Thống kê mới nhất cho thấy, 70% người tiêu dùng Châu Á Thái Bình Dương đang xem video trực tuyến ít nhất một lần một tuần. SpotX, một nền tảng quảng cáo video mới đây cũng đưa ra báo cáo rằng, gần 400 triệu người hiện đang sử dụng dịch vụ video streaming (OTT) trên khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó cho thấy, các nền tảng dịch vụ OTT (thường được biết đến bởi các ứng dụng như Netflix, WeTV, iQiYi,...) đang ngày càng đa dạng và phủ sóng mạnh mẽ hơn.
Nghiên cứu về sự phát triển của OTT tại Châu Á
Bài nghiên cứu “OTT dành cho mọi người dùng Châu Á” mới đây cũng đã khảo sát về xu hướng sử dụng các dịch vụ truyền hình trực tuyến (OTT) và khả năng tiếp nhận quảng cáo ở khu vực APAC, cụ thể là ở 7 quốc gia chính bao gồm Indonesia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản và Úc.
Các nền tảng dịch vụ OTT đang cạnh tranh thị phần khán giả Việt (Ảnh: nld)
Tại mỗi thị trường, bài nghiên cứu sẽ tập trung vào phân tích các yếu tố sau: thông tin chuyên sâu về đối tượng mục tiêu, hành vi xem, tác động và hiệu quả của quảng cáo, cùng với các nhận xét từ phía nhà cung cấp nền tảng và CEO của các agency quảng cáo.
Các dịch vụ OTT cho phép các nhà cung cấp truyền tải nội dung video thông qua Internet, từ vô số các thiết bị khác nhau như SmartTV, laptop, smartphone,... SpotX cho biết mục đích của báo cáo là cung cấp cho các nhà quảng cáo (thương hiệu) và chủ sở hữu của các phương tiện truyền thông (media owners) những hiểu biết nâng cao hơn về các xu hướng thúc đẩy lượng người xem OTT ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Giám đốc điều hành SpotX Châu Á, Gavin Buxton cho biết: “OTT đã thực sự trở thành xu hướng phổ biến. Các video độc quyền được phát trực tuyến đã thu hút sự chú ý của người dùng và smartphone là thiết bị chiếm ưu thế trong sự chú ý đó ở Đông Nam Á. Điều này tạo ra một hệ sinh thái OTT riêng biệt và độc đáo, nơi người xem có thể tự do lựa chọn các thể loại chương trình mà họ yêu thích ở mọi khu vực khác nhau, từ trong nước đến quốc tế, với những nội dung đa dạng kết hợp, trên thế giới cũng như trong nước.”
“Mức độ tiêu thụ nội dung OTT đối với người mới lần đầu sử dụng dịch vụ lẫn người đã và đang sử dụng đều đã tăng cao trong thời gian đại dịch. Phạm vi tiếp cận ước tính của những người xem OTT đang hoạt động ở Châu Á Thái Bình Dương là 392 triệu người, lớn hơn cả dân số của Hoa Kỳ.”
Các phát hiện chính trong nghiên cứu:
- Hơn 2/3 (69%) người xem video trong khu vực xem video trực tuyến ít nhất một lần một tuần. Ba thị trường dẫn đầu về lượng xem OTT là Singapore (91%), Úc (81%) và Indonesia (76%).
- Phần lớn người xem OTT dành ra hơn 2h/ngày để xem video, vượt xa các nền tảng chia sẻ video và truyền hình truyền thống khác. Các thị trường tiêu thụ OTT hàng đầu là Philippines, Indonesia và Australia.
- 66% người xem OTT trên toàn khu vực thường hay xem trên smartphone, trong đó, các nước đang phát triển chiếm tỷ lệ lớn. Tuy nhiên, lượng người xem các ứng dụng OTT qua SmartTV cũng đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là ở Úc, Singapore và Việt Nam, nơi có ít nhất 1/5 người xem video trực tuyến qua các thiết bị TV thông minh.
- Hầu hết người xem video đều sẵn sàng xem quảng cáo chỉ để được xem các chương trình miễn phí và chỉ có 23% chấp nhận trả tiền cho các dịch vụ không có quảng cáo. Khảo sát cũng chỉ ra rằng, có tới 86% người dùng nói rằng họ không ngại xem quảng cáo để đổi lấy việc được xem miễn phí, miễn là tốc độ tải quảng cáo diễn ra nhanh chóng.
Khán giả sẵn sàng xem quảng cáo chỉ để sử dụng dịch vụ miễn phí (Ảnh: nld)
- Những người nổi tiếng nói rằng quảng cáo trên các dịch vụ OTT mang lại cho họ hiệu quả hơn so với quảng cáo trên các kênh truyền hình truyền thống, nhất là trong việc thu hút sự chú ý của khán giả trên khắp các quốc gia Đông Nam Á.
- Quảng cáo OTT đang thúc đẩy hành vi mua hàng hiệu quả. Hơn một phần ba (35%) người xem OTT cho biết họ đã mua hàng sau khi xem các quảng cáo được chèn vào một chương trình OTT. 3 thị trường dẫn đầu về tỷ lệ chuyển đổi mua hàng này là Việt Nam, Singapore và Indonesia.
Nghiên cứu cho thấy Indonesia là thị trường lớn nhất và phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á về OTT với mức tăng trưởng về lượt xem đạt kỷ lục: 79% người xem trong độ tuổi 18-34 và 86% trong số đó chủ yếu xem qua điện thoại di động.
Crisela Magpayo Cervantes, Đối tác chính của Mindshare Indonesia, cho biết: “Chúng tôi mới chỉ đang điểm qua sơ lược về tiềm năng phát triển to lớn của OTT. Sự tăng trưởng về lượng người dùng OTT tăng không chỉ do các quy định về cách ly mà còn là thói quen mà người Indonesia sẽ tiếp tục theo đuổi sau đại dịch.”
“Các series phim, các bộ phim truyền hình trong nước và Hàn Quốc, cũng như các chương trình thể thao đang thúc đẩy sự tăng trưởng vượt bậc của OTT và các chiến lược mua lại khác nhau (acquisition strategies - chiến lược giúp 1 doanh nghiệp tăng trưởng bằng cách mua lại các công ty hoặc các đơn vị kinh doanh của những công ty khác), thông qua quan hệ đối tác viễn thông và các mô hình tài trợ mới.”
Kết
Nghiên cứu trên được thực hiện bởi công ty nghiên cứu Milieu Insights có trụ sở tại Singapore, với phạm vi khảo sát là 7.000 người trên 11 thị trường khác nhau. Khảo sát được thực hiện online và người tham dự đều từ 16 tuổi trở lên. Kết quả khảo sát nói riêng và nghiên cứu nói chung đã cho mọi người thấy một bức tranh tổng thể về hành vi xem các dịch vụ OTT trong toàn khu vực và phần nào giúp các thương hiệu có được định hướng tiếp theo trong việc tích hợp quảng cáo vào trong các chương trình truyền hình trực tuyến.
Tô Linh - MarketingAI
Theo Brandingasia
>> Có thể bạn quan tâm: Nhận định mức độ ảnh hưởng ngày càng tăng của các group Facebook
Bình luận của bạn