Từ sợi cói quê hương đến sứ mệnh thay đổi nhận thức người dùng về túi sợi tự nhiên
Mùa hè năm 2023, trên sàn diễn của NTK Đỗ Mạnh Cường tại Úc, hình ảnh chiếc túi sợi tự nhiên với màu nâu đậm chất bản địa - COMAY sải bước cùng các chân dài đình đám làng mốt Việt như H’Hen Niê, Minh Tú, Ngọc Châu khiến nhiều người trầm trồ,...

Ảnh: COMAY
Kết hợp cùng những bộ cánh thời trang và xuất hiện tại một show diễn tầm cỡ quốc tế, hẳn không mấy ai nghĩ rằng chiếc túi xách này lại được làm từ lục bình, cỏ bàng, mây, tre - những nguyên liệu dung dị rất Việt Nam. Điều gì đã đưa một sản phẩm thủ công truyền thống vươn xa đến vậy? Hành trình của COMAY đã bắt đầu từ đâu và mang theo sứ mệnh gì? Chính sự tò mò đó đã thôi thúc chúng tôi bắt tay vào tìm hiểu nhiều hơn về thương hiệu túi xách thủ công cao cấp này.
Không một ai có thể hiểu về “đứa con” của mình hơn chính người sinh ra nó, và đó cũng là lý do Marketing AI có cơ hội ngồi lại cùng Founder thương hiệu COMAY để lắng nghe về sự ra đời và sứ mệnh của những chiếc túi xách này - hành trình đi tìm kiếm vị thế cho túi sợi tự nhiên.
Q1: Lý do nào khiến COMAY lựa chọn sợi tự nhiên làm nguyên liệu cho chiếc túi xách của mình?
A: COMAY không xem sợi tự nhiên là nguyên liệu bình dân, mà là tài nguyên có giá trị tiềm năng chưa được khai thác đúng cách. Quyết định sử dụng sợi tự nhiên xuất phát từ tình yêu với thiên nhiên, mong muốn đóng góp cho quê hương và tạo ra những sản phẩm đẹp, giá trị cao, phù hợp với phong cách sống hiện đại.
Ý tưởng tạo ra COMAY đến từ một lần mình đi làm trong Nha Trang, được chị đồng nghiệp cho xem một chiếc túi xách đan tay rất đẹp từ cây cỏ dài. Chiếc túi này cứ vẩn vơ trong tâm trí. Sau đó, trong một lần đi cáp treo cùng khách nước ngoài, chợt thấy chị khách đeo một chiếc túi cói đẹp quá, mình mới nghĩ: “Tại sao Nga Sơn cũng có sợi cói mà chưa bao giờ làm ra một sản phẩm đẹp thế này?”. Thế nên mình về quê và bắt đầu khởi nghiệp.
Nguồn cảm hứng tạo nên COMAY đến bất chợt, nhưng đủ mạnh mẽ để thôi thúc mình trở về quê hương “chiếu cói Nga Sơn” và bắt tay vào tạo nên những chiếc túi sợi đầu tiên. Nhưng thực tế cho thấy và bản thân COMAY cũng ý thức được rằng: Trong nhịp sống hiện đại, túi xách thủ công chưa được ưu tiên lựa chọn mang đi làm hay dự tiệc, mà chỉ thường được tìm thấy vào mùa hè, trong các khu du lịch. Bởi vậy, ngay từ khi thành lập, COMAY đã đặt ra sứ mệnh: Thay đổi quan niệm của người dùng với túi xách thủ công mỹ nghệ.

Ảnh: COMAY
Q2: Trong quá trình thay đổi nhận thức của người dùng, COMAY đã gặp phải những khó khăn gì? Và thương hiệu đã vượt qua như thế nào?
A: Từ lúc đi học đan chiếc túi cỏ bàng đầu tiên, mình chưa bao giờ nghĩ sẽ có một ngày COMAY trở thành một thương hiệu cao cấp. 7 năm hành trình của COMAY là 7 năm mình mày mò tìm hiểu và thay đổi mỗi ngày.
Khó khăn đầu tiên đến từ chính bản thân. Ban đầu, mình chỉ muốn làm những chiếc túi từ chất liệu tự nhiên có thể sử dụng hàng ngày. Nhưng dần dà, mình hiểu ra rằng để khách hàng dùng thường xuyên, trong nhiều dịp thì chiếc túi không thể là một sản phẩm qua loa sơ sài, mà phải là túi cao cấp, được sản xuất kỹ lưỡng, đảm bảo độ tinh tế, bền, đẹp và đa ứng dụng. Lúc đó túi sợi tự nhiên cao cấp đã xuất hiện trong BST của nhiều nhà mốt quốc tế nhưng chưa mấy phổ biến tại Việt Nam. Là một trong những người tiên phong, mình phải vượt qua vùng an toàn của bản thân, đặt niềm tin rất lớn vào tiềm năng của túi và của chính mình, thì mới dám thử sức với một cộng đồng nhiều yêu cầu khắt khe như vậy.

Ảnh: COMAY
Khó khăn thứ hai là thuyết phục những người xung quanh. Chị em nghệ nhân COMAY vốn đã có tuổi nghề cao, nên họ đã quen nhiều năm làm các túi xách đi biển, thường bán tại các khu du lịch. Việc để họ tin tưởng, tạm gác các đơn hàng hiện tại để làm và sáng tạo cùng mình rất khó vì ảnh hưởng đến cả đời sống kinh tế của gia đình nữa. Đến nay mình vẫn rất biết ơn các cô chú, anh chị nghệ nhân đã đồng hành với COMAY từ những ngày đầu.
Khó khăn thứ ba đến từ nguyên liệu. Nga Sơn xưa nay vẫn nổi tiếng về cây cói, nên khi mới bắt đầu mình cũng thử nghiệm với loại sợi này. Túi cói rất đẹp, phù hợp để đi biển và đi chơi dịp hè, nhưng để làm túi dùng hàng ngày thì chưa phù hợp. Sau rất nhiều thử nghiệm, COMAY lựa chọn sợi lục bình và cỏ bàng, bởi độ bền và giá trị thẩm mỹ cao. Bên cạnh đó, khâu kiểm định chất lượng cũng rất kỹ càng: từng mắt đan phải thật đều và chặt, túi chắc, không dễ bung sợi hay đứt quai trong quá trình sử dụng. Vì vậy túi COMAY có thể sử dụng được quanh năm, cả đi làm và đi tiệc chứ không chỉ dùng 1 lần để đi biển.
Tính đến nay thì COMAY may mắn trở thành một thương hiệu có uy tín trong ngành túi thủ công nói riêng và thời trang, văn hóa nói chung. Túi xách thủ công COMAY được nhiều người phụ nữ sử dụng hàng ngày, thậm chí có cơ duyên xuất hiện tại các bữa tiệc, sự kiện quan trọng, chứ không chỉ là túi xách đi biển nữa. Thành tựu lớn nhất là COMAY đã có một cộng đồng Lovers - những người yêu COMAY - luôn đồng hành và ủng hộ thương hiệu. Đây là thành công và cũng là động lực vững chắc nhất để COMAY tiếp tục nỗ lực trên hành trình này.

Ảnh: COMAY
Hành trình đi tìm kiếm vị thế xứng tầm cho túi sợi tự nhiên
Sau hành trình khởi nguồn từ sợi cói mộc mạc quê hương cùng khát khao thay đổi nhận thức về túi sợi tự nhiên, COMAY không chỉ dừng lại ở việc truyền cảm hứng mà còn từng bước khẳng định vị thế của mình thông qua những yếu tố đậm dấu ấn thương hiệu. Đó là sự điệu hòa của các chi tiết rất Việt Nam, từ nguyên liệu thiên nhiên quen thuộc đến cách làm thủ công truyền thống.
Q3: Không chỉ là một chiếc túi sợi thủ công đơn thuần, yếu tố “tình yêu thiên nhiên và văn hoá truyền thống” đã được COMAY mang vào sản phẩm ra sao? Và thông điệp ấy sẽ phù hợp với đối tượng khách hàng như thế nào?
A: “Tình yêu thiên nhiên và văn hoá truyền thống” đến với COMAY tự nhiên như hơi thở, vì ngay từ nguyên liệu và cách làm túi thủ công đã đến từ thiên nhiên và nghề đan truyền thống. Sợi COMAY dùng là lục bình, cỏ bàng và raffia, đều là những nguyên liệu được tự nhiên ban tặng. Cảm hứng thiết kế của thương hiệu cũng đến từ thiên nhiên, bởi bản thân mình là người rất yêu hoa cỏ, nên dù vô tình hay hữu ý cũng gửi gắm những tình cảm ấy vào trong thiết kế túi COMAY. Ví dụ có thể kể đến như mẫu túi Lily, lấy cảm hứng từ chiếc cổ cao của đóa hoa ly, hay thiết kế Calla với phần nối quai cách điệu hình chiếc lá,... BST Bông Lúa mới nhất cũng sinh ra từ tình yêu của mình với cây lúa, với đồng ruộng và người nông dân Việt Nam.
Khách hàng tìm đến với COMAY là những người phụ nữ yêu thiên nhiên, trân trọng văn hóa. Có nhiều người dùng túi vì cảm thấy sự hòa hợp với phong cách cá nhân. Và cũng nhiều chị em lựa chọn COMAY vì mong muốn sở hữu một sản phẩm độc đáo, khác biệt với túi xách thông thường. Điểm chung lại, sau khi trải nghiệm túi xách COMAY, họ thường cảm thấy gần hơn với thiên nhiên và tìm thấy sự kết nối sâu sắc hơn với chính mình.

Ảnh: COMAY
Q4: Những thông điệp ấy đã được thương hiệu truyền tải tới người dùng thông qua truyền thông như thế nào?
A: COMAY có website, trang Facebook và Instagram để chia sẻ về câu chuyện của mình. Ngoài ra, đồng hành cùng các thương hiệu khác có chung tầm nhìn như La Pham để cùng tạo nên những giá trị mới và mở rộng kết nối với khách hàng.
Trên hành trình của mình, COMAY hợp tác cùng các nhà thiết kế, thương hiệu nổi tiếng như NTK Phan Đăng Hoàng, SIXDO by DO MANH CUONG, NTK Ngọc Anh La Pham để đưa túi đến với các sàn diễn hàng đầu tại Úc, Ý và Thụy Sỹ.
Từ một sản phẩm thủ công thiên nhiên của làng nghề, COMAY đã nâng tầm nó trở thành một phụ kiện thời trang cao cấp, xứng tầm và không thua kém gì các nhà mốt xa xỉ. Khi túi sợi COMAY sải bước trên sàn runway quốc tế, kết hợp cùng các BST thời trang danh giá, đó không chỉ khẳng định giá trị thẩm mỹ và sự tinh xảo của nghề thủ công Việt Nam, mà còn mở ra một góc nhìn mới về túi sợi tự nhiên – kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa giá trị văn hóa và xu hướng thời trang toàn cầu.

Ảnh: COMAY
Q6: Nhìn lại năm 2024, COMAY đã có những hoạt động nào nổi bật? Định hướng năm 2025 có điểm gì thay đổi không?
A: Trong năm 2024, COMAY đã ra mắt BST LÁ - một BST lấy cảm hứng từ chiếc lá và thế giới tự nhiên, rất được đón nhận bởi các khách hàng Việt, Hàn và Nhật. Túi xách COMAY có mặt tại những showroom cao cấp của Six Senses Ninh Van Bay, Du thuyền Essence Grand, Urban Garden với không gian Handicraft Stories. Đồng thời, thương hiệu tham gia triển lãm các thiết kế tâm đắc nhất tại dự án “Vietnam Color | Màu Việt Nam” cùng những NTK, thương hiệu mang đậm màu sắc văn hóa Việt.
Năm 2025 này, COMAY mong sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của khách hàng trong nước và quốc tế. Trong tháng 2, túi COMAY hiện diện tại cửa hàng đại lý đầu tiên ở Osaka, Nhật Bản. Cùng với đó, BST Bông Lúa đã được ra mắt vào đầu tháng 3 - đưa những chiếc túi COMAY đầu tiên làm bằng sợi raffia đến với các COMAY Lovers.
Q7: Với chặng đường hơn nửa thập kỷ đã qua, COMAY sẽ nói gì về hành trình đưa tên tuổi của mình đi khắp Việt Nam và vươn ra thế giới?
A: Câu chuyện 6 năm đi thì dài nhưng kể lại thì ngắn.
Hành trình của COMAY bắt đầu ở dưới hầm khán đài trong sân vận động huyện. Mình cũng chỉ đơn giản là một thanh niên yêu quê hương, thiên nhiên và cuộc sống, may mắn có đủ cơ duyên để được đồng hành cùng nhiều anh chị em chung hướng đi. Với mình, sự tích lũy tình cảm này là điều quý giá nhất, giúp COMAY được yêu mến và tin tưởng như hiện tại.
Một hành trình tìm kiếm vị thế cho túi sợi tự nhiên được tạo nên bởi không chỉ tình yêu của người khai sinh ra nó mà còn bởi tâm huyết của biết bao nghệ nhân làng nghề và những người bạn, người chị, người anh COMAY đã gặp gỡ, đồng hành… Tất cả đã góp phần mang đến cho túi sợi tự nhiên một đời sống mới.
Một người đi sẽ nhanh, nhưng nhiều người đi sẽ xa. COMAY tâm niệm rằng: hành trình này sẽ không chỉ là câu chuyện của COMAY, mà là của chung nghề đan Việt. Những sản phẩm đan được làm với tất cả sự tỉ mỉ, chỉn chu sẽ tự kể câu chuyện văn hóa, truyền thống của Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế. Mình và COMAY tự hào khi đóng góp một phần nhỏ bé vào câu chuyện này.

Ảnh: COMAY
Cảm ơn COMAY vì đã dành thời gian cho Marketing AI!
Bình luận của bạn