Việt Nam đang được đánh giá là một trong những nước có nhiều triển vọng phát triển về kinh tế trong khu vực cũng như trên thế giới, chính vì vậy, tiềm năng cho thị trường startup ở Việt Nam cũng ngày càng lớn mạnh nếu họ biết rõ các bước thành lập doanh nghiệp. Số lượng các doanh nghiệp startup ở Việt Nam qua từng năm không ngừng tăng lên, cho thấy đây là một môi trường tốt để tiến hành khởi nghiệp, với các quy định ngày càng cởi mở và thủ tục pháp lý ngày càng đơn giản hơn sau những cam kết của Chính phủ về việc hỗ trợ tối đa lĩnh vực khởi nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, không phải ai khi khởi nghiệp cũng nắm rõ các quy trình thành lập công ty. Vì vậy, trong bài viết này, MarketingAI sẽ giúp bạn tổng hợp các bước thành lập doanh nghiệp mới đơn giản và dễ hiểu nhất. Cùng theo dõi nhé!
Các bước thành lập doanh nghiệp - Bước 1: Chuẩn bị những hồ sơ cần thiết để thực hiện thủ tục thành lập công ty
1. Tên công ty
Tên công ty được xác định bằng loại hình doanh nghiệp + tên riêng do bạn tự đặt. Trong đó, loại hình doanh nghiệp có 4 lựa chọn là Công ty TNHH (một thành viên hoặc hai thành viên); Công ty cổ phần; Công ty hợp danh và Doanh nghiệp tư nhân. Còn tên riêng của công ty thì không được trùng với bất kỳ công ty nào khác trong phạm vi toàn quốc.
Để tránh trường hợp trùng tên hoặc gây nhầm lẫn với các doanh nghiệp đã đăng ký trước, bạn cần tiến hành tra cứu khả năng đăng ký tên doanh nghiệp trước khi đăng ký. Ngoài ra, cũng nên tránh đặt theo các tên nổi tiếng đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu từ trước, vì có thể, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị yêu cầu đổi tên do trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân khiến tên doanh nghiệp của bạn dễ bị từ chối khi đăng ký đó là “Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký 1 số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái Tiếng Việt, và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó”.
Lời giải thích trên tuy dài nhưng bạn có thể hiểu đơn giản như sau. Ví dụ, bạn định đặt tên doanh nghiệp của mình là “Công ty TNHH một thành viên YJ”, nhưng đã có một công ty trước đó đăng ký với cái tên là “Công ty TNHH một thành viên” thì tên của bạn sẽ bị từ chối.
Tránh đặt tên theo các tên nổi tiếng vì khả năng bị từ chối sẽ rất cao (Ảnh: Mitsui)
>>> Xem thêm: #1 Trademark là gì? Sự khác biệt giữa Trademark và Brand
2. Kê khai trụ sở chính của công ty
Hiện nay, trụ sở của công ty không được đăng ký tại các chung cư và nhà tập thể. Trong trường hợp đặt tại các tòa nhà chung cư hỗn hợp thì nơi đặt trụ sở của công ty phải là tầng thương mại, dịch vụ của tòa nhà. Công ty cũng cần phải xuất trình trong hồ sơ Quyết định liên quan và Giấy phép xây dựng chứng minh mục đích sử dụng của Tòa nhà khi được kiểm tra để đảm bảo địa điểm đó có chức năng thương mại.
3. Kê khai vốn điều lệ khi thực hiện thủ tục thành lập công ty
Hiện nay, pháp luật không quy định mức vốn tối thiểu hoặc tối đa khi mọi người đăng ký thành lập công ty, ngoại trừ những ngành đặc thù cần yêu cầu vốn như Kinh doanh lữ hành nội địa, sẽ cần ký quỹ 100 triệu đồng khi đăng ký thành lập công ty, thì mọi người cần đăng ký vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn ký quỹ đó.
Một số người thường thắc mắc rằng, việc vốn thấp hoặc vốn cao có ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh không? Thì trên thực tế, như đã nói ở trên, do pháp luật không quy định cụ thể nên nó sẽ không ảnh hưởng quá nhiều. Nhưng vẫn có một số điều bạn cần phải lưu ý.
Đầu tiên, bạn cần phải hiểu vốn điều lệ là gì? Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do tất cả các thành viên tham gia hoặc cam kết đóng góp khi thành lập công ty và được hoàn thành trong vòng 90 ngày kể từ ngày được chấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong trường hợp sau 90 ngày, bạn vẫn không góp đủ vốn thì cần phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực tế bạn đã góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng trong thời hạn 90 ngày kia. Tức là, nếu sau 90 ngày mà bạn vẫn không nộp đủ vốn, thì bạn sẽ phải đăng ký điều chỉnh vốn bằng số tiền bạn đã góp được trong 90 ngày đó và có 30 ngày tiếp theo để hoàn thành đăng ký này.
Việc đăng ký vốn điều lệ bao nhiêu là phù hợp thì phải phụ thuộc vào nhu cầu kinh doanh và khả năng góp vốn của mỗi thành viên trong ban điều hành công ty. Trong thời gian đăng ký, bạn được phép tăng vốn điều lệ bất kỳ khi nào có nhu cầu bổ sung nguồn vốn và việc này cũng diễn ra khá đơn giản. Nhưng ngược lại, việc giảm vốn điều lệ lại không dễ đến thế (bạn phải hoạt động liên tục 2 năm mới được giảm vốn theo hình thức hoàn trả góp). Vậy nên, doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ số vốn muốn đăng ký khi tiến hành đăng ký vốn điều lệ cho công ty.
4. Áp mã ngành nghề kinh doanh
Việc đăng ký mã ngành cho các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được thực hiện theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Lưu ý với những ngành có điều kiện về giấy phép con, sau khi được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, bạn phải đáp ứng đủ điều kiện và xin cấp giấy phép tại cơ quan quản lý chuyên ngành thì mới được hoạt động hợp pháp trên thực tế.
Khi đăng ký mã ngành, bạn cũng sẽ đăng ký một số nội dung khác như chủ sở hữu, thành viên ban quản trị, cổ đông, người đại diện theo pháp luật, thông tin đăng ký thuế,...
Bước 2: Tiến hành đăng ký thành lập công ty
Doanh nghiệp cần thực hiện theo 3 bước sau để hoàn tất đăng ký thành lập công ty
1. Soạn hồ sơ thành lập doanh nghiệp xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Hồ sơ thành lập doanh nghiệp cần bao gồm những tài liệu sau:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
- Điều lệ doanh nghiệp
- Bản sao hợp lệ của một trong những giấy tờ chứng thực được danh tính cá nhân của người thành lập công ty hoặc người đại diện theo pháp luật (CMND/ Thẻ căn cước/ Hộ chiếu)
- Trường hợp góp vốn cho công ty là tổ chức thì cần nộp kèm Quyết định thành lập/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác và bản sao hợp lệ giấy chứng thực danh tính cá nhân của người đại diện theo ủy quyền quản lý phần vốn góp.
- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu doanh nghiệp của bạn được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc các tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Văn bản ủy quyền của chủ sở hữu cho người được ủy quyền đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức.
- Văn bản ủy quyền cho tổ chức/cá nhân thực hiện thủ tục
Thời hạn để hoàn thành các giấy tờ thủ tục này là 3-5 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trong thời gian đó, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo về tính hợp lệ của hồ sơ. Trong trường hợp bị từ chối, cơ quan phải thông báo rõ bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết rằng họ phải sửa đổi, bổ sung những gì và lý do tại sao phải sửa đổi, bổ sung.
Ngoài ra, mã số doanh nghiệp được gửi kèm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ chính là mã số thuế của doanh nghiệp.
2. Công khai nội dung đăng ký doanh nghiệp
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bạn phải chủ động đăng công khai nội dung đó trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo trình tự, thủ tục và phải trả phí theo quy định nhà nước. Hiện nay, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp startup cũng như đảm bảo tiến độ công bố thông tin kịp thời, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thu luôn phí công bố trên khi doanh nghiệp nhận được kết quả đăng ký kinh doanh.
3. Khắc dấu và công bố mẫu dấu
Điểm nổi bật của Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đó là: “Doanh nghiệp có quyền quyết định về việc sử dụng hoặc không sử dụng con dấu”. Tức là nếu như trước kia, doanh nghiệp phải nộp thủ tục thông báo về mẫu dấu đến Phòng Đăng ký kinh doanh để đăng công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, thì giờ đây, doanh nghiệp sẽ có quyền chủ động khắc dấu và quản lý con dấu, tự chịu trách nhiệm về con dấu của mình.
Thay đổi mới này nhằm tránh thủ tục lằng nhằng cho doanh nghiệp nhưng nó cũng mang đến những lo ngại về tình trạng lạm dụng con dấu của doanh nghiệp, cũng như việc không còn một cơ chế quản lý cụ thể nào cho con dấu của doanh nghiệp.
Bước 3: Kê khai thuế sau khi thành lập công ty
Kê khai và nộp thuế môn bài
Sau khi thành lập công ty thì công ty sẽ được miễn thuế môn bài trong 1 năm đầu tiên, nhưng vẫn phải kê khai đầy đủ nhằm phục vụ cho việc lập báo cáo tài chính cuối năm. Cho dù không làm gì cũng phải kê khai vì nếu không kê khai thì sẽ có khả năng bị phạt và bị đóng mã thuế.
Theo quy định của Nhà nước thì thời hạn nộp tờ khai và thuế môn bài được chia làm 2 trường hợp:
Trong trường hợp bạn đã kinh doanh rồi thì phải nộp và kê khai thuế môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng, sau khi bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong trường hợp bạn đã nhận được giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng vẫn chưa kinh doanh, thì hạn nộp lệ phí môn bài là 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký thuế
Tuy việc, việc xác nhận thời điểm kinh doanh thường không rõ ràng và ít ai có thể kiểm chứng được nên tốt nhất bạn cần nộp và kê khai thuế môn bài sớm nhất có thể (trước ngày cuối cùng của tháng sau khi được cấp giấy phép đăng ký doanh nghiệp).
Treo biển tại trụ sở công ty
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì bạn phải treo biển tại trụ sở công ty.
Cần treo biển ở công ty để có thể thành lập doanh nghiệp (Ảnh: PepsiCo)
Kết
Các bước thành lập doanh nghiệp luôn là điều đầu tiên cần phải lưu ý khi muốn startup một công ty. Nó đặt nền móng cho sự phát triển kinh doanh, khởi sự sau này. Vì vậy, bạn cần phải cẩn thận và chú trọng làm tốt từng bước, nhất là các bước liên quan đến giấy tờ, chứng nhận, vì nó sẽ đồng hành với bạn lâu dài, trong suốt chặng đường kinh doanh và là bằng chứng cho bạn trước pháp luật trong trường hợp công ty xảy ra bất cứ vấn đề gì.
Tô Linh - MarketingAI
Tổng hợp
Bình luận của bạn