cover

6 bài học vượt qua khủng hoảng Covid-19 của ngành F&B Trung Quốc

09 Thg 06

Nền kinh tế Trung Quốc đang có những bước phát triển mạnh mẽ hậu Covid-19, các nhà sản xuất F&B trên toàn thế giới có thể học hỏi được gì từ những nỗ lực phục hồi của đất nước này...

Nền kinh tế Trung Quốc đang có những bước phát triển mạnh mẽ hậu Covid-19, các nhà sản xuất F&B trên toàn thế giới có thể học hỏi được gì từ những nỗ lực phục hồi của đất nước này để tìm ra chiến lược phát triển trong tương lai? Cùng MarketingAI tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.

Là một trong những quốc gia sản xuất nguyên liệu và hàng hóa lớn nhất thế giới, sự phục hồi nhanh chóng của Trung Quốc đã trở thành nguồn động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, cho mọi khía cạnh của cuộc sống từ kinh tế đến các hoạt động hàng ngày. Việc các thành phố lớn tại Trung Quốc đóng cửa trong vài tháng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu, lĩnh vực dịch vụ thực phẩm, giá cả và nhu cầu đối với các mặt hàng thiết yếu và không thiết yếu.

Sau giai đoạn phục hồi hậu đại dịch Covid-19, nền kinh tế Trung Quốc đang trở lại với xu hướng tăng trưởng dài hạn, khi trọng tâm chính sách đang dịch chuyển từ làm lành vết thương kinh tế do Covid-19 gây ra sang giải quyết vấn đề dài hạn về ổn định và tăng trưởng. Ngành F&B cũng đang bắt nhịp trở lại các hoạt động trước đại dịch. 

Khi đại dịch tiếp tục lan rộng ra nhiều địa điểm khác trên toàn cầu, các chủ doanh nghiệp F&B có thể tìm kiếm các bài học về cách lập kế hoạch cho tương lai từ các doanh nghiệp Trung Quốc.

Tổng quan thị trường F&B tại Trung Quốc

Bối cảnh: Đợt bùng phát Covid-19 của Trung Quốc

Bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19 được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) ghi nhận vào ngày 1 tháng 12 năm 2019. Sau đó, tình hình trở nên căng thẳng khi số lượng người nhiễm gia tăng nhanh chóng và mở rộng. Ngày 23 tháng 1, Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, bị phong tỏa. Đến ngày 29 tháng 1, virus đã lan sang nhiều tỉnh của Trung Quốc đại lục. Trung Quốc thu hút sự chú ý toàn cầu khi trở thành tâm điểm của đợt bùng phát Covid-19. Để giải quyết khủng hoảng này, tất cả các tỉnh của Trung Quốc đã bắt đầu kích hoạt các biện pháp ứng phó khẩn cấp cao nhất đối với tình trạng dịch bệnh và yêu cầu cư dân ở nhà để tránh lây nhiễm.

Tính đến ngày 9 tháng 3, Trung Quốc báo cáo tổng cộng 80.754 trường hợp nhiễm bệnh, nhưng số trường hợp nhiễm mới tăng trong ngày chỉ là 19, điều này cho thấy những biện pháp kiểm soát dịch cứng rắn đang đem lại hiệu quả. Phần lớn các địa phương tại Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 25 tháng 3, và tâm dịch Vũ Hán cũng dỡ bỏ lệnh phong tỏa ngay sau đó vào ngày 8 tháng 4.

Lĩnh vực F&B Trung Quốc trong COVID-19

Với tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành F&B của Trung Quốc cũng không thoát khỏi ảnh hưởng. Vào tháng Hai, cả lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất (bao gồm hoạt động tiêu dùng) đều phải gánh chịu hậu quả của đại dịch, trong đó lĩnh vực phi sản xuất chịu đòn nặng nề nhất.

Trong thời gian đỉnh điểm tiêu dùng vào năm mới âm lịch (kéo dài từ ngày 25/1 đến ngày 9/2), Hiệp hội Ẩm thực Trung Quốc báo cáo rằng 93% công ty dịch vụ ăn uống đã ngừng hoạt động. Ngoài ra, dữ liệu của BCG cũng cho thấy lĩnh vực bán lẻ (bao gồm cửa hàng tạp hóa, thương mại điện tử và cửa hàng bách hóa) giảm tổng thể 50%.

6 bài học vượt qua khủng hoảng Covid-19 của ngành F&B Trung Quốc- Ảnh 1.

Nhiều cửa hàng ăn uống tại Trung Quốc buộc phải đóng cửa bởi dịch. Ảnh: tintuconline

Về phía người tiêu dùng, 80% người dân Trung Quốc đã thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm của họ (theo kết quả khảo sát của Streetbees). Để củng cố cho nhận định này, nghiên cứu thị trường của Kantar vào đầu tháng 2 cũng chỉ ra rằng công dân nước này đang tích trữ các mặt hàng cần thiết”dễ bảo quản như mì ăn liền, súp ăn liền và thực phẩm đông lạnh để giảm tần suất mua hàng bên ngoài. Ngoài ra, nhu cầu đối với các sản phẩm không cần thiết như sữa nước, bánh kẹo, đồ uống và rượu cũng đã giảm mạnh trong cùng kỳ.

Lĩnh vực F&B Trung Quốc hậu COVID-19

Hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đang có những bước phục hồi vững chắc, nhưng đang có một sự đổi khác trong chuỗi giá trị. Xu hướng tiêu dùng nội địa tập trung vào việc tăng cường các sản phẩm đóng gói, mua hàng trực tuyến và các sản phẩm có lợi cho sức khỏe miễn dịch nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ nhu cầu cần thiết của người dân. Các doanh nghiệp F&B cũng đang triển khai nhiều sáng kiến và dịch vụ mới để đáp ứng sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và hành vi mua hàng của người tiêu dùng.

Những bài học "vượt Covid-19" quan trọng từ ngành F&B Trung Quốc

Bài học 1: Cơ hội cho những bữa ăn ngon, tiện lợi và bổ dưỡng tại nhà

Bất chấp sự gia tăng đột biến của thực phẩm ăn liền, “cán cân” tiêu dùng  dường như đang xoay chuyển khi mọi người bắt đầu khám phá những bữa ăn bổ dưỡng hơn ngoài đồ hộp hoặc đông lạnh. Để tránh đám đông và kiểm soát nguồn thực phẩm của mình, người tiêu dùng đang dành nhiều thời gian hơn cho việc tự nấu ăn trong bếp.

Cuộc khảo sát của Mintel chỉ ra rằng, 69% người tiêu dùng Trung Quốc đang chi tiêu nhiều hơn cho các bữa ăn tại nhà và 49% chi tiêu ít hơn cho việc ăn uống bên ngoài. Ngoài ra, theo khảo sát của Streetbees, 40% người làm việc tại nhà trong giai đoạn này cho biết họ đang thực hiện các công việc nấu nướng từ đầu, con số này cao gần gấp đôi so với 26% trước Covid-19.

Sự thay đổi này đã làm bùng nổ trào lưu của các video nấu ăn trực tuyến khi người tiêu dùng yêu thích việc khám phá lại thú vui chuẩn bị bữa ăn bổ dưỡng tại gia (theo báo cáo của Ipsos). Hơn nữa, có đến 58% người tiêu dùng cho biết họ “quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống hàng ngày”, nghĩa là mặc dù vẫn có thể thưởng thức bữa ăn ở ngoài, nhưng “cán cân” sẽ tiếp tục nghiêng khi người tiêu dùng ngày càng hướng đến việc chuẩn bị các bữa ăn tại nhà và tận hưởng những niềm vui như dùng bữa với gia đình và bạn bè.

6 bài học vượt qua khủng hoảng Covid-19 của ngành F&B Trung Quốc- Ảnh 2.

Bùng nổ xu hướng video dạy nấu ăn trực tuyến. Ảnh: phimdankinh

 

Việc thay đổi thói quen tiêu dùng này có thể được coi là cơ hội cho ngành. Các doanh nghiệp F&B có thể giúp người tiêu dùng thưởng thức bữa ăn ngon hơn tại nhà, bằng cách cung cấp các giải pháp bữa ăn lành mạnh, ngon miệng, dễ chuẩn bị hay tạo ra các thực đơn bổ dưỡng, điều này đều sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mới nấu ăn và đang tìm kiếm hướng dẫn. Ngay cả các công ty chuyên về thực phẩm đông lạnh cũng có thể “giáo dục người tiêu dùng” về giá trị dinh dưỡng của trái cây, rau và cá đông lạnh theo cách tương tự.

Bài học 2: Thông tin minh bạch về nguồn cung ứng và an toàn thực phẩm

Người tiêu dùng ngày càng nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó các công nghệ như blockchain được ứng dụng trong các quy trình chuỗi cung ứng có vai trò rất quan trọng trong việc cho phép hiển thị thông tin chi tiết và minh bạch hơn về nguồn cung ứng và sản xuất sản phẩm. 

Điều này đã mang lại kết quả tốt khi có đến 62% người tiêu dùng Trung Quốc cho biết thông tin đầy đủ giúp họ an tâm mua sắm hơn, có kế hoạch hợp lý hơn về những sản phẩm mà họ sắp chi tiêu và tiêu thụ.

Bài học 3: Protein có nguồn gốc thực vật là một sự thay thế sạch và an toàn cho thịt

Nỗi lo sợ rằng các sản phẩm từ động vật là nguyên nhân gốc rễ của virus đã khiến người tiêu dùng ở Trung Quốc cảnh giác với thịt và cá tươi. Sự bùng phát của Covid-19 đã đe dọa lòng tin của người tiêu dùng đối với thịt, và chuyển hướng sự chú ý của họ sang các thực phẩm giàu protein có nguồn gốc thực vật như đậu nành, nấm và gạo. Nhưng đây vốn không phải là một khái niệm mới đối với khẩu vị của người Trung Quốc, họ đã quen thuộc với những món “thịt giả” này từ thời nhà Đường tồn tại vào khoảng 1.400 năm trước. Một sản phẩm khác cũng được người tiêu dùng ở Trung Quốc ưa chuộng là thanh protein (protein bar) một dạng thực phẩm bổ sung protein đầy đủ dinh dưỡng và tiện lợi.

6 bài học vượt qua khủng hoảng Covid-19 của ngành F&B Trung Quốc- Ảnh 3.

Protein nguồn gốc thực vật được người tiêu dùng Trung Quốc ưu chuộng. Ảnh: lampos

Bài học 4: Ưu tiên các vấn đề về sức khỏe và thực phẩm hỗ trợ khả năng miễn dịch

Báo cáo của Ipsos chỉ ra rằng, sức khỏe thể chất và tinh thần là một trong những vấn đề được người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt quan tâm (75%). Người tiêu dùng đang chú ý nhiều hơn đến dinh dưỡng, xem xét nhiều hơn đến các chất bổ sung hỗ trợ sức khỏe và khả năng miễn dịch. Các thành phần tự nhiên giúp tăng cường sức khỏe và hệ miễn dịch như gừng và chanh đang được mọi người ưa chuộng. Một số sản phẩm mới được ra mắt trong giai đoạn này chứa các thành phần hỗ trợ miễn dịch như sữa bổ sung globulin, trà trái cây vitamin C,... cũng nhanh chóng được người tiêu dùng tin dùng và lựa chọn.

Trước Covid-19, tầm quan trọng của sức khỏe đã được thể hiện rõ ràng tại thị trường Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát người tiêu dùng toàn cầu năm 2019 của Kerry về sức khỏe miễn dịch, 90% người tiêu dùng Trung Quốc tự nhận mình là người “có ý thức về sức khỏe”, trong đó các sản phẩm bổ sung, dinh dưỡng thể thao và sữa chua tăng khả năng miễn dịch được quan tâm nhiều nhất. Yếu tố chính thúc đẩy người tiêu dùng mua thực phẩm và sản phẩm lành mạnh là thông tin minh bạch về thành phần - khoảng một nửa số người tham gia khảo sát muốn thấy lợi ích và hiệu quả được giải thích và hỗ trợ rõ ràng trên bao bì.

Bài học 5: Người cao tuổi bắt đầu mua hàng trực tuyến

Xu hướng mua hàng trực tuyến trở nên phổ biến, giúp nhiều người cao tuổi Trung Quốc phát hiện ra việc mua sắm trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng và tiện lợi như thế nào chỉ với các ứng dụng và mạng xã hội. Điều này đòi hỏi các nhà sản xuất cần trình bày hình ảnh rõ ràng, tên và mô tả sản phẩm dễ đọc để đảm bảo trải nghiệm mua hàng của người dùng cao tuổi trở nên suôn sẻ, đặc biệt là khi các ứng dụng đặt hàng dễ dàng thao tác hơn và mức độ phổ biến của giao đồ ăn tiếp tục tăng lên.

Bài học 6: “Comfort Food” và các sản phẩm cao cấp tăng mạnh

Hiểu một cách đơn giản, “comfort food” là bất kỳ loại thức ăn nào có thể khiến bạn cảm thấy vui vẻ, tâm trạng trở nên tốt hơn mỗi khi không vui.

6 bài học vượt qua khủng hoảng Covid-19 của ngành F&B Trung Quốc- Ảnh 4.

Comfort Food là gì? Ảnh: aliveinusa

Trong những thời điểm không chắc chắn bởi đại dịch, người tiêu dùng ở Trung Quốc đã tiếp cận nhiều hơn với các thực phẩm “comfort food” và các danh mục bao gồm kem, sô cô la, đồ ăn nhẹ và sữa có mức độ phổ biến cao nhất. Theo Kantar, tuần lễ Tết âm lịch 2020 ở Trung Quốc đã chứng kiến doanh số bán kem tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó phía Bắc Trung Quốc đứng đầu với 48%. Doanh số bán đồ ăn nhẹ tại các cửa hàng tiện lợi cũng ghi nhận tăng 17% trong khoảng thời gian từ ngày 25 tháng 1 đến ngày 7 tháng 2 so với ngày 2 và 15 tháng 2 năm 2019.

Kế hoạch bị gián đoạn, cảm giác bị bỏ lỡ các cơ hội vui chơi, du lịch và nhận ra rằng cuộc sống rất mong manh cũng đã thúc đẩy những người thích phiêu lưu tại Trung Quốc cởi mở hơn với những trải nghiệm mới và các sản phẩm cao cấp với tư duy "đón nhận cuộc sống đầy đủ".

Kết

Dịch bệnh xuất hiện làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của người dân tại Trung Quốc và thế giới. Khi dịch bệnh tiếp tục lan rộng và ngày càng phức tạp, những bài học thành công của lĩnh vực F&B tại Trung Quốc trong việc đảm bảo sức khỏe, sinh kế và nền kinh tế ổn định sẽ tiếp tục là “tấm gương” cho nhiều quốc gia học hỏi.

Lương Hạnh - MarketingAI

Theo kerry

>> Có thể bạn quan tâm: Chiến lược marketing F&B: cách tiếp thị “ghi điểm” mùa COVID

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.