Do ảnh hưởng của Covid-19, T4/2020, chính phủ Việt Nam đã ban hành lệnh cách ly xã hội, yêu cầu toàn bộ người dân phải ở nhà. Chính vì lý do này, những thói quen của người tiêu dùng Việt cũng bị ảnh hưởng. Mới đây, Q&Me vừa thực hiện một khảo sát để tìm hiểu những "chuẩn mực mới" trong lối sống của người Việt Nam. Cuộc phỏng vấn khảo sát 282 ứng viên trên 20 tuổi, tập trung với hai nhóm: độc thân và các bà mẹ có con nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh.
Xu hướng thay đổi thói quen sau đại dịch Covid-19
Trong số 282 ứng viên tham gia khảo sát, 69% cho biết họ vẫn duy trì các hoạt động bảo vệ bản thân sau dịch giống như trước đây, 31% đã nới lỏng các hoạt động vi giữ vệ sinh của họ.
Thay đổi trong biện pháp giữ vệ sinh
Các thói quen vệ sinh có sự thay đổi lớn trước và sau dịch:
- Với thói quen duy trì: bao gồm rửa tay và đeo khẩu trang. Trong thời gian xảy ra dịch, 96% người khảo sát cho biết họ rửa tay thường xuyên, trong khi sau dịch con số này giảm xuống còn 90%. Song song đó, 98% người dùng cho biết họ luôn luôn đeo khẩu trang, và con số này thay đổi tụt xuống còn 93% sau khi hết phong tỏa.
- Với thói quen nới lỏng: số người có thói quen thường xuyên kiểm tra thân nhiệt trong thời gian dịch là 59%, sau thời gian phong tỏa, con số này giảm xuống còn 43%. Điều này cũng xảy ra tương tự với thói quen xúc miệng, giảm từ 64% xuống 50%.
Điều này cho thấy, mọi người đều rất thận trọng về vệ sinh an toàn của cơ thể khi xảy ra dịch bệnh. Mọi người vẫn rất thận trọng về vệ sinh để chăm sóc làm sạch tay và cơ thể. Vì vậy, nhu cầu của chất khử trùng tăng lên. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng vitamin (hoa quả và nước ép) để tăng cường miễn dịch cho cơ thể cũng tăng lên.
Trong thời gian dịch bệnh, trẻ em cũng được các phụ huynh hạn chế cho đi ra ngoài. Xúc miệng là thói quen phổ biến nhất để bảo vệ cho trẻ khi đi ra ngoài.
Thay đổi trong thói quen ăn uống
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tần suất đặt đồ ăn của người Việt Nam đã tăng 39%, tỉ lệ ăn ngoài, 30% vẫn giữ nguyên thói quen này. Cùng với đó là tỉ lệ nấu ăn ở nhà tăng mạnh 68%. Lý giải điều này, đa số vẫn thích ăn ở nhà do những lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và đây còn là cách hiệu quả để tiết kiệm tiền.
Họ cũng hạn chế ra ngoài ăn một phần do lệnh phong tỏa, thậm chí nếu đi ra ngoài họ có xu hướng tránh nhà hàng đắt tiền và thay vào đó chọn những nhà hàng có chất lượng vệ sinh tốt.
Làm việc tại nhà
Không xét về vấn đề tài chính, thế hệ trẻ có xu hướng yêu thích sự linh hoạt và tự do khi làm việc tại nhà thay vì phải tới văn phòng (trong thời gian ngắn). Ngược lại, các bà mẹ cảm thấy bận bịu hơn khi phải quan tâm, chăm sóc chồng con khi họ ở nhà cả ngày trong thời gian phong tỏa. Các bà mẹ chia sẻ rằng họ có bận rộn hơn với nhiều việc nhà và căng thẳng với cuộc sống hơn.
Thay đổi trong thói quen giải trí
Các thói quen như đi cafe, tập thể hình hay đi các dịch vụ làm đẹp đều có ít sự thay đổi, trong đó hình thức đi cafe giảm 29%, tập thể hình giảm 23% và các dịch vụ làm đẹp giảm 19%. Ngay cả sau khi hết phong tỏa, việc sử dụng các hình thức giải trí vẫn chưa phục hồi hoàn toàn.
Họ có nhiều thời gian ở nhà hơn, tìm kiếm các lựa chọn thay thế bằng hình thức trực tuyến cũng như để giao tiếp nhiều hơn với gia đình như: chơi game, xem phim, nấu ăn, học hoặc đọc sách, mua sắm online hoặc dành thời gian cùng gia đình.
Xu hướng sử dụng tiền mặt
Do những lo ngại về vệ sinh và không có cơ hội đi ra ngoài, xu hướng sử dụng tiền mặt giảm, thay vào đó người tiêu dùng có thói quen chi trả qua thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến.
Thay đổi địa điểm mua sắm
Thói quen đi siêu thị nhìn chung không có nhiều thay đổi. Minh chứng là tỉ lệ người duy trì hành vi này vẫn đạt 65%, giảm 18%. Trong khi đó xu hướng đi chợ hàng ngày giảm 23% và 67% không thay đổi.
Trong số 4 địa điểm, siêu thị hay siêu thị mini là sự lựa chọn tốt hơn do đảm bảo vệ sinh hơn, thực hiện các biện pháp bảo vệ như rửa tay, đo nhiệt độ...; việc thanh toán trực tuyến dễ dàng,... Trong khi đó, một số ngần ngại đi chợ sau Covid-19 do sự ồn ào, đông đúc từ các phương tiện giao thông và lượng người tập trung cao.
Thay đổi xu hướng mua các loại hàng hóa
Thực phẩm/Đồ uống, đồ dùng vệ sinh có tỷ lệ tăng cao nhất trong thời gian xảy ra dịch Covid-19. Trong đó, thực phẩm và đồ uống tăng 45%, đồ dùng về sịnh tăng 38%, các mặt hàng thời trang tăng 34%.
Việc mua hàng trực tuyến trở thành xu hướng mới cho các bà mẹ, những người trước đây không có thói quen này nay đã thay đổi và tăng mạnh. Các chương trình Flash sales từ các ứng dụng mua sắm đã thu hút họ, đánh trúng tâm lý hàng "rẻ-nhanh-tiện" của các chị em phụ nữ.
Bên cạnh đó, các mặt hàng thực phẩm phổ biến là thực phẩm nấu sẵn; sữa, các sản phẩm từ sữa; đồ khô; đồ đông lạnh cũng được người dùng ưa chuộng. Facebook là kênh quảng cáo hiệu quả cho các loại mặt hàng này bởi người dùng dành nhiều thời gian hơn cho việc lướt mạng xã hội trong thời gian phong tỏa.
Mặc dù Covid-19 mở ra nhiều cơ hội mới cho mua sắm trực tuyến nhưng tần suất mua sắm của người tiêu dùng có sự dao động nhẹ. Trước khi phong tỏa, 21% người dùng cho biết họ thường xuyên mua sắm. Sau phong tỏa, con số này giảm còn 11%. Số người mua hàng theo tuần chiếm 28% trước dịch Covid, sau dịch, con số tăng nhẹ lên 32%.
Rõ ràng, người tiêu dùng có xu hướng hạn chế mua sắm trực tuyến hơn khi xảy ra dịch bởi họ đang cố gắng kiểm soát tốt ngân sách chi tiêu của họ.
Xu hướng kiểm soát tài chính và chi tiêu
Những tháng qua, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến kinh tế đất nước. Doanh nghiệp mất doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, thậm chí phá sản đã khiến nhiều người phải nghỉ việc hoặc giảm giờ làm, khiến thu nhập bị ảnh hưởng ít nhiều.
Mức độ tài chính bị ảnh hưởng
Trong biểu đồ trên, gần 80% người được khảo sát bị ảnh hưởng đến tài chính, giảm thu nhập bởi COVID-19. Trong đó, 43% cho biết thu nhập giảm do giảm giờ làm, 32% phải chi tiêu tài chính nhiều hơn trong dịch, 5% thừa nhận bị mất việc làm.
Một cuộc thăm dò khác cũng được tiến hành, gần 70% nghĩ rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ được phục hồi trong vòng 1 năm tới và hơn 90% lo ngại về tình hình kinh tế của họ.
Xu hướng tiết kiệm
Có tới 93% người dùng cho biết họ sẽ tiết kiệm tiền và quản lý tài chính, trong khi đó 5% chưa chắc chắn và 2% trả lời không.
Do muốn tiết kiệm tài chính, người tiêu dùng đã tập trung cắt giảm chi tiêu vào các khoản nhưăn ngoài (61%), thời trang (60%), giải trí (54%), làm đẹp (43%), IT (34%), du lịch (8%). Đồng thời giảm tần suất những thói quen chi tiêu so với lúc trước, hạn chế những khoản chi tiêu lớn hoặc không cần thiết, quan tâm nhiều hơn đến các đợt giảm giá, ưu đãi khi mua sắm. Ngoài ra, suy nghĩ trận trọng hơn cho tương lai cũng là cách để tiết kiệm nhiều hơn.
>> Xem thêm:Bài học thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19
Tạm kết
Như vậy, có thể tóm tắt lại 3 chuẩn mực mới trong lối sống của người Việt sau dịch Covid -19 bao gồm: Vẫn thận trọng về việc bảo vệ sức khỏe và an toàn vệ sinh nhưng mức độ đã giảm; sử dụng phương thức trực tuyến trong cuộc sống, từ mua sắm, giải trí, thanh toán,..Sau khi phong tỏa, hành vi của người dân đã dần trở lại bình thường nhưng họ thận trọng hơn trong việc chi tiêu vì thu nhập giảm và những lo ngại về phục hồi kinh tế.
Hải Yến – MarketingAI
Theo Q&Me
Bình luận của bạn