- Tổng quan về Netflix
- Phân tích những điểm khác biệt trong chiến lược marketing của Netflix
- Cá nhân hóa nội dung và trải nghiệm người dùng
- Tận dụng các công cụ social media
- Hợp tác với nhiều nhãn hàng
- Đa dạng hóa cách tiếp thị
- Xây dựng cộng đồng mạnh mẽ
- Chúng ta có thể học được gì từ các chiến thuật tiếp thị của Netflix?
Tổng quan về Netflix
Được thành lập vào năm 1997 bởi hai người bạn, Reed Hastings và Marc Randolph, ở Thung lũng Scotts, California, Mỹ. Mô hình ban đầu của Netflix là một dịch vụ thuê băng đĩa xem phim tính phí, được gửi qua đường bưu điện và giao đến tận nhà khách hàng. Điều làm nên sự khác biệt so với các dịch vụ khác là Netflix không tính thêm phí khi bạn thuê quá hạn. Bạn có thể giữ đĩa DVD bên mình bao lâu tùy thích và khi trả lại, bạn có thể lấy một bộ phim khác mà mình chọn.
Trải qua nhiều năm, Netflix thay đổi mô hình với các dịch vụ tiện ích cho người dùng. Hãng cho ra mắt dịch vụ đăng ký hàng tháng, thuê DVD không giới hạn, bổ sung hệ thống đề xuất phim theo sở thích người dùng, phát trực tuyến phim, sở hữu các bộ phim và show độc quyền, cộp mác Original Netflix.
Netflix cũng là thương hiệu giành giải Emmy của viện Hàn Lâm, công phá kỷ lục 140 triệu người đăng ký tại hơn 190 quốc gia. Chỉ trong vòng hơn 20 năm, Netflix đã trở thành nhà cung cấp dịch vụ chiếu phim, show chương trình truyền hình theo yêu cầu đứng đầu trên thế giới. Tính đến thời điểm đầu năm 2023, tổng số người đăng ký sử dụng Netflix đã tăng lên con số hơn 232 triệu người.
Phân tích những điểm khác biệt trong chiến lược marketing của Netflix
Không chỉ là cái tên tiên phong trong lĩnh vực giải trí online, Netflix còn là nhà cách tân trong lĩnh vực digital marketing trong thời đại số hiện nay. Để đạt được vị thế đó, Netflix có một chiến lược marketing đa dạng và sáng tạo, giúp công ty trở thành một trong những dịch vụ streaming phổ biến nhất trên thế giới.
Cá nhân hóa nội dung và trải nghiệm người dùng
Netflix đã trở thành một trong những nền tảng phát trực tuyến hàng đầu thế giới nhờ vào khả năng cá nhân hóa nội dung và trải nghiệm người dùng. Cụ thể, Netflix theo dõi mọi hành động của người dùng trên nền tảng của mình, từ việc xem các bộ phim và chương trình truyền hình nào, thời gian xem, thiết bị sử dụng, đến cách tương tác với giao diện người dùng. Dữ liệu này được sử dụng để phân tích và hiểu rõ sở thích cũng như hành vi của từng người dùng, từ đó đề xuất những nội dung cá nhân hóa.
Không chỉ dựa vào dữ liệu cá nhân của người dùng, thuật toán của Netflix sử dụng thông tin về xu hướng tại quốc gia và trên thế giới để đưa ra các đề xuất phù hợp. Ví dụ, nếu bộ phim "Money Heist" đang trở thành cơn sốt tại Tây Ban Nha, Netflix sẽ đề xuất bộ phim này cho người dùng tại Tây Ban Nha và các quốc gia khác có sự quan tâm đến nội dung tương tự. Ngoài ra, Netflix cũng theo dõi các xu hướng toàn cầu để đề xuất những bộ phim và chương trình truyền hình đang được ưa chuộng trên khắp thế giới.
>>>Chi tiết: Dữ liệu hóa và cá nhân hóa thành công như Netflix
Tận dụng các công cụ social media
Netflix đã tận dụng mạnh mẽ các công cụ mạng xã hội để tạo sự tương tác, thu hút người dùng, và xây dựng cộng đồng fan hâm mộ trung thành. Nền tảng này đã đa dạng hóa content trên các mạng xã hội để phù hợp với thị hiếu của nhiều khán giả khác nhau:
- Meme: Netflix tạo ra và chia sẻ nhiều meme liên quan đến các bộ phim và chương trình của mình, giúp nội dung trở nên viral hơn. Một số meme điển hình trên nền tảng này phải kể đến meme “bịt mắt” từ bộ phim "Bird Box" hay hình ảnh búp bê khổng lồ từ trò chơi đầu tiên trong "Squid Game".
- Nội dung hài hước: Các đoạn video ngắn trên TikTok và Instagram Reels từ các chương trình hài của Netflix như "The Kominsky Method" hay "The Standups" thường được chia sẻ để thu hút khán giả trẻ tuổi và tạo ra tiếng cười.
- Nội dung châm biếm: Netflix cũng không ngần ngại sử dụng nội dung châm biếm để tạo ra sự hài hước và thu hút sự chú ý. Các bài đăng châm biếm về các sự kiện hiện tại hoặc xu hướng xã hội, đôi khi liên quan đến các bộ phim như "Black Mirror", đã giúp Netflix tạo ra sự kết nối với những người dùng thích sự châm biếm và suy ngẫm.
- Nội dung bắt trend: Netflix luôn cập nhật và bắt kịp các xu hướng mới nhất trên mạng xã hội để tạo ra các nội dung phù hợp. Ví dụ, khi trò chơi "Among Us" trở nên phổ biến, Netflix đã chia sẻ các hình ảnh và video chế từ các bộ phim như "Stranger Things" và "Money Heist" theo phong cách "Among Us", khiến nội dung trở nên thú vị và dễ dàng lan truyền.
Hợp tác với nhiều nhãn hàng
Netflix đã hợp tác với nhiều nhãn hàng nổi tiếng trên toàn cầu để mở rộng phạm vi tiếp cận và tăng độ hiện diện của thương hiệu với người tiêu dùng. Những chiến dịch hợp tác này cũng cho thấy sự sáng tạo và khả năng kết nối của Netflix với nhiều thương hiệu nổi tiếng, giúp họ tương tác với người xem theo nhiều cách mới lạ và thú vị.
Netflix hợp tác với Nike trong bộ phim ăn khách Lupin
Mới đây, bộ phim ăn khách Lupin của Netflix với sự tham gia của Omar Sy trong vai kẻ lừa đảo quyến rũ Assane Diop đã thu hút hàng triệu người xem trên toàn thế giới với cốt truyện ly kỳ, kỹ thuật quay phim tuyệt đẹp cùng những “bộ cánh” thu hút, thời thượng. Trong đó, giày thể thao của nhân vật chính Diop là yếu tố đáng chú ý nhất, hầu như chỉ đến từ Nike, đặc biệt là dòng Air Jordan.
Có thể nói, quan hệ đối tác này đã mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Bằng cách giới thiệu giày thể thao Nike trong Lupin, Netflix có thể thu hút nhiều người xem và lượt đăng ký hơn, đồng thời, tăng độ tương tác khán giả. Theo Netflix, Lupin đạt mốc lượt xem bởi 76 triệu hộ gia đình trong 28 ngày đầu tiên, trở thành loạt phim gốc phổ biến thứ hai trong lịch sử Netflix, chỉ sau The Witcher.
Netflix kết hợp với Spotify ra mắt thư viện nhạc phim
Netflix thông báo sẽ hợp tác với Spotify ra mắt nền tảng thư viện nhạc phim bản quyền và podcast cho các bộ phim, chương trình truyền hình, có tên gọi là Netflix Hub. Sự hợp tác này đã mang lại nhiều lợi ích cho cả hai nền tảng và tạo ra trải nghiệm âm nhạc độc đáo cho người dùng, đồng thời tạo ra một cầu nối tuyệt vời giữa âm nhạc và điện ảnh.
Đa dạng hóa cách tiếp thị
Netflix đã đa dạng hóa cách tiếp thị của mình để phù hợp với khán giả của từng quốc gia và khu vực, đảm bảo rằng chiến dịch quảng bá được điều chỉnh để phù hợp với văn hóa và thị hiếu của mỗi địa phương. Trong đó, màn comeback siêu đỉnh của bom tấn “Stranger Things 4” là một ví dụ điển hình về cách Netflix sáng tạo và tận dụng hiệu quả chiến lược tiếp thị của mình.
Ví dụ, tại Hàn Quốc, Netflix đã sử dụng quảng cáo kỹ thuật số trên các trang web và ứng dụng phổ biến tại thị trường này như Naver và Kakao nhằm thu hút sự quan tâm của khán giả.
Không chỉ vậy, các biển quảng cáo ngoài trời OOH cũng được triển khai sáng tạo tại các quốc gia Anh và Úc. Cụ thể, nhà sản xuất Netflix đã mô phỏng lại “cánh cổng dẫn vào thế giới ngược” của Stranger Things để kích thích sự tò mò và quan tâm của khán giả. Còn tại Úc, cánh cổng này được đặt trên bờ cát ở bãi biển Bondi nhằm tạo nên một khung cảnh kỳ lạ và có chút ám ảnh, khiến nhiều người dân thích thú.
>>>Bạn có thể thích: Học Netflix cách thực hiện chiến lược marketing toàn cầu qua bom tấn Stranger Things 4
Xây dựng cộng đồng mạnh mẽ
Netflix đã xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội, tập trung vào việc kết nối với khán giả, tạo ra sự tương tác và xây dựng lòng trung thành với người dùng.
Tương tác trên social media
Netflix đã tận dụng mạnh mẽ các nền tảng mạng xã hội để tạo sự kết nối và tương tác với người dùng, xây dựng một cộng đồng fan hâm mộ lớn mạnh, cụ thể:
- Chia sẻ nội dung hấp dẫn: Netflix thường xuyên đăng tải các đoạn trailer, hình ảnh hậu trường hay các đoạn video ngắn từ bộ phim và chương trình truyền hình. Ví dụ, trước mỗi mùa mới, các đoạn trailer của "Money Heist" luôn gây ấn tượng mạnh với những cảnh hành động kịch tính và tình tiết căng thẳng, nhằm kích thích và tạo tương tác với khán giả.
- Tương tác trực tiếp với người dùng: Netflix cũng chủ động trả lời các bình luận và tham gia vào các cuộc trò chuyện trên mạng xã hội nhằm kết nối với khán giả
- Tạo memes và nội dung viral: Netflix thường tạo ra các memes và nội dung vui nhộn liên quan đến các bộ phim và chương trình của mình. Ví dụ, khi "Bird Box" ra mắt, Netflix đã tạo ra và chia sẻ nhiều memes liên quan đến việc bịt mắt, khiến cộng đồng mạng sôi nổi thảo luận và chia sẻ
Sản xuất nội dung độc quyền
Netflix đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất các bộ phim và chương trình truyền hình gốc, tạo ra nội dung độc quyền và chất lượng cao để thu hút và giữ chân người dùng. Đây cũng là chiến lược khác biệt hóa của Netflix so với các đối thủ cạnh tranh mới nổi khác.
Một ví dụ gần đây là “Squid Game” - bom tấn sinh tồn của Hàn Quốc đã trở thành hiện tượng toàn cầu ngay sau khi ra mắt. Nội dung độc đáo và gây sốc đã khiến người xem không thể rời mắt, đồng thời tạo ra nhiều cuộc thảo luận và memes trên các diễn đàn mạng xã hội.
Sự kiện dành cho fan
Netflix tổ chức nhiều sự kiện đặc biệt dành cho người hâm mộ, từ các buổi công chiếu phim trực tiếp đến các sự kiện trực tuyến tuyến, nhằm tạo ra sự tương tác và kết nối sâu sắc hơn với cộng đồng người dùng. Ví dụ, trong buổi công chiếu của “The Witcher” mùa 2, Netflix đã tổ chức một sự kiện hoành tráng tại London với sự tham gia của dàn diễn viên chính như Henry Cavill, Anya Chalotra, thu hút đông đảo người hâm mộ và giới truyền thông.
Chúng ta có thể học được gì từ các chiến thuật tiếp thị của Netflix?
Netflix dường như tập trung nỗ lực tiếp thị vào content và social media. Vì sao lại như vậy? Netflix hiểu rằng, thời đại đang thay đổi, công nghệ đang thay đổi, người dùng ngày càng tinh tế và khó tính hơn. Nếu họ không bắt kịp thời đại chắc chắn sẽ bị tụt lại phía sau.
Netflix đạt được thành tựu phi thường trong một thời gian ngắn nhờ tiên phong trong lĩnh vực tiếp thị kỹ thuật số. Tiếp thị của họ vừa là nghệ thuật vừa là khoa học - một sự pha trộn mạnh mẽ giữa dữ liệu và sự sáng tạo.
Tận dụng phương tiện truyền thông
Vì phương tiện truyền thông xã hội là một kênh marketing được yêu thích trong những năm gần đây, nhóm truyền thông xã hội của Netflix đã sử dụng nó một cách thông minh để thu hút sự chú ý và khơi dậy tò mò từ khán giả. Thay vì tài trợ quảng cáo, họ tạo ra các bài đăng trên mạng xã hội một cách độc đáo, khuyến khích người dùng chia sẻ để trở nên viral, phổ biến.
Nhờ chiến lược tiếp cận sáng tạo, người dùng được thoải mái bình luận nội dung bên dưới các bài đăng của Netflix. Hãng cũng thường xuyên đặt câu hỏi và tạo các cuộc thăm dò kích thích người dùng, người hâm mộ bình luận các chủ đề đang thịnh hành trên Netflix hoặc các series phim sắp sản xuất.
Hợp tác với các đối tác khác lĩnh vực
Với các chiến dịch độc quyền và thỏa thuận hợp tác với một số tổ chức và công ty lớn, Netflix đã trở thành "trùm sò" trong lĩnh vực giải trí trực tuyến. Các chiến dịch kỹ thuật số của Netflix giúp họ gặp gỡ khách hàng mục tiêu ở bất cứ nơi nào, bất cứ thời gian nào.
Netflix hợp tác với nhiều công ty và ứng dụng như ngân hàng, Snapchat và Instagram với các chiến dịch đa kênh. Ví dụ: nếu bạn có tài khoản tại ngân hàng là đối tác chiến lược kinh doanh của Netflix, bạn có thể được giảm giá 50% khi đăng ký Netflix. Họ tạo hiệu ứng ảnh trên Snapchat và Instagram cho người dùng trên các ứng dụng đó. Họ cũng sử dụng e-mail marketing để quảng bá nội dung trên app.
Người dùng cũng có thể dùng thử Netflix miễn phí trong 30 ngày! Sau khi đăng ký, nếu không thích, bạn có thể hủy tư cách thành viên của mình trong 30 ngày mà không cần thanh toán. Nếu muốn tiếp tục xem, không cần cam kết hay hợp đồng phức tạp, chỉ cần nạp tiền vào tài khoản và tiếp tục sử dụng.
>>>Xem thêm: Cách Netflix làm thân với Gen Z để chinh phục thị trường Việt Nam: Chiến thần meme không ngại bắt trend mọi lúc
Tạm kết
Trên đây là những thông tin tổng quan về chiến lược marketing của Netflix. Nền tảng này đã chứng minh mình là một bậc thầy trong việc khéo léo tận dụng các chiến lược marketing sáng tạo và tiên tiến để duy trì và mở rộng lượng người dùng trên toàn cầu. Với nội dung hấp dẫn và hình thức tiếp thị kỹ thuật số thông minh, Netflix sẽ mãi duy trì ngôi vương, trở thành nhà cung cấp dịch vụ giải trí kỹ thuật số hàng đầu trong tương lai không xa.
Bình luận của bạn