Cùng làn sóng phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram là sự hiện diện ngày một có tiếng nói của các KOLs, KOC, những người có ảnh hưởng, sáng tạo nội dung mới mỗi ngày.

Tuy nhiên, số lượng chưa đi kèm chất lượng khi không khó để chỉ ra rằng rất nhiều "content bẩn" vẫn được sản xuất mỗi ngày. Nhìn từ hướng người làm truyền thông - marketing, những nội dung chất lượng thấp này không chỉ tác động tiêu cực đến thương hiệu mà nghiêm trọng nhất là tác động đến con người.

Gần đây nhất, làn sóng #tẩychayNờôNô khiến cả khán giả lẫn người làm truyền thông - marketing đặt một câu hỏi lớn: liệu "content bẩn" có đang được công chúng dễ dãi lan truyền?

"Content bẩn" là gì?

"Content bẩn" được định nghĩa là những nội dung kém chất lượng, thường được tạo ra nhằm mục đích gây sốc, tạo sự chú ý một cách tiêu cực, gây tranh cãi, bất chấp dư luận,... trên các nền tảng như Youtube, TikTok, Facebook,...

Dinh nghia content ban

Số lượng nội dung chưa song hành cùng chất lượng khiến mạng xã hội trở thành môi trường "độc hại".

Những content kém chất lượng này thường truyền bá nội dung phản cảm, trái thuần phong mỹ tục, xúc phạm cá nhân hoặc miệt thị người khác.

Cách làm Affiliate Marketing cho người mới 2023

Nhận diện "content bẩn"

Người dùng, đặc biệt là người dùng nhỏ tuổi có thể sẽ gặp khó khăn trong việc nhận diện các "content bẩn". Trong khi việc sử dụng thiết bị thông minh để lên mạng ngày càng trở nên phổ biến thì người dùng lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức để xác định và bài trừ nội dung kém chất lượng.

Có thể chia những content chất lượng thấp này thể hiện ở hai điểm: hình ảnh và nội dung.

Hình ảnh kém chất lượng

Nội dung hình ảnh là một trong những phần thu hút được nhiều tương tác, không chỉ là hình ảnh đơn thuần mà cả các video, vlog,... luôn chiếm lượng lớn quan tâm của người dùng.

Đối với nội dung hình ảnh kém chất lượng có thể kể đến các hình ảnh cổ súy bạo lực, gây sốc (tai nạn, sự cố,...), khiêu dâm, khỏa thân, tự hại,...

Một số dạng nội dung có hình ảnh cổ súy bạo lực.

Một số dạng nội dung có hình ảnh cổ súy bạo lực.

Nhận dạng của các dạng content này là gây khó chịu ngay từ hình ảnh dù là định dạng video, vlog hay hình ảnh tĩnh. Các nội dung kém chất lượng này khiến người dùng có cái nhìn tiêu cực về thế giới hoặc tệ hơn là bị ảnh hưởng bởi cách tư duy méo mó, do các content trên lan truyền.

Nội dung kém chất lượng

Nội dung ở đây có thể hiểu là thông tin chính trong các content kể trên. Trong đó, người sáng tạo nội dung này có thể phạm phải các chủ đề như miệt thị, xúc phạm, tấn công người khác, phát ngôn thù ghét, phân biệt chủng tộc, bắt nạt,...

Noi dung ban tren Youtube

Youtuber Thơ Nguyễn từng bị lên án mạnh mẽ vì làm nội dung kém chất lượng cho đối tượng trẻ nhỏ.

Điểm chung của dạng nội dung kém chất lượng này là người dùng khó có thể phân biệt ngay từ những giây đầu mà phải đi sâu vào hơn. Đối với người dùng tuổi vị thành niên chưa đủ năng lực nhận định dễ sẽ bị thao túng tâm lý và nghe theo những lời chỉ dẫn xấu trong các video trên.

Đôi khi, các dạng nội dung này còn được núp bóng hoặc đánh tráo khái niệm để “dắt mũi” người xem.

Hậu quả của "content bẩn"

Đối với xã hội

Thực tế, đã có nhiều trường hợp ghi nhận bị chính những "content bẩn" gây hại. Như năm 2020, một bé trai 15 tuổi đã phải nhập viện do đa chấn thương vì làm theo chỉ dẫn của một Youtuber về cách làm pháo tại nhà. Trước đó, năm 2019, một bé trai 7 tuổi được cấp cứu và may mắn cứu sống sau khi làm theo video hướng dẫn cách treo cổ trên Youtube.

Sự việc TikToker Nờ ô Nô hiện đang bị cộng đồng tẩy chay dữ dội sau video làm từ thiện cho người nghèo nhưng mang nội dung miệt thị, xúc phạm người khác. Điều đáng nói là video được rất nhiều lượt thích và gần 4 triệu lượt xem, chứng tỏ có một bộ phận người dùng không hề nhìn ra vấn đề nhức nhối trong video trên và thậm chí coi cách làm của TikToker tai tiếng này là bình thường.

Tac dong cua content ban den thuong hieu

Làn sóng tẩy chay TikToker làm content "bẩn".

Với nền tảng được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay và có lượng người dùng trẻ tuổi như TikTok, không khó để kể ra những "content bẩn" với những nội dung thực sự tác động tiêu cực đến người xem và ảnh hưởng xấu đến cộng đồng.

Đối với thương hiệu

Quyền lực mềm của KOL, KOL hay nói chung là những người có ảnh hưởng thường mang lại nhiều lợi ích cho thương hiệu tùy nhu cầu và mục đích. Ở đó, các thương hiệu không ít lần có những bài học đi trước về việc những người có ảnh hưởng này có thể tác động xấu đến thương hiệu ra sao nếu đời tư của họ nảy sinh vấn đề.

Vậy, tác động thực sự của những "content bẩn" và những người sáng tạo nội dung kém chất lượng này đến thương hiệu được cụ thể hóa như thế nào?

Theo số liệu từ trang PESTLE ANALYSIS, nội dung kém chất lượng có thể tạo ra những ảnh hưởng xấu như:

  • Giảm 40% tỷ suất bán hàng
  • Tạo ra hình ảnh xấu về thương hiệu trong mắt người tiêu dùng: mức độ tin dùng thương hiệu giảm ⅓
  • 50% nội dung trên nền tảng trực tuyến bị người dùng đánh giá là kém hữu ích
  • 40% nội dung sau đó sẽ bị bỏ qua

Quay lại sự việc của TikToker Nờ ô Nô, trong làn sóng chung tay tẩy chay và yêu cầu TikTok Việt Nam xóa vĩnh viễn tài khoản của TikToker này, có thể thấy chưa có nhãn hàng nào trực tiếp nhận ảnh hưởng tiêu cực.

Thương hiệu buộc phải làm rõ mối quan hệ với TikToker làm content kém chất lượng.

Thương hiệu buộc phải làm rõ mối quan hệ với TikToker làm content kém chất lượng.

Tuy nhiên, trong các mục liên quan, người dùng cũng kêu gọi sẽ thẳng tay “Tẩy chay các brand - nhà hàng và nghệ sĩ hợp tác với Nờ ô Nô”. Bên cạnh đó, cũng có một thương hiệu thời trang Việt phải đứng ra đính chính trước lo ngại về thiệt hại mà brand có thể phải chịu nếu không làm rõ về mối quan hệ với Nờ ô Nô.

Tại Việt Nam chưa ghi nhận tình trạng thương hiệu bị tẩy chay mạnh mẽ vì cổ súy cho các "content bẩn". Nhưng không thể phủ nhận, hoàn toàn có rủi ro khi các thương hiệu kết hợp với người nổi tiếng, đặc biệt là với những người thường khai thác nội dung theo hướng tiêu cực như Nờ ô Nô.

Kết

TikToker Nờ ô Nô đã bị xóa tài khoản có hơn 660 nghìn người theo dõi vĩnh viễn. Đây được xem như bài học cho những content creator nếu có ý định làm dạng nội dung gây tranh cãi và lan truyền năng lượng tiêu cực.

Content nói chung đang được tạo ra mỗi ngày trên vô số các kênh thông tin. Mục đích cuối cùng là tạo ra giá trị cho sản phẩm, thương hiệu, có tác động tốt đến cá nhân, đến xã hội.

Hiểu đơn giản, làm content là phải mang lại niềm vui. Đó là niềm vui của người dùng khi thấy sự hữu ích của một sản phẩm, dịch vụ nào đó, niềm vui khi nhận thấy những kiến thức hữu ích hay đơn giản là niềm vui được tận hưởng cùng một sở thích với ai đó trên mạng.

Nhận thức về nội dung kém chất lượng chưa đủ mà còn cần mạnh mẽ xóa sổ những nội dung này.

Nhận thức về nội dung kém chất lượng chưa đủ mà còn cần mạnh mẽ xóa sổ những nội dung này.

Dạng content chỉ tạo ra một làn sóng tiêu cực thì không nên được lan truyền và cần phải được tẩy chay triệt để nhằm tạo ra không gian mạng đủ an toàn, lành mạnh, giảm thiểu tối đa nguy cơ nhắm đến mọi đối tượng.

Tú Cẩm - Marketing AI

Tổng hợp

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.