Brand bắt Trend: Kỹ năng nắm bắt cơ hội, chỉ một giây thôi là lỡ nhau cả đời…

24 Thg 12

Một trong những thứ khó nắm bắt nhất nếu bạn nghĩ là crush của bạn thì quá sai lầm! Có một thứ còn khó nắm bắt hơn cả crush của bạn, đó chính là “Bắt Trend”. Khi thực hiện một...

Một trong những thứ khó nắm bắt nhất nếu bạn nghĩ là crush của bạn thì quá sai lầm! Có một thứ còn khó nắm bắt hơn cả crush của bạn, đó chính là “Bắt Trend”. Khi thực hiện một chiến lược marketing trên các nền tảng mạng xã hội, việc “đu trend” trở thành một bí quyết không thể nào thiếu nếu doanh nghiệp mong muốn có một “cú đột phá” ngoạn mục về lượng khách hàng mục tiêu và doanh số của mình.

Một khi mà trend đang lên, bất kỳ Marketers nào mà chả muốn “đu ngay kẻo lỡ” đúng không nhỉ? Tuy nhiên, “bắt trend” là một điều gì đó khá là may rủi. Nếu bạn không khéo léo, thương hiệu sẽ có thể phải nhận những phản ứng ngược từ phía cộng đồng mạng, dẫn đến nhiều sự cố không đáng có. Vậy làm thế nào để “bắt trend” mà vẫn duyên? Bài viết dưới đây của Marketing Ai là dành cho bạn!

Đu trend cũng phải có chiến lược nếu không muốn "được ăn cả, ngã về không"

Trong các chiến lược trên Social Media, có một hạng mục thường bị đánh giá thấp, đó là cách tiếp cận đối với các sự kiện quốc tế và các chủ đề hiện đang thịnh hành, on trend trên các nền tảng. Đây là một vấn đề rất phức tạp bởi vì hầu như bạn chỉ cần là người dùng mạng xã hội thì bạn hoàn toàn có thể trở thành người tạo trend. Các xu hướng thịnh hành sẽ đến từ rất nhiều nguồn, lĩnh vực hay từ bản thân mỗi con người. Chính vì thế, để xây dựng một chiến lược marketing dài hạn cho việc "đu trend" là hoàn toàn không thể. Nhưng tất nhiên là thương hiệu có thể xây dựng các bước để tiếp cận trend một cách hợp lý. Tuy nhiên, nhiều thương hiệu lại không có một quy trình cụ thể hoặc cách tiếp cận đúng phù hợp – đây là bước đầu dẫn đến một sai lầm lớn có thể tạo ra những hậu quả không thể khắc phục được. Việc đem thương hiệu của bạn vào cuộc vui là một tình huống “được ăn cả, ngã về không”, và vì vậy các nhà tiếp thị cần kiểm tra kỹ lưỡng trước khi ấn nút đăng bất kỳ bài viết, video hay story nào đó.

Durex luôn là một thương hiệu nổi tiếng trong việc đu trend hay tạo trend với chiến lược đỉnh cao

Durex luôn là một thương hiệu nổi tiếng trong việc đu trend hay tạo trend với chiến lược đỉnh cao

Mặt khác, để kiểm soát được toàn bộ các tình huống có thể xảy ra là điều không thể, doanh nghiệp có thể áp dụng một số quy trình để xác định xem mình có nên bắt trend hay không. Khi một sự kiện lớn nào đó xảy ra hoặc có một chủ đề hot mà thương hiệu của bạn muốn bắt thì nên cân nhắc về tính phù hợp trước. Đây cũng là một tips để tránh rủi ro cho việc đu trend không hiệu quả!

Nếu thương hiệu không Newsjacking, khách hàng liệu có "dỗi"?

Nhắc đến đây, chắc chắn một số newbie Marketers sẽ thắc mắc rằng rốt cuộc Newsjacking là gì? Vậy để MarketingAI giải thích cho bạn về thuật ngữ này. Theo David Meerman Scott, tác giả của những đầu sách best seller, người khởi xướng thuật ngữ này trong cuốn sách Newsjacking: How to Inject Your Ideas into a Breaking News Story and Generate Tonnes of Media Coverage (Tạm dịch: Newsjacking:  Làm thế nào để đưa những ý tưởng của bạn vào những câu chuyện đang thịnh hành và cách để tạo ra hàng tấn những tin tức nóng hổi) vào năm 2011. Newsjacking là một hình thức truyền thông thương hiệu theo thời gian thực, trong đó ý tưởng của bạn sẽ được đan xen với tin tức nóng hổi vào đúng thời điểm để nó được lan truyền và tiếp cận lượng độc giả lớn.

Giải đáp khái niệm thuật ngữ Newsjacking là gì?

Giải đáp khái niệm thuật ngữ Newsjacking là gì?

Mọi chiến dịch Newsjacking sẽ có một chu kỳ cụ thể bao gồm các bước sau:

  • Tin tức nóng hổi “mới ra lò”
  • Doanh nghiệp áp dụng quảng cáo cho tin tức nóng hổi đó và bắt đầu tiến hành việc “bắt trend”
  • Các nhà báo cố gắng thu hút sự chú ý của cộng đồng qua việc xuất bản nội dung liên quan đến tin hot kể trên. Họ tiếp cận với những doanh nghiệp đã tận dụng sự kiện này.
  • Sự hào hứng của công chúng tăng lên, họ tích cực chia sẻ và tương tác với nội dung tin hot trên mạng xã hội, các kênh truyền thông hoặc những nền tảng khác.
  • Câu chuyện được đẩy lên tới cao trào.
  • Câu chuyện dần bớt hot và sau cùng không còn nhận được sự chú ý từ cộng đồng nữa.

Quay lại với chủ đề chính, câu hỏi đầu tiên mà các Marketers nên tự hỏi bản thân trước khi đu trend: Nếu không tham gia, khách hàng có quan tâm không?

Điển hình như việc cố nữ hoàng Elizabeth qua đời. Bạn cần tự vấn rằng, Liệu việc thương hiệu của mình đăng bài về điều này có hợp lý không? Chủ đề này có liên quan gì đến lĩnh vực của thương hiệu không? Hay bạn chỉ đơn giản là đăng cho có, hoặc để kiếm tương tác? Nhiều thương hiệu thuộc các lĩnh vực giải trí, F&B như Playmobil, PizzaExpress, Domino đã gặp nhiều chỉ trích vì việc đăng tweet tưởng niệm không phù hợp với bản chất của thương hiệu, thậm chí bị buộc tội cố hưởng lợi từ cái chết của nữ hoàng.

Tại Việt Nam, Châu Bùi bị chỉ trích là “khóc thuê” vì đăng status chia buồn, hay trang The Fashion World cũng nhận vô số gạch đá vì gọi cố nữ hoàng là “bà tôi”.

The Fashion World

The Fashion World "đú trend" lỗi

Marketers đã thực sự nghiên cứu kỹ càng việc "bắt trend"?

Các brand thường cố đu trend càng nhanh càng tốt để đạt được kết quả vượt trội trước khi trend "bị nguội" mất. Việc bắt trend giống như một thỏi nam châm thu hút tương tác của người dùng. Tuy nhiên, nam châm nào cũng có hai cực. Nếu hiệu quả thì đây chắc chắn là một tin mừng với thương hiệu, còn ngược lại thì cũng dễ hút gạch đá nếu các nhà tiếp thị không tìm hiểu kỹ về vấn đề. 

Nhiều năm trước, xu hướng đăng bài với hashtag #WhyIStayed (Vì sao tôi chọn ở lại) nổi lên. Thoạt nhìn, đây có vẻ như là một hashtag chia sẻ bình thường, nhưng thật ra xu hướng này nói về lạm dụng trong gia đình – vì sao những nạn nhân lúc trước lại chọn ở lại trong mối quan hệ độc hại đó. Một số thương hiệu đã không tìm hiểu kĩ càng mà lại vội vàng chạy theo xu hướng, và đã phải gánh chịu hậu quả. Như thương hiệu DiGiorno Pizza đã đăng dòng tweet với hashtag này, kèm câu trả lời “Vì bạn có pizza”). 

Hành động dẫn đến lầm lỗi của DiGiorno Pizza

Hành động dẫn đến lầm lỗi của DiGiorno Pizza

Sau đó, thương hiệu phải vội vàng xóa và nêu nguyên nhân của sự việc là “Chưa đọc kỹ hashtag nói về cái gì”. Vụ việc hiện nay vẫn được nhắc đến như một trong những case study lớn nhất về việc đu trend sai cách.

Và đây là hệ quả của lỗi lầm phía trên

Và đây là hệ quả của lỗi lầm phía trên

Hãy dành thời gian để nghiên cứu chính xác về chủ đề đó trước khi bạn thể hiện ý kiến hoặc lập trường của mình.

Lời nói có đi đôi với hành động không?

Sau vụ sát hại George Floyd vào tháng 5 năm 2020, các thương hiệu đã nhanh chóng công khai lên án hành vi phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức. Điều này, về mặt lý thuyết, là một hành động tuyệt vời. Nhưng rất nhiều thương hiệu đã nhanh chóng bị chỉ trích vì lời nói không đi đôi với hành động.Từ chính sách tuyển dụng không công bằng, đến chênh lệch về lương và cơ hội thăng tiến, hay một loạt các hành vi nội bộ khác, nhiều thương hiệu cư xử không giống như những lời họ đã đăng trên mạng xã hội.

Hành động có ý nghĩa hơn lời nói, và cách tiếp cận thông minh ở đây chính là làm nổi bật những hành động thật của thương hiệu, đối với xã hội lẫn nội bộ. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc bắt trend các vấn đề liên quan đến xã hội, bạn nên dành thời gian phát triển một kế hoạch để thương hiệu của bạn thật sự hành động, thay vì chỉ đơn thuần tìm cách đăng bài phù hợp.

"Chậm mà chắc" đôi khi cũng là một cách bắt trend độc lạ!

Nếu bạn đợi tầm 1 - 2 tiếng rồi mới đăng bài, thường thì bạn sẽ thu thập được nhiều thông tin hơn về vấn đề đó. Điều này cho phép thương hiệu của bạn giải quyết tình huống tốt hơn. Nếu một câu chuyện vẫn còn nhiều diễn biến và chưa xác thực, hãy tạm dừng. Việc từ tốn bắt trend cũng giúp bạn có thời gian để xem xét những việc không nên làm, thay vì cố câu tương tác để rồi phản tác dụng.

Hãy nhìn vào sự thành công đu trend "chậm mà chắc" của thương hiệu The Coffee House với cuộc tình tay ba, tay tư đến từ vị trí "trap gơn" MoMo và những "chấn bé đù" Starbucks và Highlands Coffee.

Sự công khai mập mập mờ mờ của Starbucks và MoMo

Sự công khai mập mập mờ mờ của Starbucks và MoMo

Vào ngày mùng 6/9, cả MoMo và “đại gia” Starbucks đồng loạt đăng status đầy ẩn ý, tung hint trái tim hồng, trái tim xanh. Cộng đồng mạng được một phen đoán già, đoán non về “hợp đồng tình ái” trong đúng dịp Trung Thu trăng rằm sắp tới của cả hai thương hiệu.

Ngoài người tình cũ Gojek thì sadboy Highlands Coffee có vẻ đang “cảm thấy bị phản bội…” khi thấy MoMo và Starbucks thả thính nhau công khai.

Highlands đang cảm thấy bị phản bội!

Highlands đang cảm thấy bị phản bội!

Sau khi đăng tải cái post liền kề nhau trong cùng một khoảng thời gian ngắn, 3 thương hiệu đã tạo trend sử dụng icon thể hiện sắc màu thương hiệu. Nhiều brand đã ăn theo ngay "cuộc tình tay ba" này. Không vội vã, thương hiệu trà và cà phê The Coffee House thay vì chỉ đăng một chiếc icon như các brand khác, họ đã thiết kế ngay thành một người "đứng hát", một kẻ "hóng chuyện", đẩy mạnh thêm diễn biến cho "cuộc tình" này thay vì chỉ "đu trend" một cách đơn giản.
Và đúng như dự đoán, The Coffee House đã nhận được rất nhiều phản ứng tích cực từ khách hàng, thu hút được một lượng tương tác khủng trong thời gian ngắn.
Cách biến hóa trend độc lạ của The Coffee House

Cách biến hóa trend độc lạ của The Coffee House

Đây chính là minh chứng rõ nét nhất cho việc không cần phải bắt trend nhanh vội, dù từ tốn nhưng đúng thời điểm bạn hoàn toàn có thể nhìn vào bức tranh toàn cảnh mà khai thác một khía cạnh khác thú vị hơn. Đúng, bạn thường gặp áp lực phải bắt trend ngay, nhưng không có số lượt tiếp cận hoặc tương tác nào đáng để bạn liều lĩnh gây thiệt hại cho chính thương hiệu của mình. Phải mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ để xây dựng lòng tin với người tiêu dùng, nhưng chỉ cần một bài đăng thiếu kiến thức là tất cả sụp đổ. Việc chờ một vài giờ chắc chắn sẽ có chút tác động đến hiệu suất của bạn, nhưng nó có thể giúp thương hiệu của bạn tránh được việc “đú trend” thay vì đu trend.

Kiểm duyệt trước khi đăng Trend

Hình ảnh minh họa cho việc kiểm duyệt bài đăng

Hình ảnh minh họa cho việc kiểm duyệt bài đăng "đu trend"

Ok, vậy là bạn đã xem qua mọi thứ trên và vẫn tự tin đăng bài. Team của bạn đã tạo xong một content nào đó, và bạn đã xem xét và phê duyệt nó rồi. Đã đến lúc đăng bài rồi đúng không? Đừng vội thế! Bạn nên nhờ những đồng nghiệp khác kiểm duyệt bài đăng, cụ thể là những người không tham gia vào việc tạo ra nó. Bạn nên chọn những người có hoàn cảnh và nghề nghiệp khác nhau. Một sai lầm mà các content creator thường mắc phải là không thể nhìn toàn cảnh vấn đề, hoặc nhìn nhận sự việc với một góc nhìn khác.

Tóm lại, các team leader nên truyền đạt rõ ràng về tầm quan trọng của sự kiên nhẫn và chiến lược truyền thông xã hội hợp lý đối với các sự kiện quốc tế và các chủ đề thịnh hành. Bằng cách trình bày rõ ràng rằng những điều đó phải được ưu tiên nhiều hơn so với tương tác, bạn và nhóm của mình sẽ đặt thương hiệu vào vị trí tốt hơn nhiều để tạo ra tác động thực sự đến chủ đề đang được nói đến.

Thảo Triệu - MarketingAI

Tổng hợp

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.