Thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 để lại bài học gì cho các nước đang phát triển

22 Thg 07

Vị Cha già của dân tộc Việt Nam, chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cơn bão là cơ hội tốt để những cây thông, cây bách cho thấy sức mạnh và sự vững chãi của chúng". Tính đến nay, Việt Nam đã chứng minh được sức mạnh và sự ổn định trong việc vượt qua cơn bão COVID-19 và trở thành ví dụ tiêu biểu cho sự thành công của một quốc gia đang phát triển trong cuộc chiến chống lại đại dịch.

Một sĩ quan cảnh sát đi ngang qua những người hâm mộ bóng đá trong một trận đấu vào đầu tháng 6, sau khi chính phủ Việt Nam nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội toàn quốc sau COVID-19

Nửa năm sau ngày đại dịch COVID-19 bùng phát, gần 3 tháng trôi qua kể từ ngày Việt Nam công bố mở cửa trở lại, ở đâu đó tại quốc gia này, người dân vẫn đang thực hiện đầy đủ các biện pháp y tế nhằm tránh nguy cơ đại dịch quay trở lại. Phản ứng này hẳn sẽ bị coi là "dư thừa" ở một số quốc gia, đặc biệt là khi nước ta chưa cho phép mở cửa bất kỳ đường bay quốc tế nào. Thế nhưng, đối với Việt Nam, điều này không có gì kỳ lạ. Đến tận bây giờ, người ta vẫn còn bắt gặp hình ảnh nhân viên bảo vệ yêu cầu khách hàng rửa tay bằng nước sát trùng khi vào quán cafe hay siêu thị; hay khi lên xe buýt, hành khách được yêu cầu đeo khẩu trang và ngồi cách nhau một hàng.

Các số liệu thống kê cho thấy Việt Nam đã đạt vị trí độc tôn - trở thành quốc gia lớn nhất theo dân số (97 triệu người) không có một trường hợp tử vong nào, dù sở hữu đường biên giới dài và mật độ giao thương dày đặc với Trung Quốc, các khu đô thị đông dân cư và nguồn lực y tế hạn chế. Các con số này ngay khi công bố đã gây ra một cuộc tranh luận “ầm ĩ”, không ít cá nhân, quốc gia hoài nghi rằng tại sao một quốc gia độc đảng lại có thể đạt được thành công như vậy, dù Việt Nam không hề “động tay động chân” vào các dữ liệu để chống lại những người phẫn nộ chỉ trích họ.

Có những quốc gia theo chế độ chuyên chế như Trung Quốc và Iran, bị nghi ngờ về việc che giấu số ca tử vong vì COVID-19, và cũng có các nước theo chế độ đa đảng như New Zealand và Hàn Quốc, đã từng thành công trong việc khống chế đại dịch, có lẽ Việt Nam sẽ thấy mình ở đâu đó giữa hai bên này.

Người ngoài có lẽ khó có thể xác minh được đâu là các số liệu chính thức, dù các chuyên gia y tế nói rằng Việt Nam đã lên chiến lược chống dịch toàn diện với các hành động quyết liệt và sớm ngay từ đầu. Chính phủ đã rất cảnh giác về mối đe dọa này khi năng lực của bệnh viện và đội ngũ kiểm dịch của Việt Nam còn hạn chế.

Thậm chí trong một cuộc họp ngày 24/3, các nhà lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết Việt Nam có thể xử lý 1.000 ca nhiễm virus corona. Nếu hơn con số đó, họ sợ rằng hệ thống y tế có thể bị “vỡ trận”, như các nước Ý và Tây Ban Nha. Vì vậy, họ đề nghị các cấp ban ngành cùng toàn thể người dân, nỗ lực hết sức mình trong vòng 10 ngày đến 2 tuần tới, không cho phép số lượng ca bệnh vượt quá 1000 ca trên toàn quốc, nếu không, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao và nước ta không chắc sẽ kiểm soát nổi.

(Nguồn: Cục Y tế dự phòng)

Hành trình chống dịch của nước ta ngay từ đầu đã được dự báo là một trận chiến đầy cam go và thử thách. Nhưng với chiến lược ngăn chặn hiệu quả về chi phí, Việt Nam đã chỉ phải nhận 383 trường hợp nhiễm COVID-19 (tính đến ngày 19/7) và không có bất cứ một trường hợp tử vong nào, dù sở hữu dân số gần 100 triệu người. Nước ta cũng là một trong những quốc gia đầu tiên dỡ bỏ hầu như tất cả các biện pháp ngăn chặn trong nước.

Thành công trong chiến lược ngăn chặn của Việt Nam đạt được nhờ quá trình đúc rút kinh nghiệm trong các đợt bùng phát trước đó, như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng, hay còn gọi là SARS, xảy ra năm 2003. Ngay từ đầu, Thủ tướng đã bày tỏ quan điểm rằng: ưu tiên sức khỏe của người dân lên trên các mối quan tâm về kinh tế. Chiến lược này đã được triển khai nhanh chóng với sự giúp đỡ của các cơ quan quân đội, công an, an ninh cộng đồng và các cấp ban ngành từ trung ương đến cơ sở, nói lên một đặc trưng trong các hoạt động của bộ máy chính quyền Việt Nam. Các nỗ lực truyền thông hiệu quả và minh bạch đã giành được sự đồng thuận của toàn bộ người dân Việt Nam và chứa đựng những bài học lớn cho các nước đang phát triển.

Giành thắng lợi trong nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh

Cho đến nay Việt Nam, đã hạn chế thành công sự lây lan của COVID-19, nhưng nước ta cũng không tránh khỏi những tác động về mặt kinh tế. Dự kiến, nhu cầu trong nước và bên ngoài yếu hơn sẽ làm chậm lại tốc độ tăng trưởng đáng kể, giảm từ mức 7% trong những năm gần đây xuống còn 2,7% vào năm 2020. Tuy nhiên, so với hầu hết các nước trong khu vực, mức tác động kinh tế này sẽ nhẹ hơn.

Triển vọng phục hồi có vẻ tươi sáng khi các biện pháp giãn cách xã hội đã được dỡ bỏ, các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động và người tiêu dùng đổ xô đến các nhà hàng và cửa hàng để mua bán và ăn uống. Có những dấu hiệu thể hiện sự phục hồi đang diễn ra trong nước, với tổng mức bán lẻ và chỉ số sản xuất công nghiệp đã phục hồi từ mức thấp khi thực hiện giãn cách xã hội. Nhưng tăng trưởng bền vững và mạnh mẽ cũng sẽ đòi hỏi sự phục hồi kinh tế giữa các đối tác thương mại của Việt Nam.

Khả năng phục hồi sau dịch dù các hoạt động giao thương vẫn duy trì ở mức yếu (Nguồn: IMF)

Áp dụng nhanh chóng các biện pháp ngăn chặn

Ngay sau khi Trung Quốc chính thức đưa ra báo cáo với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về một số trường hợp viêm phổi bất thường vào ngày 31 tháng 12 năm 2019, Việt Nam đã hoàn tất đánh giá rủi ro sức khỏe. Đến ngày 21 tháng 1, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về phòng chống các ổ dịch bệnh và phát hiện các ca nhiễm bệnh. Và ngay trước khi tháng 1 kết thúc, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch Ứng phó Quốc gia và thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống dịch bệnh. Đây được coi là yếu tố tiên quyết để các ban ngành, các cấp chính quyền địa phương có thể phối hợp hành động và duy trì liên lạc nhanh chóng mỗi khi có trường hợp cần xử lý ngay.

Các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt dần dần được áp dụng, bao gồm kiểm tra sức khỏe tại sân bay, giãn cách xã hội, cấm đi lại đối với du khách nước ngoài, thời gian cách ly 14 ngày đối với khách quốc tế và du học sinh, người Việt trở về từ nước ngoài. Đóng cửa trường học và hủy bỏ sự kiện công cộng. Đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng đã được thực thi nghiêm ngặt, ngay cả trước khi có khuyến nghị của WHO, cùng với việc yêu cầu vệ sinh tay sạch sẽ tại các khu vực công cộng, nơi làm việc và các tòa nhà dân cư. Các dịch vụ không thiết yếu đã bị đóng cửa trên toàn quốc và các hạn chế nghiêm ngặt đối với các phong trào tụ tập đông người trên hầu hết cả nước trong 3 tuần vào đầu tháng Tư.

(Nguồn: CafeF)

"Khi bạn phải đương đầu với những loại mầm bệnh mới và khả năng gây nguy hại rất cao, thì tốt hơn hết là hãy phản ứng thái quá," Tiến sĩ Todd Pollack thuộc Chương trình hợp tác Tăng cường Sức khỏe ở Việt Nam của Đại học Havard ở Hà Nội nói.

Nhận thấy rằng hệ thống y tế có khả năng sớm bị quá tải ngay cả khi tốc độ lây lan của virus còn nhẹ,Việt Nam đã chọn cách phòng ngừa sớm và trên phạm vi rộng.

Ở thời điểm đầu tháng 1, khi mà chưa có bất kỳ ca nhiễm nào được xác nhận, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu "hành động quyết liệt" để chuẩn bị cho căn bệnh viêm phổi mới bí ẩn này khi lúc đó ở Vũ Hán đã có hai người nhiễm bị tử vong.

Khi ca nhiễm đầu tiên được xác nhận vào ngày 23 tháng 1 - một người đàn ông đã đi từ Vũ Hán đến thăm con trai của ông tại thành phố Hồ Chí Minh - Việt Nam đã lên kế hoạch khẩn cấp.

Giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) tại Thành phố Hồ Chí Minh, nói: “Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các hành động có phần khá cực đoan vào thời điểm đó nhưng hiệu quả sau đó chứng minh rằng hành động của Việt Nam là đúng.”

Nước ta cũng đã ban hành các biện pháp mà các nước khác đã phải mất hàng tháng để có thể triển khai, như hạn chế đi lại, theo dõi chặt chẽ và cuối cùng đóng cửa biên giới với Trung Quốc và tăng cường kiểm tra sức khỏe tại các cửa khẩu và các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao.

Các trường học đã duy trì đóng cửa kể từ Tết Nguyên Đán cuối tháng 1 cho tới tận giữa tháng 5. Trong thời gian đó, một chiến dịch truy tìm ca nhiễm/ nghi nhiễm và cách ly trên diện rộng đã được thực hiện, tốn rất nhiều công sức và nguồn lực.

(Nguồn: Vietnamnet)

"Đây là một quốc gia đã có kinh nghiệm đối phó với rất nhiều dịch bệnh trong quá khứ", giáo sư Thwaites nói, “Từ Sars năm 2003 đến cúm gia cầm năm 2010 và dịch sởi và sốt xuất huyết.”

"Chính phủ và người dân rất quen với việc đối phó với các căn bệnh truyền nhiễm và coi trọng mức độ nguy hiểm của chúng, có lẽ còn hơn cả các nước giàu có. Họ biết cách đối phó với những điều này."

Vào khoảng giữa tháng 3, Việt Nam đã đưa tất cả các công dân nhập cảnh và những người có tiếp xúc với các ca nhiễm được xác định này đến các trung tâm kiểm dịch trong vòng 14 ngày. Chi phí chủ yếu được chính phủ chi trả, mặc dù chỗ ở không quá xa xỉ nhưng đảm bảo mức độ an toàn cần thiết.

Các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ và hiệu quả

Trong khi chiến lược xét nghiệm hàng loạt, chi phí cao hơn được áp dụng ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến nhằm chống lại nguy cơ lây lan của đại dịch, thì Việt Nam chỉ tập trung vào các ca bệnh có nguy cơ và khả năng nghi nhiễm cao. Xét trên toàn bộ, Việt Nam chỉ thực hiện 350.000 xét nghiệm, một tỷ lệ tương đối nhỏ trong tổng dân số. Tuy nhiên, khoảng 1.000 người trên mỗi trường hợp được xác nhận đã được thử nghiệm, tỷ lệ cao nhất trên thế giới.

Cụ thể, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cứ 300 người bị nhiễm thì có tới 84.000 người bị cách ly.

(Nguồn: baoquocte)

Chúng ta đều biết, thời gian là rất quan trọng ở thời điểm đó khi tốc độ lan truyền của virus là theo cấp số nhân và thời gian ủ bệnh là không cố định. Việt Nam đã phải sử dụng các biện pháp truy kiếm, theo dõi, cô lập và cách ly kiểm dịch đến 3 cấp độ những người có tiếp xúc với bệnh nhân. Cụ thể, những người sống gần các ca dương tính, đôi khi là cả khu phố hoặc cả làng quanh đó, đã nhanh chóng được kiểm tra và cách ly, giúp hạn chế sự lây lan trong cộng đồng.

Điều dễ dàng nhận thấy ở đây là Việt Nam đã luôn ứng phó nhanh và cẩn thận đến từng chi tiết. Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống dịch bệnh do thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu đã luôn sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất để đảm bảo dịch bệnh không vượt quá khỏi tầm kiểm soát của chúng ta. Việc cách ly đến F3 cũng như thực hiện xét nghiệm cho bất cứ ai bị cách ly, kể cả người không có triệu chứng là chìa khóa cho sự thành công này. Giáo sư Thwaites cho biết, có tới 40% ca nhiễm đều không có bất cứ biểu hiện gì của người bị nghi nhiễm. Hành động của Việt Nam giải thích lý do tại sao chúng ta không có bất kỳ ca tử vong nào - vì Việt Nam đã luôn đón đầu trước.

Theo thống kê, có gần 450.000 người đã được cách ly (tại bệnh viện hoặc các cơ sở do nhà nước quản lý hoặc tự cách ly). Điều trị và kiểm dịch tại bệnh viện đều được cung cấp miễn phí cho người Việt Nam (chi phí do Chính phủ cung cấp). Thậm chí, các khu vực bị cách ly đều được Nhà nước hỗ trợ về chi phí ăn mỗi ngày.

Việc ngăn chặn sớm và sử dụng các cơ sở công và doanh trại quân đội sẵn có cho thấy hiệu quả rõ ràng về mặt chi phí. Chính phủ ước tính ngân sách chi ra để đối phó với dịch bệnh rơi vào khoảng 0,2% GDP, với khoảng 60% chi là để chi mua thiết bị, vật tư y tế và phần còn lại dành cho các hoạt động ngăn ngừa.

Cuộc chiến của toàn xã hội

Sự đồng thuận của người dân là yếu tố cốt lõi trong sự thành công này. Ngay từ giai đoạn đầu, việc truyền thông về dịch bệnh và chiến lược ngăn chặn dịch bệnh đã được minh bạch. Chi tiết về các triệu chứng, biện pháp bảo vệ và các trang web thử nghiệm đã được truyền đạt qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang web của chính phủ, các cấp ban ngành đến cơ sở địa phương, áp phích tại bệnh viện, văn phòng, tòa nhà dân cư và các khu chợ, qua tin nhắn văn bản trên điện thoại di động và dưới dạng tin nhắn thoại trước khi thực hiện một cuộc gọi. Chính phủ cũng ra mắt một ứng dụng theo dõi liên lạc tại các thành phố lớn.

Trước những nỗ lực của Chính phủ và nhiều doanh nghiệp, người dân và nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam cũng rất hưởng ứng và có nhiều ý tưởng sáng tạo để thúc đẩy và lan tỏa thông điệp đoàn kết chống dịch.

Các chiến dịch #Ghencovy, #Covydidi,... và hàng loạt phong trào nổ ra sau đó có lẽ không còn phải nhắc lại quá nhiều về độ phổ biến, hiệu ứng lan truyền và hiệu quả tác động của nó nữa.

Có thể nói, Chính phủ và Bộ Y tế Việt Nam đã làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, góp phần tạo nên hình ảnh “cả xã hội chung tay đánh bại dịch bệnh” cực kỳ lay động lòng người. Cách tiếp cận và tận dụng sức mạnh của truyền thông lần này của các cấp lãnh đạo đã củng cố niềm tin của công chúng, giúp người dân có sức mạnh, đồng lòng ủng hộ chính phủ, tuân thủ các biện pháp bảo vệ và ngăn ngừa.

Chiến lược ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả (Nguồn: IMF)

Các quốc gia nào có thể học hỏi từ Việt Nam?

Mặc dù sự thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch thật đáng ngưỡng mộ, nhưng không phải quốc gia nào cũng có thể áp dụng các phương pháp mà Việt Nam đã thực hiện.

Như đã nói ở trên, thời gian là yếu tố cực kỳ quan trọng. Và yếu tố quan trọng không kém sau đó, chính là cách tiếp cận. Việt Nam và Hoa Kỳ đều đã công bố ca nhiễm bệnh đầu tiên vào tuần cuối tháng Giêng, nhưng nếu phản ứng sớm và có các biện pháp cách ly nghiêm ngặt ngay từ đầu, quốc gia phát triển nhất thế giới đã không “toang” như hiện giờ.

Ngược lại, với việc tự biết lượng sức mình, Việt Nam đã nhanh chóng nhận ra dịch bệnh này là một mối đe dọa lớn và ngay lập tức thành lập các ban ngành đối phó riêng. Trên thực tế, nếu Việt Nam bị quá tải bởi hàng ngàn, mười ngàn, hàng trăm ngàn ca nhiễm như ở các quốc gia khác, thì không có gì ngạc nhiên khi chúng ta cũng rơi vào tình trạng tương tự như các quốc gia như Ý, Tây Ban Nha,vv… khi cơ sở hạ tầng y tế của Việt Nam vốn hạn chế hơn. Tuy nhiên, cuộc đời không có chữ “Nếu” và rõ ràng là chúng ta đã làm tốt công tác phòng dịch.

(Nguồn: Tạp chí công thương)

Chính vì thế, giáo sư Thwaites đã nói, những biện pháp áp dụng tại Việt Nam sẽ “không thể áp dụng” ở các quốc gia đang lây nhiễm trên diện rộng, nhưng với một số nước chưa bị nặng, thì hoàn toàn có thể rút ra bài học ở đây

>> Xem thêm: Cuộc sống của người dân trong thời kỳ COVID-19

Kết

Nhìn nhận lại cuộc chiến chống dịch và kỳ tích mà chúng ta đã đạt được trong suốt những tháng đầu năm, có lẽ bất cứ người dân Việt Nam nào cũng cảm thấy bồi hồi và xúc động. Để có được những ngày tháng bình yên, ngày ngày đi làm, tối về nhà nghỉ ngơi mà không có bất cứ nỗi lo về dịch bệnh nào còn canh cánh trong lòng, đó là nhờ những nỗ lực rất lớn đến từ Chính phủ, Bộ Y tế và mọi người dân. Thành công trong ngày hôm nay không có nghĩa là bạn sẽ thành công về mãi mãi sau này, vì vậy, khi thế giới vẫn còn đang phải oằn mình để chống chọi với đại dịch, điều trên hết mà chúng ta nên làm đó là không được lơ là cảnh giác, và luôn sẵn sàng cho mọi tình huống bất ngờ nhất.

Tô Linh - MarketingAI

Theo IMF

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.