cover

Cẩm nang thiết kế website thương mại điện tử dành cho mọi doanh nghiệp

09 Thg 06

Thương mại điện tử hiện nay được coi là ngành công nghiệp “gà đẻ trứng vàng” với tốc độ phát triển nhanh như vũ bão trên toàn thế giới. Theo xu thế, các doanh nghiệp đã đổ không ít tiền...

Thương mại điện tử hiện nay được coi là ngành công nghiệp “gà đẻ trứng vàng” với tốc độ phát triển nhanh như vũ bão trên toàn thế giới. Theo xu thế, các doanh nghiệp đã đổ không ít tiền vào việc xây dựng trang web sao cho bắt mắt và tối ưu trải nghiệm nhất có thể. Tuy nhiên, với vai trò là người dùng, bạn đã bao giờ bạn cảm thấy khó chịu khi mua sắm trên một trang web thương mại điện tử vì thiết kế quá phức tạp và “đau mắt” hay chưa? Trên thực tế, thiết kế trang web là một trong những yếu tố gây ảnh hưởng lớn nhất đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Nếu thiết kế trang web không cá nhân hóa được trải nghiệm người dùng sẽ dễ khiến họ cảm thấy nhàm chán và dễ bỏ đi, đồng thời đánh giá thấp mức độ chuyên nghiệp của công ty.

Một nghiên cứu cho thấy, có tới 48% người cho rằng thiết kế trang web là một yếu tố quyết định mức độ uy tín của một doanh nghiệp. Và nếu bạn đang băn khoăn về tiềm năng sử dụng của các trang web thương mại điện tử của mình, thì hãy theo dõi bài viết dưới đây, MarketingAI sẽ giới thiệu tới cho các bạn một số mẹo tuyệt vời giúp cải thiện thiết kế trang web, đồng thời là các ví dụ xuất sắc bạn có thể tham khảo!

9 mẹo thiết kế website thương mại điện tử đáng lưu ý năm 2020

Trước khi tải lên trang các sản phẩm tiếp theo của mình, bạn hãy tham khảo 9 mẹo thiết kế trang web dưới đây nhé!

1. Trang web thân thiện với người dùng

Khi nói đến các trang web thương mại điện tử hàng đầu, thân thiện với người dùng là yếu tố bắt buộc không thể bỏ qua. Hoạt động điều hướng khách hàng phải dễ dàng được thực hiện để thúc đẩy việc mua hàng. Lấy ví dụ như trang web Daily Harvest dưới đây. Trong phần Trang chủ nêu rất rõ mục đích các sản phẩm của họ và nút kêu gọi hành động (CTA) - “Get Started” là một đường liên kết nhanh giúp khách hàng có thể khám phá và trải nghiệm mua hàng ngay sau đó.

Cẩm nang thiết kế website thương mại điện tử dành cho mọi doanh nghiệp- Ảnh 1.

Trang chủ cũng có menu thả xuống để khách hàng có thể dễ dàng điều hướng tới những gì họ đang tìm kiếm. Menu thả xuống giúp trang web được sắp xếp trật tự hơn và làm giảm sự “rối mắt” trên Trang chủ.

2. Đảm bảo quy trình thanh toán an toàn

Nếu trang web của bạn cho phép khách hàng thực hiện mua sắm, hãy đảm bảo các thông tin như thẻ tín dụng của họ luôn được bảo mật an toàn. Có một vài cách để bạn có thể thực hiện điều này.

Đầu tiên, như bạn thấy trong hình ảnh hiển thị trên trang web của công ty làm đẹp Billie, bạn có thể thêm nút "thông tin" (info) như dưới đây;

Cẩm nang thiết kế website thương mại điện tử dành cho mọi doanh nghiệp- Ảnh 2.

Các nút này rất hữu ích nếu bạn muốn hiển thị thông tin thanh toán an toàn cho khách hàng đồng thời tránh trang thanh toán chưa cùng lúc quá nhiều thông tin. Tuy nhiên, nếu bạn muốn thể hiện sự bảo mật thanh toán rõ ràng hơn trên trang web của mình, hãy đặt chúng ở phần đầu trang "Đặt hàng" có thể sẽ giúp khách hàng cảnh giác hơn khi mua hàng trực tuyến.

3. Thêm các tùy chọn lọc cho sản phẩm của bạn

Là một người tiêu dùng, chúng ta luôn thích các tùy chọn lọc để dễ dàng tìm thấy các sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp với sở thích và nhu cầu của mình. Đó là lý do tại sao tính năng này cần phải có trong trang web thương mại điện tử của bạn. Những khách hàng biết chính xác những gì họ cần có thể tìm thấy sản phẩm đó nhanh chóng mà không cần đi qua quá nhiều tùy chọn. Bạn có thể tham khảo danh sách bộ lọc này từ The Little Market trong ví dụ dưới đây:

Cẩm nang thiết kế website thương mại điện tử dành cho mọi doanh nghiệp- Ảnh 3.

Trang web thương mại điện tử Little Marketing chuyên về các sản phẩm trang trí nhà cửa có rất nhiều các trang đề xuất sản phẩm, chính vì vậy hệ thống chọn lọc cụ thể này sẽ giúp người tiêu dùng tìm thấy những gì họ đang cần dựa trên nhiều danh mục lọc khác nhau.

Khi thiết kế hệ thống lọc cho trang web, bạn cũng cần phải đảm bảo rằng phạm vi của các danh mục đó vừa đủ rộng để phù hợp với tất cả các sản phẩm, nhưng cũng phải đủ cụ thể để giúp ích cho khách hàng. Ví dụ: trang web cho một công ty thu âm có thể xây dựng các tùy chọn lọc dựa trên tên nghệ sĩ, thể loại hoặc nhãn hàng.

4. Thiết lập các nền tảng chăm sóc khách hàng trên trang web của bạn 

Các nền tảng chăm sóc khách hàng có thể bao gồm một chatbot trả lời tự động các câu hỏi thường gặp về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Ngoài ra, bạn có thể xây dựng hẳn một mục hỗ trợ trên trang web nhằm cung cấp thêm các thông tin chi tiết về các sản phẩm của bạn, giống như ví dụ dưới đây từ công ty máy ảnh Fujifilm:

Cẩm nang thiết kế website thương mại điện tử dành cho mọi doanh nghiệp- Ảnh 4.

Trong mục này, công ty đã cung cấp các thông tin miễn phí về cách sử dụng các loại máy ảnh khác nhau có trên trang web của họ, bao gồm hướng dẫn sử dụng và các phần mềm có thể tải xuống để chỉnh sửa ảnh. Việc cung cấp các tài nguyên hữu ích như thế này cho khách hàng là vô cùng cần thiết nếu bạn đang bán một sản phẩm hoặc dịch vụ sở hữu những tính năng phức tạp cần giải thích thêm cho khách hàng, như máy ảnh hoặc các phần mềm tự động.

5. Sở hữu một hệ thống CMS chuẩn

Việc chọn được một phần mềm chính xác sẽ giúp bạn quản lý trang web thương mại điện tử của mình tốt hơn rất nhiều. Điều này cũng quan trọng như việc điều chỉnh trải nghiệm của khách hàng sao cho tối ưu nhất có thể vậy. Một phần mềm CMS chuẩn sẽ có thể hỗ trợ tất cả các chức năng trong danh sách này và tối ưu hóa khả năng sử dụng cho bạn cũng như mọi người trong team.

Chẳng hạn, CMS của bạn có cho phép bạn tạo ra một trang responsive web (thiết kế web đáp ứng - hiển thị nội dung co giãn phù hợp trên tất cả các màn hình thiết bị như desktop, laptop, tablet, smartphone, với mọi độ phân giải màn hình), như trong ảnh chụp màn hình bên dưới này.

Cẩm nang thiết kế website thương mại điện tử dành cho mọi doanh nghiệp- Ảnh 5.

6. Tối ưu hóa mục mô tả sản phẩm

Nếu bạn muốn duy trì mức độ hài lòng của khách hàng, hãy làm cho mục mô tả sản phẩm trở nên thú vị và hấp dẫn. Bản sắc và cá tính của thương hiệu không chỉ nên được thể hiện ở phần trang chủ của website mà phải được thể hiện ở toàn bộ nội dung của trang web. Hãy nhìn vào ví dụ mô tả sản phẩm này:

Cẩm nang thiết kế website thương mại điện tử dành cho mọi doanh nghiệp- Ảnh 6.

“No glass, no problem” (Tạm dịch: "Không có kính, không phải là vấn đề”). Phần mô tả sản phẩm được mở đầu một cách hấp dẫn đã thu hút sự chú ý của khách hàng. Đoạn mô tả sau đó sẽ giải thích những điểm nổi bật về sản phẩm, và chốt bằng một câu nhằm lôi kéo khách hàng mua sản phẩm. Bạn có thể áp dụng phương pháp tương tự khi mô tả các dịch vụ của công ty bạn. Hãy mở đầu đoạn giới thiệu bằng một câu nói thu hút và hấp dẫn. Sau đó, làm nổi bật một số tính năng thiết yếu của sản phẩm của bạn khiến nó khác biệt so với phần còn lại. Cuối cùng, đưa ra một hình ảnh chứng minh rằng sản phẩm sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của khách hàng.

7. Tích hợp mạng xã hội trên các trang sản phẩm của bạn.

Một câu hỏi đặt ra là, có nên cài đặt hiển thị đối với các biểu tượng mạng xã hội lên trang web thương mại điện tử của bạn hay không? Câu trả lời chắc chắn là có. Các nút liên kết này sẽ giúp cải thiện khả năng hiển thị của thương hiệu của bạn.

Chẳng hạn, nếu bạn muốn chia sẻ sản phẩm dưới đây lên tài khoản Twitter, các nút biểu tượng bên dưới sẽ giúp những người theo dõi dễ dàng nhấp vào liên kết nếu họ quan tâm và muốn tìm hiểu thêm:

Cẩm nang thiết kế website thương mại điện tử dành cho mọi doanh nghiệp- Ảnh 7.

Các tùy chọn chia sẻ lên các trang mạng xã hội sẽ cung cấp cho người mua hàng cơ hội để chia sẻ sản phẩm của bạn với nhóm bạn bè và gia đình của họ, mở rộng phạm vi tiếp cận của thương hiệu tới các đối tượng lớn hơn.

8. Làm nổi bật tiếng nói của khách hàng cho các sản phẩm của bạn

Tiếng nói của khách hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng và là một phần không thể thiếu trên trang web của bạn. Nó đem đến cho các khách hàng tiềm năng những ý tưởng về cách sử dụng của một sản phẩm/dịch vụ nào đó, và ý tưởng đó là đến từ chính các khách hàng cũ đã mua hàng của thương hiệu. Những phản hồi từ các khách hàng đã từng sử dụng sản phẩm sẽ mang độ tin cậy cao hơn so với mục mô tả sản phẩm của chính công ty.

Cẩm nang thiết kế website thương mại điện tử dành cho mọi doanh nghiệp- Ảnh 8.

Ví dụ như lời feedback trên đây của một chuyên gia bán hàng đã mang lại độ tin cậy cao cho phần mềm Sales Hub của HubSpot . Nó chứng minh rằng phần mềm này hoạt động hiệu quả cho các doanh nghiệp SMBs và cung cấp các dữ liệu về cách triển khai cụ thể. Một lời khuyên dành là bạn có thể liên hệ với các khách hàng trung thành, tặng họ một sản phẩm/dịch vụ của bạn, sau đó lấy feedback từ họ - họ sẽ cảm thấy feedback đó (tiếng nói của họ) có sức nặng như thế nào đối với công ty của bạn.

9. Tối ưu trải nghiệm trang web cho các thiết bị di động

Bạn có biết rằng vào năm 2021, chi phí mua điện thoại thông minh ở Mỹ sẽ đạt hơn 350 tỷ đô la? Con số này đã tăng từ 148 tỷ đô la vào năm 2018. Đây là lý do tại sao việc đảm bảo trang web thương mại điện tử vận hành tốt trên các thiết bị di động là điều bắt buộc, nếu bạn muốn làm hài lòng khách hàng.

Ngày càng có nhiều người tiêu dùng có thể mua hàng dễ dàng chỉ với chiếc smartphone của mình, do đó, việc tối ưu hóa website mua sắm trên nền tảng di động giúp cho việc mua hàng trở nên dễ dàng và thú vị hơn nhiều. Hãy nhìn vào ví dụ dưới đây của cửa hàng bán lẻ cà phê có trụ sở tại Chicago - Dollop Coffee Co. Đây là giao diện hiển thị của tab Mua sắm trên PC:

Cẩm nang thiết kế website thương mại điện tử dành cho mọi doanh nghiệp- Ảnh 9.

Các sản phẩm được dán nhãn rõ ràng, hình ảnh đủ lớn và rõ ràng để được nhìn rõ trên các trình duyệt máy tính, đồng thời phần điều hướng cũng vô cùng dễ hiểu. Để so sánh, chúng ta hãy nhìn vào phần giao diện được hiển thị trên Mobile:

Cẩm nang thiết kế website thương mại điện tử dành cho mọi doanh nghiệp- Ảnh 10.

Lưu ý rằng, ở cách thiết kế hiển thị trên Mobile, ảnh nhỏ hơn và bốn sản phẩm được hiển thị ở định dạng khác so với phiên bản dành cho máy tính để bàn. Những thay đổi nhỏ này giúp cho trải nghiệm điều hướng trên thiết bị di động trở nên dễ dàng hơn, giống như trên máy tính để bàn.

Sau khi đã được trang bị một số mẹo để thiết kế một website thương mại điện tử đúng chuẩn, giờ là lúc bạn nên tham khảo một số ví dụ điển hình về thiết kế website dưới đây để rút ra kinh nghiệm cho mình nhé!

Tổng hợp các thiết kế website thương mại điện tử tốt nhất

Hãy cùng xem các trang web nào đã tận dụng một số kỹ thuật kể trên để làm hài lòng khách hàng của họ và cung cấp một trải nghiệm mua sắm toàn diện nhé!

1. Bandcamp

Chiến thuật: Thiết kế website thân thiện với người dùng

Bandcamp là một trang web nơi các hãng thu âm và các nghệ sĩ độc lập có thể chia sẻ và bán nhạc của họ. Vào các ngày thứ Sáu, Bandcamp sẽ tặng 100% lợi nhuận của họ cho các nhạc sĩ. Dịch vụ của Bandcamp yêu cầu trang web này phải được thiết kế làm sao để cả người tiêu dùng lẫn nghệ sĩ đều cảm thấy dễ sử dụng.

Cẩm nang thiết kế website thương mại điện tử dành cho mọi doanh nghiệp- Ảnh 11.

Như bạn thấy trên đây, đây là giao diện hiển thị của ban nhạc Frankie Cosmos có trụ sở tại Chicago. Hãy lưu ý cách thiết kế của trang web Bandcamp đã góp phần cá nhân hóa cho hình ảnh thương hiệu của ban nhạc như thế nào. Ngoài ra, cũng có nhiều tùy chọn để mua đĩa qua các công cụ của Bandcamp.

Trang web thân thiện với người dùng của Bandcamp khuyến khích người dùng khám phá và trải nghiệm mà không cần phải nghiên cứu cách thức sử dụng quá nhiều.

2. Yelp

Chiến thuật: Tùy chọn lọc chi tiết

Trang web của Yelp đang ngày càng được mở rộng - đây là nền tảng để người tiêu dùng có thể để lại đánh giá về trải nghiệm mua sắm của họ đồng thời cũng là nơi để chủ doanh nghiệp gia tăng khả năng hiển thị và kết nối với khách hàng.

Cẩm nang thiết kế website thương mại điện tử dành cho mọi doanh nghiệp- Ảnh 12.

Các tùy chọn lọc trên Yelp giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm những sản phẩm theo nhu cầu của họ. Họ có thể thoải mái lựa chọn các sản phẩm ưa thích và tìm kiếm các tùy chọn dựa trên vùng lân cận, loại hình kinh doanh, giờ, phạm vi giá và nhiều hơn thế nữa.

Nếu trang web của bạn lưu trữ rất nhiều dịch vụ như Yelp, hãy mở rộng thêm các tùy chọn bộ lọc cho trang web của mình để phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng.

3. Scoop N Scootery

Chiến thuật: Danh sách sản phẩm hấp dẫn

Thiết kế trang web của cửa hàng kem nổi tiếng ở Boston - Scoop N Scootery khiến người ta liên tưởng đến miếng bánh kem hấp dẫn. Trang web này là một công cụ xây dựng thương hiệu đáng kinh ngạc. Nó giúp duy trì tinh thần và tính cách của doanh nghiệp một cách nhất quán, ngay cả trên mục menu của website.

Cẩm nang thiết kế website thương mại điện tử dành cho mọi doanh nghiệp- Ảnh 13.

Sự tương tác và thú vị có trong menu này đã thu hút các khách hàng truy cập trang web từ cái nhìn đầu tiên khi khiến họ có thể cảm nhận được về hương vị của thương hiệu dù chỉ là trên trang web.

4. SimpliSafe

Chiến thuật: Dịch vụ hỗ trợ khách hàng

SimpliSafe cung cấp các hệ thống an ninh gia đình, và trang web của công ty là một nguồn trả lời hữu ích cho mọi câu hỏi về camera và an ninh gia đình, được đề xuất bởi công ty và tính năng của mỗi loại camera đó. Trang web của SimpliSafe cũng sở hữu Trung tâm trợ giúp (Help Center) như dưới đây:

Cẩm nang thiết kế website thương mại điện tử dành cho mọi doanh nghiệp- Ảnh 14.

Trung tâm trợ giúp này cung cấp một biểu mẫu giúp khách hàng biết thêm thông tin về máy ảnh, nghiên cứu thêm về các sản phẩm và được sắp xếp theo một định dạng rõ ràng. Nếu một trong những mục tiêu khi xây dựng trang web của bạn là cải thiện khả năng phục vụ khách hàng, thì Trung tâm trợ giúp của SimpliSafe sẽ là một nơi tuyệt vời có thể truyền cảm hứng cho bạn.

5. Rothy’s

Chiến thuật: Mô tả sản phẩm hấp dẫn

Thương hiệu giày Rothy’s đã luôn tạo ra sự hài hước và vui vẻ với phần mô tả sản phẩm trên trang web. Những đôi giày của Rothy’s đều được làm từ chai nước tái chế và niềm tự hào của họ là đem lại cảm giác thoải mái cho người dùng. Mỗi khi cho ra mắt một dòng sản phẩm mới, nhóm Nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Rothy’s đều tập trung vào sự thoải mái và thời tiết ấm áp:

Cẩm nang thiết kế website thương mại điện tử dành cho mọi doanh nghiệp- Ảnh 15.

Mô tả sản phẩm này sử dụng lý luận hết sức thuyết phục và liên quan đến người đọc. Ngoài ra, khi đề cập đến các giác quan, đoạn văn ngắn giúp người dùng có thể tưởng tượng ra những cảm xúc khi mang đôi giày này: hạnh phúc, thư giãn và phong cách.

Chính vì thế, hãy khơi gợi cảm xúc của người tiêu dùng với các mô tả sản phẩm của bạn. Với những người lần đầu tiên ghé thăm trang web của bạn, hãy cho họ thấy những dòng mô tả hấp dẫn và tò mò,  khiến họ muốn tìm hiểu sâu thêm về sản phẩm của bạn.

Tạm kết

Khi bạn nghĩ về trang web thương mại điện tử của mình, bạn nghĩ đâu là các tính năng nổi bật nhất? Đâu là các yếu tố bạn có thể cải thiện trong quá trình thiết kế? Hãy xem xét kỹ những điều này khi bạn tiến hành thiết kế lại trang web và khách hàng của bạn sẽ thấy thích thú với trang web của bạn hơn đó.

Tô Linh - MarketingAI

Theo HubSpot

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.