cover

Bản đồ chiến lược là gì? Tại sao doanh nghiệp cần xây dựng bản đồ chiến lược?

16 Thg 10

Bản đồ chiến lược là một trong những công cụ quan trọng giúp các doanh nghiệp hoạch định kế hoạch tương lai, thống nhất các mục tiêu chung của tổ chức một cách toàn diện nhất. Cụ thể, bản đồ chiến lược là gì? Gồm những thành tố nào? Làm thế nào để xây dựng bản đồ chiến lược doanh nghiệp hiệu quả? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Marketing AI để hiểu rõ hơn!

Bản đồ chiến lược là gì?

Bản đồ chiến lược là sự trình bày trực quan các chiến lược và mục tiêu tổng thể của một tổ chức doanh nghiệp. Bản đồ này thường được thể hiện dưới dạng sơ đồ, hoặc hình ảnh, ngắn gọn và dễ hiểu.

Bản đồ chiến lược được tạo ra trong quá trình xây dựng kế hoạch chiến lược và được dùng làm tài liệu tham khảo trong các cuộc họp, cuộc kiểm tra, đánh giá chiến lược định kỳ ở các công ty. Nhờ đó, lãnh đạo và nhân viên có thể nhận định được các công tác cần thực hiện để chinh phục những mục tiêu đã đề ra trong khoảng thời gian ngắn nhất.

Biểu đồ chiến lược đồng thời cũng được biết tới là một trong những thành phần chính của phương pháp thẻ điểm cân bằng. Bản đồ chia mục tiêu thành 4 loại hoặc các quan điểm, bao gồm: Tài chính, Khách hàng, Những quy trình nội bộ, Con người/Học tập - phát triển.

Chi tiết hơn về khái niệm và các phân tích liên quan đến bản đồ chiến lược, bạn có thể tìm đọc Bản đồ chiến lược PDF - cuốn sách được thực hiện bởi Bác sĩ Robert S. Kaplan và David P. Norton.

Bản đồ chiến lược là gì?

>>> Xem thêm: Các bước xây dựng chiến lược thương hiệu bất kì nhà Marketer nào cũng nên nắm rõ

Ví dụ về bản đồ chiến lược của FPT

Là 1 tập đoàn đa ngành với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau nên FPT có tới 14 bản đồ, 51 thẻ điểm và 1052 chỉ số. Và để có được những bản đồ chiến lược phiên bản đầu tiên cho tập đoàn và công ty con, các cấp lãnh đạo và nhân sự FPT đã phải tiến hành họp liên tục trong gần nửa năm để bàn luận, chỉnh sửa và nhân bản thành nhiều bản đồ tương ứng cho từng lĩnh vực kinh doanh.

Tổng giám đốc FPT Bùi Ngọc Quang chia sẻ thêm, quy trình xây dựng chiến lược và lập kế hoạch hàng năm ở FPT đều tuân thủ theo phương pháp "thẻ điểm cân bằng".

Ví dụ về bản đồ chiến lược của FPT

Bản đồ chiến lược của FPT phác hoạ quá trình tạo ra các giá trị và kết quả kinh doanh mong muốn thông qua mối quan hệ nhân quả giữa các mục tiêu. Bản đồ này gồm 4 yếu tố trong đó có 2 yếu tố bên ngoài là Tài chính và Khách hàng, cân bằng với 2 yếu tố bên trong là Quy trình nội bộ và Học tập - phát triển.

Cụ thể hơn, bản đồ chiến lược FPT được chia làm 3 mảng chính: sản phẩm mới làm thay đổi FPT (Transforming FPT); cải tiến lĩnh vực kinh doanh hiện tại (Innovating Current Business) và quản trị hiệu quả (Operating Excellence). Trên bản đồ sẽ có các thẻ điểm gồm mục tiêu chiến lược, chỉ tiêu đo lường và các hành động tương ứng. Các chỉ số sẽ được biểu thị bằng màu sắc khác nhau: xanh (từ 100% trở lên); vàng (80 - 99%); đỏ (20-80%); tím (dưới 20%). Bản đồ này cho phép lãnh đạo nắm bắt được tình hình công ty cháu, thậm chí là thấp cấp hơn nữa. Chỉ cần một cú click, lãnh đạo sẽ biết được lý do vì sao chỉ số đó đỏ và các bộ phận chịu trách nhiệm sẽ phải có hành động giải trình, xử lý - khắc phục những yếu điểm đang tồn tại; bên cạnh đó là đề ra cách phòng ngừa các tình huống xấu có thể xảy đến.

Vai trò của bản đồ chiến lược trong doanh nghiệp

Bản đồ chiến lược đóng vai trò quan trọng trong mỗi doanh nghiệp:

  • Giúp doanh nghiệp xác định các mục tiêu một cách rõ ràng hơn: Ở nhiều phòng ban, định hướng có thể đôi nét giống nhau. Như vậy, để các phòng có thể tối ưu hoá hiệu quả hoạt động, loại bỏ những yếu tố thừa thì việc hiểu rõ tính chất công việc của nhau là cực kỳ cần thiết. Điều này cũng giúp các công tác được thực hiện trơn tru và hiệu quả hơn.
  • Là tiền đề để hướng dẫn, chỉ đạo các công việc cho nhân sự của công ty: Bản đồ chiến lược thể hiện bức tranh tổng quan - nơi nhân sự có thể theo dõi để nắm rõ những nhiệm vụ mình cần thực thi, các việc cần làm để hoàn thành nhiệm vụ đó một cách tốt. Sâu xa hơn, bản đồ chiến lược còn giúp các nhân sự hiểu rõ tính chất công việc của mình, hình thành tầm nhìn xa hơn để có thể đóng góp cho công ty, tổ chức
  • Hỗ trợ quản trị rủi ro, phát hiện rủi ro và xây dựng phương án ứng phó kịp thời: Từ bản đồ chiến lược, các nhà quản lý sẽ dễ dàng nhìn thấy tổng thể chiến lược đang vận hành trong công ty mình là gì, xuất hiệu lỗi ở đâu và có thể đưa ra biện pháp khắc phục nhanh chóng.
Vai trò của bản đồ chiến lược trong doanh nghiệp

Những yếu tố cần có trong bản đồ chiến lược

Tìm hiểu bản đồ chiến lược là gì và các yếu tố cấu thành của bản đồ này, dễ thấy bản đồ chiến lược có 4 yếu tố chính, gồm: tài chính, khách hàng, quy trình và yếu tố học tập - phát triển.

1. Yếu tố tài chính

Tài chính và lợi nhuận là điều mà doanh nghiệp nào cũng đang hướng đến. Trong đó, lợi nhuận lại phụ thuộc vào các yếu tố doanh thu và chi phí. Vì vậy, để có thể nâng cao lợi nhuận ở mức tối đa, doanh nghiệp cần tập trung vào các chiến lược: tăng trưởng doanh thu (mục tiêu dài hạn), tăng năng suất (mục tiêu ngắn hạn). Ngoài ra, cũng cần tối ưu các chi phí phải bỏ ra trong quá trình vận hành bộ máy của mình.

2. Yếu tố khách hàng

Khách hàng là yếu tố cốt lõi của tất cả các chiến lược. Đó là lý do vì sao yếu tố này chỉ xếp sau tài chính. Các doanh nghiệp thường tập trung vào việc đạt được một trong các đề xuất dưới đây để chinh phục mục tiêu khách hàng:

Dẫn đầu về sản phẩm: thể hiện ở việc các doanh nghiệp liên tục đầu tư về nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới nhằm thực hiện tham vọng đứng đầu ngành hàng của mình

Vận hành tối ưu: các doanh nghiệp sản xuất luôn cố gắng tinh gọn nhất chi phí sản xuất, chi phí vận hành của mình để đem đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng với giá thành tốt nhất

Mối quan hệ với khách hàng: Với quan điểm này, khách hàng chính là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp. Chiến lược kinh doanh được thực hiện nhằm tối ưu hoá sản phẩm - dịch vụ theo hướng cá nhân, chuyển hóa nhóm khách hàng tiềm năng thành khách hàng trung thành. Với chiến lược này, công ty sẽ có thể nắm rõ insights của khách, các hành vi tiêu dùng và thói quen của họ để đề xuất những kế hoạch tối ưu nhất.

Những yếu tố cần có trong bản đồ chiến lược

3. Yếu tố quy trình

Sau khi đã nhận định rõ các quan điểm liên quan đến tài chính và khách hàng, doanh nghiệp sẽ cần phải xây dựng những cách thức riêng (quy trình) để đạt được các mục tiêu liên quan đến tài chính và khách hàng của mình.

Việc hoạch định và cải tiến quy trình cần phải thực hiện song song với việc vận hành doanh nghiệp. Điều này giúp:

  • Thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp thông qua hoạt động đổi mới và mở rộng thị trường
  • Tạo mối quan hệ tốt với các bên liên quan
  • Nâng cao giá trị của khách hàng thông qua việc cải thiện mối quan hệ
  • Quy trình vận hành thêm hiệu quả

4. Yếu tố học tập – phát triển

Học tập - phát triển là nền tảng của bất kỳ bản đồ chiến lược nào. Quan điểm này giúp doanh nghiệp và nhân sự có cái nhìn tổng quan hơn về các kỹ năng và kiến thức cần có ở mỗi nhân viên cần có để có thể chinh phục mục tiêu về tài chính và khách hàng

Do vậy, nhân sự cần có những kế hoạch cụ thể về học tập nâng cao nghiệp vụ, học hiểu thêm về văn hoá nội bộ, nâng cao tư duy làm việc của mình.

Cách xây dựng bản đồ chiến lược doanh nghiệp

Quy trình để xây dựng bản đồ chiến lược doanh nghiệp được thực hiện thông qua 5 bước cơ bản:

Bước 1: Xác định sứ mệnh - tầm nhìn của doanh nghiệp:

Sứ mệnh - tầm nhìn ở đây chính là tuyên bố tập trung vào nội bộ, mô tả rõ hoạt động và mục đích mà doanh nghiệp đang hướng tới. Việc xác định rõ sứ mệnh - tầm nhìn là nền tảng giúp doanh nghiệp xây dựng bản đồ chiến lược toàn diện nhất

Bước 2: Phân tích môi trường ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động

Trước khi xây dựng chiến lược, doanh nghiệp cần hiểu rõ về bối cảnh, lĩnh vực, ngành mà mình đang hoạt động cũng như các yếu tố liên quan khác như đối thủ cạnh tranh, nhà đầu tư,...

Bước 3: Xác định các chiến lược phát triển

Cần xác định để các chiến lược thực thi để chinh phục mục tiêu, sứ mệnh của doanh nghiệp mình. Lưu ý rằng, các chiến lược được xây dựng phải thực sự khả thi và có tính toàn diện, khác biệt với các đối thủ trên thị trường.

Bước 4: Thực thi chiến lược

Sau khi đã xác định rõ các chiến lược, việc tiếp theo chính là thực hiện các chiến lược để hoàn thành mục tiêu. Ở bước này cần chỉ rõ cách mà các mục tiêu được kết nối với nhau thông qua các mũi tên thể hiện rõ góc nhìn.

Bước 5: Xây dựng bản đồ chiến lược

Sau các nhiệm vụ nêu trên, ở bước cuối cùng doanh nghiệp có thể xây dựng nên bản đồ chiến lược của mình. Bản đồ này thể hiện rõ giá trị của doanh nghiệp và những mục tiêu doanh nghiệp đang hướng tới, đi kèm là những chiến lược hòng chinh phục mục tiêu đó.

>>> Xem thêm: 5 Bước xây dựng chiến lược marketing hiệu quả cơ bản

Phần mềm hỗ trợ xây dựng bản đồ chiến lược thông minh

Hiểu được bản đồ chiến lược là gì và vai trò của bản đồ này song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện việc xây dựng bản đồ này một cách hiệu quả. 

Phần mềm hỗ trợ xây dựng bản đồ chiến lược thông minh

Hãy tham khảo những phần mềm hỗ trợ xây dựng bản đồ chiến lược thông minh được Marketing AI gợi ý dưới đây:

  • Creately: Phần mềm hỗ trợ xây dựng bản đồ chiến lược ưu việt với nhiều khung làm việc chiến lược trực quan, giúp lên ý tưởng và xác định chiến lược nhanh gọn. Creately cũng giúp tạo ra các nhiệm vụ cần thực hiện một cách dễ dàng, liên kết chặt chẽ với các yếu tố con người, mục tiêu và quy trình.
  • Canva: Canva hiện đã bổ sung tính năng thiết kế bản đồ chiến lược. Tại đây, bạn có thể xây dựng bản đồ chiến lược trực quan mà không cần tốn nhiều công sức. Canva cung cấp hơn 20 loại biểu đồ chuyên nghiệp; các mẫu được thiết kế thông minh; dữ liệu được trực quan hoá để trở nên dễ dàng hơn trong việc theo dõi. Ngoài ra, bạn có thể dễ dàng chỉnh sửa hoặc chia sẻ, đăng tải bản đồ của mình đến bất kỳ ai.
  • Tanca: Tanca là giải pháp tân tiến về dịch vụ quản lý cho các doanh nghiệp. Với Tanca, doanh nghiệp có thể xây dựng bản đồ chiến lược một cách thông minh, dễ dàng. Từ đây, nhân sự có thể nhìn thấy chiến lược một cách tổng thể, nắm rõ tiêu chí đánh giá, đồng thời quản lý công việc một cách hiệu quả hơn.

Tạm kết:

Những chia sẻ trên đây của Marketing AI đã phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm bản đồ chiến lược là gì, vai trò và cách lập bản đồ chiến lược doanh nghiệp hiệu quả. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn sẽ có hướng đi rõ ràng hơn trong việc xây dựng bản đồ chiến lược cho đơn vị tổ chức, doanh nghiệp của mình hòng chinh phục mục tiêu mà doanh nghiệp bạn vẫn đang hướng đến.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.