- Tổng giá trị 100 thương hiệu lớn nhất tăng trưởng 20% so với 2023 - Ngành công nghệ chiếm vị thế áp đảo
- Tổng quan về giá trị của các thương hiệu lớn nhất toàn cầu trong năm 2024
- Top 10 thương hiệu có giá trị lớn nhất thế giới
- Những cái tên mới bất ngờ góp mặt vào Top 100 Brand VALUE: Tiếp tục là công nghệ
- Top thương hiệu tăng trưởng Brand Value mạnh mẽ nhất: Nhóm công nghệ & truyền thông dẫn đầu
- Top Brand Value theo ngành hàng & Xu hướng cần lưu ý trong năm 2024
- #1 Nhóm đồ uống có cồn
- #2. Thời trang
- #3. Ô Tô
- #4. Dịch vụ nền tảng và Công nghệ cho doanh nghiệp (B2B)
- #4. Dịch vụ nền tảng và Công nghệ cho tiêu dùng (B2C)
- #5. Đồ ăn nhanh
- #6. Ẩm thực & Đồ uống
- #7. Truyền thông & giải trí
- #8 Personal Care
- #9. Dịch vụ tài chính
Tổng giá trị 100 thương hiệu lớn nhất tăng trưởng 20% so với 2023 - Ngành công nghệ chiếm vị thế áp đảo
Kantar BrandZ đã thực hiện nghiên cứu dựa trên kho tàng dữ liệu rộng lớn về thương hiệu bao gồm: hơn 4 triệu cuộc phỏng vấn người tiêu dùng, 21.000 thương hiệu trên 532 danh mục tại 54 thị trường. Trong đó Brand Value được xác định dựa trên hai yếu tố:
- Financial Value $ (Giá trị tài chính của công ty mẹ)
- Brand Contribution % (Tỷ lệ % của thương hiệu trong công ty mẹ)
Financial Value $ x Brand Contribution % sẽ cho ra kết quả về Brand Value - Số tiền mà thương hiệu đóng góp vào giá trị kinh doanh chung của công ty mẹ.
Tổng quan về giá trị của các thương hiệu lớn nhất toàn cầu trong năm 2024
Kết quả từ Kantar cho thấy, tổng giá trị của Top 100 toàn cầu hiện nay đang ở mức gần 8,3 nghìn tỷ USD. Con số này thấp hơn so với mốc cao nhất là 8,7 nghìn tỷ USD vào năm 2022, nhưng đã tăng trưởng gần 1,4 nghìn tỷ USD, tương đương với 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những tín hiệu cho thấy các thương hiệu hàng đầu thế giới đang rất nỗ lực trong việc phục hồi và cải thiện giá trị thương hiệu của mình trong năm vừa qua. Từ việc điều chỉnh lực lượng lao động, cải thiện vào trải nghiệm khách hàng với các xu hướng như AI, Phát triển bền vững,...
Trong đó, các lĩnh vực công nghệ đang chiếm vị thế áp đảo và tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong bảng xếp hạng này. Chỉ riêng các thương hiệu trong lĩnh vực công nghệ đã đóng góp hơn 1,2 nghìn tỷ USD vào tổng mức tăng trưởng 1,4 nghìn tỷ của Top 100.
Bên cạnh sự bành trướng của các thương hiệu công nghệ, Top 100 năm nay cũng có khá nhiều biến động ở các nhóm ngành khác. Tiêu biểu như sự tăng trưởng vượt trội của Aldi và Lowe's trong lĩnh vực bán lẻ, hay Lululemon và Zara trong mảng thời trang.
Top 10 thương hiệu có giá trị lớn nhất thế giới
Các thương hiệu lớn nhất trên thế giới đã phục hồi mạnh mẽ trong 2024. Trong đó, có 9/10 thương hiệu trong Top 10 đã có sự tăng trưởng tốt về Brand Value, đặc biệt là những ông lớn trong mảng công nghệ.
Dẫn đầu Top 10 là Apple - Thương hiệu đã đứng ở vị trí Top 1 về giá trị thương hiệu thế giới trong suốt ba năm liên tiếp. Sau một năm suy giảm theo xu hướng chung của thị trường, giá trị thương hiệu của Apple trong năm 2024 đã tăng 15%, giúp gã khổng lồ công nghệ này hồi phục và vượt qua giá trị thương hiệu năm 2022. Đặc biệt, năm nay Apple đã chính thức trở thành công ty đầu tiên trong lịch sử Kantar BrandZ vượt mốc 1 nghìn tỷ USD về tổng giá trị thương hiệu.
Những vị trí còn lại trong Top 5 không có nhiều thay đổi so với năm 2023, với sự góp mặt của - Google, Microsoft, Amazon và McDonald's. Trong đó, Microsoft là thương hiệu có mức tăng trưởng Brand Value hàng năm cao nhất với mức 42% và các thương hiệu khác trong top năm cũng đều đạt mức tăng trưởng hai con số.
Ở các vị trí khác trong Top 10, Facebook, Oracle và NVIDIA cũng là những cái tên gây chú ý trong bảng xếp hạng năm nay, với mức tăng trưởng Brand Value ấn tượng nhờ vào những ứng dụng xoay quanh AI.
Nhìn chung, trong bảng xếp hạng Kantar BrandZ năm nay, các thương hiệu có giá trị lớn nhất thế giới đang tạo nên khoảng cách ngày càng lớn đối với các thương hiệu tiếp theo trong danh sách. Chỉ riêng Top 10 này đã chiếm tới 50% tổng giá trị thương hiệu của Top 100 toàn cầu. Có nghĩa rằng 10 thương hiệu này đã xấp xỉ với tổng giá trị của 90 thương hiệu còn lại trong danh sách, cho thấy sức ảnh hưởng hoàn toàn cách biệt.
Không ngủ quên trong chiến thắng từ năm 2023, các thương hiệu trong Top 10 có thể giữ vững vị thế này và không ngừng tăng trưởng Brand Value nhờ vào hàng loạt nỗ lực trong năm vừa qua. Tiêu biểu như Apple với nỗ lực cải thiện và mở rộng hàng loạt dịch vụ mới. Google tăng trưởng giá trị và bảo toàn vị trí số 2 nhờ vào việc phát triển các công cụ, phần mềm sáng tạo ứng dụng AI như "circle to search" và "smart retouching". Microsoft dẫn đầu ở mảng phát triển AI cho các doanh nghiệp, điển hình như màn bắt tay tỷ USD cùng Coca-Cola. Amazon phát triển mạnh mẽ trong mảng quảng cáo kỹ thuật số và McDonald's phát triển hệ thống giao hàng rất tối ưu.
Những cái tên mới bất ngờ góp mặt vào Top 100 Brand VALUE: Tiếp tục là công nghệ
Trong bảng xếp hạng Kantar BrandZ Global Top 100 năm nay chứng kiến 9 cái tên mới so với bảng xếp hạng của năm 2023, bao gồm: 5 thương hiệu mới ra nhập và 4 thương hiệu tái tham gia sau một năm rời khỏi bảng.
Đặc biệt, có tới 4 số 9 thương hiệu này thuộc danh mục Dịch vụ nền tảng & công nghệ cho doanh nghiệp, đó là: ADP, ServiceNow, VMware - 3 thương hiệu lần đầu tiên lọt bảng xếp hạng và Dell Technologies - Trở lại Top 100 sau một năm gián đoạn. Theo Kantar, sự tăng trưởng của các thương hiệu này không tới từ nhóm sản phẩm, dịch vụ công nghệ dành cho người tiêu dùng B2C mà đang tới từ nhóm B2B. Tiêu biểu như ADP - Thương hiệu có Brand Value cao nhất trong nhóm này đang phát triển mạnh ở mảng cung cấp phần mềm dịch vụ tính lương, nhân sự và thuế cho các doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp khác quay trở lại bảng xếp hạng trong năm nay phải kể đến như siêu thị giảm giá Aldi của Đức và nhà bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc Pinduoduo. Cả hai thương hiệu này đều hướng tới nhóm người tiêu dùng có ngân sách chi tiêu hạn chế, phù hợp với bối cảnh nền kinh tế 2023. Ngoài ra phải kể đến sự góp mặt mới của Corona - Một thương hiệu hiếm hoi trong ngành hàng đồ uống có cồn góp mặt trong danh sách này.
Top thương hiệu tăng trưởng Brand Value mạnh mẽ nhất: Nhóm công nghệ & truyền thông dẫn đầu
Nhìn chung, mức tăng trưởng của các thương hiệu trong năm 2024 lớn hơn hẳn so với năm 2023. Ngay cả thương hiệu tăng nhanh nhất năm ngoái (Airtel, tăng trưởng 24% từ năm 2022 đến năm 2023) cũng tăng với tốc độ chậm hơn nhiều so với thương hiệu tăng nhanh thứ 20 trong năm nay là Chipotle (36%).
Trong đó, các thương hiệu Công nghệ (Dịch vụ nền tảng, Công nghệ cho người Tiêu dùng & Doanh nghiệp) và Truyền thông & Giải trí đang giữ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất sau một năm sụt giảm.
Tiêu biểu như NVIDIA, đã tăng 178% giá cổ phiếu so với cùng kỳ năm ngoái khi nhu cầu của thị trường đối với chip đồ họa tiên tiến của thương hiệu ngày một tăng cao. Tuy nhiên, theo Kantar, điều khiến cho NVIDIA tăng mạnh về giá trị thương hiệu năm nay là nhờ vào những đột phá trong công nghệ, ứng dụng AI, di động tự trị và điện toán không gian.
Ngoài NVIDIA, các thương hiệu công nghệ khác như Google Cloud, Adobe, SAP, Oracle và AMD đều có mức tăng trưởng hàng năm lên tới 50%. Các thương hiệu Truyền thông & Giải trí công nghệ tiên tiến như Facebook, Instagram và Netflix cũng cho thấy mức tăng trưởng khá ấn tượng.
Top Brand Value theo ngành hàng & Xu hướng cần lưu ý trong năm 2024
Xem xét dựa trên ngành hàng, các thương hiệu Business Tech, Luxury và Fast Food đang có sự tăng trưởng tích cực nhất trong năm 2024. Cụ thể, các nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong Top 100 Brand Value bao gồm:
- Dịch vụ nền tảng & công nghệ cho doanh nghiệp
- Truyền thông & Giải trí
- Dịch vụ nền tảng & công nghệ cho người tiêu dùng
- Dịch vụ Tài chính
Trong đó, danh mục Dịch vụ nền tảng & công nghệ cho doanh nghiệp tiếp tục là cái tên nổi bật nhất với tốc tăng trưởng nhanh nhất trong năm nay, tổng Brand Value của các thương hiệu này trong Top 100 đã tăng 45% so với năm ngoái. Theo Kantar, phần lớn sự tăng trưởng này đến từ những tác động đầy tích cực của AI ở mảng công nghệ B2B.
Ngoài ra, ngành Truyền thông & Giải trí (bao gồm các thương hiệu truyền thông xã hội như Instagram và Facebook) là nhóm có tốc độ tăng lớn thứ hai trong năm nay, với tổng Brand Value tăng 34%.
Bên cạnh đó, danh mục Luxury và Fast Food cũng có những tăng trưởng tích cực, lần lượt tăng 8% và 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là những nhóm ngành có tốc độ phục hồi và tăng trưởng khá ổn định trong 2 năm vừa qua.
#1 Nhóm đồ uống có cồn
Ngành hàng Rượu đã tăng trưởng trở lại trong năm nay, với mức tăng 5% tổng giá trị thương hiệu. Đặc biệt phần lớn sự tăng trưởng này đến từ các thương hiệu bia như Corona, Heineken,... trong khi tất cả các thương hiệu rượu vang và rượu mạnh trong danh sách năm nay đều giảm.
Theo Kantar, 2023 là một năm mà người tiêu dùng trong toàn thế giới có tâm lý thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng của lạm phát và chi phí tiêu dùng gia tăng. Vì vậy đối với nhóm đồ uống có cồn người tiêu dùng sẽ tìm cách cắt giảm các loại đồ uống đắt tiền rượu cao cấp thay vào đó họ ưa chuộng các loại bia với mức giá phù hợp hơn. Đó là lý do khiến cho các sản phẩm thuộc danh mục bia năm nay có sự tăng trưởng tích cực hơn so với rượu.
Một trong số những thương hiệu tiêu biểu nhất phải kể đến là bia Corona. Trong 12 tháng qua, Corona không chỉ củng thị phần tại quê nhà Mexico, mà còn tăng khối lượng bán hàng và doanh thu ở nước ngoài nhờ vào chiến lược định giá thông minh. Trong thời gian tới, bia cồn của thương hiệu - Corona Cero - sẽ là một trong những sản phẩm chủ lực của thương hiệu này, khi trở thành nhà tài trợ cho Thế vận hội Olympic Paris Summer.
Đứng thứ 2 là Thương hiệu Budweiser của Mỹ là thương hiệu bia có giá trị thương hiệu lớn thứ hai với sự tăng trưởng mạnh mẽ từ thị trường Trung Quốc và Ấn Độ. Tiếp đó là Heineken và Modelo.
Kantar cũng đưa ra một số những xu hướng mà các thương hiệu đồ uống có cồn cần nắm bắt trong năm 2024
- Mở rộng danh mục sản phẩm bổ sung các loại đồ uống như bia không cồn.
- Chú trọng và yếu tố sức khỏe cho mỗi sản phẩm nhấn mạnh về những lợi ích mà sản phẩm có thể mang lại cho sức khỏe của người tiêu dùng.
- Tìm kiếm những khoảnh khắc tiêu dùng rượu bia mới trong đời sống của người tiêu dùng.
#2. Thời trang
Tổng giá trị thương hiệu của những thương hiệu may mặc lớn nhất thế giới đã tăng lên 5% trong năm 2024. So với mức giảm 21% của năm ngoái thì đây là một tín hiệu hồi phục khá tích cực của ngành thời trang. Một số thương hiệu có giá trị lớn nhất hiện nay bao gồm: Nike, Zara, Lululemon, Adidas, Uniqlo,.... Trong đó hai thương hiệu có mức tăng trưởng nổi bật nhất phải kể đến Zara và Uniqlo.
Brand Value của Zara +47% so với 2023 nhờ nỗ lực cung cấp các dòng sản phẩm theo xu hướng và tối ưu trải nghiệm người dùng mạnh mẽ, cả trực tuyến và tại cửa hàng. Trong khi đó Uniqlo tăng 25% bằng cách duy trì khả năng tiếp cận khách hàng nhiều nhất có thể thông qua việc tối ưu hóa thương mại điện tử, social media và lựa chọn các vị trí của các cửa hàng đắc địa.
Về lý do tăng trưởng của thị trường này, theo Kantar, các thương hiệu trong lĩnh vực thời trang đã tích lũy một lượng lớn hàng tồn kho dư thừa từ giai đoạn đại dịch và bán giảm giá mạnh trong năm 2022 2023. Ngoài ra Kantar cũng nhấn mạnh việc tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng này. Việc đẩy mạnh phát triển ở thị trường Trung Quốc đã giúp cho nhiều thương hiệu gia tăng giá trị trong năm vừa qua. Điển hình như Nike, nhờ đẩy mạnh các chiến dịch tại thị trường Trung Quốc, đã một lần nữa giúp thương hiệu này đứng top 1 về Brand Value và Brand equity trong ngành thời trang.
Các thương hiệu trong ngành Thời trang cần làm gì trong năm 2024?
- Hồi sinh các sản phẩm cổ điển - signature của thương hiệu: Các thương hiệu như Yeezy, Adidas thành công nhờ hồi sinh của các mẫu giày 'cổ điển' như Samba, Gazelle và Spezial.
- Phát triển danh mục đối tác đa dạng: Hợp tác với người nổi tiếng, phối hợp cùng các sự kiện lớn, kết nối cùng các địa điểm văn hóa,....
- Phối hợp giữa các kênh bán buôn & bán lẻ, online & offline.
#3. Ô Tô
Tổng giá trị của các thương hiệu trong danh mục ô tô đã tăng trưởng 5% do nhu cầu của người tiêu dùng bùng nổ trở lại sau một thời gian dài bị đình trệ bởi đại dịch và suy thoái kinh tế. Các thương hiệu ô tô có giá trị lớn nhất hiện nay bao gồm Tesla, Toyota, BMV, Mercedes-benz, Poschers,Ferrari, BYD, Ford, Honda và Audi. Trong đó hai thương hiệu có tốc độ tăng trưởng giá trị lớn nhất là Ferrari và BMW với mức tăng trưởng lần lượt là 34% và 11% so với năm 2023.
Tuy nhiên trong năm 2024 khả năng thị trường ô tô sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do nhu cầu người tiêu dùng giảm sút, mức lãi suất cao hơn khiến cho các khoản vay và thanh toán ô tô trở nên khó khăn với người tiêu dùng.
Mặt khác đối với thị trường ô tô điện, doanh số bán xe điện vẫn đang tăng trưởng nhưng tốc độ đã chậm hơn so với thời gian trước. Một trong những hạn chế của thị trường này là cơ sở hạ tầng về hệ thống sạc điện vẫn là một bài toán khó trên toàn thế giới. Ngoài ra người tiêu dùng vẫn còn khá do dự về mức giá của xe điện
Các thương hiệu trong ngành Ô tô cần làm gì trong năm 2024?
Kantar cũng chỉ ra ba xu hướng và các thương hiệu xe ô tô cần lưu ý để chinh phục người dùng và tăng giá trị thương hiệu trong năm 2023 bao gồm:
- Giáo dục người dùng về các hành vi hành vi tiêu dùng mới đặc biệt là với các việc sử dụng xe điện.
- Khám phá những xu hướng thiết kế thay thế, hồi sinh các mẫu xe huyền thoại.
- Mở rộng quan hệ hợp tác với các thương hiệu khác ví dụ như cách Honda hợp tác với Sony khi tạo ra dòng sản phẩm Afeela.
#4. Dịch vụ nền tảng và Công nghệ cho doanh nghiệp (B2B)
Tổng giá trị thương hiệu của các thương hiệu trong bảng Dịch vụ nền tảng & công nghệ cho doanh nghiệp tăng tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ những tác động tích cực từ AI. Trong đó các thương hiệu có giá trị lớn nhất bao gồm: Microsoft, Amazon Website Services, Nvidia, IBM, Oracle, Adobe, Accenture,... Theo Kantar, sự tăng trưởng này đến từ các yếu tố chính như AI, GPU công nghệ cao và cơ sở hạ tầng đám mây,....
Trong năm vừa qua, AI đã tác động tới rất nhiều hoạt động của doanh nghiệp, từ công việc văn phòng, mã hóa, bảo mật, công nghệ thông tin, quản lý hồ sơ, phân tích dữ liệu,... góp phần thúc đẩy hiệu quả kinh doanh và tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp hiện nay. Đặc biệt là dịch vụ đám mây đã phát triển mạnh nhờ sự kết hợp của AI, tiêu biểu như các thương hiệu, AWA, Google Cloud hay Microsoft đều đã gia tăng Brand Equity rất tích cực trong 2 năm qua. Ngoài ra những thương hiệu chip điện tử như AMD và Nvidia cũng được hưởng lợi rất nhiều từ việc chuyển sang điện toán AI.
Các thương hiệu nổi bật trong lĩnh vực này phải kể đến là Google Cloud với tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu lên tới 74% so với năm 2023. Và thương hiệu chip điện tử Nvidia với tốc độ tăng lên tới 178% so với năm 2023 nhờ vào những bước tiến mới trong AI.
Doanh nghiệp mảng Dịch vụ & Kinh doanh công nghệ cần làm gì trong năm 2024?
- Tăng cường trải nghiệm khách hàng
- Thử nghiệm các mô hình giá mới linh hoạt hơn
- Cho phép người dùng sáng tạo dễ dàng hơn với sự hỗ trợ của AI
#4. Dịch vụ nền tảng và Công nghệ cho tiêu dùng (B2C)
Nhóm Dịch vụ nền tảng và Công nghệ cho tiêu dùng tăng trưởng 15% về giá trị thương hiệu so với cùng kỳ năm ngoái. Những thương hiệu dẫn đầu phải kể đến như Apple với tổng giá trị thương hiệu vượt mức 1000 tỷ USD tiếp đó là Samsung, Xbox, Uber, Huawei, Sony,...
Trong đó, giá trị của các thương hiệu điện thoại thông minh vẫn là yếu tố thúc đẩy tổng giá trị của ngành tăng trưởng nhiều nhất. Đặc biệt năm nay Apple đã chính thức chấm dứt chuỗi 12 năm Samsung ở vị trí nhà bán điện thoại thông minh lớn nhất thế giới tính theo đơn vị sản phẩm bán ra. Tuy nhiên Samsung cũng không kém cạnh khi công bố hàng loạt sản phẩm mới với sự kết hợp của AI, tham vọng trở thành thương hiệu dẫn đầu trên thị trường điện thoại smartphone AI.
Ngoài những ông lớn về Smartphone như Samsung hay Apple thì Booking.com cũng là một thương hiệu đáng chú ý trong mảng Dịch vụ nền tảng và Công nghệ cho tiêu dùng với mức tăng trưởng giá trị thương hiệu lên 50% so với năm 2023
Doanh nghiệp mảng Dịch vụ nền tảng và Công nghệ cho tiêu dùng cần làm gì trong năm 2024?
- Phát triển những sản phẩm công nghệ "kín đáo" hơn: Ví dụ giảm âm lượng khi thiết bị hoạt động, giảm độ dày của màn hình,.... đáp ứng nhu cầu sống hiện đại, tối giản người tiêu dùng Tăng tuổi thọ của PIN trong các thiết bị điện tử giúp tăng cường trải nghiệm sử dụng sản phẩm của người dùng Chia sẻ những nội dung độc quyền: Đây là một xu hướng có vẻ đi ngược so với ngành công nghệ, tuy nhiên việc chia sẻ một phần những nội dung độc quyền có thể thúc đẩy lợi nhuận đáng kể cho các thương hiệu, Điển hình như Google đưa công cụ Circle to Search lên các mẫu Samsung Galaxy thay vì chỉ tích trữ tính năng này cho điện thoại Pixel của mình.
#5. Đồ ăn nhanh
Tổng giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp đồ ăn nhanh lớn nhất thế giới đã tăng 15% trong năm 2024. Trong đó toàn bộ các thương hiệu trong top 10 đều tăng trưởng ít nhất 8%. Đây là một tín hiệu phục hồi rất tích cực cho ngành hàng này sau khi giá trị thương hiệu của ngành bị giảm 4% vào năm 2023. Hiện tại các thương hiệu đang dẫn đầu mảng Fast Food về giá trị thương hiệu bao gồm Mcdonald's, Starbucks, KFC, Chipotle, Subway, Domino's Pizza, Pizza Hut,.....
Sự tăng trưởng của ngành hàng Fast Food trong năm vừa qua đến từ những yếu tố như hệ thống giao hàng trực tuyến, hệ thống drive-through và chiến lược mở rộng trên thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp mảng Fast Food cần làm gì trong năm 2024?
- Tăng cường kết nối với văn hóa địa phương: Ví dụ như phát triển những sản phẩm dựa trên các nét văn hóa và đặc trưng ẩm thực của từng địa phương cụ thể.
- Giảm giá ở các khung giờ cụ thể vào ban ngày: Ví dụ như thương hiệu Wendy đã sử dụng AI để tìm ra khung giờ ít cao điểm trong các cửa hàng thực hiện giảm giá, từ đó cân bằng sản lượng và lượng khách giữa các khung giờ.
- Tự động hóa một số quy trình: ví dụ như cá nhân hóa các thông điệp tiếp thị tới khách hàng, hay thậm chí là sử dụng robot để hỗ trợ trong quá trình làm bếp.
#6. Ẩm thực & Đồ uống
Tổng giá trị thương hiệu của những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành Ẩm thực và đồ uống không thay đổi nhiều so với năm 2023. Trong đó các thương hiệu có giá trị lớn nhất bao gồm những cái tên quen thuộc như Coca-cola, Red Bull, Nongfu Spring, Pepsi, Nespresso, Nescafe,...
Sự tăng trưởng của các thương hiệu trong ngành hàng này chủ yếu đến từ việc tăng cường các điểm tiếp xúc với người tiêu dùng, tăng cường tiếp thị kỹ thuật số, đổi mới sản phẩm,....
Các thương hiệu Ẩm thực & Đồ uống cần làm gì trong năm 2024?
- Nắm bắt những yếu tố truyền thống để tiếp cận người tiêu dùng: Các thương hiệu nên tăng cường các sản phẩm mang tính chất bản địa hóa, thiết kế nên những hương vị phù hợp theo đặc trưng của từng quốc gia và địa phương. Coca-cola là một trong những thương hiệu ứng dụng xu hướng này rất hiệu quả, nhãn hàng đã tạo ra rất nhiều hương vị mang tính chất bản địa hóa tôn vinh văn hóa thuộc từng khu vực trong chương trình Creation của mình.
- Tăng cường kết hợp với Influencer: Các thương hiệu trong ngành thực phẩm và đồ uống cần đẩy mạnh hợp tác với người nổi tiếng hơn nữa trong năm 2024.
#7. Truyền thông & giải trí
Ngành Truyền thông & Giải trí đang là nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng với giá trị thương hiệu lớn thứ hai chỉ sau mạng công nghệ. Tổng giá trị của top 10 thương hiệu trong ngành Truyền thông & Giải trí đã tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó những tên tuổi lớn nhất vẫn bao gồm Google, Facebook, Instagram, Netflix, YouTube, LinkedIn và Tik Tok.
Đặc biệt, Tik Tok đã duy trì Brand equity của mình khá tốt thông qua việc phát triển các chương trình trên Tik Tok Shop. Bên cạnh đó mạng xã hội Instagram cũng cho thấy sự phát triển khá tích cực, mặc dù hai năm trước đây mạng xã hội này từng bị dự đoán sẽ sụp đổ khi giới trẻ đổ xô sử dụng Tik Tok. Tuy nhiên tính năng Reels trên Instagram đã giúp ứng dụng này níu chân khá hiệu quả. Giá trị thương hiệu của Instagram đã tăng tới +93% so với năm 2023.
Một cái tên nổi bật khác đó là Facebook trong năm 2024 cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực đặc biệt là về dịch vụ Marketplace.
Các thương hiệu Truyền thông & giải trí cần làm gì trong năm 2024?
- Phát triển các vị trí quảng cáo mới, sinh động và mới lạ hơn đối với người dùng.
- Cho phép các đối tác có cơ hội phát triển, sáng tạo các tính năng mới trên nền tảng của mình. Ví dụ như cách mà Wechat cho phép các đối tác phát triển game, mua sắm và thiết lập dịch vụ khách hàng trên nền tảng của mình, tạo nên sự đa dạng cho ứng dụng.
- Bán bản quyền các nội dung, chương trình phát sóng cũ cho các đơn vị khác để kiếm lợi nhuận.
#8 Personal Care
Tổng giá trị của các thương hiệu Chăm sóc cá nhân lớn nhất thế giới đã giảm nhẹ 1% so với năm ngoái. Tuy nhiên sự phục hồi và sụt giảm của các thương hiệu trong ngành không đồng đều.
Trong Top Brand Value 100 năm nay, có 14 thương hiệu thuộc ngành hàng này, trong đó có tới 8 thương hiệu có mức tăng trưởng khá tích cực, trong khi khi các thương hiệu còn lại lại có xu hướng đi ngang hoặc giảm xuống. Như vậy có thể thấy những biến động về giá trị thương hiệu trong ngành Chăm sóc sức khỏe cá nhân đang diễn ra khá phức tạp.
Theo Kantar, một trong những lý do dẫn đến sự tăng trưởng không đồng đều này là đến từ thị trường Trung Quốc. Trong năm 2023 sức mua của thị trường tỷ dân này thấp hơn so với dự kiến. Những ảnh hưởng của việc phong tỏa kéo dài sau đại dịch, khiến cho một số khách hàng Trung Quốc có xu hướng chi tiêu ít hơn tiết kiệm nhiều hơn, sử dụng các thương hiệu cây nhà lá vườn với mức giá phải chăng hơn.
Tuy vậy, một số thương hiệu thuộc ngành Personal care vẫn có những bước tăng trưởng mới nhờ vào một số cải tiến về sản phẩm và cách tiếp cận người dùng trên kênh kỹ thuật số. Điển hình như việc tích hợp nhiều yếu tố khoa học hơn và trong định vị sản phẩm và thương hiệu của họ. Olay là một trong những thương hiệu thành công với xu hướng này.
Các thương hiệu Personal Care cần làm gì trong năm 2024?
- Phát triển các sản phẩm đa chức năng: Thói quen làm đẹp với nhiều bước phức tạp đã không còn phù hợp với xu hướng chăm sóc cá nhân hiện đại. Người tiêu dùng đang có xu hướng ưa chuộng những sản phẩm có kết hợp nhiều thành phần mang lại hiệu quả đa dạng, đa chức năng.
- Trở thành một chuyên gia chăm sóc chuyên nghiệp: Sử dụng đội ngũ chuyên gia để tăng cường uy tín cho sản phẩm, ví dụ như cách L'Oréal Paris vận hành bộ phận sản phẩm tóc chuyên nghiệp.
- Cần có chiến lược mua lại khôn khéo hơn: Năm 2023 là một năm trầm lắng đối với việc sáp nhập và mua lại trong ngành chăm sóc cá nhân do lãi suất tăng cao. Các công ty lớn vẫn xem việc mua lại các thương hiệu khởi nghiệp, non trẻ là một chiến lược quan trọng nhưng sau khi sáp nhập lại không đạt kết quả như mong đợi. Vì vậy, trong năm 2024 các doanh nghiệp có kỹ thuật, chiến lược khác để phát triển các thương hiệu mới cũng như việc mua lại, sáp nhập.
#9. Dịch vụ tài chính
Các thương hiệu trong ngành dịch vụ tài chính đã tăng tổng giá trị thương hiệu lên khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu sự tăng trưởng trở lại sau khi giảm liên tiếp trong năm 2022 và 2023. Một số thương hiệu nổi bật thuộc ngành hàng này phải kể đến như VISA, MasterCard, HDFC Bank American Express,....
Kantar đã chỉ ra một insight khá đặc biệt ở ngành hàng này, đó là nhóm người tiêu dùng trẻ tuổi đang rất nhạy bén với các giải pháp tài chính. Họ được có mức độ hiểu biết về tài chính cao hơn thông qua những nội dung về tài chính trên các mạng xã hội như Reddit và Tik Tok.
Đặc biệt, Gen Z đã bắt đầu tiết kiệm để nghỉ hưu và đầu tư vào cổ phiếu sớm hơn so với những thế hệ trước. Tuy nhiên một bộ phận Gen Z cũng đang cảm thấy chán nản về các mục tiêu tài chính của họ. Vì vậy một số thương hiệu Fintech mới đã thành công nhờ vào việc điều hướng người tiêu dùng trẻ, cung cấp cho họ các sản phẩm và dịch vụ để có thể cải thiện tình hình tài chính, mang hi vọng tích cực hơn về đầu tư và tài chính cho những người trẻ tuổi.
Khánh Huyền | Báo cáo thị trường | Marketing AI
Bình luận của bạn