Báo cáo đặc biệt của Everstream Analytics nêu bật những tác động mà ngành F&B phải đối mặt trong bối cảnh từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện cho đến nay. Báo cáo nhấn mạnh những lỗ hổng của ngành công nghiệp F&B và đề xuất một số chiến lược trong thời gian tới.
COVID-19 làm gián đoạn toàn bộ chuỗi cung ứng F&B toàn cầu, đồng thời nâng cấp toàn bộ năng lực hoạt động của ngành, bao gồm sản xuất, chế biến, đóng gói và phân phối. Mặc dù đây không phải là đại dịch sức khỏe toàn cầu đầu tiên xảy ra, nhưng lại tạo ra áp lực rất lớn đối với ngành F&B.
Mặc dù về cơ bản đã tránh được tình trạng thiếu lương thực trên quy mô toàn cầu trong suốt cuộc khủng hoảng, nhưng những điểm yếu mang tính hệ thống trong chuỗi cung ứng F&B đã bị phơi bày hoàn toàn. Trong đó bao gồm: việc phụ thuộc quá mức vào lao động chân tay, công nghệ bảo quản và vận chuyển chưa thực sự tốt, phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung ứng đơn lẻ, dẫn tới gián đoạn hoạt động kinh doanh trong suốt thời gian bùng phát đại dịch COVID-19.
Hành vi của người tiêu dùng và sự thay đổi về đóng gói
Hành vi của người tiêu dùng đã chuyển đổi từ nhu cầu mua thực phẩm chế biến sẵn được tiêu thụ khi đang di chuyển, bên ngoài gia đình, sang các sản phẩm thực phẩm đóng gói được tiêu thụ tại nhà, chẳng hạn như đồ khô, đồ hộp, sản phẩm có hạn sử dụng dài.
Những sản phẩm này có lượng tiêu thụ tăng cao trong thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến sự trỗi dậy của đồ nhựa dùng một lần. Chỉ trong vòng 8 tuần lockdown, Singapore có thêm 1.470 tấn chất thải nhựa từ việc đóng gói đồ ăn mang đi và giao thực phẩm.
Đây được coi là một bước thụt lùi của ngành F&B nói chung và một số thương hiệu lớn nói riêng khi đi ngược lại với cam kết của mình trong việc đảm bảo tính bền vững về môi trường. Nhưng điều này lại mở ra cơ hội mới cho các nhà sản xuất nhựa, khi họ được phép hoạt động ngay cả khi đang ở đỉnh điểm của đại dịch, vì các sản phẩm của họ được coi là thiết yếu đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe.
Sự liên tục trong hoạt động kinh doanh của các nhà máy sản xuất bao bì nhựa đảm bảo sự ổn định trong chuỗi cung ứng của những ngành nghề và doanh nghiệp dựa vào các giải pháp đóng gói để phân phối hàng hóa.
Đóng cửa nhà máy và cắt giảm lao động
Tương tự như nhiều ngành hàng khác, F&B cũng gặp phải tình trạng gián đoạn hoạt động do đóng cửa nhà máy và cắt giảm lao động. Các quy định về giãn cảnh và tình hình dịch bệnh bùng phát trong các cơ sở sản xuất, chế biến hay đóng gói đã làm giảm năng suất và sản lượng toàn ngành.
Ví dụ, các nhà máy đóng gói trái cây hoặc chế biến thịt thường yêu cầu công nhân hoạt động trong những khu vực gần nhau để đạt được hiệu quả hoạt động tối đa. Quá trình chế biến thịt đòi hỏi sử dụng nhiều lao động và ít tự động hơn, do vậy, COVID-19 xuất hiện đã gây ra sự gián đoạn đáng kể cho chuỗi cung ứng.
Việc đóng cửa những nhà máy này cũng gây ra tác động tiêu cực đối với nền kinh tế nông nghiệp. Nông dân là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu; nếu không có sản phẩm của họ, sẽ tạo nên sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Khó khăn trong việc tìm đầu ra và phải bán nông sản với giá rất thấp khiến nhiều nông dân không còn mặn mà với việc tái sản xuất.
Chính sách hạn chế thương mại lương thực
Một hệ quả khác của đại dịch COVID-19 là các chính sách hạn chế thương mại lương thực đã gây tổn hại không chỉ đến người nông dân mà còn là toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Diễn biến phức tạp của dịch bệnh buộc nhiều quốc gia phải nhanh chóng áp dụng các chính sách nhằm đảm bảo an ninh lương thực.
Các chính sách hạn chế thương mại lương thực được thực hiện trong giai đoạn này đã thúc đẩy nhiều công ty tìm kiếm cách tiếp cận đa nguồn, linh hoạt hơn đối với chuỗi cung ứng F&B. Các lỗ hổng trong việc dựa vào nguồn cung ứng đơn lẻ cũng được nhiều doanh nghiệp trong ngành đo lường và đánh giá lại. Chẳng hạn, nếu nhà cung cấp duy nhất của công ty đột nhiên bùng phát dịch trong cơ sở của họ, thì công ty đó sẽ phải đối mặt với tình trạng mất sản phẩm hoàn toàn. Mặt khác, nếu một công ty phân tán hoạt động của mình với nhiều nhà cung cấp ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, thì công ty đó sẽ ít bị ảnh hưởng bởi những cú sốc không thể đoán trước, chẳng hạn như đợt bùng phát COVID-19 hoặc các quy định y tế liên quan.
Sự thay đổi này cũng trở nên phù hợp với yêu cầu minh bạch về khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Mặc dù việc lây truyền COVID-19 qua đường ăn uống chưa được chứng minh, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn nghi ngại khi mua các sản phẩm từ các khu vực được coi là điểm nóng dịch bệnh. Để không đánh mất cơ sở khách hàng này, các công ty có thể sử dụng các địa điểm nguồn cung thay thế.
Xem thêm>> 6 bài học vượt qua khủng hoảng Covid-19 của ngành F&B Trung QuốcVận tải và Hậu cần
Hàng không là một trong ba phương thức vận chuyển chính các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là hàng hóa dễ hư hỏng, khó bảo quản, thời gian sử dụng ngắn.
Tuy nhiên, COVID-19 đã làm gián đoạn việc vận chuyển bằng đường hàng không bởi hầu hết các chuyến bay quốc tế đều bị ngừng. Công suất vận chuyển hàng không quốc tế trong tháng 4/2020 đã giảm 75% so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng 6, hơn 1 triệu chuyến bay đã bị hủy.
Trước tình hình này, nhiều hãng hàng không bắt đầu trưng dụng máy bay chuyên chở hành khách để vận chuyển hàng hóa. Ví dụ, vào tháng 3, lần đầu tiên American Airlines khai thác chuyến bay dành riêng cho việc chở hàng kể từ những năm 1980, hoàn thành hai chuyến khứ hồi giữa Sân bay Quốc tế Dallas Fort Worth và Sân bay Frankfurt.
Tương lai ngành F&B hậu COVID-19
Nhìn chung, chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu đã cho thấy khả năng phục hồi khi đối mặt với những thách thức bất ngờ. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động nông nghiệp, các nhà máy chế biến thực phẩm và đóng gói tiếp tục đóng cửa, và công suất vận tải hàng không giảm sẽ tiếp tục là những trở ngại cho ngành F&B.
Chuỗi cung ứng F&B cũng phải đáp ứng những thách thức đương đại với các giải pháp sáng tạo. Tận dụng những tiến bộ trong công nghệ để cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm và thời hạn sử dụng - một yếu tố sẽ rất quan trọng trong tương lai.
Tự động hóa cũng là một mắt xích quan trọng để tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng sau các cuộc khủng hoảng. Trong khi nhiều ngành khác có thể chuyển đổi sang làm việc từ xa một cách dễ dàng thì F&B hầu như lại không thể. Đối với ngành F&B, tự động hóa mang lại rất nhiều lợi ích, chẳng hạn như khả năng lấp đầy khoảng trống năng lực và đảm bảo sản xuất liên tục trong thời gian bùng phát dịch bệnh. Ngoài ra, còn làm giảm tình trạng ngừng sản xuất do tai nạn tại nơi làm việc.
Một số đề xuất trong ngắn và dài hạn
Ngắn hạn
Tuân thủ quy định của các chuyên gia y tế, bao gồm cắt giảm nhân viên và các hướng dẫn giãn cách xã hội. Về lâu dài, nếu một cơ sở phải ngừng sản xuất hoàn toàn do dịch bệnh bùng phát, thì thiệt hại tài chính sẽ lớn hơn gấp nhiều lần so với thiệt hại do giảm công suất và hiệu quả.
Thường xuyên theo dõi thông tin về tình hình dịch bệnh, các chỉ thị mới để chuẩn bị những phương án kinh doanh nhanh chóng và phù hợp nhất.
Dài hạn
Hãy coi việc tìm nguồn cung ứng đa dạng là một chiến lược kinh doanh dài hạn. Mặc dù đại dịch COVID-19 có quy mô toàn cầu, tuy nhiên việc phân tán hoạt động ở các khu vực khác nhau trên thế giới cho phép các công ty phản ứng nhanh chóng với các đợt bùng phát mới, chuyển nguồn lực và hoạt động sang các khu vực ít bị ảnh hưởng hơn.
Thích ứng với sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng và nhu cầu đóng gói.
Nâng cao mức độ tự động hóa trong các hoạt động của nhà máy để giảm chi phí vận hành trong dài hạn. Tự động hóa cũng là một giải pháp thay thế hiệu quả cho tình trạng thiếu nhân viên trong thời kỳ đại dịch.
Đầu tư nghiên cứu nâng cao tuổi thọ của các sản phẩm thực phẩm và đồ uống. Điều này đặc biệt quan trọng trong những giai đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Lương Hạnh - MarketingAI
Theo Everstream
>> Có thể bạn quan tâm: Xu hướng nổi bật ngành F&B Việt Nam năm 2021
Bình luận của bạn