Bài học rút ra từ cuộc đua live commerce tại thị trường Châu Á

06 Thg 04

Trong thời đại ngày nay, người tiêu dùng nói chung và các tín đồ mua sắm nói riêng đã không còn xa lạ gì với các tính năng công nghệ số. Nhiều người trong chúng ta đã sống và làm việc với các tính năng này mỗi ngày. Năm 2020 vừa qua, các quy định về giãn cách xã hội đã thúc đẩy việc áp dụng kỹ thuật số trên tất cả các nhóm tuổi khác nhau và tạo ra tác động lâu dài và to lớn đến hành vi tiêu dùng.

Sự kết hợp phổ biến giữa thương mại điện tử và công nghệ livestream đã tạo ra một thị trường mua sắm online mới trên mạng xã hội, vô cùng sôi nổi và có tính tương tác cao, cho phép khách hàng mua sắm ngay trong thời gian thực trong các video livestream đến từ người bán. Xu hướng shopstreaming này là sự kết hợp giữa 2 từ shopping + streaming, đang ngày càng phát triển và tạo ra cơ hội khám phá và kết nối sâu sắc giữa người tiêu dùng và các thương hiệu.

Có thể thấy, các hình thức thương mại trực tiếp (live commerce) như mua sắm trực tuyến đã đạt được sự thành công nhất định ở Châu Á, đặc biệt là ở thị trường Trung Quốc. Đây là cơ hội tốt để các thương hiệu phương Tây rút ra bài học trong việc sử dụng thương mại trực tiếp như một cách để xây dựng mối quan hệ tốt hơn với người tiêu dùng của họ.   

Taobao và những người nông dân địa phương

Nhiều người trong số chúng ta có lẽ đã nghe nói đến Taobao trước đây và không còn gì xa lạ gì nó. Về cơ bản thì Taobao được coi là Amazon của Trung Quốc, nhưng có tốc độ phát triển nhanh hơn. Đây là trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới với tần suất giao dịch trong một ngày diễn ra vô cùng cao. Trái ngược với tình hình khả quan của các sàn thương mại điện tử, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt là những người nông dân địa phương đã và đang rơi vào rủi ro vô cùng lớn tại những thời điểm không chắc chắn này.

Thấu hiểu điều đó, Taobao đã thông qua tính năng livestream của mình để cho ra đời một sáng kiến hỗ trợ, giúp những người nông dân duy trì độ nổi tiếng của mình và thậm chí còn giúp một số người đạt được sự thành công chưa từng có trong sự nghiệp kinh doanh của họ. Kể từ khi ra mắt Chương trình Hỗ trợ Nông thôn (Rural Support Program) vào tháng 2 năm 2020, Taobao đã mở kênh phát trực tiếp miễn phí cho tất cả những người nông dân, kết nối họ với mạng lưới livestream khổng lồ với hơn 41 triệu người theo dõi. Chỉ trong ba ngày livestream đầu tiên, hơn 15 triệu kg nông sản tươi sống đã được bán ra. Nhưng để chứng minh cho tốc độ lan tỏa nhanh chóng và sự phổ biến của nền tảng này, chúng ta phải nhìn vào việc một trang trại địa phương đơn lẻ đã bán được hơn 30.000 kg xoài trong vòng chưa đầy hai phút.

Không chỉ nông dân và các doanh nghiệp nhỏ ở phương Tây sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ các chương trình như vậy, mà người tiêu dùng cũng có thể đạt được những lợi ích nhất định từ sáng kiến này, khi họ có thể tìm hiểu thêm về các sản phẩm và thương hiệu thích hợp mà họ chưa từng được nghe đến trước đây. Rõ ràng, live commerce đã mang đến cho chúng ta động lực dịch chuyển lên nền tảng số và vào những không gian thân mật hơn.

Những nhà sáng tạo nội dung, những micro-influencers và những cộng đồng mới giờ đây hoàn toàn có thể phát triển các kênh của mình tập trung nhiều hơn vào bán hàng, giống như cách mà họ đã làm để thúc đẩy tương tác trong những năm vừa qua vậy. 

Pinduoduo x Bảo tàng Met (Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan)

Một nền tảng khác đã tận dụng thành công xu hướng mua sắm online đó là Pinduoduo (PDD). Đây là nền tảng thương mại điện tử có tốc độ phát triển nhanh nhất Trung Quốc tính đến thời điểm hiện tại. 

PDD đã khởi chạy lại tính năng livestream bắt đầu từ tháng 12 năm 2020, mở ra cơ hội mua sắm trực tiếp cho 536 triệu người dùng từ khắp nơi trên thế giới, tại các video livestream trực tiếp của các nhà cung cấp quảng cáo sản phẩm của họ. Ứng dụng thậm chí còn cung cấp dịch vụ tham quan bảo tàng online tại các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới, bao gồm sáu bảo tàng nổi tiếng của Trung Quốc và Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan vô cùng sang trọng tại thành phố New York, Mỹ - một trong 5 bảo tàng trên thế giới đã áp dụng công nghệ tham quan trực tuyến vào tháng 3/2020.

Với ứng dụng này, nhân viên bảo tàng có thể livestream và cho người xem xem các khu vực trưng bày khác nhau và giới thiệu cho họ các bộ sưu tập nổi bật. Người xem thậm chí có thể bình luận trong buổi phát sóng trực tiếp này và tương tác với nhân viên bảo tàng bằng cách đặt câu hỏi về các cuộc triển lãm hoặc để hiểu sâu thêm về lịch sử dân tộc. Thậm chí ứng dụng còn cung cấp một tùy chọn cho phép người dùng mua hàng lưu niệm từ các cửa hàng quà tặng có trong bảo tàng.

Không dừng lại ở đó, PDD còn hợp tác với các đại sứ quán và lãnh sự quán nước ngoài để tạo ra sự kết nối văn hóa và góp phần thúc đẩy giao dịch các sản phẩm di sản thông qua các livestream của họ. Đây là một ý tưởng sáng tạo khác mà các nền tảng mới nổi này có thể tạo ra và củng cố tiến trình đổi mới của họ, đồng thời thổi vào đó những câu chuyện trong thời gian thực.

Trong khi đó, ở phương Tây, các thương hiệu sẽ cần phải cố gắng hơn nữa để đạt được sự thành công tương tự. Chúng ta đều biết rằng, khi người tiêu dùng lớn tuổi cảm thấy thoải mái hơn với việc mua sắm online thì sức mua trên các sàn thương mại điện tử sẽ tăng lên theo cấp số nhân. Nhưng trước tiên, để đạt được điều đó, chúng ta cần phải tìm cách khiến cho việc mua sắm online trở nên dễ dàng và liền mạch nhất có thể. Một trong những cách tốt nhất để tạo ra sự đảm bảo đối với những khách hàng chưa quen với xu hướng này là tận dụng sự kêu gọi của cộng đồng và phương pháp marketing truyền miệng. 

TikTok đã khai thác tối đa insights này bằng cách hợp tác với Shopify để mở ra cơ hội cho những creators của họ được tiếp cận với những khán giả mới và thúc đẩy doanh số bán hàng theo cách chân thực và tương tác nhất. Chính vì thế, thay vì đi sâu vào tìm hiểu và tạo ra các nền tảng của riêng mình, các thương hiệu có thể lấn sân vào thị trường live commerce này bằng cách hợp tác với các nền tảng khác hoặc tận dụng mối quan hệ đối tác hiện có để mở ra nhiều kết nối sâu rộng hơn với khán giả của họ.

(Ảnh: Internet)

Kết

Sự tiện lợi và khả năng kết nối tuyệt đối mà live commerce mang lại đảm bảo rằng, kỳ vọng của người tiêu dùng về trải nghiệm mua sắm sẽ tiếp tục tăng lên. Đối mặt với đại dịch toàn cầu, mọi người sẽ tiếp tục tìm ra những cách mới để duy trì hoạt động hàng ngày và ổn định việc mua sắm, tiêu dùng. Các cơ hội phát triển nền kinh tế live commerce như mua sắm online sẽ cung cấp cho các thương hiệu một hình thức kết nối và tương tác mới đầy thú vị, kết hợp giữa thương mại điện tử và các nền tảng mới. Muốn thành công thì các doanh nghiệp phải luôn cố gắng mang thương hiệu và trải nghiệm của mình đến với mọi người theo những cách nhanh chóng, tiện lợi và thú vị nhất.

Đây không chỉ là vấn đề liên quan đến chuyển đổi số hay lợi ích của chuyển đổi số, nó cũng không hề ám chỉ rằng chúng ta phải quên đi hoàn toàn những trải nghiệm mua sắm thực tế ngoài kia. Đó chỉ là vấn đề liên quan đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của con người bằng cách đưa họ đến những trải nghiệm tuyệt vời mà thế giới thực ngoài kia không thể thực hiện được, nhưng sẽ không thể thực hiện được nếu thiếu đi những trải nghiệm tại cửa hàng thực. Bất kể là thương hiệu nào đi nữa thì người tiêu dùng cũng đang ngày càng có những kỳ vọng và đặt tiêu chuẩn cao hơn về những trải nghiệm mà họ nên được hưởng, và họ cũng mong rằng các thương hiệu có thể đáp ứng họ mọi lúc mọi nơi. Các thương hiệu nên tiếp tục sáng tạo không ngừng và vượt ra khỏi những mong đợi của khách hàng để chạm tới những giới hạn mới trong cách truyền tải câu chuyện.

Tô Linh - MarketingAI

Theo The Drum

>> Có thể bạn quan tâm: 4 ý tưởng sáng tạo giúp nâng cao trải nghiệm số cho giới siêu giàu
Đánh giá của bạn

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.