Không chỉ biết đến như một công cụ tất yếu trong việc marketing sản phẩm, Livestream còn được biết đến là một tính năng “hái ra tiền” được các sàn TMĐT dày công đầu tư cho các nhà bán hàng và phát triển trở thành một kênh giải trí quen thuộc cho khách hàng. Ấy vậy mà ngành công nghiệp du lịch vẫn đang chậm chạp chưa nắm bắt được toàn bộ xu thế đó. Nguyên nhân phần lớn là do ngành này vẫn còn khá truyền thống và chưa đạt được sự đồng đều trong cách tiếp cận.
Bài viết dưới đây sẽ phân tích case study đến từ Klook - một nền tảng đặt vé du lịch có trụ sở tại Hồng Kông, để xem rằng Klook! đã làm thế nào để đưa livestream vào trong chiến lược Marketing & Sale nhé!
Khi đại dịch COVID-19 dần được kiểm soát tốt hơn cũng là lúc người dân bắt đầu rục rịch tìm kiếm những trải nghiệm du lịch, giải trí hay những hàng tiêu dùng có chung những đặc điểm giống nhau. Tận dụng chính lúc này, nền tảng đặt vé du lịch có trụ sở tại Hồng Kông Klook đã mạo hiểm rủi ro đặt cược vào Klook Live! - Một nền tảng kể chuyện mới mà họ hy vọng sẽ cách mạng hóa ngành công nghiệp du lịch, bằng cách xây dựng nên một cộng đồng gồm những cá nhân có cùng chung chí hướng, những người muốn khám phá những nội dung giải trí, du lịch và lối sống theo hướng giáo dục, giúp họ trải nghiệm các dịch vụ từ việc cần làm (things-to-do), đồ ăn, thức uống cho đến nơi lưu trú.
(Nguồn: Klook)
“Những người dùng có hiểu biết nhất định về công nghệ số giờ đây muốn có một cái nhìn chân thực và cụ thể về sản phẩm trước khi mua hàng. Đồng thời họ cũng ngày càng yêu cầu cao hơn về nội dung của các video livestream mang tính cập nhật thông tin và giải trí. Đó là lý do livestream luôn là công cụ mà chúng tôi muốn giới thiệu trong thời gian vừa qua và chính đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh tốc độ hoàn thành lộ trình đó”, Marcus Yong, Phó Chủ tịch Marketing khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại Klook giải thích với The Drum.
“Đối với những cơ quan, đại lý du lịch luôn muốn áp dụng phương thức bán hàng thông qua livestream này nhưng lại thiếu tài nguyên và kinh nghiệm để làm, Klook Live! sẽ là một nền tảng khả thi và hiệu quả về chi phí giúp họ có thể tăng cường sự tương tác của người tiêu dùng và giúp tăng doanh số bán hàng.”
Klook tin rằng Klook Live! cũng sẽ giúp hồi sinh ngành công nghiệp du lịch, vốn đã bị “tàn sát” thảm hại bởi đại dịch Covid-19. Cụ thể, nền tảng này cung cấp một phương thức bán hàng hấp dẫn, trực quan hơn, thậm chí là mang tính trải nghiệm và tương tác vô cùng cao trong thời gian thực, đối với các khách hàng tiềm năng.
Yong nói rằng nó giống như quảng cáo trên stories, với khả năng chuyển đổi trong thời gian thực thông qua các công cụ khác nhau được tích hợp trong buổi livestream.
“Livestream cũng có thể mở ra cánh cửa mới cho các nguồn doanh thu thay thế, từ trải nghiệm tương tác ảo đến nội dung được trả phí cao cấp. Những tính năng này mở ra tiềm năng kinh doanh mới cho các thương gia và có thể được sử dụng như một động lực tăng trưởng để đẩy nhanh sự phục hồi của ngành du lịch sau Covid-19”, ông giải thích.
“Cá nhân chúng tôi nhận thấy rằng, nhu cầu khám phá thế giới của người dân vẫn đang “cháy mãnh liệt” bất chấp những hạn chế về du lịch quốc tế. Klook Live! cũng mang lại cơ hội cho những trải nghiệm và điểm đến luôn là ưu tiên hàng đầu của du khách, ngay cả khi họ không thể đi du lịch nước ngoài.”
(Nguồn: Klook)
Yong tin rằng viễn cảnh ngành du lịch trước và sau khi đại dịch xảy ra đã thay đổi rất nhiều, nhất trong bối cảnh khách hàng buộc phải cân nhắc nhiều hơn trước khi ra quyết định đi chơi hay là không. Thay vì chỉ tập trung vào việc đi đâu và làm gì cho chuyến đi tiếp theo, giờ đây du khách còn phải suy nghĩ về các vấn đề an toàn sức khỏe, vệ sinh và những rủi ro khác có khả năng ảnh hưởng đến chuyến du lịch.
Ông chỉ ra rằng khách du lịch sẽ coi trọng chất lượng chuyến đi hơn là số lượng và họ có xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm thật mật và được lên kế hoạch từ trước hơn. Và khi nhu cầu khám phá của người dùng nhận được sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, thì tương lai của ngành du lịch sẽ càng chiếm ưu thế hơn trên các thiết bị di động, với việc mọi hoạt động từ việc tiêu thụ nội dung, giao dịch và tương tác đều xảy ra trên cùng một nơi.
Ngoài ra, Yong cũng dự đoán rằng khách du lịch sẽ thích các chuyến đi theo nhóm nhỏ, thân mật và mang tính cá nhân hơn, đơn giản vì họ đã trở nên khó tính hơn trong việc chọn lọc môi trường tiếp xúc khi đi du lịch cũng như chọn bạn đồng hành trong các chuyến đi.
“Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng của người dùng trong việc khám phá theo hướng tự do và đơn giản hóa hơn, chúng tôi đã cho ra mắt một website riêng vào hồi đầu tháng 5, hỗ trợ khách hàng có thể thuê xe ô tô riêng cho nhóm khi đi du lịch. Dịch vụ này thỏa mãn hoàn toàn sở thích ưa khám phá những con đường mở rộng lớn cho những người thích đi theo nhóm nhỏ, dễ dàng tiếp cận, chọn lựa và đặt cho mình một chiếc xe riêng thích hợp”, anh giải thích.
“Nhu cầu về các dịch vụ mạo hiểm ngoài trời cũng gia tăng nhanh chóng. Ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, số lượt đặt phòng cho các hoạt động mạo hiểm ngoài trời đã tăng hơn 250% trên toàn cầu so với cùng kỳ năm ngoái, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh vào năm 2020 khi du khách tìm kiếm các hoạt động ngoài trời để tránh tụ tập đám đông.”
(Nguồn: Klook)
Ông tiếp tục: “Ví dụ như tại Đài Loan, một trong những thị trường đi đầu trong việc nắm bắt nhu cầu đi lại trong nước, các dữ liệu về lượng truy cập các hoạt động ngoài trời và du lịch đảo của Klook Đài Loan đã tăng gấp 10 lần vào tháng 6 năm nay. Người dùng đang khao khát các hoạt động ngoài trời, họ tìm kiếm và đặt các chuyến đi trên thuyền, các hoạt động lặn với ống thở và trải nghiệm dù lượn ở Pingtung, Penghu,...”
Tô Linh - MarketingAI
Theo Thedrum
>> Có thể bạn quan tâm: Binance chứng minh tại sao tập trung vào cộng đồng là chiến lược marketing tốt nhất
Bình luận của bạn